Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Người Công Giáo Việt Nam và vấn đề Tôn Kính Tổ Tiên




Ngày 20 tháng 2 năm 2013 vừa qua, trên internet có đăng bài “Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo”[1]. Bài viết là tâm sự của cô gái tên Hồng, cô cho biết năm nay đã 28 tuổi, nhưng vẫn chưa lấy được chồng. Một trong những lý do dẫn đến việc cô khó lấy chồng, là “Một phần, người theo đạo không thờ cúng tổ tiên, nên cũng không thể lấy người khác niềmtin được”[2]. Đó cũng là điều mà chúng ta vẫn thường nghe nói ở các xứ đạo những người nam và nữ lương dân không muốn kết hôn với người Công Giáo vì cho rằng ‘đi đạo là mất ông bà tổ tiên’. Thực tế có phải như vậy hay không? Chắc chắn đây là một ngộ nhận, vì đã là con người, ai cũng phải nhớ về công ơn của các bậc sinh thành. Có điều mỗi dân tộc, tôn giáo lại thể hiện sự tôn kính theo cách thức của mình. Vì thế, Đạo Công giáo cũng không loại bỏ sự tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, nhưng “đạo Công giáo còn cho thấy một chiều kích rộng lớn hơn của đạo hiếu, giúp quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và hoàn chỉnh hơn”[3].

Vấn đề còn lại là Người Công Giáo Việt Nam tôn kính tổ tiên như thế nào?

Để làm sáng tỏ những điều đó, xin được trình bày qua ba ý tưởng:

- Tôn Kính Tổ Tiên là một giới răn và có nền tảng trong Kinh Thánh;
- truyền thống Tôn Kính Tổ Tiên phù hợp với chữ Hiếu trong Đạo Công
Giáo;
- hình thức Tôn Kính Tổ Tiên theo Đạo Công giáo.

1. Tôn kính tổ tiên là một giới răn và có nền tảng từ Thánh kinh

Ngay từ thời các nền văn hóa còn hoang sơ, dân Ixraen đã ý thức được lệnh Thiên Chúa truyền cho họ phải tôn kính Tổ Tiên. Đây không phải là một lời khuyên, nhưng là một điều luật của Thiên Chúa cho dân của Ngài: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Giới răn này được đặt ở vị trí thứ tư trong 10 giới răn, chỉ sau ba giới răn con người với Thiên Chúa; nghĩa là việc kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên đứng ở vị trí đầu tiên trong bảy giới răn còn lại con người sống với nhau. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của việc tôn kính Tổ Tiên của người Công Giáo. Tôn kính Tổ Tiên là điều quan trọng nhất trong các giới răn liên quan đến tha nhân.

Trong sách Tôbia, trước khi chết, người cha đã gọi con trai là Tôbia đến và khuyên rằng: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ” (Tb 4,3-4).

Tác giả sách Huấn ca, khi đưa ra những lời giáo huấn về đời sống luân lý, cũng đã không quên nói đến nghĩa vụ của con cái:“Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 8-9.12-14.16).

Đức Giêsu đến trần gian cũng đã sống cuộc đời hiếu thảo với cha mẹ: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51a). Trong sứ vụ công khai, Ngài đã khiển trách các kinh sư và Pha-ri-sêu về lối tôn kính cha mẹ kiểu vụ hình thức (Mt 15,1-9). Ngài đã sống trọn vẹn chữ hiếu với Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời cho đến bằng lòng chịu chết để cứu độ con người. Đỉnh điểm khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó mẹ Ngài cho môn đệ Gioan (Ga 19, 25-27). Xét về phương diện chữ hiếu, lúc mà sự cứu rỗi thế gian sắp hoàn tất, Đức Giêsu vẫn không quên bổn phận hiếu thảo của mình, Ngài đã tìm cho mẹ một chỗ nương tựa lúc tuổi già.

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy việc hiếu thảo với cha mẹ là điều đẹp lòng Thiên Chúa “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Và đó là điều phải đạo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1).

Như vậy, việc tôn kính Ông Bà Cha Mẹ đối với người Công Giáo không chỉ dừng lại ở bình diện bổn phận, nhưng đó còn là giới răn của Thiên Chúa bó buộc mọi người phải thi hành. Chính vì vậy, chúng ta thấy được thái độ tôn kính phải có của người Công Giáo với Ông Bà Tổ Tiên, chứ không phải là theo Chúa thì bỏ Ông Bà Tổ Tiên.

2. Truyền thống Tôn Kính Tổ Tiên hợp với chữ Hiếu trong Đạo Công Giáo

Ca dao Việt Nam chúng ta có câu:
“Con người có tổ, có tông,
như cây có cội, như sông có nguồn”.

Đó là lời răn dạy của cha ông đối với mỗi chúng ta. Dù ở địa vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào, cũng đừng quên cội nguồn của mình, phải nhớ đến tình cha, nghĩa mẹ, công đức ông bà, tổ tiên. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những lý do người Việt Nam tôn kính Ông Bà Tổ Tiên và những lý do này phù hợp với niềm tin Công Giáo.

Lý do thứ nhất là phải đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Thực ra, nào có cần phải nêu ra lý do này lý do kia để chúng ta hiểu tại sao mình cần phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tận trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, ai sống trên đời mà chẳng có người sinh ra, chân lý này chỉ mới dừng lại ở công ơn sinh thành. Quả thực, con người sống với nhau, luôn có mối dây thiêng liêng liên kết ràng buộc, ta gọi đó là tình nghĩa gia đình và đạo hiếu, cách riêng đối với người Việt Nam, đạo hiếu đã trở thành nghĩa cử thiêng liêng ăn sâu trong tâm trí họ, thay vì hiểu nó là trách nhiệm, bổn phận. Ca dao ví von:

“Công cha như núi thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Người xưa đã mượn câu ca dao đó để ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ. Công đức sinh thành của cha mẹ thật không có gì sánh được, biết ơn cha mẹ trước tiên và sâu xa nhất, là biết đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta bao năm tháng. Trong Đạo Công giáo, đền đáp công ơn của các bậc sinh thành được tác giả sách Huấn ca nhấn mạnh: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28).

Thứ đến là lòng bác ái. Là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết mình mang dòng máu rồng tiên. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ cho thấy mọi người đều sinh ra từ cái bọc trăm trứng. Mọi người là anh em của nhau, nên phải thể hiện tình thương yêu đối với nhau. Đạo Công Giáo luôn cổ vũ lòng bác ái. Bác ái là trung tâm điểm của việc thực thi Giáo lý, người Công Giáo phải “mến Chúa” và “yêu người thân cận như chính mình”. Bác ái trước hết, phải thể hiện từ những mối tương quan gần gũi, ông bà cha mẹ.

Cuối cùng, việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên thể hiện lòng hiếu kính. Bổn phận làm con phải biết thờ mẹ kính cha, phải làm tròn chữ hiếu. Quy luật của cuộc sống là không có cây thì không có quả, không có người sinh thành thì không thể có chúng ta. Người biết ơn là người thể hiện rõ đức tính nhân bản. Đạo Công Giáo cũng có thể được gọi là Đạo Hiếu, bởi người Công Giáo tin Thiên Chúa là Cha, là Đấng sáng tạo con người và muôn vật. Vì thế, con người cũng phải thể hiện chữ hiếu với Thiên Chúa bằng cách thờ phượng và tôn vinh. Bên cạnh đó, việc thảo hiếu với cha mẹ là điều giúp con cái được hưởng thọ và hạnh phúc, như thánh Phaolô khẳng định: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,2).

3. Tôn kính như thế nào?

Việt Nam là một nước mang đậm truyền thống văn hóa Á Đông, hơn nữa lại ảnh hưởng bởi Nho Giáo và Đạo Giáo, nên vấn đề tôn kính ông bà cha mẹ rất được coi trọng. Đức tin Công Giáo được gieo vào lòng đất Việt vào khoảng thế kỷ XVI – XVII (1533 – 1659), thời các cha dòng Tên chính thức việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bước đầu tiếp cận con người và vấn đề hội nhập văn hóa rất khó khăn. Bởi các vị thừa sai chưa hiểu một cách thấu đáo về truyền thống văn hóa tôn kính Ông Bà Tổ Tiên của người dân trong khu vực này và có nhiều điểm dị biệt trong quan điểm hội nhập. Thực tế, lịch sử cũng có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra, và quan niệm sai lầm về Đạo Công Giáo không được tôn kính Ông Bà Tổ Tiên vẫn còn dư âm đến ngày hôm nay, nhất là ở những nơi mà ánh sáng Tin Mừng chưa được lan tỏa. Nhưng thiết nghĩ rằng, đó là lối suy nghĩ đã cũ, và chưa hiểu về Đạo Công Giáo.

Thực tế, “Tin Mừng không chọn lựa đất sống. Tình yêu chẳng chối từ gian nan”[4], Tin Mừng chấp nhận hội nhập với mọi nền văn hóa. Giáo Hội đã tìm cách tháo gỡ những bế tắc, đã đưa ra phương hướng cho việc hội nhập đức tin Công Giáo vào truyền thống tôn kính Ông Bà Tổ Tiên trên dân tộc Việt Nam nói riêng và vùng Á châu nói chung. Ngày 08 tháng 12 năm 1939, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã cho công bố “Huấn thị Plane compertum est” nhằm tháo gỡ việc cấm tôn kính Ông Bà Tổ Tiên tại Trung Quốc, Nhật Bản và những nước có nền văn hóa tương tự.

Tại Việt Nam, các giám mục cũng xin áp dụng huấn thị vào tình hình lịch sử văn hóa của đất nước và được Tòa thánh, qua Bộ Truyền Giáo, chấp nhận vào ngày 02 tháng 10 năm 1964. Trong hội nghị giám mục tại Đà Lạt vào ngày 13-14 tháng 6 năm 1965, các ngài đã công bố thông cáo về việc tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sỹ. Thông cáo lấy lại Thông điệp “Evangelii praecones” của Đức Piô XII để nói lên quan điểm của Giáo Hội: “Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo”. [5]

Ngày 14 tháng 11 năm 1974, Hội nghị các giám mục họp tại Nha Trang đã đưa ra quyết nghị về vấn đề Thờ Kính Tổ Tiên trong 6 điểm:

a. Bàn thờ Gia Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa, miễn là không bày biện gì mê tín như hồn bạch.

b. Đốt hương, nhang, đèn, nến trước bàn thờ Tổ Tiên và những cử chỉ hiếu thảo tôn kính được phép làm.

c. Ngày “kỵ nhật” được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là bỏ những gì dị đoan mê tín như đốt vàng mã,… giảm thiểu, canh cải những lễ vật biểu dương ý nghĩa thành kính, biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn…

d. Trong hôn lễ, cô dâu, chú rể được làm lễ Tổ, lễ Gia Tiên vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính, trình diện với ông bà.

e. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái lạy theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.

f. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng tại đình làng để tỏ lòng cung kính biết ơn với những vị mà theo lịch sử  là có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không như mê tín đối với các “yêu thần”, “tà thần”[6].

Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng Đạo Công Giáo luôn dành vị trí đặc biệt cho việc tôn kính Ông Bà Cha Mẹ, chỉ sau việc kính mến và thờ phượng Thiên Chúa. Qua việc cổ võ đạo Hiếu, đạo Công Giáo hướng con người tới việc hiểu biết tổ tiên đích thực của mình, chính là Thiên Chúa – Đấng đã dựng nên trời đất, sinh ra loài người chúng ta (St 1-2, 4a). Việc tôn kính ấy được thể hiện qua việc thảo hiếu, chăm sóc, phụng dưỡng lúc các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Tuy nhiên, điều mang lại hy vọng tích cực nơi người Công Giáo, họ tin rằng con người có hồn thiêng bất tử, sau khi chết, hồn không thể hưởng thụ những gì là vật chất, mà cũng chỉ dùng thứ lương thực thiêng liêng để được hưởng hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa. Vì thế, phụng vụ Giáo Hội cũng dành ưu tiên cho việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên khi dành ngày muồng hai Tết và suốt cả tháng 11 Dương lịch để kính nhớ các ngài, đặc biệt trong Kinh Nguyện Thánh Thể được đọc trong các thánh lễ mà người công giáo cử hành mỗi ngày, đã dành phần cầu nguyện cho “anh chị em đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc…”. Có nơi, theo truyền thống nếu vào ngay thứ hai trong tuần khi không có lễ kính hay lễ nhớ thì vị linh mục sẽ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn Ông Bà Tổ Tiên.

Tóm lại, từ những ý tưởng trình bày trên, ta thấy quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với Ông Bà Tổ Tiên. Việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên không nghịch lại với niềm tin Công Giáo. Trái lại, Đạo Công Giáo luôn cổ vũ khích lệ lòng hiếu kính với Ông Bà Tổ Tiên. Khi vào Việt Nam, Đạo Công giáo đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc, Đạo Công giáo không phá hủy truyền thống dân tộc, nhưng nâng cao và kiện toàn như Công Đồng Vatican II đã nhận định: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người”[7]. Vì lẽ đó, người Công Giáo luôn được mời gọi tuân theo luật Chúa dạy chu toàn bổn phận thảo hiếu với Ông Bà Tổ Tiên. Đồng thời, loan truyền Tin Mừng bằng cách chia sẻ với những người không cùng tôn giáo trong những dịp mừng thọ, an táng, những dịp giỗ hay lễ hội… để mọi người có cái nhìn và hiểu đúng về Đạo Công giáo, nhờ đó xóa đi rào cản ngăn cách và xây dựng một xã hội bác ái yêu thương hơn.

Giuse Nguyễn Văn Quyền
Đại chủng viện Vinh Thanh


++++++++++++++++++++++++++
[1] Hồng, Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo, 2013, http//www. vnexpress.net, truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2013.
[2] Hồng, Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo,2013, http//www. vnexpress.net
[3] Đinh Kiều Nga, Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, http://btgcp.gov.vn, truy cập ngày 06 tháng 4 năm 2013.
[4] Lm Nguyễn Tầm Thường, Nước mắt và hạnh phúc, 172
[5] Vấn đề cúng bái tổ tiên. http://www.dongten.net. truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013
[6] Các giám mục việt nam, quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên.
http://www.dongten.net. truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013
[7] Lumen Gentium17, trong thánh công đồng vaticano 2

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Song-Dao/Nguoi-Cong-Giao-Viet-Nam-va-van-de-Ton-Kinh-To-Tien-2814/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét