Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Phúc âm hóa giáo xứ dưới khía cạnh truyền giáo


Năm 2014 là năm “Phúc âm hoá đời sống gia đình”, và Hội đồng giám mục Việt Nam đã chọn cho năm 2015 này đề tài “Tân phúc-âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Giáo xứ được giới thiệu như một gia đình rộng lớn, là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. 

I. KHÁI NIỆM VỀ GIÁO XỨ

Người Việt nam chúng ta dùng những từ rất thân yêu: xứ, giáo xứ, địa sở, xứ sở là quê hương, là nơi ai đi đâu rồi cũng quay về, thật là ấn tượng và đáng yêu vô cùng. Ở miền Tây thì gọi là họ Đạo. Khi nói “họ”, người Trung người Bắc nghĩ đến họ lẻ nho nhỏ, nhưng họ Đạo ở miền Tây thì chính là giáo xứ. 

Nói “họ’, chúng ta nghĩ đến bà con thân thuộc. Họ cũng không khác gì xứ sở. Người có Đạo nghe chữ “họ” có lẽ nghĩ đến xứ đạo cũng như nghĩ đến họ trong tên của mình.

Còn nếu xét về từ nguyên, thì giáo xứ là gì? Trong Hợp Tuyển Thần Học tháng 3/2015, Cha Giuse Phan Tấn Thành OP phân tích, giáo xứ từ tiếng Hy lạp “paroikia” nghĩa là láng giềng, là sống gần nhau, đồng thời cũng có nghĩa là khách kiều cư, là người ở trọ. 

Ý nghĩa này thật thâm thúy vì dân Thánh Chúa ngay từ thời đầu tiên trong lịch sử Israel đã là dân lữ hành. Trong cuộc hành trình về quê Trời, dân Chúa sống bên nhau như những người láng giềng. Chúng ta nhớ dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, và chúng ta có câu trả lời: cộng đoàn giáo xứ là những người thân cận, cùng nhau tiến về nước Trời.

Và như vậy, giáo xứ chính là tập hợp những khách kiều cư đang trên con đường về Nước Trời. Trên con đường vạn dặm ấy, giáo xứ là thành phần của Giáo Hội địa phương, sống giữa lòng nhân loại. 

Nếu xét về Giáo Luật, Điều 515§1 của Bộ giáo luật (1983) định nghĩa giáo xứ như sau: “Giáo xứ là một cộng đồng tín hữu, được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận”.

Như vậy giáo xứ khác với các cộng đồng dân cư khác bởi vì Giáo xứ là cộng đồng dân Chúa, mang tính cách lữ hành, và có sứ mạng truyền giáo.

II. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO XỨ

Khi sống giữa lòng nhân loại như thế, cùng với Giáo Hội, giáo xứ chia sẻ vui buồn với con người chung quanh mình. Ở đây chúng ta lần giở giáo huấn của Hội Thánh, và chúng ta tìm thấy trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Thánh Công Đồng chung Vaticanô và Thông điệp Centesimus Annus của Đức Thánh Gioan Phaolô II những lời này:

“Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ. Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. 

Giữa lòng nhân loại và trong thế giới ấy, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người. 

Giáo xứ có sứ mệnh làm chứng tá cho Tin Mừng Đức Giêsu. Như vậy giáo xứ là một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa.

Trong Sứ điệp Khánh nhật Truyền Giáo 2009, Đức Thánh Cha Benedicto viết:

“Trước hết, một lần nữa chúng ta phải tái khẳng định rằng sứ mạng truyền giáo là nghĩa vụ dành cho hết mọi Ki-tô hữu. Do ân sủng và ơn gọi của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, địa bàn truyền giáo của các giáo dân là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao (x. GH, số 30-38). 

Là nghĩa vụ, bổn phận, nên người Ki-tô hữu cần phải thi hành. Đây không là một việc nhiệm ý, một lời khuyên lơn hay mời gọi mà là một mệnh lệnh, là lệnh truyền của Chúa Ki-tô, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại. Công đồng Vatican II đã xác quyết rằng “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ, số 3; x. GH số 17; TG, số 23, 36).”

Thế thì người tín hữu giáo dân hiểu truyền giáo là gì và làm gì để truyền giáo? Truyền giáo là nói cho người khác biết về Đức Giêsu Kitô, nói về ơn Cứu độ, làm cho Nước Chúa mở mang. Nhưng nói về Chúa như thế nào? Chúng ta truyền giáo như loan báo một tình yêu mới mẻ giống như người mới biết yêu vui sướng cho người khác thấy tình yêu của mình, loan báo về Chúa Giêsu như loan tin vui của một lễ cưới và tiệc cưới, hay chỉ là khoe khoang về điều cao đẹp mình đang có, hay chỉ thông tin như một chuyện lạ mà thôi?

Dựa vào huấn quyền Hội Thánh, con xin cụ thể hóa việc truyền giáo với vài điểm chính như sau:

1. Truyền giáo là gieo niềm hy vọng

Giáo Hội “chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” bởi vì Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất. Có nhiều niềm hy vọng. Có những hy vọng chỉ le lói. Có những hy vọng rất mơ hồ. Có những hy vọng dựa vào khoa học, vào kỹ thuật, hay dựa vào thái độ và khả năng của con người. Còn niềm hy vọng mà Giáo Hội đem đến là niềm hy vọng mãnh liệt, tuyệt đối và chắn chắn sẽ thành toàn. Truyền giáo là cho thế giới thấy niềm hy vọng đó sáng lên huy hoàng.

Chẳng hạn nhiều cha mẹ muốn con cái mình lấy người có Đạo. Điều đó hiển nhiên là tốt đẹp. Nhưng làm sao cho người kia chấp nhận Chúa Giêsu, chấp nhận chân lý cho cuộc đời của họ? Lắm khi chúng ta dạy giáo lý tân tòng bằng cách cho người ta thuộc lòng kinh bổn. Và khi đó, chúng ta tưởng họ đã tin. Nhưng thật sự họ có hy vọng gì về ơn Cứu độ trong Hội Thánh hay không?

Những người dạy giáo lý tân tòng hẳn có kinh nghiệm này: có một số người thuộc kinh, thuộc giáo lý, nhưng họ không thấy lời kinh hay giáo lý ấy đổi mới họ và gieo niềm hy vọng cho họ.

Mà niềm hy vọng thì chỉ loan báo bằng lửa của trái tim, chứ không chỉ bằng lời. Khi ta vui lên, khi ta reo lên, khi ta mãnh liệt mong chờ hồng ân Cứu độ thì ta mới khơi lên ngọn lửa hy vọng nơi người đời.

Vậy truyền giáo, trước hết là tin rằng Giêsu đang hiện diện, đang đốt cháy, đang làm bừng lên ánh Tin Vui trong ta, thì ta mới giúp người khác bừng lên niềm hy vọng vào Người.

Có một Cha xứ ở Sàigòn kể: khi ngài mới về xứ Đạo, ngài đi thăm mọi người sống trong khu vực giáo xứ, kể cả người không Công Giáo. Khi ngài vào nhà một ông cụ đã hơn 80 tuổi, thì ông rất vui, và Cha xứ nói cho ông biết về niềm hy vọng vào Đức Giêsu, ông cảm động lắm, và ông nói với Cha: “Hơn 80 năm nay chưa ai nói với tôi về Chúa Giêsu hết!”. 

2. Truyền giáo là kể chuyện Chúa Giêsu

Chúng ta đã nghe và áp dụng phương pháp Giáo Lý mới đang dần phổ biến. Đó là phương pháp hành trình Emmaus. Con thiển nghĩ việc truyền giáo có lẽ cũng nên áp dụng phương pháp hành trình Emmaus, vì phương pháp này do chính Chúa Giêsu thực hành trước tiên. Khi dạy giáo lý theo phương pháp này, Giáo lý viên “đi các bước” như sau (các bạn có thể đọc bài TIẾN TRÌNH VÀ TỔ CHỨC MỘT BUỔI GẶP GỠ GIÁO LÝ của tác giả Md Phạm Thúy trong website http://www.bangiaoly.org/su-pham/tam-ly/tien-trinh-va-to-chuc-mot-buoi-gap-go-giao-ly/):

- Tiến đến và cùng đi

- Lắng nghe và chấp nhận

- Thấu hiểu và cảm thông

- Giải thích Kinh Thánh

- Dấu chỉ bẻ bánh

- Nhận ra Chúa Giêsu

- Chúa Giêsu biến mất

- Các môn đệ nhớ lại, nội tâm hóa.

- Các môn đệ đứng dậy & quay trở lại Giêrusalem, thuật lại cho các bạn hữu nghe 

Trong buổi Giáo Lý, Giáo lý viên cũng tiến đến và cùng đi với các em, lắng nghe các em v.v… cho đến khi các em cảm về Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu, quyết định lên đường và nói về Chúa Giêsu. 

Truyền giáo cũng như thế. Ta sẽ không thể nói về Chúa Giêsu khi không đồng hành cùng con người thời đại, không lắng nghe và đón nhận họ. Và đồng hành hay lắng nghe cũng là vô nghĩa nếu ta không giới thiệu về Chúa Giêsu cho họ và không giúp họ nói về Chúa Giêsu.

Nhưng nói về Chúa Giêsu là gì? Thưa là thuật lại những điều kỳ diệu Người đã làm cho nhân loại. Anh em Tin Lành thường hay tiếp cận mọi người và đọc nguyên văn Kinh Thánh cho người khác nghe. Chúng ta có thể có cách làm khác đi một chút. Tại sao chúng ta không nhân những cơ hội thuận tiện khi làm việc, khi giao tiếp… để giới thiệu gương mặt hiền hậu và dịu dàng của Đức Giêsu Kitô cho anh em, dù có lúc rất khó khăn.

Đi dạy học chẳng hạn, chúng ta có thể dùng chính nội dung môn học cho người khác thấy sự kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa, ấy là truyền giáo. Dạy Anh văn, chúng ta có thể giới thiệu cho học viên thấy các từ ngữ xuất phát từ Tin Mừng như thế nào, và văn minh thế giới đến từ Kitô giáo ra sao. 

Như vậy kể chuyện về Chúa Giêsu có nhiều cấp độ: nói xa gần – nói gián tiếp – kể trực tiếp về Người.

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nói:

“Nói đến Tin Mừng, đến Lời Chúa, thường chúng ta nghĩ ngay đến cuốn Thánh Kinh, đến những câu văn, chữ viết trong sách đó chứ ít khi nghĩ đến Ngôi Lời sống động mà mình phải tìm gặp, yêu thương và giới thiệu cho người khác.

Nói về Chúa Giêsu là đem tâm tình, cách ứng xử và ơn Cứu độ của Người đến cho anh em. Giáo huấn Xã Hội Công Giáo xác định ơn Cứu độ không phải chỉ dành cho linh hồn con người, mà là cho chính thân xác con người và các thực tại trần gian. Chính thân xác này, thực tại này, những âu lo hài lòng, vui mừng sầu khổ, đều là đối tượng của Ơn Cứu độ.

Con xin nhắc lại lời Hội Thánh:

“Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ”

3. Truyền giáo là dấn thân phục vụ

Khi gặp gỡ các Giám mục Hàn Quốc trong chuyến Ad Limina đầu năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các giám mục rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là “một cuộc đời phục vụ, trao ban cách tự do, cho các linh hồn được ủy thác cho chúng ta chăm sóc, không trừ một ai.”

Chúng ta thấy mô hình giáo xứ ngày xưa giống như một Kim Tự Tháp, Cha xứ lãnh đạo, điều hành và hoạt động một mình. Giáo dân từ cạnh đáy tam giác quy tụ về Cha xứ. Điều này có ưu điểm vào thời đại đó khi mà người giáo dân chưa trưởng thành.

Ngày nay, tinh thần Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội đồng trách nhiệm mở ra cho người giáo dân những phận vụ mới, những cơ hội phục vụ mới và những hướng đi mới. Giáo xứ như một vòng tròn, các mục tử đứng giữa, quy tụ dân Chúa và cùng nhau phục vụ.

Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Kh 21,3), để con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn; nhờ đó, con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô. Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Giáo Hội không sống trong trừu tượng hay thuần tuý thiêng liêng, mà ở trong chính bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống”.

Mục tử đến với đàn chiên và rồi cùng nhau đến với tha nhân để phục vụ họ là cách truyền giáo hữu hiệu. Các đoàn thể, các hoạt động bác ái xã hội nhóm… đang đi con đường này.

Một bác sĩ đã xin trở lại Đạo và lãnh bí tích Rửa Tội tại nhà thờ Chính Tòa Hà nội ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 08/12/2000. Ông chia sẻ rằng chính khi làm việc tại trại phong Quy Hòa, tấm gương phục vụ của các nữ tu đã làm ông suy nghĩ và quay về với Chúa.

III. KẾT LUẬN

Như ở phần đầu con có trích giáo huấn của Hội Thánh “Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất”, thì thật tuyệt vời khi chúng ta nhận thấy Giáo Hội nói rõ niềm hy vọng đó do ai thừa kế đầu tiên. Tại trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu này, thật tuyệt vời khi chúng ta đọc lại Giáo huấn của Hội Thánh trong Thông điệp Redemptoris Mater của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Huấn thị Libertatis Conscientia của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin: “Người thừa kế niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô chính là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô”. 

Qua lời “Xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, Mẹ đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới trong lịch sử, còn gọi là Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinh “Magnificat”, ngài ca tụng mầu nhiệm Cứu Độ đến gần, sự xuất hiện của “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1). Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth ca tụng với tinh thần hân hoan, chính là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).

Một gia đình luôn chạy đến với Mẹ Maria là gia đình hạnh phúc.

Một giáo xứ luôn tìm về Mẹ Maria là giáo xứ đầy niềm vui.

Có niềm vui, có hạnh phúc bên Mẹ, chúng ta lại theo Mẹ đem Chúa đến cho anh chị em chúng quanh chúng ta.

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/147729.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét