Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Tìm Chúa nơi các bản làng heo hút

Ðã nhiều năm, không nhớ khởi đầu từ lúc nào, nếu ngồi mà nhớ thì hẳn là đoạn đường dài. Những điều đọng lại có lẽ chẳng có gì khác ngoài sự nghèo khó của bà con dân tộc ở buôn làng hay ánh mắt tươi vui, đầy hy vọng của các em nhỏ, dẫu chúng đang sống trong tuổi thơ thiếu thốn”, đó là chia sẻ rất đơn sơ mà chân thành của chị Nguyễn Thị Thảo Uyên, giáo dân xứ Phương Hòa, giáo phận Kontum. Ðối với chị, sống, đồng nghĩa trao đi, trao tất cả bằng khả năng của mình.

 

“Cho kẻ đói ăn”

 

NHỮNG CHUYẾN ÐI…

Có thể nói rằng mỗi ngày của chị Uyên là một chuyến đi. Chị đi không xa, nhưng đi đến những nơi cần. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện. Có hôm, chị đẩy xe vô sâu trong làng, gởi các nhà phần gạo chục ký, thùng mì tôm. Hôm khác, chị tạt qua khu xóm nào đó, cũng toàn người sắc tộc, nấu 1000 tô bún riêu cho con trẻ. Những đứa bé sinh trưởng trong gia đình nghèo đói, gặp chị như gặp người cô, người dì đầy yêu quý từ phương xa trở về mang nhiều quà cáp. Chúng xúm xít, tụm quanh. Chúng náo động. Chị dạy bọn trẻ trật tự xếp hàng để nhận quà, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi… Người lớn - những cụ ông, cụ bà sắp đi qua một đời mà cái nghèo vẫn chưa chịu rời bỏ, gặp chị cũng không giấu được niềm vui trên khuôn mặt. Ðơn giản, cuộc sống họ thiếu thốn quá. Chị nói với chúng tôi, nhìn bà con mình mà thương: “Tôi lớn lên ở Tây Nguyên này, cùng chứng kiến sự thiếu thốn của họ và không cầm lòng đặng. Ngay hiện tại và xuyên suốt mấy tháng qua, tôi dặn mình phải cố sức nhiều hơn để giúp các bà con sắc tộc. Ðược bao nhiêu hay bấy nhiêu. Những việc rất nhỏ thôi mà cần thiết và đều đặn, tỉ như tổ chức nấu bún riêu cho học sinh nghèo ở sâu trong các thôn bản, phát gạo cho các hộ gia đình đông con, phát bánh mì, rau, mì gói…, tất cả những gì ân nhân cho, tôi đều chuyển đến tận tay người cần”.

Chị Uyên lớn lên trên mảnh đất Kontum cằn cỗi. Từ bé, lúc mới tập tễnh đến trường đã vai kề vai với bạn bè dân tộc. Chị bảo, trong thâm tâm, chị kịch liệt phản đối thái độ phân biệt màu da, sắc tộc của một bộ phận người Kinh, “khôn lỏi” với dân làng. Ví như chuyện mua bán thường nhật trong đời sống, người Kinh sẽ được chủ quầy bán rẻ, còn anh em dân tộc thiểu số, vốn đã nghèo lại bị o ép với giá cao hơn, nhỉn hơn một vài ngàn. Và còn biết bao chuyện khác. Chị hồi tưởng, thuở nhỏ đi học đã mạnh dạn đứng về phía các cô bạn người dân tộc, bênh vực bạn trong những trận chiến của học trò. Giọng chị nghẹn ngào, xúc động: “Người đồng bào đáng thương lắm!”.

Chung sống gần gũi với bà con nên chị am hiểu những tập tính sinh hoạt, những thứ còn thiếu thốn của họ. Chị chạy vạy khắp nơi để xin những thức cần thiết cho bà con nghèo. Thuốc men. Thực phẩm. Nước uống. Ðồ dùng cá nhân, từ cái bàn chải đánh răng đến bánh xà phòng… Mọi thứ. Ngày, buổi sáng tầm 8 giờ, sau khi sắp xếp xong xuôi việc nhà, chu toàn trách nhiệm cho chồng và hai con, chị đẩy xe vô các bản. Ngày thư thả, trời nắng tốt thì đi nhiều và sâu hơn, mấy chục cây số. Hôm nào bận hay lúc mưa dầm dề thì tranh thủ ghé một, hai làng. Cứ thế, đều đều nhiều năm qua, chị mang niềm vui đến cho anh em đồng bào. “Ðó là cách sống thiết thực nhất của người tông đồ, người con Chúa”, chị nói.

Lặng lẽ và liên lỉ, chị Uyên đang gieo rắc yêu thương bằng những hành động cụ thể nhất 

 

VÀ BAO NIỀM MONG ƯỚC

Cho đến bây giờ, Tây Nguyên vẫn được liệt kê là khu vực đời sống kinh tế khó khăn. Người dân tộc, với bản tính hiền lành mộc mạc còn chịu nhiều thua thiệt. “Tôi chẳng cần đáp lại thứ gì. Thậm chí, có bao giờ dám nghĩ đến điều đó đâu. Tôi chỉ thấy sao họ khổ quá và cứ tìm cách giúp, vậy thôi”, chị tâm sự. Trong hành trình sống đạo, chị được đánh động nhiều bởi cha Tổng Ðại diện giáo phận Kontum Phêrô Nguyễn Vân Ðông từ những mục vụ bác ái, sự hy sinh và đặc biệt là tâm huyết của ngài cho người nghèo. Chị còn tham gia các nhóm sinh hoạt mà cha linh hướng, được chỉ bảo tận tình. Vốn xuất thân là cử nhân ngành Công tác xã hội, lại từng có một thời gian tìm hiểu đời sống tu ở hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ, những ý niệm, suy tư, bài học trên giảng đường, “cái máu dấn thân” trong người hòa hợp lại, cộng với sự hun đúc tinh thần từ vị cha già đã thôi thúc chị để gắn bó với người dân tộc qua nhiều năm tháng.

Không chỉ giúp đời sống vật chất, cơm áo, lương thực hằng ngày, chị Uyên như người bạn sát cánh với người nghèo dân tộc trong mọi tình huống. “Nhiều lần, bản thân bị đặt vào những hoàn cảnh không thể hình dung nổi, nhưng mình phải giúp thôi. Nhờ các ân nhân rồi phải kiên trì”, chị Uyên chia sẻ. Nhiều khi, bất đắc dĩ, chị phải theo “tò tò” bà mẹ trẻ để ngăn, không cho phá thai. Lắm lúc trong buôn nửa đêm có người gặp cơn tai biến, người phụ nữ này nhanh chóng đã có mặt trên xe cấp cứu xuống tận Sài Gòn, rồi làm thủ tục, rồi ký tá giấy tờ thay… như người nhà, bởi người thân ruột thịt kia đi theo nhưng… mù chữ.

Mùa dịch vừa qua, ở Tây Nguyên lại xảy ra nạn hạn hán kèm theo. Số đông người di dân là các anh em dân tộc bỏ thành phố về lại làng. Mùa màng thất thu. Cuộc sống càng đối diện với nhiều thử thách. Cùng với các cha, các sơ, trong sức của mình, chị cũng kêu gọi giúp hỗ trợ bình nước ngọt. Chị đang ấp ủ dự định mở quán nước nhỏ trong các làng để các em nghỉ học sớm có công việc làm, hay tiếp tục xin những mạnh thường quân học bổng, chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo. Chị cũng đang ước mơ tổ chức các lớp giảng dạy nghề nữ công gia chánh, các khóa học sức khỏe sinh sản, mở mang kiến thức cho các em. Năm 2019, nhờ sự tích cực vận động, chị đã giúp xây được các nhà tình thương. Chị Uyên vẫn đang miệt mài tìm cách để bà con dân tộc thiểu số dần cải thiện đời sống.

Trở về với gia đình, chị sống khá đơn giản với hai con. Trên miền cao nguyên, đất rộng, người thưa, chị chăn nuôi bò, nuôi gà, bán trứng… thật giản dị. Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Ðông, một người khá thân quen với chị chia sẻ, chị Uyên là người rất tích cực: “Có tinh thần lắm đó. Tôi luôn theo dõi và ủng hộ Thảo Uyên, bởi những việc làm đó chính là đang sống chứng nhân. Hơn nữa, đi giúp cho người dân tộc chính là đem ánh sáng Tin Mừng soi chiếu trên buôn làng”. Còn chị Võ Xuân Hiệp (26 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM) thì cho biết, điểm ấn tượng đầu tiên trong cuộc gặp gỡ với chị Thảo Uyên là sự nhiệt thành, cởi mở. Càng tìm hiểu sâu hơn thì càng thấy lửa phục vụ, sự đam mê, hăng say làm việc thiện nguyện trong chị. “Chính bản thân tôi thấy nể phục chị, nhất là ở sự nhiệt tâm, xông xáo”, Hiệp nói.

Lặng lẽ và liên lỉ, chị Uyên đang gieo rắc yêu thương bằng những hành động cụ thể nhất. Trên các nẻo đường làng Kontum, dẫu có chông chênh nhưng tin chắc rằng, chị đã được gặp Chúa, trong nụ cười hạnh phúc của những phận người bé nhỏ, đáng thương! 

 

ANH NGUYÊN

Nguồn: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/tim-chua-noi-cac-ban-lang-heo-hut_a11323

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét