Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Chuyện về tiến sĩ K’Ho người Công giáo


Sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay đến lớp, anh Cil Duin (42 tuổi, dân tộc K’Ho), giáo dân giáo xứ Lang Biang, giáo phận Ðà Lạt đã hứa với lòng mình phải nỗ lực học hết sức, học “hết chữ”. Chính vì những phấn đấu đó, giờ đây không những anh trở thành tiến sĩ đầu tiên của dân tộc K’Ho tại Lâm Ðồng, mà còn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên.

Gian nan “đi tìm con chữ”

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 người con dưới chân núi Langbiang, thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương - Lâm Ðồng, anh Cil Duin cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, ban ngày theo bố mẹ lên rẫy, tối về quây quần bên bếp lửa với chút cơm và rau mắm ăn cho qua bữa.

Vì muốn cho con mình biết chữ, người bố đã cho cậu bé Cil Duin đi theo anh chị tới trường nghe cô giáo giảng về con chữ. Anh bắt đầu đi học rất muộn, khi đã 11 tuổi mới vào lớp Một.

Lúc này, do chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, trong đầu anh với suy nghĩ theo trào lưu “học cho có, học cho biết” để vui lòng phụ huynh. Chỉ từ năm học lớp Năm, sau lần bỏ học gần 1 tuần nhưng bố vẫn quyết tâm dắt tay lên trường, anh mới thực sự quyết tâm phải đi cho trọn con đường học tập, tự hứa với bản thân nhất quyết không được bỏ học một lần nào nữa. Anh Cil Duin vui vẻ chia sẻ: “Lên lớp 4 tôi mới có thể viết được những đoạn văn ngắn, nhưng lên cấp 2, chỉ còn 7-8 học sinh, tới cấp 3 thì chỉ còn 5, trong đó có tôi”.

Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ đông con, nhưng anh Cil Duin chưa từng có ý định sẽ bỏ học giữa chừng. Cứ giữ vững niềm say mê với con chữ, Cil Duin đã tiến bộ rõ rệt theo từng ngày, lớn hơn một chút thì tiếp tục theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Ðồng.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại Trường ÐH Sư phạm Huế, anh trở về Lạc Dương, làm giáo viên Trường THPT Lang Biang. Tại ngôi trường thân yêu này, anh truyền đạt hết kiến thức và động viên các học trò luôn gắng sức, kiên nhẫn, cố công học hành học tập. Thời điểm đó, anh còn có nguyện vọng được đi vùng sâu, vùng xa để phục vụ, cống hiến sức trẻ.

Nói về động lực học tập, anh Cil Duin chia sẻ : “Bố tôi rất mong muốn con cái trong nhà phải đi học cho đến nơi đến chốn, mặc dù điều kiện không dễ dàng, tôi cầu nguyện xin thực hiện được hoài vọng của bố. Vì đam mê nghề giáo viên nên tôi nghĩ phải đem chữ về cho buôn làng để nêu gương cho các em nhỏ. Càng học lên cao, tôi càng thấy việc học rất quan trọng, có thể khám phá ra nhiều cái mới, cái hay ở các địa phương khác trong nước và thế giới”.

Mong muốn của anh Cil Duin sau khi đi học tiến sĩ về vẫn là công tác trong ngành giáo dục để tuyên truyền, vận động các cháu tiếp tục đi học, nâng cao đời sống của bản thân.

Nhà thờ Lang Biang


Niềm tự hào của buôn làng

Năm 2005, Cil Duin thi đậu cao học ngành lịch sử Việt Nam của Trường ÐH Ðà Lạt và lấy được tấm bằng thạc sĩ sau hai năm. Ðây cũng là năm anh “bị bắt” về ở rể vì người K’Ho theo chế độ mẫu hệ. Khi biết cậu con trai tiếp tục học cao học, cha anh thắc mắc : “Học hết cao học là học tới đâu vậy con ? Học tới thạc sĩ đã hết chưa? Buôn làng này đã có ai học lâu như thế đâu !”.

Dù hiểu rất mơ hồ về các học vị, nhưng người cha anh vẫn khuyến khích con học tới khi nào “hết chữ” thì nghỉ. Nghe lời cha, anh được tiếp thêm động lực. Tháng 9.2012, anh làm nghiên cứu sinh tại trường Ðại học Sư phạm Bắc Kinh - Trung Quốc và trở thành tiến sĩ ngành Quản lý học vào năm 2015.

Anh Cil Duin tâm sự, cuộc đời anh đã gặp nhiều điều may mắn thì mới có thể không dang dở giấc mơ học hành. Người mẹ năm nay hơn 80 tuổi thì vô cùng tự hào về con trai của mình : “Nếu như còn bố thì chắc chắn bố cũng sẽ rất vui và mãn nguyện vì con trai đã thay ông đi hết con đường mà ông trăn trở”.

Nói đến người bố : ông mất năm 2014, lúc anh đang học ở Trung Quốc. Trước đó, khi chỉ còn 2 tuần nữa là Cil Duin sang Trung Quốc để làm tiến sĩ, bố bị phát hiện bệnh ung thư máu nên anh buộc phải lựa chọn giữa đi và ở. Bố không đồng ý anh bỏ, vậy là anh đi. Nghe tin bố yếu, anh về được 5 ngày thì ông qua đời. Sau một tháng chịu tang, Cil Duin trở lại Trung Quốc và bảo vệ luận văn thành công.


Nhắc đến tiến sĩ Cil Duin, ở Lang Biang gần như không ai không biết. Giờ đây, không chỉ gia đình Cil Duin, mà bà con, họ hàng ở Lạc Dương, giáo xứ đều lấy làm hãnh diện vì lần đầu tiên có một người con K’Ho ở mảnh đất này học lên tận tiến sĩ. Mỗi lần có dịp con cháu quây quần, người lớn luôn lấy cái tên Cil Duin là tấm gương học tập để khuyên dạy lũ trẻ phải biết vượt khó đến trường.

Dù đã thôi dạy và chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương, nhưng anh Cil Duin vẫn luôn được buôn làng gọi là thầy một cách thân thương, trìu mến.

THIÊN ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét