Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Đời sống thánh hiến tại Việt Nam 40 năm qua: 1975-2015


Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.

“Kỳ công Ngài chúng con xin kể lại” (Tv 75,2)
WHĐ -- 2005, trong một buổi họp mặt tu sĩ Việt Nam tại Rôma, lúc gặp nhau chào hỏi, vài người quen biết nhắc chuyện tôi ở tù, một nữ tu rất trẻ, thuộc thế hệ “cháu ngoan Bác Hồ” sau 1975, tròn mắt nhìn tôi và hỏi: “Cha ở tù thật hả cha? Hồi nào? Sao vậy?” Mới 30 năm qua đi, thế hệ trẻ đã không biết gì về cái thời mà các bậc “đàn anh, đàn chị” phải dò từng bước để tiếp tục sống và phát triển đời sống thánh hiến trên quê hương Việt Nam.
2015, tôi về Việt Nam mừng kỷ niệm 400 năm Dòng Tên tới rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, gặp lại nhiều người trước đây đã cùng tôi chen vai sát cánh trong cuộc mạo hiểm tìm đường giúp cho đời thánh hiến tiến lên trong hoàn cảnh mới của Hội thánh trên đất nước con Rồng cháu Tiên, phải dụi mắt hồi lâu mới nhìn ra nhau.
40 năm, một thế hệ qua đi. Nhiều anh em trẻ trong Dòng Tên cũng chưa biết mặt tôi. cha giám tỉnh và cha giáo tập của Dòng Tên đã yêu cầu tôi dành ít ngày để nói cho các tập sinh về những chuyển biến của Dòng Tên từ Công đồng Vatican II cho đến ngày nay. Các em hứng thú muốn nghe nhiều hơn nữa, nhưng thời giờ có hạn, tôi đành chia tay.
Trên chuyến bay trở về quê hương của Chúa để nhận nơi này làm quê hương và phục vụ Hội thánh, nhớ tới thông cáo của Văn phòng Thư ký Ủy ban Tu sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam dành hai số báo Hiệp Thông cho giới tu sĩ trong “Năm Đời sống Thánh hiến”, để viết về đời sống thánh hiến tại Việt Nam, tôi cảm thấy cần phải viết về những năm tháng mà “thế hệ 75” chúng tôi đã phải cùng nhau dò từng bước, tìm đường giúp cho đời tu không chỉ tồn tại mà còn phát triển trên quê hương Việt Nam để phục vụ Hội thánh và Dân tộc.
Tôi tự thắc mắc, đời thánh hiến tại Việt Nam chưa bao giờ phong phú cả về số lượng cũng như phẩm chất như hiện nay, thế thì kể lại chuyện cũ để làm gì?
Uống nước nhớ nguồn”. Các dòng và tu hội đã hiện diện tại Việt Nam trước 1975 mà đang tồn tại và phát triển là nhờ “thế hệ 75” đã đem xương máu dò đường đang khi “trời còn tối”. Các dòng và tu hội mới vào Việt Nam cũng cần biết rằng không phải đương nhiên mà giới tu sĩ được chấp nhận trong xã hội Việt Nam hiện nay, và họ cũng phải kiên nhẫn để được nhìn nhận.
“Ôn cố nhi tri tân”: ôn lại chuyện cũ để hiểu biết chuyện mới. Cái mới của hôm nay có cội nguồn trong cái cũ và là cội nguồn cho cái mới tiếp theo. Công việc của tôi đã đưa tôi đi khắp “năm châu bốn bể”, đi đâu người ta cũng hỏi chuyện về đời sống của Hội thánh tại Việt Nam, một trong số ít ỏi các nước trên thế giới do Đảng cộng sản cầm quyền. Người ta thường rất ngạc nhiên khi so sánh tình trạng của Hội thánh và các dòng tu ở Việt Nam với tình trạng ở các nước cộng sản khác.
Tôi thường giải thích cho họ rằng được như vậy là nhờ hai yếu tố chính: 1/ truyền thống dân tộc Việt bọc trong huyền thoại mẹ Âu Cơ giúp cho các con của mẹ có thể cùng nhau lên rừng xuống biển; 2/ đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” của Hội đồng Giám mục Việt Nam giúp cho người Công giáo nói chung và tu sĩ nói riêng không bị coi là kẻ lạ mặt trong nhà Việt Nam. Con đường sống và phục vụ Hội thánh và con người hôm nay trên quê hương Việt Nam đã rộng mở rất nhiều so với 40 năm trước, nhưng không phải đã hoàn toàn thênh thang. Vả lại Chúa cũng đâu có bao giờ hứa cho chúng ta đi trên con đường thênh thang đâu! Không có thử thách này thì có chông gai khác: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối này” (Mt 7,13-14). Vậy thì ôn lại đoạn đường “40 năm sa mạc” là để nhìn về phía trước, vì con đường của đời thánh hiến và phục vụ luôn dẫn vào những chân trời mới. Hoàn cảnh con người, xã hội và Hội thánh tại Việt Nam đang biến đổi rất nhanh với tốc độ điện tử của truyền thông hiện đại. Chúng ta có thể dễ dàng trở thành “người lạ mặt” ngay trên quê hương mình, trước mắt đồng bào mình.
Lúc trời còn tối” (Ga 20,1)
Sáng ngày 30.4.1975, cả miền Nam Việt Nam bước vào dưới chế độ mới. Tu sĩ Công giáo trở thành kẻ lạ mặt khả nghi. Chẳng bao lâu sau các trường học, bệnh viện, cơ sở xã hội của Hội thánh Công giáo và các dòng tu phải trao cho nhà nước quản lý. Các tu sĩ người nước ngoài phải “hồi hương”, mọi quan hệ với các nước ngoài khối cộng sản bị cắt đứt. Bằng các “tờ hộ khẳu”, nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cư trú. Bằng các giấy phép đi lại, nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác, huyện này qua huyện khác. Bằng Phiếu mua gạo và nhu yếu phẩm, nhà nước kiểm soát cả bữa ăn của mỗi gia đình...
Bóng đêm đè nặng. Đời tu đi về đâu? Mọi người băn khoăn trăn trở. Ngồi nhìn bóng đêm mà than vắn thở dài chẳng ích gì. Trong cái vòng kiểm soát kiến chui không lọt này làm sao ngồi lại được với nhau để cùng nhau dò đường mà đi.
Nhà dòng Phanxicô Đa Kao đã mạo hiểm mở cửa cho anh chị em tới ngồi dưới bóng Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình mỗi thứ sáu đầu tháng. Cha Nguyễn Huy Lịch O.P. và cha Nguyễn Hồng Giáo O.F.M. là hai người “đứng mũi chịu sào”, tổ chức nội dung cho các cuộc gặp gỡ hàng tháng.
Một nhóm anh chị em ngồi lại cùng nhau nghiên cứu, suy tư. Mỗi lần họp mặt thì Đức TGM Phaolô mở đầu bằng ít lời huấn dụ, cha Nguyễn Huy Lịch và cha Nguyễn Hồng Giáo thông báo tin tức về Hội thánh và đời tu. Sau đó, ban nghiên cứu trình bày đề tài đã suy tư để anh chị em trao đổi. Bước thứ nhất là làm sao để không còn bị coi là “kẻ lạ mặt khả nghi” nhưng được nhìn nhận là thành viên của cộng đồng dân tộc, có quyền và bổn phận góp phần xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho đồng bào. Chúng tôi chọn con đường dấn thân phục vụ. Bắt đầu từ những cái thật nhỏ bé: đi họp tổ dân phố, góp phần tương trợ trong khu phố, đi công trường, nông trường, đi thanh niên xung phong, nghĩa vụ quân sự... “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, một câu trong thư chung của Hội đồng Giám mục 1980 đã thành như một khẩu hiệu cho tới nay, nhưng trước đó nó đã là cuộc sống thật của Hội thánh và đặc biệt của giới tu sĩ.
Tại sao người Công giáo nói chung và tu sĩ nói riêng bị người cộng sản coi là kẻ lạ mặt khả nghi? Ở đây tôi không dám tự coi là nắm hết vấn đề, chỉ xin nói vài điều hiển nhiên. Có những lý do và những ngộ nhận trong lịch sử. Luận điệu tuyên truyền từ thời nhà Nguyễn là người Công giáo dẫn quân Pháp vào chiếm Việt Nam, đỉnh cao của luận điệu này là phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “bình Tây sát Tả”, đuổi Tây (Pháp), giết người theo đạo Chúa mà họ coi là Tả đạo. Ở nghĩa trang Bà Rịa có mộ chôn hơn ba trăm vị tử đạo bị Văn Thân tàn sát. Thậm chí tại viện bảo tàng ở thủ đô Hà Nội, phái đoàn nhân sĩ miền Nam được mời ra viếng thủ đô năm 1975 còn thấy sự lẫn lộn giữa hai nhân vật Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, thế kỷ 17) và Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine, thế kỷ 19). Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện để chống Tây Sơn, nhưng các nhà sử học của Hà Nội trước 1975 lại ghi là Đắc Lộ dẫn hoàng tử Cảnh sang Pháp! Năm 1975, con đường mang tên Alexandre de Rhodes ở Saigon cũng bị đổi tên, cho tới 1991 mới được trả lại. Mới hơn một năm trước đây, chuyện này lại nổi lên nhân một luận văn tiến sĩ về cuốn tự điển Việt-Bồ-La do cha Đắc Lộ xuất bản năm 1651. Giáo sư hướng dẫn được lệnh ngưng lại và nghiên cứu xem Đắc Lộ có dính líu tới chuyện đưa Pháp vào chiếm Việt Nam hay không. Vị giáo sư này dành ba tháng để nghiên cứu và chứng minh Đắc Lộ là ân nhân chứ không phải là kẻ thù. Sự ngộ nhận trong phân định lịch sử về công-tội, bạn-thù dai dẳng như thế đó. Sự thật hiển nhiên là chính Nguyễn Ánh đi cầu viện nước Pháp, và cái chính sách bế môn tỏa cảng của nhà Nguyễn đã làm cho nước yếu dân suy dẫn tới việc thua quân đội viễn chinh, mất nước vào tay người Pháp. Thời đó người Công giáo không được đi thi làm quan thì làm sao giúp Pháp lập chế độ bảo hộ, đặt ách thống trị trên đất nước con Rồng cháu Tiên này. Cùng thời với vua Tự Đức, Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân nước Nhật, và năm 1885, khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay người Pháp thì nước Nhật đã trở thành cường quốc ở Đông Á.
Thư chung của các giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội năm 1951, áp dụng giáo huấn của Thông điệp Divini Redemptoris của Đức Piô XI (19.3.1937) vào hoàn cảnh Việt Nam, cấm người Công giáo cộng tác với cộng sản; rồi việc hơn 600 ngàn người Công giáo di cư vào Nam tránh cộng sản sau hiệp định Giơnevơ 1954, là hai biến cố làm cho người cộng sản thêm xác tín vào cái nhìn của mình về người Công giáo và nhất là về hàng giám mục, linh mục.
1975, Hội thánh ở miền Nam đã áp dụng Công đồng Vatican II được mười năm. Do đó lối sống của người Công giáo ở miền Nam không giống lối sống của người Công giáo ở miền Bắc, còn tu sĩ là khuôn mặt lạ, không thấy ở miền Bắc, không có trong sách vở, không có trong bài bản... khiến những cán bộ từ miền Bắc ào ạt tiếp quản miền Nam phải khựng lại, “tìm đối sách”. Nhưng làm sao có “đối sách” khi chưa biết rõ kẻ đối diện với mình là ai. Đó chính là khoảnh khắc thuận lợi, là khoảng trống để người Công giáo và tu sĩ có thể “tự giới thiệu”.
Tôi thường dùng mấy hình ảnh để giải thích đường lối của Hội thánh và cách riêng của tu sĩ trong giai đoạn này: chuyện Hoàng Tử Nhỏ của Saint-Exupéry và chuyện nàng Scheherazade trong Ngàn Lẻ Một Đêm.
Hoàng tử nhỏ đang đi lang thang thì gặp một con cáo, nó hỏi: Cậu tìm gì? - Tôi tìm một người bạn! - Hãy làm cho tôi thành bạn của cậu đi! - Làm sao mi thành bạn của ta được?- Thì cậu thuần hóa tôi đi! - Thuần hóa nghĩa là gì? - Là tạo tương quan với tôi ấy mà! - Làm sao tạo tương quan với mi được, thấy ta là mi đã sợ rồi! - Được đấy! Này nhé, tôi vẫn ngồi dưới gốc cây táo này, mỗi ngày cậu tới ngồi đây. Mỗi ngày cậu nhích lại gần tôi một tí thôi, im lặng, đừng nói gì cả, vì lời nói là đầu mối gây hiểu lầm, cho tới ngày cậu tới sát bên tôi và ta có thể nói với nhau, bấy giờ ta thành bạn của nhau rồi đấy. Cậu phải tới đúng giờ, vì tôi phải mặc áo cho quả tim của tôi.
Chuyện nàng Scheherazade là chuyện mở đầu cuốn chuyện nổi tiếng Ngàn Lẻ Một Đêm. Nàng Scheherazade là người con gái xinh đẹp, con vị tể tướng. Ông vua là một người có định kiến về đàn bà. Mỗi đêm ông cưới một bà vợ và sáng hôm sau thì giết người đàn bà ấy. Scheherazade xin cha cho làm vợ vua một đêm rồi chết cũng được. Người cha không muốn nhưng rốt cuộc cũng phải nhượng bộ. Đêm tới, cô bắt đầu kể chuyện cho nhà vua. Vua nghe chuyện thâu đêm chưa hết và cũng chưa chán. Đến sáng thì vua ra lệnh giữ nàng một đêm nữa để nghe tiếp câu chuyện... Cứ như thế, mỗi đêm nàng kéo dài được một đêm nữa, sau ngàn lẻ một đêm thì nàng có bầu và vua đã quên cả ý định giết đàn bà. Nàng đã cứu được mạng mình và bao người con gái khác bằng cách kiên trì kể chuyện từng đêm.
Qua con đường xích lại gần từng chút của Hoàng tử nhỏ và con đường kể chuyện bằng xương máu trong cuộc sống từng ngày, mối tương quan đã được thiết lập, Người cộng sản không còn sợ người Công giáo và giới tu sĩ nữa. Những tiến bộ đã đạt được trong quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với Tòa thánh Vatican là biểu hiện rõ nét nhất của sự biến đổi này. Gặp được nhau, nói được với nhau là bước đầu đáng kể lắm rồi! Đừng bỏ lỡ cơ hội tiến xa hơn trong việc xây dựng tương quan. “Thế hệ 75” chúng tôi đã chỉ có một cơ may là khoảng trống do sự khựng lại vì chưa có đối sách trước những cái mới lạ. Không dám tranh công, nhưng những nỗ lực xích lại gần và kể chuyện bằng cuộc sống thật của “thế hệ 75” đã góp phần dẫn tới những gặp gỡ đang diễn ra hôm nay.
Lúc mặt trời vừa mọc” (Mc 16,2)
Từ cái bước đầu khiêm tốn nhỏ bé ấy, chánh quyền thành phố đã nghiễm nhiên công nhận một “tổ chức” mà ban đầu chúng tôi cũng chẳng dám nghĩ tới: “Liên tu sĩ giáo phận thành phố Hồ Chí Minh”. Sau năm 1990, “Liên tu sĩ” đã có thể đứng tên xin mở các lớp “Bồi dưỡng Thần học” cho các tu sĩ nam, nữ. Nay thì các “học viện” lại chính thức có chỗ trong các dòng tu nam nữ, thay cho các “lớp bồi dưỡng” của Liên tu sĩ. Một bước tiến thật xa mà ở thời điểm 40 năm trước “làm sao dám mơ rằng có...”.
40 năm sau, nhìn sự phát triển của các Dòng và Tu hội hiện nay tại Việt Nam, và nhìn vào Dòng Tên trong dịp kỷ niệm 400 năm hiện diện tại Việt Nam, tôi lại thấy như đang đọc câu mở đầu trình thuật “Chúa Phục sinh” của Tin Mừng theo thánh Máccô: “Lúc mặt trời vừa mọc”. Có lúc anh em bạn bè ở Việt Nam đã nói đùa cách chí lý về chúng tôi: “Dòng Tên chẳng còn gì, chỉ còn mỗi cái Tên”. Đúng như thế, đúng vượt cả ý người nói, vì “Giêsu là tất cả của chúng tôi”. Còn Tên Giêsu là còn tất cả. Và nay mặt trời lại mọc cho chúng tôi cũng như cho các Dòng khác: chúng tôi lại có nhiều người trẻ nhập đoàn để mang lấy cái Tên yêu quý này.
Mặt trời lại mọc vì Chúa vẫn làm những điều kỳ diệu trước mắt chúng ta!
Năm 1981, trong một buổi hỏi cung tại Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh, ông Ngô Văn Dần, trưởng phòng Chấp pháp, đặt vấn đề với tôi về chủ trương sống Phúc âm giữa lòng dân tộc: “Các anh nói các anh muốn góp phần xây dựng đất nước, nhưng các anh xây dựng theo Phúc âm, chứ đâu có theo chủ nghĩa Mác-Lê với chúng tôi?” Tôi trả lời: “Đúng thế đấy ạ! Các ông xây dựng theo chủ nghĩa Mác-Lê của các ông, còn chúng tôi, nhất định chúng tôi theo Phúc âm chứ đâu có theo chủ nghĩa Mác-Lê được. Nhưng giữa chủ nghĩa Mác-Lê và Phúc âm có nhiều điểm chung, nên chúng ta có thể cùng chung sức xây dựng Đất nước được chứ !”
Bốn mươi năm qua chứng tỏ thách đố kể trên không phải là viển vông, không tưởng, nhưng là điều có thể được vì đã làm được. Điểm chung trên mặt bằng lý tưởng Mác-Lê và giáo huấn của Tin Mừng là giúp cho “con người được sống và sống phong phú hơn” (x. Ga 10,10). Cản trở lớn nhất đến từ trong lòng con người. Chẳng cơ cấu tổ chức nào ngăn được con quỷ tham lam, ích kỷ, kiêu căng lẻn vào phá hoại. Chống ngoại xâm là một chuyện, diệt lòng tham và ích kỷ lại là chuyện khác; thắng người là một chuyện, thắng mình lại là chuyện khác. Người Công giáo mỗi ngày “cáo mình cùng Đức Trời... và cùng anh chị em...” cho đến ngày cuối đời cũng vẫn là nói thật chứ không phải là đãi bôi. Mỗi ngày bắt đầu lại, mỗi ngày lại bắt đầu. Nhờ thế mà đi tới. Chúng ta đi theo Chúa Kitô, Đấng đã chết để cho chúng ta được sống và chính Ngài mời gọi chúng ta thí mạng sống mình vì anh em. Chúng ta có Thánh thần, có Lời Chúa, có Mình Máu Chúa, có cả cộng đồng tín hữu toàn cầu nâng đỡ. Chúng ta có Chúa là Mục tử nên “dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 23,3).
Thế hệ 75” chúng tôi đã cảm nghiệm sự trung thành và quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và trong lịch sử Hội thánh thời mình. Chúng tôi kể lại cho thế hệ đàn em như một lời trăng trối và một lời khích lệ. Các em hãy tiếp tục mở đường mà đi, “đừng sợ”, hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu Kitô, Ngài vẫn đi đằng trước, như thư Hip-ri (12, 1-4) khuyên. Chúa sẽ tiếp tục làm những việc kỳ diệu hơn nữa nếu chúng ta theo gương Mẹ Maria, người Nữ tỳ của Thiên Chúa, nộp mình trọn vẹn cho Thiên Chúa hành động.
Giêrusalem, ngày 14.2.2015
 Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN số 88 (Tháng 5 & 6, năm 2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét