Phỏng vấn Linh Mục Roberto D'Avanzo, giám đốc Caritas thánh Ambrosiana tổng giáo phận Milano bắc Italia
Năm 2014 là ”Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm”. Năm này có mục đích gây ý thức cho các dân tộc âu châu sống trong các xã hội giầu có tân tiến thừa bứa ý thức hơn đối với việc mua và dùng thực phẩm.
Khi tìm hiểu hệ thống thị trường sản xuất, di chuyển, đóng gói và tung vào thị trường tiêu thụ tại các nước Tây Âu tân tiến, người ta nhận ra một số luật lệ thương mại phải gọi là ”tàn ác”. Thứ nhất là luật giữ giá thị trường. Để giữ giá trên thị trường tiêu thụ các nông dân rất thường bị bắt buộc phải hủy bỏ số lượng rau trái sản xuất thặng dư. Điển hình như nông dân trên đảo Sicilia nam Italia, là nơi có các đồn điền trồng cam quít rất phong phú. Từ bao thập niên qua chính sách giữ giá thị trường tiêu thụ bắt buộc họ phải hủy bỏ hàng núi cam quít, bằng cách dùng xe ủi đất nghiền nát số cam quít sản xuất thặng dư để làm phân bón. Nông dân phải thường xuyên sống cảnh thấy mồ hôi nước mắt của họ bị các luật lệ của thị trường khinh thường vứt bỏ.
Thế rồi nếu theo đõi lộ trình của các nông sản từ lúc được gặt hái, chuyên chở tới các nhà máy sản xuất thực phẩm để được lựa chọn, rửa sạch, đóng thùng, đóng bịch, di chuyển vv... cho tới lúc được bầy bán trong các siêu thị, người ta mới nhận ra số thực phẩm bị lựa lọc và loại trừ vứt bỏ nhiều chừng nào. Tất cả rau trái bị dập, bị nát hay trầy trụa, dù chỉ là một tí hầu như đều bị loại bỏ. Vì tâm thức của khách hàng bỏ tiền ra mua, đòi hỏi mọi thứ đều phải nguyên vẹn, xinh đẹp, tươi mát, bắt mắt, nên tất cả những sản phẩm nào không đáp ứng các yêu sách đó đều bị loại bỏ và phế thải.
Trong tiến trình chuyên chở các sản phẩm đã được chuẩn bị sẵn sàng để phân phối trong hàng trăm ngàn siêu thị, thường cũng xảy ra sự hư hại: các thùng sản phẩm bị rơi, bị méo, bị rách vv... sẽ được loại bỏ một lần nữa.
Bên cạnh đó nghệ thuật quảng cáo bầy hàng ngày càng tinh vi, khiến cho các siêu thị ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hàng tiêu thụ. Các chuyên viên quảng cáo, trưng bày đều là những người đã được huấn luyện có bài bản và rất sành tâm lý của khách hàng, nên cách trưng bầy trong các siêu thị, các màu sắc loại hàng cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, và cứ lâu lâu kiểu trưng bầy và sắp xếp lại được thay đổi sao cho ngày càng hấp dẫn hơn.
Ngoài hàng ngàn mặt hàng mà khách tiêu thụ tha hồ lựa chọn theo sở thích, yếu tố tâm lý thị hiếu, mầu sắc, mời mọc kích thích thú mua sắm của khách hàng, đến độ họ thường mua nhiều hàng hóa và thực phẩm hơn mức cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Đó là chưa kể tới ”chiêu hạ giá” sản phẩm vào rất nhiều dịp khác nhau lại càng kích thích sở thích mua sắm của người tiêu thụ hơn nữa.
Trong số các sản phẩm và thực phẩm mỗi gia đinh mua về hàng tuần hay mỗi mười ngày, rất thường khi có nhiều thứ không cần thiết hay không hợp sở thích của mọi thành phần trong gia đình. Sau một thời gian để trong tủ lạnh hay chất đống đâu đó chúng đều bị vứt vào thùng rác, trong đó thường xuyên có nhiều thực phẩm như bánh, rau và trái cây. Chúng ta cứ nghĩ tới các thủ đô lớn đông người với hàng triệu hay hàng chục triệu dân cư trên thế giới, mỗi ngày có biết bao tấn thực phẩm còn tốt nguyên bị vứt vào thùng rác. Điển hình như Roma, một thủ đô có 4 triệu người. Mỗi ngày số bánh mì còn tốt nguyên nhưng là bánh cũ và ỉu bị vứt đi lên tới hàng tấn. Cứ thế mà nhân lên với số hàng trăm ngàn thành phố lớn nhỏ tại Âu châu và hàng triệu thành phố trên toàn thế giới, chúng ta có thể tưởng tượng được số thực phẩm phung phí nhiều chừng nào.
Hồi tháng 6 năm 2013 đề cập tới tệ nạn người dân các nước giầu tây âu phung phí thực phẩm Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: ”Thực phẩm mà người ta vứt đi giống như thể thực phẩm bị ăn trộm từ bàn của người nghèo, của người đói”.
Theo tổ chức Lương Nông Quốc Tế FAO, có trụ sở tại Roma, một phần ba tổng số thực phẩm trên thế giới bị phung phí, tức tổng cộng lên tới 1,3 tỷ tấn hàng năm. Trong năm 2013 tính đổ đồng mỗi một người dân âu châu đã vửt đi 180 kí thực phẩm. Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần ngày mùng 5 tháng 6 năm 2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích rằng ”nền văn hóa gạt bỏ đã khiến cho chúng ta trở thành vô cảm đối với các phung phí thực phẩm. Nó lại càng đáng phiền trách hơn nữa, khi tại khắp nơi trên thế giới rất tiếc có nhiều người và nhiều gia đình phải khổ đau vì đói và thiếu dinh dưỡng.” Trong video sứ điệp gửi cho chiến dịch ”Một gia đình nhân loại, thực phẩm cho mọi người” do Caritas quốc tế phát động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại với đề tài này và nhắc cho mọi người biết rằng các hành động thường ngày của từng người trong chúng ta có ảnh hưởng trên cuộc sống của những người sống gần hay xa chúng ta đang phải chịu đói khổ trên chính thân xác họ”.
Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn Linh Mục Roberto D'Avanzo, giám đốc Caritas thánh Ambrosiana về Năm châu Âu chống nạn phung phí thực phẩm.
Hỏi: Thưa cha, tại sao lại xảy ra tình trạng ngược đời như thế: người dân các nước âu châu giầu có thì vứt bỏ và phung phí thực phẩm, trong khi có hàng tỷ người trên thế giới lại đói khát, thiếu ăn và không đủ đinh dưỡng?
Đáp: Lý do là ở chính giữa có guồng máy ác độc, vì thế nhân loại cứ luôn luôn phải lắc lư giữa các thời điểm khó khăn hơn bị ghi dấu bởi các thiếu thốn, trong đó khi gặp các tình trạng khó khăn người ta học biết bằng lòng với cái ít ỏi và biết đánh giá cao sự ít ỏi đó, và những thời gian trong đó người ta hoàn toàn quên những gì đã bỏ lại sau lưng và các điều kiện sống của đa số các dân tộc trên thế giới, bằng cách thích ứng với các kiểu sống ghi dấu bởi các thái quá, bởi sự phung phí và không có khả năng chia sẻ. Thời gian khủng hoảng hiện nay, mà chúng ta đang trải qua cũng có thể trở thành ích lợi nếu nó giúp chúng ta thảo luận kiểu sống và tương quan của chúng ta với các tài nguyên của cải mà thiên nhiên cống hiến cho chúng ta.
Hỏi: Tại sao ngày nay người ta lại vẫn phung phí thực phẩm như vậy, có các lý do nào không thưa cha?
Đáp: Chắc chắn việc phung phí thực phẩm ngày nay liên quan tới các hệ thống sản xuất và tiêu thụ của các nước giầu, của các nước khá giả hơn. Một cách mâu thuẫn chúng ta cũng nhận thấy điều đó liên quan tới các thứ bệnh do thực phẩm gây ra. Vì thế một trong những chiến dịch đã được phát động tại các nước kỹ nghệ giầu nói trên đó là chiến dịch chống lại bệnh mập phì, là bệnh có nhiều trẻ em và người lớn mắc phải ngày nay. Như vậy, một đàng chúng ta bệnh tật vì cuộc sống phong phú giầu có của mình, đàng khác chúng ta lại rơi vào tình trạng tuyệt đối tiêu cực là bệnh khước từ hoàn toàn thực phẩm, khiến cho biết bao nhiêu thanh thiếu niên phải thiệt mạng.
Hỏi: Tổ chức Caritas Ambrosiana tham gia và tái đề nghị với Caritas quốc tế việc phát động chiến dịch ”Một gia đình, thực phẩm cho mọi người”. Trong sư điệp video Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người biết ”ý thức hơn đối với các lựa chọn thực phẩm”. Đâu là các sáng kiến trực tiếp mà Caritas Ambrogiana đang làm, thưa Cha?
Đáp: Tiền đề đối với chúng tôi đó là chiến dịch này của tổ chức Caritas Quốc Tế là một dịp ngoại thường giúp toàn cộng đoàn kitô chuẩn bị cho biến cố cuộc Triển Lãm Âu Châu diễn ra tại Milano này vào năm 2015. Nhưng nhất là nó là dịp đóng góp suy tư cho một loạt các sáng kiến nảy sinh, cả một cách rất là tự phát trong các năm này. Trong các giáo xứ đã phát triển ý tưởng thành lập các kho dự trữ thực phẩm, như là kết qủa các cuộc quyên góp định kỳ trong giáo xứ, hay kết qủa của các thỏa hiệp với siêu thị của khu vực có các thực phẩm dư thừa, hay các sản phẩm vì các lý do tầm thường chẳng hạn như việc đóng gói không hoàn hảo nên không thể bán được nữa, nhưng vẫn hoàn toàn còn tốt. Óc tưởng tượng của tình bác ái của các nhân viên của chúng tôi đã huy động cả một mạng lưới phân phối. Ngoài ra, trên bình diện giáo phận, chúng tôi cũng đang huy động ý tưởng thành lập một số các điểm chiến lược trong giáo phận Milano, tức các nơi để tích chứa các thực phẩm loại này, rồi phân phát cho người nghèo. Hay chúng tôi cũng đang tiến tới một chương trình rất hay đẹp đã được thực hiện tại Roma và các vùng ngoại ô Roma từ mấy năm nay. Đó là siêu thị thực phẩm, nơi các người nghèo có thể đến ”mua thực phẩm” mà không phải trả tiền. Họ chỉ cần tiếp xúc với các trung tâm lắng nghe và nhận thẻ để có thể tới nhận các thực phẩm này tại siêu thị bác ái. Đó là các sáng kiến nhằm giảm thiểu việc phung phí thực phẩm, và làm nảy sinh ra một tình liên đới đối với những ai phải vất vả đối phó với vần đề thực phẩm để sống. Thế nhưng chúng tôi cũng muốn thảo luận một chút về mô thức kinh tế và mô thức thị trường, mà các nước kỹ nghệ giầu đang theo đuổi. Chúng ta không được chỉ bằng lòng với việc khai thác các dư thừa, cả khi mục đích của nó là điều tốt đi nữa. Chúng ta muốn cùng nhau phát triển một suy tư, để trong một cách thức nào đó chúng ta đặt ra các tiền đề giúp thay đổi hệ thống sản xuất, thay đổi kiểu khai thác các tài nguyên thực phẩm của địa cầu, và với kết qủa là làm nảy sinh ra nhiều công bằng hơn, để trành cảnh ”kẻ ăn không hết, người lần không ra.” (RG 1-1-2014)
Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/121179.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét