Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Tấm gương sáng của cộng đồng Kitô hữu Nhật Bản


Vatican ngày 16/1/2014 (Zenit.org)


Bài giáo lý về phép rửa của Đức Thánh Cha


Các bạn thân mến,


Hôm thứ tư vừa qua, chúng ta đã khởi sự một chu kỳ ngắn về giáo lý các bí tích, bắt đầu bằng Phép Rửa. Và hôm nay tôi muốn tiếp tục về đề tài này, để nhấn mạnh về một hoa quả rất quan trọng của bí tích này: vì khiến cho chúng ta trở nên những thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô và của Dân Chúa.


Thánh Tôma Aquinô khẳng định rằng ai lãnh nhận phép rửa là được sát nhập vào Chúa Kitô như chính một thành phần của Người, và được gia nhập vào cộng đồng các tín hữu (Xem Summa Theologica, III, q.69, art.5; q.70, art.1), nghĩa là thuộc Dân Chúa. Theo Công Đồng Vatican II, ngày nay chúng ta nói là phép rửa làm cho chúng ta được gia nhập vào Dân Chúa, và trở thành những phần tử của một dân đang hành trình, một dân đang tiến bước trong lịch sử.


Thực vậy, cũng như đời sống được chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, ân sủng cũng được chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua sự nẩy sinh tại các giếng rửa tội, và người dân Kitô tiến bước trong thời gian với ân sủng này, như giòng sông tưới bón cho trái đất và làm cho phúc lành của Thiên Chúa lan tràn trên thế giới. Từ khi Chúa Giêsu nói với chúng ta điều chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, các môn đệ đã đi làm phép rửa; và từ lúc đó cho đến nay, đã có một sợi giây xích trong việc chuyển tiếp đức tin qua phép rửa. Và mỗi người chúng ta là những mắt xích; luôn luôn tiến lên một bước; như một giòng sông chuyển nước cho ruộng đồng. Đó là ân sủng của Chúa và là đức tin của chúng ta, mà chúng ta phải chuyển tiếp cho con cháu chúng ta, để khi chúng trưởng thành, chúng lại có thể chuyển tiếp cho con cháu chúng nó. Đó chính là phép rửa. Tại sao? Vì phép rửa làm cho chúng ta được gia nhập đoàn dân Chúa để chuyển tiếp đức tin. Qua phép rửa, chúng ta trở nên những môn đệ truyền giáo, được mời gọi đem Phúc Âm đến cho toàn thế giới (Tông Huấn Evangelii gaudium, 120). “Mỗi người đã chịu phép rửa, bất cứ đang giữ vai trò nào trong Giáo Hội và ở đẳng cấp giảng dậy nào về đức tin, phải là một thành phần năng động cho việc phúc âm hoá … Tân phúc âm hóa đòi hỏi mỗi người đã chịu phép rửa phải là một tác viên với phong cách mới.” (như trên), tất cả, tất cả dân Chúa, mỗi người đã rửa tội đều phải là những tác viên với phong cách mới. Dân Chúa là một dân của các môn đệ - vì nhận lãnh đức tin – và là những nhà truyền giáo – vì họ phải chuyển tiếp đức tin. Và chính phép rửa làm cho chúng ta trở nhên như vậy: phép rửa ban cho chúng ta ân sủng và chuyển tiếp đức tin. Trong Giáo Hội, chúng ta tất cả đều là các môn đệ, và luôn luôn là môn đệ trong suốt cuộc đời; và chúng ta là những nhà truyền giáo, mỗi người ở địa vị được Chúa Kitô chỉ định. Tất cả, kể cả những người nhỏ bé nhất cũng là nhà truyền giáo; và những ai có vẻ lớn hơn sẽ là những môn đệ. Nhưng sẽ có vài người trong các bạn sẽ nói: “các giám mục không phải là các môn đệ, các giám mục đã biết hết tất cả; giáo hoàng cũng biết hết mọi sự, và không phải là môn đệ.” Không phải như vậy, các giám mục và giáo hoàng cũng phải là các môn đệ, vì nếu không phải là môn đệ, thì không làm được gì tốt cả, họ không thể là những nhà truyền giáo, họ không thể chuyển tiếp đức tin. Tất cả chúng ta đều là các môn đệ và các nhà truyền giáo.


Có một mối liên kết không thể xóa mờ giữa chiều kích thần bí và chiều kích truyền giáo của ơn gọi Kitô, cả hai đều bắt rễ trong phép rửa. “Khi tiếp nhận đức tin và phép rửa, Kitô hữu nhận lãnh tác động của Thánh Thần hướng dẫn để tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và được phép gọi Thiên Chúa là “Abba”, Lạy Cha! Tất cả mọi người đã chiụ phép rửa, và tất cả những người đã rửa tội thuộc Châu Mỹ La Tinh và quần đảo Caraïbes đều được mời gọi để sống và chuyển tiếp sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, vì truyền giáo là một lời kêu gọi tham gia vào sự hiệp thông với Ba Ngôi” (Aparecida, số157).


Không một ai có thể tự cứu mình. Chúng ta là một cộng đồng tín hữu, chúng ta là dân Chúa, và trong cộng đồng này, chúng ta được nếm vẻ đẹp của việc chia xẻ kinh nghiệm về một tình yêu đi trước chúng ta, đồng thời đòi hỏi chúng ta trở nên các “máng chuyển” ân sủng cho nhau, mặc dầu chúng ta có giới hạn và tội lỗi. Chiều kích cộng đồng không chỉ là một “tập thể”, nhưng là chính đời sống Kitô, là làm nhân chứng và phúc âm hóa. Đức tin Kitô nẩy sinh và sống trong Giáo Hội, và trong phép rửa, các gia đình và giáo xứ ăn mừng việc sát nhập một thành phần mới vào Chúa Kitô và vào nhiệm thể của người là Giáo Hội (Như trên số175b).

Về phần quan trọng của phép rửa đối với dân Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô Nhật Bản là một tấm gương. Cộng đồng này đã bị đàn áp dữ dội vào đầu thế kỷ XVII. Có tất nhiều vị tử đạo, các giáo sĩ bị trục xuất và hàng vạn tín hữu bị sát hại. Không còn một linh mục nào, vì tất cả đã bị trục xuất. Cộng đồng này đã phải lẩn trốn, và giữ gìn đức tin và việc cầu nguyện trong khi chui trốn. Mỗi khi có đứa trẻ mới sanh, người cha hay mẹ rửa tội cho nó, vì trong các trường hợp đặc biệt, tất cả mọi tín hữu đều có thể rửa tội. Khoảng hai thế kỷ rưỡi sau đó, 250 năm sau, các nhà truyền giáo mới trở lại Nhật Bản, hàng trăm ngàn Kitô hữu đã xuất đầu lộ diện và Giáo Hội đã có thể triển nở. Họ đã sống sót nhờ vào phép rửa! Thật là vĩ đại! Dân Chúa đã chuyển tiếp đức tin, họ đã rửa tội cho con trẻ và tiến bước. Và họ đã duy trì, trong sự chui dấu, một tinh thần truyền giáo vững mạnh, vì phép rửa đã làm cho họ trở thành cùng một thân thể trong Chúa Kitô; họ đã bị cô lập hóa và ẩn dấu, nhưng họ vẫn luôn luôn là những thành phần của Dân Chúa, của Giáo Hội. Chúng ta có thể học hỏi nơi lịch sử của họ rất nhiều! Chân thành cám ơn các bạn.

Bùi Hữu Thư
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/121120.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét