WGPSG -- Chiều 5/1/2014, tại tu viện Don Bosco ở giáo xứ Bến Cát, Gò Vấp đã tưng bừng diễn ra những hoạt động khai mạc tuần lễ Di dân của Tổng Giáo phận (TGP) Sài Gòn với chủ đề: “Di dân thắp sáng Tin Mừng”.
Đức TGM phó Phaolô Bùi Văn Đọc đã đến giao lưu với các bạn di dân và chủ tế Thánh lễ khai mạc. Đồng tế với ngài có 22 cha. Đây là chương trình thường lệ năm thứ 11 của TGP Sài Gòn.
Khởi động
Gần 2000 bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước, đang làm việc và học tập tại TPHCM, đã hân hoan tham dự ngày hội Di dân này. Các đoàn có thành phần tham dự đông đảo như: giáo xứ Thánh Phaolô, giáo xứ Khiết Tâm, sinh viên lưu xá Don Bosco, giáo xứ Xuân Hiệp, giáo xứ Tam Hải, giáo xứ Bình Thuận, nhóm Scalabrini, SV lưu xá dòng Đức Bà, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, dòng Đaminh Lạng Sơn, giáo xứ Mỹ Hội, giáo xứ An Phú v.v…
Công việc chuẩn bị đã được quý cha, quý tu sỹ và anh chị em tình nguyện viên hoàn tất trước đó. Hai sân khấu lớn được dựng ở ngoài trời thoáng mát: sân khấu phụ, gần cổng vào, để tập hát và sinh hoạt trước Thánh lễ; sân khấu chính, đầu sân bóng đá, để cử hành Thánh lễ khai mạc và trình diễn văn nghệ.
Từ 14g30 đến 15g30 là phần đón tiếp, ghi danh, tập hát, giới thiệu thành phần tham dự và thuyết trình. Sr. Minh Du, MC nữ và Vũ Minh MC nam, đã hướng dẫn cộng đoàn tập hát và các trò chơi sinh hoạt. Cha Giuse Trần Văn Hiển - Giám đốc tu viện Don Bosco Bến Cát - đã ngỏ lời chào đón quý cha và tất cả mọi thành viên tham dự. Cha Phaolô Phạm Trung Dong - chính xứ Thánh Phaolô, Trưởng ban MVDD TGP - phát biểu khai mạc tuần lễ Di dân từ 5/1 đến 12/1/2014, và phổ biến nội dung chương trình các ngày trong suốt một tuần. Tiếp theo, cha Trưởng ban MVDD và cha Trợ đã chia sẻ đề tài: “Di dân - Chứng nhân Tin Mừng”. Phần chia sẻ nêu lên những khó khăn của anh chị em di dân, và những đóng góp của họ cho Giáo hội và xã hội.
Từ 16g00 đến 16g30 là phần thi đố vui, tìm hiểu về Thông điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn 2014. Phần này do cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu, SDB - Thư ký Ban MVDD - hướng dẫn. Qua cuộc thi, mọi người đã thấy được sự quan tâm của ĐTC dành cho anh chị em di dân, những vấn nạn chính của cộng đồng di dân toàn cầu, đường hướng mục vụ cho người di dân… Xin được trích đoạn kết thúc Thông điệp mà một số bạn có thể nhớ rõ: “Anh chị em di dân và tị nạn thân mến! Đừng bao giờ mất đi niềm hy vọng rằng có một tương lai bảo đảm hơn đang dành cho anh chị em, rằng trên hành trình của mình, anh chị em sẽ bắt gặp được một bàn tay đang đưa ra nâng đỡ anh chị em, rằng anh chị em sẽ trải nghiệm được sự liên đới huynh đệ và sự nồng ấm của tình bạn hữu! Tôi chắc chắn cầu nguyện cho anh chị em và ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em và cho tất cả những ai đang hiến dâng cuộc sống và năng lực để giúp đỡ anh chị em”.
16g30, cộng đoàn vui mừng chào đón Đức TGM phó Phaolô. Ngài đã dành gần nửa tiếng để gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Trước khi trả lời 4 câu hỏi mà đại diện anh chị em di dân nêu lên, Đức TGM phó đã đề nghị MC giới thiệu và cổ vũ cho di dân của từng giáo phận.
Các câu hỏi: Cảm tưởng của Đức Tổng khi lần đầu đến tham dự ngày khai mạc tuần lễ Di dân? Ước nguyện của con là có được động cơ của Ba Vua đi tìm Chúa Hài Đồng, xin Đức Tổng cho chúng con biết làm sao để có thể vượt thắng những cám dỗ trong xã hội ngày nay? Làm sao để vứt bỏ mọi sự thế gian để đi theo Chúa? Đức Tổng nắm rõ được tình hình di dân của TGP? Bối cảnh ở thành phố công nghiệp này là thật giả đan xen lẫn lộn, lối sống thực dụng lôi kéo khiến tâm hồn người chao đảo, làm sao để giữ vững được niềm tin còn non yếu? Đức TGM phó đã trả lời những câu hỏi trên một cách dứt khoát, nhanh lẹ trong sự vui vẻ và thân tình.
Bài giảng
Trong bài giảng, Đức TGM phó Phaolô đã diễn đạt hăng say về ý nghĩa lễ Hiển Linh, về lễ vật của mỗi người cần có để dâng lên Chúa Hài Đồng và về sự kết hiệp của anh chị em di dân với Giáo hội.
Đức cha Phaolô nói: Thiên Chúa là ánh sáng, Chúa Giêsu là ánh sáng, ánh sáng bởi ánh sáng, ánh sáng đó là tình yêu chiếu soi cả nhân loại. Tình yêu toàn năng vĩ đại đó thể hiện nơi Hài Nhi Giêsu rất nhỏ bé, tình yêu đó không áp đảo ai không làm mất tự do của ai nhưng tình yêu đó giúp cho mọi người được thăng tiến. Ba nhà chiêm tinh là những người biết tìm tòi và phân tích những dấu chỉ của vũ trụ trời đất để đến tận nơi thờ lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng Cứu Chuộc muôn dân, muôn nước. Học theo các nhà chiêm tinh, mỗi người chúng ta cũng phải nỗ lực và thao thức để tìm kiếm nước Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ của ba nhà chiêm tinh với Chúa là cuộc gặp gỡ của hai hành trình: hành trình Thiên Chúa đến với nhân loại và hành trình nhân loại đến với Thiên Chúa.
Các nhà chiêm tinh đã có lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, còn lễ vật của mỗi người chúng ta hôm nay là gì? Chúa không chờ đợi tiền bạc hay những điều to tát ở mỗi người, Chúa chỉ chờ đợi tình yêu, chờ đợi cái tâm mỗi người, cứ dâng hết cho Chúa cuộc đời mình, dẫu cuộc đời đó còn nhiều bóng tối và lỗi lầm.
Sau khi được các nhà chiêm tinh thờ lạy, vì hoàn cảnh, Chúa trở nên một người di dân, phải theo Thánh Giuse và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập. Chúa đã chia sẻ đời sống di dân cách nay hơn 2000 năm, và hôm nay, Chúa vẫn chia sẻ đời sống đó, cách nào đó qua Hội Thánh Người.
Trong dịp gặp gỡ này, mọi người có thể trao đổi với nhau những nỗi buồn khi phải sống xa quê, nhưng đừng quá bận tâm lo lắng đến sự đời. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, như Đức Mẹ và Thánh Giuse tuyệt đối phó thác, tin tưởng vào Chúa, chúng ta hãy thắp sáng niềm tin, thắp sáng Tin Mừng. Thiên Chúa toàn năng và yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Vì Thiên Chúa đồng hành với chúng ta nên chúng ta phải đồng hành với nhau, phải đồng hành với Giáo hội. Đừng hỏi Giáo hội hay các cha, các thầy đã làm gì cho tôi nhưng hãy tự vấn là tôi đã làm gì cho Giáo hội.
Kết thúc bài giảng, Đức cha Phaolô đã kể về Hội nghị về truyền giáo tại Mỹ châu (Mexico) mà Đức cha mới tham dự trong tháng 11 vừa qua. Hội nghị có rất đông giáo dân, khoảng 3000, các Giám mục, linh mục chỉ là số ít. Qua hội nghị, người giáo dân châu Mỹ đã chia sẻ cùng nhau tinh thần dấn thân hăng say cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Văn nghệ sau Thánh lễ
Sau lễ, mọi người ngồi nghỉ và ăn nhẹ tại chỗ, 1 chai nước, 1 bánh bao nóng, 1 trái chuối, và thưởng thức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” không kém phần đặc sắc. Giữa buỗi diễn văn nghệ có phần trao quà của ĐHY cho các di dân, đại diện các đơn vị đã lên sân khấu nhận cuốn “Giáo Lý Cho Người Trẻ” (YOUCAT: Youth Catechism, giá bìa 50.000/cuốn).
Các tiết mục văn nghệ:
- Múa đương đại: Điệu nhảy HaHaHa; giáo xứ Thánh Phaolô trình bày
- Ảo thuật: Dòng Scalabrini
- Kịch chèo: Trở về, SV gốc Gp. Thái Bình
- Múa: Vui sống Hiệp thong, SV lưu xá Don Bosco + nhóm Rồng Việt
- Múa: Cung đàn mùa Đông, SV lưu xá dòng Đức Bà
- Hát múa: Đức Mẹ Măng Đen, SV lưu xá gốc Gia Lai
- Kịch: Thắp sáng cho đời, giáo xứ Mỹ Hội
- Múa: Ta mang trên vai, giáo xứ Khiết Tâm
- Hợp ca: Khúc hát tạ ơn, SV lưu xá Don Bosco
- Đơn ca: Lời ca tri ân, ca sỹ Thùy Trâm
- Múa: Liên khúc Xuân, dòng Đaminh Rosa Lima
Một vài khuôn mặt thoáng qua
- Bác T. ở Ban Loan báo Tin Mừng giáo xứ Thánh Phaolô: “Ban có hơn 10 thành viên, hôm nay tất cả đều đến đây để đồng hành với các em di dân của giáo xứ”.
- 1 bạn nam lưu xá Don Bosco Bến Cát: “Quê em ở huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu, cứ 5g10 là gọi nhau dậy đi lễ sáng”.
- Bạn Bùi Phi Công thuộc Ban Mục vụ Giới trẻ giáo xứ Bình Thuận: “Giáo xứ có tổ chức sinh hoạt cho các bạn di dân nhưng nhiều bạn mải lo làm ăn, nhiều bạn không có thời gian. Mỗi buổi sinh hoạt có khoảng 30 bạn”.
- Bạn Antôn Bùi Văn Hà, công nhân cơ khí, quê Thanh Hóa, phòng trọ ở giáo xứ Tam Hải: “Giáo xứ có lễ 19g30 Chúa nhật cho anh chị em di dân. Các soeur dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ hướng dẫn sinh hoạt. Khó khăn là thiếu thốn tình cảm gia gia đình và đối diện với nhiều cám dỗ ngoài xã hội”.
- 1 bạn lưu xá Don Bosco Tân Bình: “Có 4 nhà, các bạn đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống, có Thánh lễ 4g00 sáng”.
- Bạn Thanh Chỉ (nữ), quê Bến Tre, cùng với 14 bạn ở nhà của Dòng Đức Bà Tân Bình: “Nhà có đủ tiện nghi, mọi người tự quán xuyến trông nom với nhau, tối đa 22g30 là khóa cửa”.
- Bạn Lê Thị Oanh, quê Gp. Vinh, làm nhân viên nấu ăn nhà hàng: “Hôm nay có bạn bè cùng đi nên rất vui”.
- 1 cha hưu Don Bosco: “Các em diễn văn nghệ khá hay, cha vẫn có thể giảng dạy nhưng muốn để các cha trẻ làm. Trước đây, thường trông nom các em có hoàn cảnh đặc biệt”.
- Thầy Vinh Sơn Huy, SDB: “Lưu xá nhận cả các em quậy phá do phụ huynh gửi đến, phải giáo dục các em rất tỉ mỉ, không chạy theo lợi nhuận như trường bên ngoài, có xe đưa rước hằng ngày từ lưu xá đến trường học”.
- Bạn Mátthêu Phạm Hoàng Nhân, công nhân ngành may, mướn phòng trọ ở chung với ba má thuộc địa bàn giáo xứ Xuân Hiệp: “Cha Triển hướng dẫn sinh hoạt 2 tiếng mỗi tối Chúa nhật, khoảng 100 bạn tham gia. Đến 28 Tết này, sẽ chạy xe máy về quê ở Cà Mau”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét