WGPSG -- Hôm nay, chúng ta trở về với gia đình nhỏ bé ngày xưa ở làng quê Nadaret.
Thánh Matthêu đã ghi lại những sự kiện thật không thể thật hơn của gia đình nhỏ bé Nadaret. Nhìn vào bức tranh của gia đình này, ta thấy sao mà vất vả quá, sao mà khổ quá.
Ngay từ ngày mới cất tiếng khóc chào đời thôi, hai ông bà chạy vạy hết chỗ này đến chỗ kia để tìm một nơi sinh con cho gọi là đàng hoàng một chút nhưng không được. Tất cả những quán trọ đã khước từ lời khẩn cầu của hai ông bà. Cuối cùng, phải sinh con ở nơi hang đá máng cỏ.
Khổ đau không ai bằng vì con của mình sinh ra là người nhưng cái tiện nghi tối thiểu của con người cũng không có mà phải đồng phận với con bò. Ta nghe kể lại nhưng ta cũng chẳng thể nào cảm thấu cái giá rét đêm Đông mà hai ông bà và đặc biệt Hài Nhi Giêsu phải gánh chịu.
Và, trang Tin Mừng cho ta thấy cảnh bi đát khốn cùng ập đến gia đình nhỏ bé Nadaret. Nghe thấy mà kinh khiếp: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Con mới sinh chưa biết đi, chưa biết nói lại phải dắt díu nhau sang Ai Cập để trốn lưỡi gươm của vua Hêrôđê.
Không dừng lại ở chuyện phải sang Ai Cập, tiếp dõi theo cuộc đời của gia đình Nadaret, ta sẽ thấy biết bao nhiêu đau khổ cứ đến và cứ đến với gia đình này. Nhưng, có chuyện lạ là dù biến cố xảy đến như thế nào đi chăng nữa và bi đát đến mức nào đi nữa thì gia đình vẫn bình an, hạnh phúc. Bình an, hạnh phúc bởi vì Thánh Giuse và Đức Mẹ chỉ có một chuyện là lắng nghe tiếng Chúa nói với mình và thi hành Thánh ý Chúa trong cuộc đời của các ngài mà thôi.
Chúng ta còn nhớ hình ảnh, lời thưa “xin vâng” của Đức Mẹ cũng như “Maria hằng ghi nhớ những lời ấy và suy đi nghĩ lại trong long”. Thánh Giuse cũng lặng lẽ và lắng nghe rồi thi hành Thánh Ý Chúa.
Nếu không kể đến Hài Nhi Giêsu là điều thiết sót trong gia đình nhỏ này. Hài Nhi Giêsu sau khi được tìm thấy trên Đền Giêrusalem trong lần hành hương trở về quê nhà thì Hài Nhi Giêsu “ngày càng thêm tuổi, thêm nhân đức và vâng lời hai ông bà”.
Cả gia đình, khi nhìn vào, ta có thể nói và thấy rằng cả gia đình nghe lời nhau, đón nhận nhau và nhất là, đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời.
Như thế, bí quyết để sống thánh giữa cuộc đời này không có con đường nào khác hơn là lắng nghe tiếng Chúa và thi hành Thánh Ý Chúa trong cuộc đời mà thôi. Và, kèm theo đó, chính là sự nhẫn nhịn, chịu đựng và tha thứ cho nhau.
Để có một gia đình thánh, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ giáo đoàn Côlôsê của Ngài qua đoạn thư quá quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe trong các Thánh lễ hôn phối: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”.
Chuyện căn cốt cũng là ước ao của Thánh Phaolô đó là: Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú.
Và, hết sức thực tiễn khi Ngài khuyên vợ và chồng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng”.
Sống trong gia đình là như thế, có thứ có bậc và mỗi người phải có bổn phận và trách nhiệm trong gia đình của mình. Người làm cha phải sống cho ra cha, người làm mẹ phải sống cho ra mẹ, người làm con hãy sống cho ra làm con.
Sách Huấn Ca khuyên nhủ bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình hết sức rõ ràng, cách riêng, ngày hôm nay chúng ta nghe lại lời khuyên dành cho những bậc làm con:
“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con”.
Nếu mỗi người trong thân phận, trong vai trò của mình sống đúng như lời chỉ dẫn của Thánh Phaolô, của sách Huấn Ca và của các bậc tiền nhân thì gia đình sẽ bình an và hạnh phúc. Và, có một mẫu gương sống gia đình Thánh đó là gia đình Nadaret để cho ta soi chiếu đời ta.
Hình ảnh gia đình lung linh lấp lánh lắm! Hình ảnh gia đình đó được nhạc sĩ Ngọc Lễ và gia đình của anh thể hiện hết sức cảm động:
Ba là cây nến vàng
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh
Thắp sáng một gia đình
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh
Thắp sáng một gia đình
....
Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha
Lung linh, lung linh cùng một mái nhà
Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình
Lung linh, lung linh cùng một mái nhà
Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình
Gia đình lung linh tỏa sáng khi cả ba ngọn nến, khi các thành viên trong gia đình tỏa sáng.
Để chiếu sáng cho gia đình của mình bằng ngọn nến lung linh, mỗi người trong bậc sống của mình phải tỏa sáng.
Ngày hôm nay, không phải bi quan hay chán nản hay bế tắc khi nhìn vào đời sống gia đình nhưng thấy thực trạng đời sống gia đình quả là đang báo động. Ngày hôm nay, xã hội như đang vỡ ra, bởi lẽ đã đánh mất đi những giá trị sống của con người, nhân bản, nhân nghĩa, tình người dần dần cứ nhạt phai theo năm tháng. Tất cả đã chạy theo cá nhân chủ nghĩa, tất cả đã chạy theo tiền bạc và danh lợi để không còn có một mái ấm như xưa nữa.
Những người lớn tuổi chắc có lẽ có kinh nghiệm rõ nhất trong chuyện gia đình. Ngày xưa, có thể nghèo đó, ngày xưa có thể thiếu thốn đó, ngày xưa có thể vất vả đó nhưng trong gia đình ai ai cũng yêu thương hòa thuận và hiệp nhất với nhau. Ngày nay thì vỡ ra, bởi vì bối cảnh của xã hội, của đời sống kiếm tìm. Cũng chỉ vì tìm tư lợi, cũng chỉ vì tìm lợi nhuận cho cá nhân mình để rồi các thành viên chỉ đi tìm mình.
Nói như thế, nhìn như thế không phải để lên án, để chỉ trích... nhưng để mỗi thành viên trong gia đình, trong mái ấm, trong cộng đoàn của mình nhìn lại đời sống của mình để cân chỉnh sao cho ngọn nến của chính bản thân mình lung linh. Khi mỗi thành viên trong gia đình lung linh ngọn nến của mình thì khi đó cả gia đình mới lung linh và tỏa sáng được.
Xin gia đình Thánh Gia thương ban thêm ơn cho mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình biết góp sức, góp công, góp tất cả khả năng của mình để cho gia đình của mình được luôn tỏa sáng như Thánh Ý Chúa muốn.
Lm. Anmai - CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét