Đề tài học hỏi thứ II, trong ngày Đại Hội Gia Đình tại La Vang
CÁNH CỬA ĐỨC TIN MỞ RA CHO CON CÁI
Trong tuần lễ Gia Đình tại Ba Tây diễn ra vào ngày 11/ 8/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đã gởi một sứ điệp để khích lệ các bậc cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái bằng lời nói, bằng việc làm, bằng gương sáng, nhất là biết tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn hình thành của nó. Ngài đã lập lại giáo huấn của giáo hội trong thông điệp Sự Sống Con Người của ĐTC Phaolô VI, và nhất là trong Tông Huấn về Gia Đình nói về cha mẹ là những cộng tác viên của Thiên Chúa để truyền bá hình ảnh của Thiên Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác, hình ảnh của Thiên Chúa trong sự sống của con người.
Đề tài trong tuần lễ Gia Đình là Thông truyền và Giáo dục đức tin Kitô giáo trong gia đình, thì ĐTC khuyến khích: “Các phụ huynh hãy cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mệnh cao quý, đòi hỏi phải quan trọng nhất và bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp”. Ngài cũng lập lại giáo huấn của giáo hội ngàn đời là tương lai của thế giới và của giáo hội là phải đi ngang qua gia đình.
ĐTC Gioan PhaoLô II nói: “Nếu giáo dục đức tin từ cha mẹ qua con cái thì tương lai của thế giới và giáo hội sẽ bảo đảm. Muốn được như thế thì nhũng bậc làm cha làm mẹ phải thực hành những thói quen của đức tin trong gia dình, nghĩa là phải đồng hành với sự trưởng thành của con cái qua mọi giai đoạn trong cuộc đời, đồng hành với con cái nay từ khi còn trong lòng mẹ.”
Như đôi vợ chồng trẻ vừa chia sẻ với chúng ta, hằng ngày mỗi khi đọc kinh và tham dự thánh lễ đều ghi dấu thánh giá lên bụng của người mẹ, để chúc lành cho đứa con. Như vậy, qua mọi giai đoạn hình thành của đứa con thì chính cha mẹ phải giáo dục con cái, đó là bổn phận của cha mẹ, cho nên cha mẹ cần phải vun trồng nơi con cái ý thức luôn luôn bảo vệ sự sống con người ngay từ trong lòng mẹ. Đó là ơn Thiên Chúa ban và là bảo đảm tương lai của nhân loại. Ngoài ra cũng cần phải săn sóc cho người già yếu, đặc biệt các ông bà nội – ngoại, các ngài là kí tích sống động và là sự khôn ngoan. Trong Tông huấn ĐTC cũng nói là “phải kính trọng người già, vì người già là kho tàng của sự khôn ngoan”.
Theo tôi, có hai hạng người cần phải tôn trọng nhất trong xã hội, đó là người già và phụ nữ mang thai. Trong Tông huấn về gia dình nói qua về từng giai đoạn của gia đình. Sau khi nói về nhân học của con người: ‘Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài”, Khi Ngài tạo dựng con người đã đặt cho con người chúng ta một ơn gọi rồi, là chính cha mẹ phải làm sao giáo dục cho con cái khám phá ra ơn gọi nơi con cái của mình là phục hồi lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, bổn phận của cha mẹ là truyền đạt lại hình ảnh của Thiên Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác, cha mẹ có bổn phận phục hồi lại hình của Thiên Chúa mà con người tội lỗi làm lu mờ đi, bổn phận này quan trọng vô cùng. Giáo hội qua Chúa Giêsu, Ngài là hình ảnh mẫu tuyệt với của Thiên Chúa đến làm người giữa chúng ta.
Cho nên, trong Huyền Nhiệm Nazareth. Thiên Chúa muốn sai con của Ngài đến để cứu chuộc nhân loại thì Ngài cũng phải chọn một gia đình. Trong sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Năm Đức Tin lần thứ XIII vừa qua có một đoạn viết: “Mỗi một lần rao giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác thì môi trường tự nhiên đầu tiên là gia đình, trong gia đình, các thế hệ, đức tin được thông truyền chân lý đầu tiên trong việc dạy cầu nguyện, chứng tá, hiệu quả của tình yêu được ghi đậm vào cuộc sống của thiếu nhi và thiếu niên trong bối cảnh chăm sóc nơi mỗi gia đình thông truyền cho con cái”. Tuy có nhiều khác biệt về địa lý, hoàn cảnh, văn hóa xã hội, nhưng tất cả các giám mục của Thượng Hội Đồng Giám Mục để ý một điều, đó là việc “Thông truyền đức tin cho con cái”.Thông truyền đức tin cho con cái để làm sao mỗi ngày hình ảnh của Thiên Chúa được rạng rỡ hơn.
Khi chúng ta đi ngang các tiệm chụp hình, chúng ta thường thấy đề là: ‘Nơi đây phục hồi ảnh cũ’. Vai tò của chúng ta là Kitô hữu, là linh mục hay là cha mẹ, các bậc phụ huynh là làm sao phải phục hồi lại được hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vậy phục hồi bằng cách nào? Phục hồi bằng việc cầu nguyện, bằng việc hy sinh, bằng việc chịu các bí tích, làm sao cho nơi con cái của chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa mỗi ngày được rạng ngời hơn.
Trong Tông huấn gia đình, sau khi nói đến điều căn bản mà Thiên Chúa tạo dựng con người “có nam, có nữ” theo hình ảnh của Ngài, hợp tác với Ngài, truyền lại và phục hồi hình ảnh của Ngài nơi con cái, thì giáo hội mới nhắc tới bổn phận của bậc làm cha làm mẹ: “Hỡi gia đình, hãy sống đúng với bản chất của mình”. Hãy chọn lấy cái điều mà mình “là”, tức là gia đình hãy sống đúng bản chất của mình là kết hợp bởi một người nam và một người nữ để truyền sinh sự sống, không phải chỉ truyền sinh sự sống về thể xác mà thôi mà nhất là còn truyền sinh sự sống về đời sống tinh thần. Công đồng Vaticanô II cũng nói đến điều này: “Vì là truyền sinh cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục con cái về đức tin của chúng, vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi không thể thiếu sót, thay thế được.”
Chúng tôi là linh mục làm tăng trưởng đức tin cho con cái của anh chị em qua các bí tích, tôi nghĩ rằng chỉ ảnh hưởng được 20% thôi, nhưng 80% việc tăng trưởng đức tin cho con cái là nơi bậc làm cha mẹ, nơi anh chị em.
Con cái chỉ tăng trưởng đức tin qua cha mẹ sống trong gia đình qua việc cầu nguyện, qua việc làm gương sáng. Tông huấn dạy chúng ta không phải sinh sản con cái chỉ bằng thể xác mà phải sinh sản con cái trong tinh thần, phải dạy con cái biết cầu nguyện, sống niềm tin. Muốn được như vậy, trước hết, cha mẹ phải có đức tin thực sự, không ai có thể cho người khác cái điều mà mình không có. Trong Tông huấn cũng dạy: “Nếu đôi vợ chồng khi thành hôn mà không có đức tin thì không được lãnh nhận các bí tích”. Nếu tuyên bố rằng mình không tin mà đi đến hôn phối thì giáo hội không thể cử hành bí tích được. Cho nên điều kiện tiên quyết giáo hội đòi hỏi các đôi vợ chồng sắp thành hôn là phải có đức tin.
Khi chúng ta chuẩn bị hôn nhân cho các đôi vợ chồng không phải chỉ là vun mớm một mớ kiến thức để mà biết các vấn đề trong đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng phải là một hành trình đức tin. Cho nên việc cầu nguyện trong gia đình rất là quan trọng để cho việc tăng trưởng đức tin nơi con cái được tốt đẹp hơn.
Vấn đề cầu nguyện làm chứng cho đức tin như thế nào nơi bậc làm cha, làm mẹ? Sứ mạng căn bản của bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là phải giáo dục con cái bằng việc cầu nguyện, để dần dần đưa con cái khám phá ra Thiên Chúa mà đối thoại với Ngài. Nhất là gia đình Kitô hữu đã nhận ra được ân sủng, và đòi hỏi phong phú của Bí tích Hôn phối, thì ở đó, ngay từ nhỏ trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết Thiên Chúa và yêu mến tha nhân theo đức tin đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội.
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ngỏ lời với các bậc làm cha, làm mẹ: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho con nhỏ của chị em những lời kinh của người Kitô hữu không? Các chị em có hợp tác với các linh mục để chuẩn bị cho con cái của chị em được lãnh nhận các bí tích như Xưng tội Rước lễ lần đầu, Thêm sức ở thời niên thiếu không? Chị em có tập cho con cái quen nghĩ đến sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ đồng trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở trong gia đình không? Còn anh em những người làm cha có biết cầu nguyện với con cái không? Ít là thỉnh thoảng anh chị em có đọc kinh chung với con cái hay anh chị em chỉ nhắc nhở con cái đọc kinh?”
Gương sống của anh chị em ngay thẳng từ trong tư tưởng, trong hành động có hỗ trợ ít nhiều về việc cầu nguyện, thì đó không phải là những bài học trống rỗng. Nếu anh chị em không biết làm gương cho con cái thì chỉ là hành vi trống rỗng mà thôi. Nếu anh chị em thực hiện được việc cầu nguyện trong gia đình thì chính anh chị em đang mang lại sự bình an trong tổ ấm gia đình của mình, mà cách cầu nguyện trong gia đình thì cần đơn sơ thôi.
Như ĐTC dạy cho các linh mục ở miền Bắc nước Ý trong việc cầu nguyện, ngài đã dùng ví dụ đơn giản và dễ hiểu.
“Có một người cha mừng lễ bổn mạng trong nhà, tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ, đến lúc bắt đầu, thì người cha đã biết chuyện gì xảy ra rồi, vì bữa tiệc do chính người mẹ tổ chức.
- Trước hết là đứa nhỏ nhất trong ba người con, người ta dạy cho nó một bài thơ học thuộc lòng, tội nghiệp cho đứa bé đứng trước mặt người cha đọc thuộc lòng bài thơ. Người cha khen, con giỏi lắm, Ba rất thích, con làm Ba hãnh diện, Ba cám ơn con, con thật là dễ thương. Đó là bài học thuộc lòng, là bài kinh mà chúng ta học thuộc lòng hằng ngày.
- Tiếp theo đứa con thứ hai đi vào, nó đã học cấp II, nó chuẩn bị một bài diễn văn nho nhỏ, nó tự làm từ tâm hồn của nó. Nó ngồi xuống ghế và diễn tả. Người cha nói: “Ba không thể tin được con đã làm được một bài diễn văn như thế này, con giỏi lắm, cha rất là hài lòng về những ý tưởng tuyệt đẹp của con truyền cho cha, tuy chưa được hay lắm nhưng con hãy cố gắng thêm con nhé.
- Đến người con thứ ba, là một cô gái đi vào, cô chuẩn bị đơn giản chỉ là một bó hoa cẩm chướng thôi, cô đưa bó hoa đến trước mặt người cha, không nói một lời nào. Tuy nhiên, cô ta cảm động và mặt cô ta đỏ lên. Nhưng người cha rất là vui mừng và nói với cô ta: “Nhìn thấy đó là Ba biết con thương Ba lắm rồi, mặt con đỏ và cảm động như thế, tuy con không nói một lời nào, nhưng Ba rất vui vì cảm nhận được tình thương của con đối với Ba”.
- Cuối cùng là người vợ, bà không cho gì và cũng chẳng nói gì với người chồng cả. Hai người chỉ nhìn nhau một cách đơn sơ, vì hai người đã biết rõ nhiều chuyện trong quá khứ sống với nhau trong cuộc đời vui – buồn - sướng – khổ cùng nhau nếm cảm và trải qua.
Đó là 4 cách cầu nguyện mà ĐTC diễn tả:
- Thứ nhất là chúng ta học thuộc lòng như những lời kinh mà chúng ta đọc hằng ngày
- Thứ hai là những lời chúng ta thân thưa với Chúa
- Thứ ba là chúng ta chỉ ngồi nhìn Chúa mà thôi. Chiêm niệm với Chúa
- Thứ tư là cách chiêm ngắm như người vợ, người chồng nhìn nhau trong gia đình.
Đó là những cách cầu nguyện rất đơn sơ, chính giáo hội cũng nhắc nhở chúng ta làm chứng tá bằng đời sống cầu nguyện, “lời nói bay đi, gương lành lôi cuốn”. Con cái quan sát cha mẹ từng lời, và nhìn cha mẹ sống như thế nào, chứng tích của cha mẹ về đời sống đức tin ra sao, sự trung thực, ngay thẳng của cha mẹ sẽ rất ảnh hưởng tốt trên con cái, cho nên lời nói của cha mẹ phải đi đôi với việc làm. Bảo con cái đi lễ thì chính cha mẹ cũng phải đi lễ với con cái. Nếu cha mẹ không làm gương cho con cái thì những lời nói của chúng ta hóa ra vô ích. Con cái quan sát từng cử chỉ, lời nói của người cha người mẹ, khi cha mẹ gặp những sự cố trong cuộc sống, thì con cái là người đầu tiên biết cảm thông hay hụt hẫng nơi cha mẹ. Nếu cha mẹ gặp khó khăn trong cuộc sống mà biết chấp nhận hy sinh trong niềm tin thì đó là gương sáng rất tốt cho con cái.
Qua Tông huấn của Giáo hội có nhắc nhở rằng: “Đời sống hôn nhân của gia đình là lời nhắc nhở thường xuyên nhất cho giáo hội về những gì xảy ra trên thập giá”. Mà điều xảy ra trên thập giá là Tình Yêu, là Tha Thứ.. Những điều xảy ra trên thập giá vẫn thường xảy ra trong đời sống hôn nhân gia đình: “Ai muốn theo ta thì hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta”.Nhiều lúc người chồng trở nên thập giá cho vợ, và nhiều khi người vợ trở nên thập giá cho chồng.
Có một câu chuyện trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá. Cha xứ nói mỗi người hãy mang đến một cây thánh giá, để cha chúc lành, rồi mang về treo trong nhà. Có một cặp vợ chồng kia đến nhà thờ không mang thập giá nào cả. Cha xứ hỏi: “Thập giá của ông đâu? Thập giá của bà đâu?”. Người chồng chỉ vào người vợ trả lời: “Thưa cha, thập giá của con đây!”. Người vợ cũng chỉ vào người chồng nói: “Thưa cha, thập giá của con đây!”. Thực tế trong cuộc đời đó chính là thập giá mà chúng ta vác mỗi ngày.
Một câu chuyện khác người ta kể rằng. Vào mùa chay, người chồng đi xưng tội, khi về nhà, ông hôn bà vợ mỗi ngày ba lần, người vợ hài lòng quá sức, một buổi chiều kia trong lúc vui vẻ bà mới hỏi: “Sao trước đây anh không hôn em gì cả, mà bây giờ anh hôn em một ngày ba lần như vậy?” Ông chồng trả lời: “À, bởi vì, anh đi xưng tội, cha giải tội bảo, con về tìm cây thập giá nào nặng nhất trong cuộc đời con, hãy hôn lên nó một ngày 3 lần”.
Nhiều khi vợ chồng trở nên thập giá cho nhau, nhưng là chấp nhận thập giá với cả tấm lòng yêu thương, thì con cái cũng sẽ nhận biết cha mẹ đang vác thập giá mỗi ngày, thì đó chính là gương sáng thực sự cho con cái.
Một bổn phận nữa của cha mẹ là nhắc nhở cho con cái về “Ơn gọi”. Vì gia đình là chủng viện/dòng tu đầu tiên. Nếu cha mẹ không hướng dẫn giáo dục cho con cái ơn gọi làm người Kitô hữu, ơn gọi làm con cái Chúa thì làm sao chúng ta có thể truyền đức tin cho con cái. Cha mẹ có trách nhiệm truyền bá hình ảnh của Thiên Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì làm sao làm cho hình ảnh của Thiên Chúa càng ngày càng tươi đẹp, rạng ngời hơn. Và làm sao cho con cái khám phá ra “Ơn gọi” trong đời sống của chúng. Bởi vì khi Thiên Chúa sáng tạo ra con người thì Ngài đã đặt để trong đó “Ơn gọi” rồi.
Chia sẻ chứng từ:
Anh Antôn Nguyễn Thanh Quang chia sẻ đời sống đức tin của anh trong 35 năm hôn nhân gặp nhiều sóng gió, vì sự bất đồng trong quan hệ vợ chồng. Theo anh, sự thiếu trung thực và thiếu tôn trọng lẫn nhau là mối hiểm họa gây ra rạn nứt, đỗ vỡ cho hạnh phúc gia đình. Khi sự việc xảy ra, thì con cái chính là nạn nhân trước hết phải gánh chịu mối hiểm họa này. Vì, thê, anh luôn ý thức bổn phận và trách nhiệm luôn quan tâm đến cuộc sống của con cái, nhất là về đời sống tâm linh.
Việc đồng hành với con cái trong mọi giai đoạn cuộc đời của chúng là điều rất quan trọng đối với anh. Từ đó, anh mới hiểu được những tâm tư, những bất ổn trong tâm hồn các con để kịp thời nâng đỡ. Không phải chỉ đồng hành trong việc lo cho con cái ăn học, những vấn đề xã hội, hay những vấn đề liên quan đến mặt đạo, mà còn phải đồng hành với con cái trên mọi phương diện, mọi khía cạnh của chúng. Cùng chia sẻ cảm thông những lỗi lầm, những vấp ngã của con cái, cùng chịu đau khổ với con, can đảm gánh vác những nỗi nhục nhằn, cay đắng của tiếng đời thi phi để bảo vệ sự sống, do những hậu quả mà con cái đem lại. Nhờ đó anh đã giúp các con đứng dậy làm lại cuộc đời sau những lần trượt ngã.
Trong đau khổ, anh luôn cậy trông vào Chúa, tìm sự nâng đỡ của Ngài, để múc lấy sức mạnh. Anh luôn bám víu vào Lời Chúa là ánh sáng cho cuộc đời mình, để trong những tình huống đau khổ của cuộc đời anh tìm thấy được niềm an ủi trong Chúa.
Giờ đây các con của anh đã yên bề gia thất, nhưng đối với anh giáo dục đức tin cho con cái là trách nhiệm suốt cả cuộc đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Anh xem đó là bổn phận, là sứ mạng và là hy tế mỗi ngày suốt cuộc đời của anh.
Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ
AP. Mặc Trầm Cung lược ghi
Nguồn: http://giadinhnazarethvietnam.com/topic/detail/gia-dinh-kito-huu-canh-cua-duc-tin-mo-ra-cho-con-cai-lm-augustino-nguyen-van-du-744/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét