Phỏng vấn Linh Mục Moussie Zerai, giám đốc tổ chức Habeshia cộng tác phát triển
Trong sứ điệp Giáng Sinh trưa ngày 25 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập tới nhiều điểm nóng trên thế giới, trong đó có thảm cảnh của người di cư tị nạn và tệ nạn buôn người. Đức thánh Cha đã cầu nguyện với Chúa Hài Nhi như sau: “Lậy Chúa của sự sống... xin ban hy vọng và an ủi cho các người di cư tị nạn, đặc biệt trong vùng Sừng Phi châu và miền đông Cộng hòa Congo. Xin cho các người di cư tìm một cuộc sống xứng đáng hơn, được tiếp đón và trợ giúp. Ước gì các thảm cảnh như thảm cảnh mà chúng con đã chứng kiến trong năm nay với nhiều người chết tại đảo Lampedusa, đừng bao giờ xảy ra nữa! Ôi Hài Nhi Bếtlêhem, xin đánh động con tim của những người liên lụy trong việc buôn bán người, để họ ý thức được sự trầm trọng của tội phạm này chống lại nhân loại.”
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia Nagiarét ngày 28 tháng 12, Đức Thánh Cha lại tái lên tiếng về thảm cảnh của những người di cư tị nạn. Đề cập đến sự kiện Chúa Giêsu đã cùng cha mẹ phải trốn sang Ai Cập sống kiếp tị nạn đầy âu lo, bấp bênh và khó khăn, Đức Thánh Cha nói:
“Rất tiếc ngày nay cũng có hàng triệu gia đình phải sống trong thực tại buồn thương này. Hầu như moi ngày truyền hình và báo chì đều đưa tin các người di cư trốn chạy đói khát, chiến tranh và các hiểm nguy trầm trọng khác để tìm an ninh và một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và cho gia đình mình. Trong các vùng đất xa xôi ấy, cả khi có tìm được công văn việc làm, các người tị nạn và di cư không luôn luôn gặp được sự tiếp đón đích thật, lòng tôn trọng và đánh giá cao các giá trị họ đem theo. Các chờ mong hợp pháp của họ thường gặp các tình trạng phức tạp và các khó khăn xem ra không thể vượt thắng nổi. Khi nhìn vào Thánh Gia Nagiarét phải bó buộc tị nạn, chúng ta nghĩ tới thảm cảnh của các người di cư tị nạn, nạn nhân của sự khước từ và khai thác bóc lột”.
Như đã biết, ngày mùng 3 tháng 10 năm 2013, một chiếc tầu chở người di cư tị nạn có lẽ khởi hành từ Libia, đã bị đắm, rồi bị cháy ngoài khơi cách đảo Lampedusa 6 hải lý, khiến cho 363 người chết. Tai nạn này đã gây chấn động dư luận tại Italia và trong các nước Âu châu trước thảm cảnh của người di cư tị nạn. Kể từ khi có “cuộc cách mạng hoa nhài” tại các nước Bắc Phi, số người di cư tị nạn tăng vọt, khiến cho Lampedusa rơi vào tình trạng khủng hoảng, vì không có đủ các cơ cấu hạ tầng để tiếp đón hàng chục ngàn người tìm cặp bến tại đây.
Ngoài cảnh di cư ti nạn bằng đường biển, cũng còn có thảm cảnh của những người di cư ti nạn bằng đường bộ, trước khi tiếp tục chặng hai bằng tầu. Hồi tháng 11 năm 2013, đã có gần 100 người di cư bị chết vì đói khát trong sa mạc Sahara bên Niger, đa số là phụ nữ và trẻ em, trong khi họ tìm cách vượt biên giới trên hai chiếc xe camion, để đến Algeria, rồi từ đó sang Âu châu. Ngoài ra trong các năm qua, còn có cảnh người di cư tị nạn Phi châu bị các tổ chức buôn người bắt giữ làm con tin và đòi tiền chuộc trong bán đảo Sinai.
Sau đây là bải phỏng vấn Linh Mục Moussie Zerai, giám đốc tổ chức Habeshia cộng tác phát triển, về cái chết của những người di cư trong sa mạc Sahara nói trên.
+++
Hỏi: Thưa Cha Zerai, cha nghĩ gì về thảm cảnh của những người di cư tị nạn bị chết trong sa mạc Sahara bên Niger, như báo chí đã loan tin hồi tháng 11 năm 2013?
Đáp: Đây là một hiện tượng gắn liền với hiện tượng xảy ra trong vùng Địa Trung Hải, và với các vụ đắm tầu trong thời gian qua. Người ta ít nói đến chúng, nhưng rất thường xảy ra là có hàng chục người chết trong vùng biên giới giữa hai nước Sudan và Libia, Ciad hay Niger. Nhưng rất tiếc là không có ai kể lại các biến cố thê thảm này.
Hỏi: Vả lại đây là các thi thể được tìm thấy trong tình trạng đã rữa nát, vì vậy ngoài thảm cảnh cái chết của họ, trong trường hợp này, còn có tình trạng hoàn toàn bỏ mặc không chú ý gì đến và không tôn trọng các nạn nhân khốn khổ này nữa, có đúng thế không, thưa cha?
Đáp: Rất tiếc là đúng như vậy, vì thường khi họ bị các tổ chức buôn người bỏ rơi. Cả trong qúa khứ, ít nhất là dưới chế độ của ông Gheddafi, chính các binh sĩ Libia đã đưa người di cư tị nạn, rồi bỏ rơi họ tại vùng biên giới giữa hai nước, và các người di cư tị nạn này chết đói, chết khát. Người sống mà người ta còn không tôn trọng, huống chi là người đã chết rồi, ai mà tôn trọng họ. Rất tiếc sự thật là như thế.
Hỏi: Đó là các cuộc ”du hành tuyệt vọng”. Đàng sau chúng, có các tổ chức tội phạm với các cơ cấu rất tinh vi tỉ mỉ và rộng rãi. Chúng tôi cũng còn biết có các tổ chức buôn người đến nhận người di cư trong các trại tị nạn, bắt họ trả các số tiền rất lớn, và hứa là sẽ đưa họ tới các nước Âu châu, có đúng thế không, thưa cha?
Đáp: Vâng đúng thế. Các tổ chức này thường có được sự đồng lõa của các binh sĩ và các chính quyền địa phương, bởi vì di chuyển các nhóm người đông như vậy là điều không thể làm được, nếu đã không có sự sắp đặt trước với các binh sĩ và các chính quyền kiểm soát sự di chuyển của người dân. Thế nhưng, nhờ hối lộ, nên các tổ chức này vượt qua được mọi chướng ngại, và các kẻ buôn người này sống trên da thịt của các nạn nhân đáng thương đó.
Hỏi: Một lần nữa, thảm cảnh của những người di cư tị nạn lại khiến cho người ta nói đển một sự cộng tác quốc tế trong việc tránh cái chết cho họ. Nhưng nói đến một hánh lang nhân đạo có đủ không, theo cái nhìn của cha?
Đáp: Các hành lang nhân đạo cũng không đủ đâu, cần phải làm việc trên nhiều mặt khác nhau. Trước hết, là dấn thân của cộng đồng quốc tế: đó là giải quyết các lý do thúc đẩy những người này bỏ quê hương xứ sở ra đi. Nhưng cũng có giải pháp tam thời là tìm ra các đường lối hợp pháp để tiếp nhận các người di cư này và cung cấp cho họ sự che chở thực sự mà họ đang cần có. Chẳng hạn mở cửa các tòa đại sứ để thu nhận đơn xin di cư tị nạn của họ. Có các chương trình tái hội nhập, có các dụng cụ khác nhau giúp di chuyển hợp pháp người có đơn xin từ các trại tị nạn tới các nước nhận che chở họ.
Hỏi: Thưa cha Zerai, thường thì từ phía các nước Âu châu, người ta áp dụng chính sách hạn chế, nhưng cũng cần như cha nói tập trung trên các lý do gây ra các làn sóng di cư ti nạn này. Chúng ta hãy nghĩ tới Somalia, nơi có nội chiến từ 20 năm nay. Đó là các quang cảnh khủng hoảng rất trầm trọng, có đúng thế không?
Đáp: Đúng thế. Nâng cao các hàng rào cản là điều vô ích. Cả trong các ngày này, người ta cũng đã nói tới các biện pháp củng cố việc canh phòng các biên giới: điều này có nghĩa là gì, chúng ta củng cố các vụ đẩy lui người di cư tị nạn hay sao? Như thế, chúng ta khiến cho các người này có nguy cơ chết trong sa mạc, bởi vì các nước tìm ngăn chặn các làn sóng di cư tị nạn dùng phương tiện hèn hạ bỏ rơi các anh chị em này dọc biên giới trong sa mạc. Đây là điều không thể chấp nhận được. Như vậy, nếu pháo đài Âu châu hoàn toàn đóng cửa biên giới đối với việc vi phạm kiểu này, thì chính Âu châu sau cùng sẽ trở thành đồng lõa của các vi phạm ấy. Không thể làm như thế.
Như vậy hành động không chỉ là dựng cao các rào cản là đủ, mà phải làm việc và trước hết là để dập tắt các chiến tranh tại nhiều nước khác nhau. Quý vị đã nói tới Somalia với cuộc nội chiến kéo dài từ 20 năm qua... Bên Eritrea từ 20 năm qua, có chế độ độc tài tự biện minh cho sự hiện hữu của mình bằng một cuộc chiến không bao giờ đánh. Có một cuộc xung đột đã không được giải quyết từ 13 năm nay trong vùng biên giới giữa Etiopia và Eritrea. Chiến tranh bên Siria cũng thế, càng kéo dài chiến tranh loai này, thì lại càng có nhiều người di cư tị nạn thôi.
(RG 1-11-2013)
Linh Tiến Khải
(Vatican 2014-01-18)
Nguồn: http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=11700:cai-cht-ca-nhng-ngi-di-c-trong-sa-mc-sahara&catid=1:tin-tuc-giao-hoi-toan-cau&Itemid=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét