Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tin Mừng Chúa nhật 3 Mùa Vọng, năm A

CÒN PHẢI ĐỢI AI?
Lời Chúa: Mt 11, 2-11
Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Ðức Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Họ đi rồi, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những người mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng:
Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con đến.
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”
Suy nim:
“Anh em ra xem gì trong hoang địa?”
Ðức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế.
Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay,
vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục.
Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc,
vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da.
Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả,
vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước,
đồng thời ông là người giới thiệu Ðức Kitô cho dân Israel.
Ðối với ông, Ðức Kitô là Ðấng mạnh mẽ.
Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11).
Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái
và quăng vào lửa (x. Mt 3,10).
Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12),
thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho.
Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11).
Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ.
Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt.
Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Ðức Giêsu làm.
Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo.
Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.
Ðức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Ðức Kitô,
vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo.
Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù,
nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ.
Gioan đứng trước một thách đố.
Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Ðấng Mêsia không?
Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Ðức Giêsu,
Ðấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia.
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin.
Ông không thể nào chấp nhận một Ðấng Mêsia chịu đau khổ.
Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê
như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1).
Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô
đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ.
Ngài không như điều ta tưởng,
thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng.
Gioan đã vượt qua chính mình khi nói:
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Ðức Giêsu.
Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa,
khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Ðấng Mêsia.
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến.
Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt,
thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ.
Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang,
thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối.
Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi!
Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên.
Cầu nguyn:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét