Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Phục sinh làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống


Thong Bahnar là một không gian bao trùm thổ cẩm của người sắc tộc Bahnar giữa lòng Sài Gòn. Nơi đây trưng bày những sản phẩm thủ công truyền thống chính hiệu của Huỳnh Nguyên Thông. Chàng trai trẻ được sinh ra tại phố núi Kontum, ấp ủ lý tưởng vực lại làng nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Thông tự làm khó mình, bước vào con đường thổ cẩm gần như đã hết thời, có nguy cơ biến mất khỏi đời sống xã hội của người đồng bào sắc tộc thiểu số trên miền đất huyền ảo Tây Nguyên.

ÐỊNH NGHĨA LẠI THỔ CẨM
 
Cuộc đời tự có những sắp xếp riêng, để đưa Thông về đúng với vị trí của mình. Anh cho biết bản thân tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp, trở thành giám đốc sản xuất của một nhà máy ô tô tại Sài Gòn, nhưng làm được hai năm thì bị tai nạn giao thông khá nặng, phải nghỉ dưỡng trong thời gian dài. Khi quay lại, công ty có nhiều thay đổi, nên quyết định thôi việc và tìm một hướng đi mới.
Dợm người với tay lấy chiếc túi thổ cẩm để trên kệ đã được 10 năm, chàng trai trẻ hồ hởi khoe: “Thuở tôi còn nhỏ, ba hay vào các buôn làng của người đồng bào trao đổi hàng hóa lấy trâu bò, thổ sản của người dân tộc Bahnar. Trong đó luôn có những sản phẩm được làm từ thổ cẩm như túi đeo, khăn choàng. Tôi sử dụng nó từ tấm bé cho đến khi vào Sài Gòn học, không biết từ bao giờ, thổ cẩm đã in sâu vào tâm hồn”. Cầm chiếc túi đeo màu trắng anh đưa, tôi thấy nó không thay đổi là mấy, vải dệt không bị tưa xù hay ngả ố, cầm chắc tay, chỉ có vài vệt dơ nhỏ li ti vấy phải khi dùng. Với Thông, bất cứ sản phẩm nào được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, dệt tay thủ công truyền thống, hoa văn mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên đều thật sự có giá trị.
Thong Bahnar - một không giao bao trùm thổ cẩm của người sắc tộc Bahnar giữa lòng Sài Gòn
Thời gian nghỉ dưỡng ở nhà, Thông đọc sách báo thấy mọi người có xu hướng quay trở lại sử dụng áo dài, nên bỗng nảy ra ý tưởng phối hợp với hoa văn thổ cẩm. Anh trở về làng, tìm lại các nhà dệt thổ cẩm thủ công truyền thống khi xưa nhưng chẳng còn ai mặn mà. Không còn thấy các bà các mẹ ngồi cặm cụi bên khung cửi. Không còn những vườn cây bông. Chẳng thấy những dải sợi chỉ được nhuộm màu phơi bên hiên nhà. Người thiếu nữ trẻ thì không mấy tha thiết với nghề, các bà các mẹ đành cất khung cửi vào một góc khuất, bụi phủ mờ. Trong khi đó, quần áo của người Kinh quá tiện dụng, hoặc nếu cần mặc đồ thổ cẩm thì vào các dịp lễ hội, Tết nhất vẫn có những người mang đồ thổ cẩm dệt công nghiệp may sẵn lên bán cho đồng bào, vừa rẻ lại không mất công. Tuy nhiên, dễ dãi pha tạp nhiều yếu tố ngoại lại khiến người đồng bào dần đánh mất đi bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc mình.
Dù mang trong mình dòng máu của người Kinh, nhưng Thông lại có duyên nợ với thổ cẩm của người đồng bào. Anh quyết tâm vực lại nghề dệt cổ truyền và trả lại giá trị đúng nghĩa cho sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống chính hiệu. Anh bảo: “Tất cả những tấm vải dệt, vật dụng mà mọi người thường hay gọi là thổ cẩm trên thị trường thường thấy hiện nay như ba lô, túi xách, ví… thực ra không phải là thổ cẩm, mà chỉ là vải dệt có hoa văn thổ cẩm”. Anh lý giải, một tấm thổ cẩm đúng nguồn gốc được hoàn thiện phải trải rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc trồng cây bông đến thu hoạch khoảng năm tháng, tách hạt lấy bông rồi se sợi, xong mang đi nấu cho chắc, sau đó nhuộm phơi, tách ra thành từng lọn rồi kéo sợi lên khung cửi để dệt, bước cuối cùng là chốt màu. Tất cả các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và do chính đôi tay của người thợ bên khung cửi dệt nên. Một nghệ nhân dệt thổ cẩm đúng nghĩa và sản phẩm thổ cẩm chính cống phải trải qua hết những công đoạn này. Ðặc biệt, tấm thổ cẩm càng lâu năm càng đắt. Có những tấm 10 năm, 20 năm, thậm chí lên tới 50 năm và có giá gấp 10 sản phẩm họa tiết thổ cẩm công nghiệp.
Cùng các bà, các mẹ trong tổ dệt kiểm trả lại sản phẩm mới

Ý định của Thông gặp phải sự khuyên can của bạn bè và người thân: “Tôi đang đi con đường nhỏ, quá hiếm người chịu bám với nghề thổ cẩm. Cho dù là người làm về lĩnh vực thời trang cũng không chọn chất liệu xuyên suốt là thổ cẩm”, anh trải lòng. Nhưng khác với dáng vẻ thư sinh nhỏ nhắn bên ngoài, chàng trai trẻ rất kiên quyết và tin vào điều có ý nghĩa mình đang làm.
Gần 10 năm qua, anh đã âm thầm đi về khắp các bản làng quê mình để tìm kiếm những người thợ dệt thủ công còn sót lại, khích lệ và đồng hành với họ vực dậy nghề dệt với những thủ thuật cổ và nét văn hóa đặc trưng bí ẩn của người bản địa. Thời gian đầu đã gặp không ít khó khăn do chưa hiểu rảnh rẽ ngôn ngữ của người Bahnar. Làng dân tộc thường nằm ở sâu trong rừng, người già lớn tuổi hầu như ít giao tiếp bằng tiếng Kinh, hoặc dầu có nói mình cũng rất khó hiểu. Song, ngôn ngữ trên khung dệt thổ cẩm thì hai bên lại rất đồng cảm. Ngồi quan sát, theo dõi vô tình có công đoại nào không đúng, hoặc mối chỉ bị rối Thông đều biết và trao đổi với người dệt. Như Thông nói, đây lại là giai đoạn đáng nhớ và quyết định thành công của anh sau này. Anh không quên gợi lại những kỷ niệm nho nhỏ, vui vui khi về làng học nghề với bà con: “Sự phân công lao động của người đồng bào xưa nay rất rõ ràng. Phụ nữ dệt thổ cẩm, thêu thùa, còn đàn ông làm những công việc nặng nhọc hơn. Ít khi nào thấy họ đụng tay vào những công việc của các mẹ. Vì thế khi đến, mình sấn vào phụ các mẹ nhuộm, phơi sợi, người làng ai cũng bất ngờ và thích thú”.
Bức tranh thiên nhiên Bahnar dệt thổ cẩm thủ công được Thong Bahnar làm cho nhóm Design For Change Việt Nam, dâng tặng Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị trẻ em thế giới tháng 11.2019

ÐỂ THỔ CẨM KHÔNG CÒN LÀ KÝ ỨC
Tranh thủ những đợt về làng, anh tìm hiểu và kiếm cách trồng lại các vườn bông để có nguyên liệu tự nhiên se sợi dệt thổ cẩm, đồng thời tìm đến những làng chỉ còn một hai người dệt. Họ phải là những người phụ nữ cao niên có kinh nghiệm, dệt giỏi và biến hóa sáng tạo trong kỹ thuật tạo hoa văn họa tiết mang nét đặc trưng riêng của tộc người mình. Thông chủ ý: “Mỗi làng Bahnar là một xưởng dệt. Trong đó buộc phải có hai thế hệ, một người già truyền nghề và một người trẻ tiếp nối. Muốn thổ cẩm sống thì phải khuyến khích cho bằng được người trẻ học nghề. Ðảm bảo mua hàng cho họ. Gây cho họ ý thức giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc”.
Làm sao để tìm đầu ra cho sản phẩm, phân phối tiêu thụ được hàng hóa? Giải được bài toán này mới có thể hy vọng vào tương lai của làng nghề dệt thổ cẩm thủ công. Thông trăn trở: “Thổ cẩm chính cống không phải để chưng trong tủ kính, không chỉ dừng lại ở việc diện một lần trên sàn diễn thời trang rồi rơi vào quên lãng. Không, Thong Bahnar muốn thổ cẩm của mình phải làm đúng sứ mệnh của nó, mang lại giá trị cho người sử dụng”.
Chàng trai phố núi tìm cách đổi mới, nâng cao tính ứng dụng của thổ cẩm vào trong cuộc sống thường ngày. Vốn là dân mỹ thuật nên anh khá sáng tạo và nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng mới. Anh cho biết: “Khâu nhuộm và dệt được chúng tôi chú trọng cải tiến. Khám phá nguyên liệu nhuộm từ thiên nhiên hoa lá, khoáng vật và cách thức mới cho ra màu phong phú, thân thiện với người dùng. Mang lại sự đặc sắc cho thổ cẩm Bahnar, không còn đơn điệu hai màu đỏ đen như trước đây. Bên cạnh nỗ lực phục cổ những mẫu hoa văn độc đáo lâu đời của người làng, tôi còn ứng dụng kỹ thuật xếp chỉ, phối màu mới, giúp người xem có thể cảm nhận được sự chuyển động của hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm như kỹ thuật 3D. Tất cả hoa văn đều có ý nghĩa, là một phần của câu chuyện kể lưu truyền muôn đời của người Bahnar…”.
Bức tranh thổ cẩm Bahnar được kết lại cùng với tranh của các nước khác
dâng tặng Đức Giáo Hoàng

Anh lấy nhiều tấm thổ cẩm trưng bày ở cửa tiệm giới thiệu cho tôi xem và so sánh. Có những tấm độc đáo đến độ không biết người thợ dệt đã làm như thế nào mà chỉ khi mở máy ảnh của điện thoại ra soi vào mới thấy hoa văn thổ cẩm hiện lên tinh xảo. Hay có tấm chỉ duy nhất một màu đen mà vẫn thấy hoa văn chìm nổi, ẩn hiện rất bí ẩn. Thông là người trong nghề mà cũng lắc đầu không hiểu vì sao có thể dệt ra được như vậy, hai mặt lồi lõm một màu, dệt không sai một chút nào. Biến hóa không ngừng nhằm đa dạng tính ứng dụng của thổ cẩm nhưng Thông vẫn tôn trọng linh hồn nguyên bản của thổ cẩm cổ, bằng cách giữ lại những điều tự nhiên, gần gũi với người dân tộc bản địa.
Từ những tấm thổ cẩm đã được dệt, Thong Bahnar liên tục cho ra những sản phẩm mới có kết hợp với thổ cẩm thủ công, đa dạng tiện dụng như giày dép, túi xách, khăn choàng, váy đầm, áo dài nam, áo dài nữ, drap bọc giường, áo gối…, và nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Nhiều người tìm đến mua hàng và nghe anh chia sẻ con đường thổ cẩm của mình.
Thông là con nhà đạo hẳn hoi, cuối tháng 11.2019, anh rất may mắn khi được đặt làm một món quà  tượng trưng cho văn hóa của nước mình để dâng tặng Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị thiếu nhi lớn nhất thế giới Design For Change diễn ra tại Rome. Ðó là một bức tranh thổ cẩm khổ 30cmx30cm được dệt tay thủ công bởi người nghệ nhân lão luyện nhất. Trên bức ảnh có những họa tiết như nhà rông, cây nêu, hai người phụ nữ giã gạo, con nai…, là những hoạt động quen thuộc trong đời sống thường ngày của người dân tộc Tây Nguyên. Tất cả các tấm tranh nhỏ của các đơn vị được chọn đi giao lưu sẽ được kết thành một bức tranh cực lớn, biểu thị cho ý nghĩa kết nối và hòa hợp nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.
Nói về định hướng phát triển trong tương lai, Thông bật mí sang năm anh sẽ mở một xưởng dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở quê hương mình, sẽ tập trung các bà, các mẹ, các người dệt trẻ lại để họ ngồi dệt, tạo công ăn việc làm và giúp tiêu thụ sản phẩm. Còn tầng ở trên anh sẽ dùng để trưng bày sản phẩm, tổ chức các buổi họp mặt, giao lưu chia sẻ về nghề và cuộc đời người nghệ nhân bên khung cửi giữa các làng. Không chỉ có tộc người Bahnar mà còn phát triển nơi các tộc người khác như S’Tiêng, Rơ ngao, Chu ru, Cil…
Con đường Thong Bahnar đang đi khiến tôi liên tưởng tới một câu trong Kinh Thánh “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 14). Thong Bahnar là một trong số ít người trẻ tìm được lối đi vào cửa hẹp và đường chật, và phần thưởng mà anh nhận được là sự hưởng ứng và đón nhận của nhiều người. Với những điều mà anh đang làm, anh gieo thêm niềm hy vọng cho người đồng bào quê hương mình tin vào tương lai phía trước rằng, thổ cẩm đang và sẽ phục sinh.

NGỌC LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét