Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

CHÚC MỪNG LỄ HIỂN LINH - Bổn mạng Ca đoàn Hiển Linh


Năm nay, Chúa nhật ngày 06 tháng 01, phụng vụ Giáo hội mừng kính lễ Hiển linh. Tuy nhiên nhiều người vẫn quen gọi là lễ Ba vua? Danh xưng nào chính xác hơn, lễ Ba vua hay lễ Hiển linh?

Hiển linh

Nếu chỉ phân tích từ ngữ Hán Việt, thì quả thực là khó nói. “Hiển linh” là gì? Trong từ điển tiếng Việt, “Hiển linh” (động từ) được định nghĩa là “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng, theo mê tín”. Lê Thanh, tác giả cuốn Tiếng nói nôm na (1999), định nghĩa “hiển linh” (tính từ) là “rất linh thiêng, thiêng liêng lộ rõ ra bằng sự thật”. Tuy vậy, dù hiểu “hiển linh” như động từ hay tính từ đi nữa, thì chẳng qua cũng là dịch bởi danh từ gốc Hylạp “epiphania”, có nghĩa là “sự hiện ra, bày tỏ”.

Tân ước dùng từ này để nói đến việc Thiên Chúa đã xuất hiện (tỏ lộ, mặc khải) cho nhân loại ở nơi Đức Giêsu (Lc 1,79; Tt 2,11; 3,4), hoặc là việc Đức Kitô sẽ xuất hiện trong vinh quang ngày tận thế (2Tm 4,8; Tt 2,13). Phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là bên Đông phương nói đến ba cuộc tỏ hiện của Đức Giêsu: thứ nhất cho các đạo sĩ, thứ hai tại sông Giođan, thứ ba tại tiệc cưới Cana. Ba biến cố đều nhằm bày tỏ thiên tính của Đức Giêsu, đặc biệt vào chặng đầu của mầu nhiệm Nhập thể. Cả ba biến cố đều được ghi lại trong Tin mừng, và được tóm lại trong Điệp ca Magnificat Kinh chiều lễ Hiển linh.

Tại sao gọi là lễ Ba Vua?

Như vừa nói, lễ Hiển linh (Epiphania) mừng ba biến cố mà Chúa Giêsu xuất hiện cho nhân loại. Tuy nhiên, biến cố thứ nhất (Giêsu tỏ hiện cho các đạo sĩ) thu hút sự chú ý của dân gian hơn, bởi vì biến cố này gắn liền với lễ Giáng sinh. Tại hang đá Bêlem, nơi hài nhi Giêsu sinh ra, bên cạnh tượng Hài Nhi nằm trong máng cỏ giữa con bò và con lừa, người ta đặt tượng Đức Mẹ, thánh Giuse; xa hơn chút nữa là các mục đồng được thiên thần báo tin. Theo truyền thống, mãi hơn 10 ngày sau, người ta mới thêm ba vua từ phương xa đến thờ lạy Chúa, mang theo lễ phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vì thế, lễ Hiển Linh còn gọi là “lễ Ba Vua”.

Ở đây, chúng ta cần phải phân biệt đâu là nền tảng Kinh thánh, và đâu là truyền kỳ dân gian. Bản văn Tin mừng theo thánh Matthêu 2,1 nói họ là “mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem” và không xác định con số là bao nhiêu, chứ không phải là ba nhà vua. Nhiều bức hoạ cổ vẽ hai, bốn, sáu, tám, và thậm chí có nơi tăng đến số 12 vị vua. Tuy nhiên, vào thế kỷ III, giáo phụ Origênê đã nói đến 3 vị, và truyền thuyết này dần dần lan rộng trở thành phổ thông từ thế kỷ V.

Theo các nhà chú giải Kinh thánh, các nhà “chiêm tinh” mà Kinh Thánh nói tới là các nhà thiên văn, và cách riêng ở bên Batư, họ thuộc hàng ngũ tư tế, làm cố vấn cho nhà vua về y khoa và thiên văn. Còn truyền thống coi họ là “các vua”, bởi vì móc nối với thánh vịnh 72,10 : “Từ Tácxít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ảrập, Saba, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”. Thực ra thánh vịnh 72 nói đến các vua chúa Ảrập và Saba đến yết kiến vua Salômôn vì khâm phục tài trí khôn ngoan của ông. Nhưng các Kitô hữu áp dụng cho các vua từ tứ phương đến thờ lạy Chúa Giêsu.

Như vậy chuyện ba vua là do truyền thống dân gian dựng nên sau này. Còn khi kể chuyện các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa Hài Nhi là vua, như câu hỏi các ông đặt ra cho vua Hêrôđê: “Đức Vua của dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài”, thánh Mátthêu muốn nói với chúng ta điều gì? Các giáo phụ giải thích ý nghĩa rằng 3 phẩm vật: vàng, hương, mộc dược là ba phẩm tính của Đức Giêsu (vàng biểu tượng của quyền lực nhà vua, hương tượng trưng cho vinh quang Thiên Chúa, mộc dược muốn nói đến con người sẽ phải chết). Tuy nhiên, có lẽ thánh Matthêu không đi xa như vậy. Điểm chính mà thánh Mátthêu muốn nhắm chính là cho thấy các dân ngoại từ phương xa đã biết nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, đang khi mà dân Dothái thì thờ ơ lãnh đạm, thậm chí còn muốn tìm cách thủ tiêu Người nữa.

Chúng ta vừa tìm hiểu hạn từ và ý nghĩa của ngày lễ Hiển Linh cũng như nền tảng Kinh Thánh hay truyền thống cho tên gọi “lễ Ba Vua”. 

Học viện Đa Minh

Tài liệu biên soạn
Lm. Phan Tấn Thành, O.P., Hiểu để sống đức tin, tập II. Học viện Đa Minh. 2009

Nguồn: http://daminhvn.net/hieu-de-song-duc-tin/le-hien-linh-hay-le-ba-vua-21738.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét