Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Tình dục, ma túy và tự do tôn giáo

Hôn nhân đồng tính rất có thể đặt ra mối đe dọa trầm trọng đối với tự do tôn giáo, nhưng các điều kiện và giả thuyết văn hóa khiến các đe dọa này thành khả thể đã bắt nguồn từ tác phong dị tính luyến ái và từ ý niệm cho rằng mọi người đều có quyền hưởng sự thân mật tính dục mà không cần chịu hậu quả. 

Tháng Mười Một vừa qua đánh dấu 20 năm ngày ban hành Đạo Luật Tái Tạo Tự Do Tôn Giáo (Religious Freedom Restoration Act) tại Hoa Kỳ. Trong một buổi sinh hoạt do Newseum và Ủy Ban Hỗn Hợp Baptist về Tự Do Tôn Giáo điều hợp, các người tranh đấu cho Đạo Luật RFRA này chia sẻ nhiều câu truyện liên quan tới việc đạo luật này đã thành hình ra sao và những bước khó khăn nào nó từng vượt qua được. Dù không ai nên tự bằng lòng với các thành quả của mình, nhưng nói chung, ai cũng thấy mình đã làm được một điều gì đó. 

Thế rồi Douglas Laycock, một trong các kiến trúc sư chính của Đạo Luật RFRA, bắt đầu lên tiếng. Ông cảnh cáo rằng hàng triệu người Hoa Kỳ coi tự do tôn giáo là kẻ thù vì họ không ưa việc tôn giáo can thiệp vào cuộc sống tính dục của họ. Cho dù RFRA là một “siêu đạo luật”, nó vẫn chỉ có thể đem tới cho các tín hữu rất ít che chở nếu quốc gia quay qua chống lại tự do tôn giáo. Đạo luật nào cũng có thể bị thâu hồi. Các tòa án rất có thể làm chúng mất hết ý nghĩa. 

Lời cảnh cáo của Laycock xem ra có vẻ hơi quá đáng, tuy nhiên ta hãy nhìn một số sự kiện say đây. Tại New Mexico, nhiều cơ quan của chính quyền tiểu bang cho rằng một nhiếp ảnh gia Kitô Giáo đã vi phạm luật khi từ chối không chụp hình cho một đám cưới đồng tính. Tại Colorado, một chủ lò bánh đã bị kiện vì từ khước không chịu nướng bánh ngọt cho một đám cưới đồng tính khác và tại tiểu bang Washington, một tiệm bán hoa cũng đã bị kiện vì cùng lý do. Các y tá Kitô hữu tại New Jersey được đòi phải trợ giúp các vụ phá thai nếu không sẽ bị mất việc. Và dĩ nhiên, còn có chỉ thị ngừa thai toàn quốc của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS). 

Tại sao ra cớ sự này? Người ta thường đổ lỗi cho phong trào đồng tính đòi quyền lợi. Quả thực, việc đụng độ giữa sự buông tuồng tính dục và tự do tôn giáo thường được nhìn trong bối cảnh tranh đấu quyền lợi đồng tính. Nhưng xin hãy lùi lại thời gian đôi chút. Năm 2012, trong một cuộc thăm dò 120,000 người trưởng thành Hoa Kỳ, Viện Gallup thấy chỉ có 3.4 phần trăm là tự nhận mình là LGBT (lesbian, gay, bisexual, and transgender). Một nhóm nhỏ như thế làm sao thay đổi được công luận hiện hành?

Câu trả lời có thể nằm trong lời phát biểu của Laycock: người Hoa Kỳ ghét điều bị coi như can thiệp của tôn giáo vào đời sống tính dục của họ. Chủ tịch tập đoàn Barna Group, một cơ quan nghiên cứu thị trường của Tin Lành, mới đây nhận định rằng “điều giới trẻ thường hay ta thán nhất… là các Giáo Hội quá chú ý tới các vấn đề tính dục”. Các hậu quả của hôn nhân đồng tính có thể tạo đe dọa trầm trọng nhất cho tự do tôn giáo, nhưng các điều kiện và giả thuyết văn hóa khiến cho việc đe dọa này thành khả hữu bắt nguồn ngay từ tác phong dị tính luyến ái. 

Đây là một thái độ khá lạ lùng, vì không có tôn giáo nào tại Hoa Kỳ có khả năng pháp luật buộc bất cứ ai, dù là tín hữu hay không, phải theo các giáo huấn của họ về luân lý tính dục hay bất cứ điều gì khác. Một tín hữu Tin Lành có thể làm cho cô bạn gái của anh ta mang bầu mà vẫn giữ nguyên được chiếc đầu khỏi rời khỏi cổ, không như tình huống của Claudio trong Measure for Measure (đong đấu nào chịu đấu đó). Một người Công Giáo có thể mua một lố bao cao su tại một tiệm thuốc địa phương. Người bán không hề yêu cầu được kiểm soát căn cước tôn giáo của anh ta trước khi bán hàng. Và các phụ nữ của bất cứ tuyên tín tôn giáo nào cũng có thể phá thai trong suốt 50 tiểu bang Hoa Kỳ.

Như thế, tại sao càng ngày càng có nhiều người Hoa Kỳ nhìn tự do tôn giáo với con mắt nghi ngờ, nếu không muốn nói là thù nghịch thẳng thừng? Vấn đề ở đây thực ra là nhiều người Hoa Kỳ bị xúc phạm vì sự hiện diện của một quan điểm trái ngược. Sự kiện một ai đó, tại một nơi nào đó, dám lên tiếng không chấp thuận tác phong tính dục của họ là một sự kiện hiện nay xem ra tự nó đã là một cuộc tấn công rồi. Chủ nghĩa bất phê phán (non-judgmentalism), từng được nghiên cứu nhiều, vốn là một trong các đặc điểm của nền văn hóa Hoa Kỳ hiện nay, trong đó bất cứ sự sai lệch nào ít nhất cũng bị coi như vụng về, và thông thường thì bị coi như một tấn công bất hợp pháp vào cá nhân. Hoài nghi ư, bạn thử nói với nhóm những người thế tục chừng 30 tuổi rằng bạn tin việc sống chung là điều lầm lẫn thử coi, họ sẽ trả lời bạn ra sao.

Buông thả tính dục là một quyền căn bản

Cuộc cách mạng về luật lệ bắt đầu với vụ Griswold v. Connecticut, một vụ phán quyết rằng luật lệ ngăn cấm việc sử dụng thuốc ngừa thai của tiểu bang Connecticut là vi phạm quyền tư riêng được hiến pháp thừa nhận của các cặp vợ chồng. 

Và chỉ 7 năm sau, trong vụ Eisenstadt v. Baird , tòa án đã phán quyết rằng hạn chế việc bán các thuốc ngừa thai cho các cặp vợ chồng là vi phạm điều khoản Equal Protection Clause. Chánh án Brennan, khi bác bỏ lý lẽ trước đây về tư cách đặc biệt của hôn nhân, đã viết rằng “cặp hôn nhân không phải là một thực thể độc lập có tâm có trí riêng, mà là một hiệp thể gồm hai cá thể”. 

Carissa Mulder, một luật gia tại Hoa Thịnh Đốn, cho rằng không nên ngăn cấm thuốc ngừa thai. Tiểu bang có thời thi hành vai trò duy trì luân lý công cộng, nhưng vai trò này đã bị các vụ xử của Tối Cao Pháp Viện trên đây xâm hại. Các vụ xử này là các chiến thắng đầu tiên của một phong trào đầy ý thức hệ nhằm ban đặc ân cho các chủ nghĩa buông thả và bất phê phán về tính dục. 

Chủ nghĩa bất phê phán này đạt tới cao điểm với các vụ phá thai Roe v. Wade, Doe v. Bolton, và Planned Parenthood v. Casey, trong đó, quyền thoát khỏi các hậu quả tự nhiên của sinh hoạt tính dục đã lấn lướt một quyền sống khác của con người. Luật lệ là một ông thầy và vụGriswold and Eisenstadt dạy người ta bài học này “không ai có quyền phê phán các lựa chọn tính dục của bạn”. 

Tổng hợp lại, các vụ xử trên không những dạy người ta rằng họ có quyền đối với sự xuồng xã tính dục, mà còn cho họ hay họ có quyền đối với sự xuồng xã tính dục và miễn chịu hậu quả. 

Một khi những người dị tính luyến ái với những sở thích tính dục tương đối hợp truyền thống nay ủng hộ ý niệm cho rằng họ có quyền hưởng sự xuồng xã tính dục mà khỏi chịu hậu quả, thì chỉ còn một bước rất ngắn để người ta nối dài quyền ấy cho những người có sở thích tính dục ít thông thường hơn. Lối lý luận và các thái độ văn hóa đứng sau vụ Lawrence v. Texas đương nhiên bước chân theo các vụGriswold, Eisenstadt, và Casey. Nếu những người lớn thuận tình có quyền hưởng sự xuồng xã tính dục mà không sợ bị phê phán hay bất cứ hậu quả nào, thì chả có lý do nào để chỉ giới hạn quyền ấy cho sự xuồng xã dị tính. 

Tương tự như thế, phán quyết gần đây của tòa liên bang cấp quận trong vụ Brown v. Buhman (chị em cùng làm vợ một người) tức vụ thừa nhận quyền được bước vào đa hôn vì lý do tôn giáo cũng bắt nguồn từ cùng những trường hợp và ý thức hệ như thế. Tòa nhấn mạnh rằng nhà nước không trừng phạt người đàn ông đã bỏ rơi người vợ hợp pháp của anh ta, dọn tới ở với một người đàn bà khác và gọi người đàn bà thứ hai này là vợ mình. Như thế, tại sao nhà nước lại phải trừng phạt một người đàn ông muốn tự chứng tỏ mình là người kết hôn với cả hai người đàn bà cùng một lúc? Bao lâu người này không cố ý kết ước nhiều cuộc hôn nhân theo luật cùng một lúc, thì theo hiến pháp, anh ta có quyền sống với nhiều người đàn bà cùng một lúc, và coi họ như là vợ mình. 

Sự thù nghịch giữa các qui luật văn hóa và giáo huấn tôn giáo

Như thế, đâu có gì ngạc nhiên khi những người mà hệ thống niềm tin của họ bị lung lay bởi những thứ triết lý như vụ Casey hay phim truyện Modern Family ngoảnh mặt làm ngơ đối với nền luân lý khắt khe của các tôn giáo độc thần. Điều này càng trầm trọng hơn do việc Kitô Giáo cổ truyền nhất định không chịu tuân theo tinh thần thời đại, mà cũng không chịu chịu bỏ đi và giữ câm lặng. Việc mất dần vai trò duy trì luân lý công cộng của nhà nước vừa báo hiệu vừa dẫn tới việc văn hóa bác bỏ quyền của tôn giáo được phê phán tính hợp luân hay tính phi luân của một số hành vi. 

Người Tin Lành vẫn còn lớn tiếng công bố rằng người ta nên “chờ cho tới lúc thành hôn” dù giới điều này phần lớn đang bị vi phạm. Giáo Hội Công Giáo chưa hề nới lỏng việc ngăn cấm ngừa thai, dù rất nhiều tín hữu đang làm ngơ giáo huấn này và thậm chí còn lớn tiếng phản đối nó nữa. Cả Tin Lành lẫn Công Giáo đang vật lộn với nền văn hóa thế tục trên nhiều trận tuyến: cầu nguyện bên ngoài các bệnh xá phá thai, tham dự Tuần Hành Phò Sự Sống, phản đối Cơ Quan Quản Trị Dược Phẩm (FDA) cho phép thuốc phá thai, phản kháng văn hóa khiêu dâm v.v… Tóm lại, họ tiếp tục là gai nhọn cạnh sườn một nền văn hóa mỗi ngày một buông thả hơn trong suốt hơn 40 năm qua.

Thái độ văn hóa trên đã dẫn tới tình thế đấu tranh hiện nay cho tự do tôn giáo. Các vị giám mục Công Giáo dạy ngừa thai là có tội phải không? Đừng nghe các ngài. Phải buộc các cơ quan bác ái do các ngài giám sát cung cấp phương tiện ngừa thai và phá thai miễn phí cho các nhân viên. Ngừa thai đã sẵn có từ hơn 40 năm qua, nhưng nay, ta phải bắt các chủ nhân kinh doanh và các dòng tu tôn giáo cung cấp thuốc men và dụng cụ bị họ tin là tội lỗi. 

Những người chủ đạo trong cuộc cách mạng tình dục đã thành công trong việc thuyết phục nhà nước ủng hộ các quan điểm của họ. Nay, họ tìm cách sử dụng quyền lực nhà nước để buộc các các cá nhân tư vi phạm các niềm tin tôn giáo của họ và sống phù hợp với nền luân lý mới. 

Để minh họa mức độ xâm phạm tới lương tâm tôn giáo, tự do tôn giáo, các người tranh đấu thường so sánh chỉ thị ngừa thai với việc đòi các chủ tiệm thịt nguội Do Thái phải cung cấp bánh mì thịt heo hay đòi mọi chủ nhân kinh doanh Hồi Giáo phải trả hóa đơn cho nhân viên của ông ta mua rượu vang đỏ có lợi cho tim. Sự so sánh này chính đáng, nhưng người Hoa Kỳ trung bình thường nghĩ rằng “ôi, chính phủ có bao giờ làm thế đâu”. Và họ đúng; chính phủ đâu có làm như vậy. Tại sao? Vì thực phẩm bị coi là không quan trọng đến phải bận tâm, ngược lại, việc làm tình không chịu hậu quả đã trở thành một thứ vật tổ (totem) của người Hoa Kỳ. 

Chỉ thị ngừa thai là cuộc đánh phá của phe cách mạng tính dục chống lại phe luân lý tính dục cổ truyền. Như Douglas Laycock từng nhận định tại hội nghị RFRA, trong 40 năm qua, người Hoa Kỳ đã thỏa hiệp nhau trong vấn đề ngừa thai: họ có quyền mua nó, nhưng họ không có quyền bắt người khác trả tiền cho nó. Bỗng nhiên, thỏa hiệp này chấm dứt: mọi kế hoạch sức khỏe, kể cả các kế hoạch được trả tiền bởi các chủ nhân chống lại một số hay chống lại mọi loại phương tiện ngừa thai hay phá thai về phương diện tôn giáo, phải cung cấp các loại thuốc này. Các gợi ý cho rằng chính phủ phải đơn thuần cung cấp các phương tiện ngừa thai, hay tìm các cách cung cấp phương tiện ngừa thai khác mà không bắt người thụ hưởng phải trả tiến, đều bị để ngoài tai. Không thi hành chỉ thị này sẽ gây thiệt hại lớn lao cho các chủ nhân. Hiện nay, chỉ thị này đang bị rất nhiều vụ tranh tụng: Tối Cao Pháp Viện đã đến lúc phải nghe hai vụ lớn trong mùa Xuân này. 

Ta không thể làm ngơ trước việc đại bộ phận những người chống lại tự do tôn giáo đã bị thúc đẩy bởi sự thù ghét đối với các qui luật luân lý cổ truyền. Và như Douglas Laycock từng cảnh cáo, điều này có thể là thách đố khó khăn nhất đang đặt ra cho các tín hữu tôn giáo. 

Theo Carissa Mulder, một luật gia tại Washington, DC., www.thepublicdiscourse.com, The Witherspoon Institute, 6 Jan. 2014.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/121111.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét