Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã kịp “Chở hồn mình vào lòng suối mát...”

Vậy là sau 6 năm chống chọi với căn bệnh ung thư bàng quang, nhạc sĩ Công giáo Tôma Trần Quang Lộc - tác giả của những bài quen thuộc như Về đây nghe em (thơ A Khuê), Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu)… đã từ giã cõi trần vào lúc 17h40 ngày 7.6.2020 để đắm mình vào “dòng suối mát” thánh ân...

Hơn nửa tháng trước (chính xác là ngày 20.5), khi nghe tin bệnh tình của nhạc sĩ Trần Quang Lộc trở nặng, tôi và một người bạn đã đến tận tư gia của ông (số 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, TP Bà Rịa) để thăm và chia sẻ với ông cùng gia đình vì quỹ thời gian còn lại của ông chỉ còn đếm từng ngày... Vốn đã từng quen biết nhau, nên dù giờ đây ông không ngồi dậy được, không nói được và chỉ nhìn được bằng một con mắt, ông vẫn nhận ra chúng tôi và chắp tay “xá” một cách rất khiêm nhu. Ðiều này rất khác với một Trần Quang Lộc “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của ngày xưa, khiến chúng tôi thật chạnh lòng...
Khi được phu nhân của nhạc sĩ - bà Nguyễn Thị Thuận - mời vào nhà trong, điều khiến chúng tôi an tâm hơn cả là được nhìn thấy bàn thờ và tượng ảnh Lòng Chúa Thương Xót đặt rất trang trọng... Bà Thuận kể cách đây 6 năm, nhạc sĩ bị ung thư bàng quang rồi di căn lên phổi. Sau 4-5 lần phẫu thuật, cắt bỏ hẳn bàng quang thì sức khỏe của ông có phần phục hồi phần nào, ông vẫn sinh hoạt bình thường, chạy xe gắn máy đi ăn hỏi, đám cưới... Chỉ khi đại dịch Covid-19 nổ ra thì mắt ông có những triệu chứng bất thường. Hai ông bà liền dắt nhau ra Bệnh viện Bà Rịa, rồi lên Bệnh viện mắt Sài Gòn, lại qua Bệnh viện 175, Bệnh viện Bình Dân..., nhưng rồi cũng không chữa khỏi những di căn của căn bệnh nghiệt ngã. Ðến lúc này thì cơ thể của ông không còn dung nạp được các loại thuốc đặc trị, mắt bên trái sụp hẳn xuống không thể mở ra được nữa, ông không nói được, dịch chuyển rất khó khăn (phải có người thân dìu), mỗi ngày ông dùng chút ít cháo thịt băm hoặc súp, nhưng tinh thần vẫn rất tỉnh táo.
Chúng tôi để ý thấy ông có đeo vòng chuỗi Mân Côi 10 hạt ở cổ tay. Anh Hà (con trai ông) cho biết : “Cha em ngủ rất ít, mỗi tối ông nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường kê cao phần đầu. Ông đọc kinh lần hạt từ 7 giờ tối cho tới quá nửa đêm mới chợp mắt một  chút. Tỉnh giấc lại đọc kinh...”. Bà Thuận kể khi biết mình đã ở vào giai đoạn cuối, ông đòi bà đưa đến Trung tâm Lòng Chúa Thương Xót ở Bà Rịa; ông thích nghe các cha giảng và đã sáng tác được 10 bài thánh ca trong những ngày cuối đời ngắn ngủi. Về nhà (giáo xứ Long Tâm, hạt Bà Rịa, GP.Bà Rịa), ông tìm đến Tòa cáo giải, giao hòa với Thiên Chúa sau 30 năm nguội lạnh. Rồi cha xứ ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân cho ông; hằng ngày các ông trùm trong họ đạo, các đoàn thể trong xứ đạo vẫn thường xuyên đến thăm viếng , an ủi ông. Bà Thuận nói : “Về phần linh hồn, ông ấy được Chúa thương ban cho có thời gian để sám hối, như vậy là gia đình tôi rất an tâm và sẵn sàng cho ngày ra đi - cũng là ngày trở về của ông ấy”.
Tác giả và nhạc sĩ
Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị (không phải sinh năm 1945 như một số thông tin, điều này được chính vợ của ông xác nhận). Ông tốt nghiệp Cao đẳng Quốc gia Âm nhạc Huế vào đầu thập niên 1970. Ðến nay ông đã có khoảng 600 ca khúc, trong đó có những bài thánh ca như Về bên Chúa, Lời nguyện đêm Noel... Tuy nhiên, với công chúng yêu thích âm nhạc thì hai ca khúc Về đây nghe em (phổ thơ A Khuê) và Có phải em mùa thu Hà Nội (phổ thơ Tô Như Châu) là những dấu ấn không thể phai mờ của ông. Ðiều thú vị là cả hai đều được Trần Quang Lộc sáng tác khi còn rất trẻ (trước năm 1975, khi mới hơn 20 tuổi), nhưng phải hơn 20 năm sau mới phổ biến rộng rãi và được công chúng yêu thích.
Này hồn ơi, lên cao... lên cao...
Ca khúc Về đây nghe em được Trần Quang Lộc phổ từ thơ của A Khuê (tức ông Giuse Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, mất ngày 13.8.2009 tại Bình Phước), lời thơ rất bình dị, mộc mạc mà hết sức gần gũi với văn hóa Việt Nam : “Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe gọi tiếng xưa, để nhớ trong tiếng vỡ bờ...”.  Có một lần trong chương trình Duyên dáng Việt Nam, khi nghe ca sĩ Quang Linh hát ca khúc này, một nhà báo đạo Công giáo đã nói với người viết rằng lời của bài hát này có nhiều đoạn nghe giống Thánh Vịnh, như: “Này hồn ơi, lên cao, lên cao. Ðem ánh sáng hân hoan trên trời, rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương... Chở hồn người vào dòng suối mát, chở thật thà vào lòng dối trá, và nhặt hoa xin tạ chút ơn...”. Thì đúng rồi chứ còn gì nữa, cả nhà thơ và nhạc sĩ đều là người có đạo. Có điều khi còn sống, họ có đôi chút lăn tăn về tác quyền, nay thì cùng “nhặt hoa xin tạ chút ơn..., hoang phế khi đã gặp nhau” dưới chân Chúa nhân lành.
Bài hát này được Elvis Phương ghi âm lần đầu vào đĩa Shotguns. Tuy nhiên thời gian sau đã chìm dần vào quên lãng, phải đến thập niên 1990, tại hải ngoại -  có lẽ do những cảm xúc hoài hương mà ca khúc này lại được các ca sĩ Ý Lan, Tuấn Ngọc, Hương Lan thể hiện và được kiều bào đón nhận nồng nhiệt. Ở trong nước, trong các chương trình ca nhạc lớn, Về đây nghe em cũng đã được thể hiện qua các giọng ca Hồng Nhung, Quang Linh, Thu Phương, Thanh Lam...

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và ca sĩ Thái Thanh
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về...
Về ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội, nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể : “Năm 1971, trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang” tại Ðà Nẵng, tôi gặp nhà thơ Tô Như Châu và anh có khoe với tôi bài thơ Có phải em mùa thu Hà Nội dài cả hơn 100 câu. Lạ một điều là cả Tô Như Châu và tôi đều chưa một lần được thấy Hà Nội, nhưng lời thơ của Châu đẹp quá. Tôi chắt lọc những câu ưng ý nhất và chỉ trong một đêm đã hoàn tất ca khúc…”. Bài hát sau đó mau chóng được lan truyền rộng rãi bởi được trình bày bằng một giọng ca gốc Hà Nội rất nổi tiếng : nữ danh ca Thái Thanh. Nhưng chỉ 2 tháng sau, chính quyền Sài Gòn ra lệnh thu hồi bản nhạc và cấm phổ biến vì ca khúc này có những câu: Tháng Tám mùa thu... Từ độ người đi thương nhớ âm thầm... Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát...”. Mãi đến năm 1994, khi nhạc sĩ Ðức Trí thực hiện album “Chợt nghe em hát” gồm 60 ca khúc của Lã Văn Cường và Trần Quang Lộc thì chính Trần Quang Lộc cũng không chọn bài đó để đưa vào album này, nhưng bằng con mắt nhà nghề và đôi tai thẩm âm tuyệt vời, nhạc sĩ Ðức Trí đã chủ động đưa ca khúc này vào album. Có thể nói, chính nhạc sĩ Ðức Trí đã có công rất lớn để đưa Có phải em mùa thu Hà Nội trở lại với thế giới âm nhạc và với công chúng. Lần này cũng lại được thể hiện bởi một giọng ca Hà Nội khác : ca sĩ Hồng Nhung. Rồi tiếp theo là những giọng ca Tuấn Ngọc, Ý Lan, Quang Dũng, Thanh Lam, Lam Trường..., nhưng người thể hiện thành công và thành danh chính là ca sĩ Thu Phương !
Tiễn...
Ðã không còn người “kể chuyện tình bằng lời ca dao” trên cõi đời, nhưng hình bóng và các tác phẩm của ông, đặc biệt là 2 ca khúc “để đời” kể trên sẽ mãi ghi tên ông vào lòng những người yêu thích âm nhạc, để “nghìn năm sau ta níu bóng quay về”... Nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận và đưa linh hồn Tôma vào “dòng suối mát”, như chính những ca từ trong bài hát nổi tiếng của ông. n
HÀ ÐÌNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét