Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Giáo phận Hưng Hóa nỗ lực phục vụ người H’mông vùng sâu xa

Giáo phận Hưng Hóa nỗ lực phục vụ người H’mông vùng sâu xa thumbnail

Người Công giáo H’mông tại các bản miền núi xa xôi ở tây bắc Việt Nam hiếm khi có linh mục tới thăm và dâng Thánh lễ cho họ. Nhưng mới đây, họ ngạc nhiên vì không chỉ có hai linh mục mà còn có cả giám mục tới thăm họ.

Đức giám mục phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long của giáo phận Hưng Hóa và hai linh mục đã đến đó dâng các Thánh lễ Phục sinh cho người Công giáo H’mông tại bảy bản làng trong huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La.

Tại mỗi nơi, các ngài giải tội, rửa tội cho nhiều người. Dân chúng đứng hoặc ngồi dự lễ trong nhà hoặc những chỗ đất trống.

Các ngài còn tặng tràng chuỗi, thuốc men và bánh mì cho họ ăn lấy sức mà về nhà trong khi trẻ em được nhận bong bóng và kẹo.

Huyện này có khoảng 1.000 người H’mông theo Công giáo, hầu hết đến đây lập nghiệp từ các tỉnh xung quanh từ nhiều thập niên trước. Họ sống tại các ngôi làng xa xôi thiếu điện đường trường trạm.

Chuyến thăm mục vụ này là chuyến thứ ba mà Đức cha Long thự hiện tới vùng này từ tháng Tám năm ngoái. Trong các chuyến thăm trước, ngài bị nhà chức trách cản trở dâng lễ ở đó.

“Ứu tiên hàng đầu của chúng tôi là truyền giáo cho các nhóm dân tộc thiểu số, nhất là người H’mông. Họ bị thiệt thòi quá nhiều do năm bảy chục năm không được hưởng sự chăm sóc mục vụ, vì thế phải ‘đền bù’ nhiều cho họ”, Đức cha Long cho biết.

Giáo phận Hưng Hóa gồm chín tỉnh và một phần Hà Nội và là giáo phận lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích. Trong địa bàn giáo phận có hơn 30 dân tộc chung sống mà chỉ mới có một ít người H’mông, Mường, Thái, Dao, Tày được biết Chúa. Có gần 20.000 tín hữu H’mông sống trong các vùng núi xa xôi của giáo phận.

Vị giám chức cho biết các thừa sai hải ngoại đã truyền đạo Công giáo cho người H’mông ở Sa Pa vào những năm 1850 và lập giáo xứ Sa Pa năm 1902. Do lối sống du canh du cư, các tín hữu H’mông đã đến sinh sống và lập nên nhiều giáo điểm tại các nơi khác.

Từ khi Cha Idiart Alhor Jean, nhà thừa sai hải ngoại cuối cùng ở Sa Pa, bị cộng sản giết ngày 18-5-1948, người H’mông phải tản cư tránh chiến tranh. Họ đến những nơi mới không có nhà thờ, linh mục chăm sóc, và tự giữ đạo, dạy giáo lý, rửa tội cho nhau cho đến khi giáo xứ Sa Pa được tái lập năm 1995.

Đức cha Long, người thường xuyên thăm mục vụ các cộng đồng Công giáo ở vùng sâu xa, cho biết giáo phận cố gắng hỗ trợ họ bằng cách đối thoại với chính quyền để công nhận họ, gửi linh mục, tu sĩ tới và xây dựng các nơi thờ tự và cơ sở mục vụ.

Đức cha Long, được tấn phong giám mục năm 2013, nói rằng chính quyền đã công nhận một số cộng đoàn Công giáo kể cả các cộng đoàn người H’mông tại các tỉnh mà trước đây bị xem là trắng tôn giáo. “Năm 2015, chính quyền Lai Châu mới công nhận một giáo điểm. Năm 2016, chính quyền Điện Biên cho thành lập giáo xứ Điện Biên” – Đức cha Long nói và thêm rằng cả hai tỉnh có gần 5.000 tín hữu.

Ngài cho biết chính quyền Sơn La đến nay vẫn chưa công nhận các cộng đoàn Công giáo trong tỉnh với khoảng 6.000 tín hữu.

Tuy nhiên, ngài nói, tại mỗi tỉnh đều có nhiều cộng đoàn sinh hoạt không chính thức, và hai cha được gửi đến cho mỗi tỉnh để làm mục vụ cho bà con Công giáo Kinh và H’mông.

Cha Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng, trưởng hạt Nghĩa Lộ, cho biết nhờ sự can thiệp của Đức cha Long với chính quyền mà quyền tự do tôn giáo được cải thiện chút ít tại các vùng sâu xa. “Có sáu linh mục đã được bổ nhiệm tới các bản người H’mông vùng sâu xa trong giáo hạt trong hai năm qua. Chúng tôi sẽ gửi thêm hai linh mục nữa đến cho họ trong thời gian tới” – ngài nói.

Cha Dưỡng cho biết ngài đã thăm được các cộng đồng H’mông ở huyện Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái sau khi Đức cha Long tới thăm họ lần đầu tháng Tám năm ngoái. Chính quyền địa phương cản trở giáo dân thực hành đạo, đe dọa đuổi việc họ, lấy lại ruộng đất hoặc cắt trợ cấp xã hội.

Cha Dưỡng cho biết các linh mục xây sửa các nhà thờ, tặng chuông, ảnh tượng và sách Công giáo cho các xứ đạo và xây các con đường nối các bản với nhà thờ.

Giáo phận với 116 giáo xứ và 600 giáo họ và giáo điểm đã xây sửa hàng chục nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ và các cơ sở khác mỗi năm. Các cơ sở cũ đã xuống cấp và nhiều nơi không có nhà thờ.

Cha Giuse Vũ Quốc Hội, phục vụ giáo xứ Giàng La Pán có 2,200 giáo dân H’mông từ năm 2014, cho biết ngài có thể cử hành phụng vụ bằng tiếng H’mông và hội nhập vào đời sống của bản làng.

Cha Hội, cha xứ đầu tiên, cho biết hầu hết giáo dân sống trong nghèo khổ, mù chữ và có từ 5-14 đứa con mỗi gia đình. Ngài cố gắng củng cố đức tin cho họ, dạy chữ và giúp họ từ bỏ những hủ tục như tảo hôn.

Ông Giuse Hờ A Trang, thành viên hội đồng giáo xứ, cho biết “Bà con vui mừng lắm vì hàng ngày có thánh lễ ở nhà thờ. Trẻ em được học giáo lý, người trẻ bước vào hôn nhân được học giáo lý. Chúa thương chúng tôi nhiều lắm”.

Ông Trang cho biết trước đây các linh mục đến thăm họ vào dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh. Tuy nhiên, thời gian còn lại trong năm thì các cặp hôn nhân không có lễ cưới trong nhà thờ và người già, bệnh sắp chết không được xức dầu, lễ an táng.

Trong các chuyến thăm cộng đồng H’mông ờ tỉnh Yên Bái hồi tháng Hai, Đức cha Long khuyến khích họ ở nhà siêng năng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo vì “Thiên Chúa yêu thương các con nhiều như những người khác”.

Ngài cho biết giải quyết chuyện thiếu linh mục là vấn đề đối với giáo phận chỉ có 114 linh mục phục vụ 240.000 tín hữu. Trung bình mỗi linh mục chăm sóc mục vụ cho 2.000-3.000 tín hữu trong địa bàn của vài huyện.

“Để có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ cấp bách trước mắt, chúng tôi kêu gọi các giáo phận hỗ trợ bằng cách cho mượn vài linh mục mỗi giáo phận. Nhưng đến nay chỉ mới được một linh mục đến làm việc” – ngài nói.

Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2017/05/03/giao-phan-hung-hoa-no-luc-phuc-vu-nguoi-hmong-vung-sau-xa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét