Vào lúc 9 giờ tối thứ Bảy Tuần Thánh 11/4/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Đêm nay, chúng ta chinh phục một quyền cơ bản, quyền sẽ không bị tước khỏi chúng ta: quyền hy vọng”.
Cũng như các cử hành phụng vụ trong những ngày vừa qua, do đại dịch, Thánh lễ không có giáo dân tham dự và không có ban bí tích Rửa tội.
Thinh lặng vĩ đại của Thứ Bảy Thánh
Trong bài giảng thánh lễ, trước hết Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ rằng, hôm nay, ngày thứ Bảy, ngày của Tam Nhật Thánh, nhưng thường chúng ta lơ là với ngày này, do tâm trạng sốt ruột chờ đợi từ ngày Thứ Sáu Thánh đến Alleluia của Chúa Nhật. Nhưng, liên hệ đến thời điểm hiện nay, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tuy nhiên, năm nay, hơn bao giờ hết chúng ta cảm nhận Thứ Bảy Thánh là một ngày thinh lặng vĩ đại. Chúng ta có thể nhìn vào chính mình cùng với những cảm xúc của các phụ nữ. Như chúng ta, họ đã chứng kiến thảm kịch của đau khổ, một bi kịch xảy ra bất ngờ. Họ đã thấy cái chết và sự chết cũng đã hiện diện trong tâm hồn họ. Nỗi đau cùng với nỗi sợ hãi, các phụ nữ tự hỏi ‘người ta sẽ hành xử với chúng ta như đã đối xử với Thầy?’ Và rồi những nỗi sợ hãi cho tương lại, tất cả cần phải xây dựng lại. Ký ức bị tổn thương, niềm hy vọng bị bóp nghẹt. Đối với họ đó là giờ đen tối nhất”.
Không chạy trốn thực tế
Tiếp đến, Đức Thánh Cha ca ngợi thái độ của các phụ nữ khi đứng trước đau khổ, thất vọng và sợ hãi: “Nhưng trong hoàn cảnh này, các phụ nữ không để mình bị tê liệt. Họ không nhượng bộ trước sức mạnh đen tối của những lời than thở và thương tiếc, không khép mình trong bi quan, không chạy trốn thực tế. Vào ngày thứ Bảy, các phụ nữ đã làm một việc đơn giản nhưng phi thường: trong nhà, họ chuẩn bị thuốc thơm để xức xác Chúa. Họ không từ bỏ tình yêu: trong bóng tối tâm hồn, họ thắp sáng lòng thương xót. Trong lúc chuẩn bị những điều này, các phụ nữ không biết họ đang chuẩn bị cho ‘bình minh của ngày thứ Nhất trong tuần’, ngày sẽ thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu như hạt giống đang ở trong lòng đất, chuẩn bị nảy sinh một sự sống mới, và các phụ nữ, với lời cầu nguyện và tình yêu giúp hy vọng nở hoa”.
Quyền hy vọng
Từ những cử chỉ hy vọng của các phụ nữ, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Đêm nay, chúng ta chinh phục một quyền cơ bản, quyền sẽ không bị tước khỏi chúng ta: quyền hy vọng. Đây không chỉ là một sự lạc quan, một sự khích lệ. Đây là một hồng ân từ Trời cao, chúng ta không thể tự mình tạo ra. Mọi thứ sẽ ổn. Chúng ta nói điều này một cách kiên trì trong những tuần này, chúng ta bám vào vẻ đẹp của nhân loại chúng ta và làm cho con tim trỗi dậy những lời khích lệ. Nhưng thời gian trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo cũng có thể tan biến. Niềm hy vọng của Chúa Giêsu thì khác xa. Chúa đặt vào tâm hồn sự tin chắc rằng Chúa biết cách biến mọi sự trở nên tốt đẹp, bởi vì ngay cả từ ngôi mộ, Chúa cũng đã làm phát sinh sự sống”.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói về lòng can đảm của các phụ nữ và giải thích rằng can đảm là một thứ người ta không thể cho đi: “Anh chị em không thể cho người khác sự can đảm nhưng anh chị em có thể lãnh nhận nó như một ân ban. Chỉ cần chúng ta mở rộng con tim trong cầu nguyện, chỉ cần cố gắng nhấc ra một chút hòn đá đặt ở lối vào của con tim để có chỗ cho ánh sáng Chúa đi vào là chúng ta sẽ lãnh nhận được hồng ân can đảm”.
Loan báo Phục Sinh, loan báo niềm hy vọng
Sau khi đã lãnh nhận hồng ân can đảm, Chúa Giêsu trao sứ vụ cho các phụ nữ. Về điểm này, Đức Thánh Cha nói: “Đây là việc loan báo Phục Sinh, loan báo niềm hy vọng. Chúa nói: ‘Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó’ (Mt 28,10), thiên thần nói ‘Người đi Galilê trước các ông’ (c. 7). Thật vui khi chúng ta biết Chúa đi trước chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi của những ký ức, đặc biệt là nơi của lời kêu gọi đầu tiên. Trở về Galilê nhắc nhở chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhớ rằng chúng ta được sinh ra và được tái sinh từ một tiếng gọi yêu thương nhưng không. Đây là một điểm để chúng ta luôn bắt đầu lại, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng, trong thời gian thử thách”.
Đức Thánh Cha mở rộng ý nghĩa vùng đất Galilê để nói về sứ vụ của người môn đệ: “Nhưng Galilê có nhiều điều để nói. Đó là một nơi không chỉ xa Giêrusalem về mặt địa lý, mà còn về chiều kích thánh thiêng. Galilê là một vùng đất, nơi có nhiều tôn giáo hiện diện. Chúa Giêsu sai các môn đệ đến đó, yêu cầu các ông bắt đầu từ đó. Điều này có nghĩa là gì? Trong việc loan báo niềm hy vọng, không được giới hạn trong hàng rào thánh thiêng của chúng ta, nhưng loan báo cho tất cả. Bởi vì tất cả đều cần được khích lệ, và nếu chúng ta không làm điều này, không chạm đến ‘Lời sự sống’ (1Ga 1,1), thì ai sẽ làm?”
Loan báo sự sống trong thời điểm cái chết
Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy trở thành các Kitô hữu, những người mang lấy gánh nặng của người khác, những người đem niềm ủi an. “Anh chị em hãy trở thành những người loan báo sự sống trong thời điểm cái chết! Tại mỗi Galilê, mỗi nơi của nhân loại, nơi chúng ta thuộc về, chúng ta hãy mang đến bài ca sự sống! Chúng ta hãy làm cho tiếng kêu của sự chết phải im lặng, đã quá đủ chiến tranh rồi.” Hãy ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, bởi vì chúng ta cần bánh chứ không cần súng đạn. Hãy ngừng phá thai, giết hại thai nhi vô tội. Hãy mở rộng con tim để lấp đầy những bàn tay trống rỗng thiếu những điều cần thiết”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với việc mô tả hành động của các phụ nữ: “Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân” (Mt 28, 9). Đức Thánh Cha giải thích: “Để đến gặp chúng ta, đôi chân Chúa phải đi một hành trình dài, đi đến tận cùng của ngôi mộ và bước ra từ đó. Các phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm lên cái chết và mở ra con đường hy vọng. Chúng ta, những người lữ hành đang tìm kiếm niềm hy vọng, hôm nay chúng ta níu kéo, ôm lấy Chúa, Đấng Phục Sinh. Chúng ta quay lưng lại với cái chết và chúng ta mở lòng ra với Chúa, Đấng là Sự sống”.
Ngọc Yến - Vatican
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét