Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Sứ điệp cứu rỗi từ Bêlem


Sứ điệp cứu rỗi từ Bêlem

Bài giảng của Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal
trong Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24-12-2013
tại Nhà thờ Chính toà Chúa Giáng sinh, Bêlem


“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Kính thưa ngài M. Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine,

Thưa Thủ tướng Rami Al Hamadallah,
Thưa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jordan Nasser Judeh
Thưa quý ông bà Đại sứ, lãnh sự, và các vị đại diện khác của các Giáo hội,

Quý khách hành hương và các tín hữu thân mến,


Từ hang Bêlem, tôi xin chúc quý vị những lời chúc niềm vui và bình an tốt đẹp nhất.

Thưa ngài Tổng thống, xin cảm ơn ngài đã đến đây hôm nay để mừng lễ Giáng sinh với chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho ngài và cho sứ mạng của ngài để tìm được giải pháp công bằng và bình đẳng cho cuộc xung đột hiện nay, cho sự đoàn kết giữa những người Palestine vì hòa bình và thịnh vượng của đất nước của ngài.

Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho ngài khôn ngoan và can đảm. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các nhà lãnh đạo ởTrung Đông, đặc biệt là cho Quốc vương Abdullah II Bin Al-Hussein, là người canh giữ những Nơi Thánh ở Palestine.

Anh em thân mến,

Đêm Giáng sinh là đêm bi kịch cho Thánh Gia, vì các ngài không tìm được chỗ trọ (Lc 2,7). Đêm lịch sử này nhắc nhở chúng ta rằng thế giới của chúng ta và Trung Đông của chúng ta đang chìm đắm trong đêm dài.

Thế giới đang trải qua một đêm dài của những xung đột, chiến tranh, hủy diệt, sợ hãi, hận thù, phân biệt chủng tộc, và trong những ngày này còn là cái lạnh và tuyết nữa. Từ Nơi thánh này, chúng ta nhớ đến những bi kịch của nhân loại trên khắp năm châu: từ những cuộc nội chiến ở châu Phi đến trận bão ở Philippines, qua đến tình hình khó khăn ở Ai Cập và Iraq và thảm kịch ở Syria, đồng thời không quên các vấn đề của địa phương chúng ta: các tù nhân, gia đình họ vẫn nuôi hy vọng họ sẽ được trả tự do, những người nghèo mất hết đất đai và nhà cửa của họ bị phá hủy, những gia đình đang chờ được đoàn tụ, những người thất nghiệp và tất cả những ai đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế.

Lạy Hài nhi Bêlem, chúng con đã mệt mỏi rồi. Đối mặt với thực tế đau thương này, chúng con cầu xin bằng bài hát này của Mùa Vọng: “Vide Domine afflictionem populi tui ... Lạy Chúa xin hãy đoái nhìn nỗi thống khổ của dân Chúa. Xin gửi Đấng mà Chúa sẽ gửi đến, xin gửi Chiên Con (...), để người giải thoát chúng con khỏi ách bị giam cầm”.

Nhưng, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, bởi vì Chúa Giêsu Cứu Thế đã loan báo cho chúng ta biết rằng hòa bình làđiều có thể, rằng ngọn lửa hy vọng vẫn còn cháy sáng, công lý, hòa bình và hòa giải sẽ đến. Sứ điệp cứu rỗi đến từ Bêlem, và chúng ta phải nhìn về Bêlem. Vì trong đêm này, lời hứa của Thiên Chúa lại được thực hiện, qua tiếng hát của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đến lượt mình, chúng ta được mời gọi hãy lạc quan và canh tân đức tin của mình hầu cho Miền Đất này, quê hương của ba tôn giáo độc thần, một ngày kia sẽ trở nên bến bình an cho mọi dân tộc.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14)

Bình an của Chúa Kitô là chung cho mọi người và đặt nền tảng trên công lý. Bình an ấy giúp chúng ta nhìn thấy nơi mỗi người là một thụ tạo của Thiên Chúa. Đó là bình an đem lại sự sống. Không ai được lấy mất bình an ấy của chúng ta nhân danh một Thiên Chúa giết chết và báo thù. Vì vậy, dùng lời của Đức giáo hoàng Phanxicô, “tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi tất cả những ai đang dùng vũ khí gieo rắc bạo lực và chết chóc: hãy tái khám phá nơi người mà hôm nay mình chỉ xem như kẻ thù phải triệt hạ chính là người anh em của mình, và hãy dừng tay lại! Hãy từ bỏ con đường vũ khí và đến gặp người khác bằng đối thoại, tha thứ, và hòa giải để xây dựng lại công lý, tin tưởng và hy vọng chung quanh mình!” “Theo nhãn quan này, rõ ràng là, đối với các dân tộc trên thế giới, xung đột vũ trang luôn là cố ý phủ nhận mọi hòa hợp quốc tế có thể có, gây ra những chia rẽ sâu sắc và vết thương nặng nề đòi hỏi nhiều năm mới chữa lành được”(Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 47).

Nơi Thánh Địa, chúng ta đang phải chịu một cuộc xung đột mà dường như sẽ không sớm có được một giải pháp. Cuộc xung đột ấy đè nặng trên các cư dân của Thánh Địa, gồm cả các Kitô hữu. Thực tế đau thương này đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tương lai của chúng ta ở đất nước này, khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta cần có câu trả lời của đức tin. Câu trả lời là không di cư nhưng cũng không khép mình lại. Câu trả lời là ở lại đây và sống chết tại đây. Miền đất của chúng ta là Thánh và đáng để chúng ta gắn bó với nó vì việc chúng ta cư ngụ liên tục trên miền đất này là một ơn gọi của Thiên Chúa, một phúc lành, hơn nữa còn là một đặc ân. Ngọn lửa đức tin sẽ vẫn mạnh mẽ như ngôi sao của các nhà đạo sĩ để chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta cần vững tâm nhờ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng tacũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khổ” (2 Cr 1, 4-5).

Ánh sáng đức tin có thể soi chiếu mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, hiện tại và tương lai của chúng ta. Nhờ đức tin, cái nhìn của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, cao cả hơn và bao quát hơn mà mắt con người không thể nhìn thấu được. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng nhìn thấy một chút, như chính Thiên Chúa nhìn thấy! Vì vậy, đức tin là sự khôn ngoan làm cho chúng ta có những quyết định đúng đắn và đúng lúc. Nhưng nếu không có ánh sángnày, “mọi thứ trở nên mơ hồ, không phân biệt được tốt xấu, không phân biệt được đường nào dẫn tới đích với đường nào dẫn chúng ta đi lòng vòng không định hướng” (Lumen Fidei, 3). Điều củng cố niềm tin của chúng ta là: Thiên Chúalà Đấng toàn năng, toàn trí, trung tín và yêu thương chúng ta. Đó là lý do tại sao không có gì làm chúng ta sợ hãi, dù là hiện tại hay tương lai, hay những xáo trộn đang ảnh hưởng đến miền đất Trung Đông của chúng ta.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, Người đã phải trốn sang Ai Cập, khi Herôđê đe dọa và đã giết các hài nhi Bêlem 2000 nămtrước, xin thương xót các con trẻ của chúng con và tất cả các trẻ em trên thế giới. Xin thương đến các tù nhân, người nghèo, người thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương nhất. Đêm nay, chúng con cầu nguyện cho các giám mục và các nữ tu của Syria đã bị bắt cóc. Chúng con cầu nguyện cho họ được trở về và được phục hồi phẩm giá. Xin Chúa nhớ đến họ cũng như những người tị nạn. Xin ban cho họ dấu chỉ hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn để họ có thể trở vềđất nước mình và tìm lại được nhà cửa.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, là Thiên Chúa tốt lành và đầy lòng thương xót, xin nhìn đến Thánh Địa và các dân tộc sống ở Palestine, Israel và Jordan và tất cả các dân tộc ở Trung Đông. Xin ban cho họ ơn hòa giải để họ trở thành anh em với nhau, là con cùng một Cha.

Lạy Hài Nhi thánh thiện, xin ban bình an cho chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh Người là Đức Trinh nữMaria, người con của miền đất của chúng con.

Xin chúc mọi người lễ Giáng sinh vui vẻ và tràn đầy phúc lành của Hài Nhi Bêlem.

(Nguồn: LPJ - Huy Hoàng chuyển ngữ)

Đức Thượng phụ Fouad Twal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét