Chúng ta, những người Công giáo tiếp tục phát triển đời sống thiêng liêng như thế nào khi không thể đón nhận Bí tích Thánh Thể ? Làm thế nào để chúng ta giữ ngày Chúa Nhật thậm chí khi không thể đi Lễ ? Kinh thánh cho chúng ta một mẫu gương về cách thức chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, ngay cả khi chúng ta không thể đến nhà Chúa.
Khi Nhà Chúa bị đóng cửa
Đền thờ Giêrusalem là trung tâm phượng tự của người Do-thái. Đó là nơi mà sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa cư ngụ trên Hòm Bia Giao Ước, trong gian Cực Thánh, nơi thánh thiêng nhất của Đền Thờ. Như thế, đến gần Đền Thờ là đến gần chính Thiên Chúa.
Mỗi năm, người Do-thái hành hương đến thành thánh vào các dịp đại lễ khác nhau, khi họ khao khát thờ phượng Thiên Chúa tại nơi thánh địa. Khi tiến lên Đền Thánh, họ hát mừng:
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !’” (Tv 122).
Nhưng tất cả những việc phượng tự đã ngừng lại vào năm 586 TCN khi quân Babylon xâm chiếm, phá hủy Đền Thờ, và đưa người Do-thái đi lưu đày. Dân Thiên Chúa đối mặt với một hoàn cảnh éo le mới: Làm thế nào chúng ta thờ phượng Thiên Chúa khi không thể lên Đền Thờ ? Làm thế nào chúng ta thờ phượng Thiên Chúa khi phải lưu đày ở nơi “đất khách quê người”, không có Đền Thờ ?
Sách Ai-ca diễn tả nỗi buồn đau của Dân Chúa khi nhìn thấy những đường phố vắng tênh vắng tanh ở Giêrusalem, và không ai đến để thờ phượng Thiên Chúa tại đó, vì các việc phượng tự trong Nhà Chúa đã chấm dứt, và Đền Thờ đã trở thành đống đổ nát hoang tàn:
“Làm sao Đô Thị dân đông đúc
lại ngồi trơ, tủi nhục một mình !
Xưa lệnh bà giữa muôn dân nước,
nay khác chi quả phụ tội tình.
Bà nữ chúa đứng đầu các tỉnh
đã trở thành một kẻ khổ sai…
Đường phố Xi-on đượm màu tang tóc,
chẳng còn ai trẩy lễ lên đền.
Cổng thành vắng lặng không một bóng.
Tư tế thở than, nữ trinh sầu thảm,
cả thành chìm ngập giữa đắng cay !” (Ac 1,1.4)
Tôi không thể không nghĩ về những câu thơ trên khi nhìn thấy cảnh tượng của thành phố Rôma, tại thời điểm bùng phát vi-rút Corona. Chúng ta đã thấy những đường phố trống vắng đáng kinh ngạc. Các nhà thờ đóng cửa. Vắng bóng khách hành hương. Quảng trường thánh Phêrô hầu như cô quạnh. Đáng buồn nhất là không có một thánh lễ công khai nào ở Rôma – Thành Đô Vĩnh Cửu! Đóng cửa nhiều tuần. Trong hai thập kỷ, tôi đã đưa nhiều người đến Rôma và xếp hàng dài chờ đợi với hàng ngàn khách hành hương khác, khao khát được vào đến Đền Thờ thánh Phêrô diễm lệ, mang tính biểu tượng, một ngôi nhà của Chúa mà tất cả người Công giáo trên toàn thế giới có thể gọi là nhà. Nhìn thấy Đền Thờ trống vắng, tâm hồn tôi trĩu nặng, và điều ấy cũng cho thấy tình hình tại Ý nghiêm trọng đến mức nào.
Nhưng điều đó không chỉ xảy ra ở Đền Thờ thánh Phêrô, không chỉ ở Rôma. Ở nhiều nơi trên thế giới, người Công giáo đau buồn vì không có Thánh Lễ công khai. Thật trống vắng biết bao tại các Giáo hội địa phương trong nhiều Giáo phận – các ngôi nhà thờ mà chỉ mới vài tuần trước đó rất đông người khi bắt đầu Mùa Chay. Chúng ta có thể đã phàn nàn về giao thông trong bãi đậu xe vào sáng Chúa nhật, nhưng bây giờ chúng ta mong mỏi ngày mà các nhà thờ của chúng ta sẽ đông người trở lại. Giữa một tương lai vô định, chúng ta gào khóc như những người Do-thái thời xưa đã từng làm: “Đến bao giờ, lạy Chúa, Ngài còn lánh mặt ? Ngài lánh mặt mãi sao ?” (Tv 89,47a).
Thờ phượng Chúa nơi đất khách quê người
Nhưng các tín hữu của Thiên Chúa luôn tìm cách tiến về phía trước. Hãy xem những gì mà tiên tri Đanien đã làm. Ông còn rất trẻ khi bị lưu đày sang Babylon. Xa cách Giêrusalem yêu dấu và xa cách Đền thờ đã hoàn toàn đổ nát, ông đã phải đối diện với một thách thức mới: Ông sẽ thờ phượng Thiên Chúa như thế nào trong những hoàn cảnh khó khăn này ? Không có đền thờ. Không có tư tế. Không có hy lễ. Không có bữa ăn hiệp thông của người Do-thái.
Ông Đanien đã làm gì đây ? Ông đã đặt mình vào trong tinh thần và nhịp điệu của phụng vụ Đền thờ. Ông có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng ông đã chọn cầu nguyện vào giờ truyền thống, khi các lễ tế được dâng trong Đền thờ, mặc dù những hiến lễ đó từ lâu đã không còn (x. Đn 9,21). Ông cũng có thể quay về bất kỳ hướng nào để cầu nguyện, nhưng ông đã mở cửa sổ phòng trên nhà ông, quay về hướng Giêrusalem và “mỗi ngày 3 lần, ông quỳ gối, cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa của ông, y như ông đã từng làm trước đây đến nay" (Đn 6,11). Ông thờ phượng Thiên Chúa theo nghi thức trong đền thờ dù ông không thể đến nhà Chúa để tham dự phụng vụ ở đó.
Thánh Lễ trên màn hình ?
Vào sáng Chúa nhật đầu tiên không có Thánh Lễ, tôi đã thức dậy với một câu Kinh thánh Cựu Ước khác trong lòng: “Tôi tìm người yêu dấu của lòng tôi. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!” (Dc 3,2). Tôi đã khao khát được đón rước Người yêu dấu, Chúa Giêsu Thánh Thể, dầu biết rằng không thể đi Lễ.
Thay vào đó, gia đình chúng tôi tập hợp trong phòng khách, để xem thánh lễ trực tuyến trên Facebook, do Cha xứ của chúng tôi cử hành. Dù xem Lễ trên màn hình, nhưng chúng tôi muốn biến nó thành một khoảng thời gian và không gian linh thánh – khoảng thời gian và không gian đã trở thành một phần khác biệt rõ rệt với phần còn lại của ngày sống. Chúng tôi không muốn chỉ đơn giản là xem một Thánh lễ và đọc những lời cầu nguyện cách thụ động. Chúng tôi không muốn mọi người ủ rũ trong bộ đồ ngủ, ngồi trên một chiếc ghế sô-pha, hoặc làm bỏng ngô để xem Lễ. Mọi người trong chúng tôi đã ăn mặc đẹp một chút. Trẻ con lo việc xếp đặt ghế cho mọi người. Chúng tôi tập trung quanh màn hình máy tính, dọn sạch cái bàn để đặt máy tính lên, đặt một cây Thánh Giá và thắp một vài ngọn nến đặt trên bàn. Thời gian và không gian đã được dành riêng cho Thánh Lễ.
Khi Thánh Lễ bắt đầu, chúng tôi cùng làm Dấu Thánh Giá với Cha xứ. Chúng tôi ngồi đứng và quỳ y như chúng tôi tham dự Thánh Lễ ở nhà thờ giáo xứ. Chúng tôi đọc mọi kinh nguyện và đáp lại Cha chủ tế: “Amen”, “và ở cùng Cha”, “Tạ ơn Chúa”. Mọi việc ổn thỏa, mấy đứa trẻ dự Lễ trang nghiêm. Chỉ có điều chính tôi lại là kẻ gây chia trí. Khi đến phần xin tiền giỏ trong Lễ, tôi thấy có chiếc giỏ trên bàn cạnh đó, tôi lấy đưa cho mấy đứa trẻ. Chúng cười và đùa giỡn chuyền chiếc giỏ đi vòng vòng. Thấy do tôi mà việc dự Lễ bị gián đoạn, vợ tôi đưa mắt nhìn tôi với ánh mắt cô ấy thường trừng các con, tôi vội vàng ngưng không đùa nghịch nữa.
Có điều khiến cho thời gian xem Thánh Lễ trở thành một trải nghiệm tốt hơn tôi mong đợi, đó là chính cha xứ của chúng tôi đang dâng Thánh Lễ vào đúng thời gian mà chúng tôi đang xem truyền hình. Đây không phải là một linh mục trên tivi mà tôi không biết. Ngài là Cha xứ của chúng tôi, ngài yêu đàn chiên của mình và đàn chiên biết điều đó. Và đây không phải là một Thánh lễ ở một nơi xa xôi, hoặc một cử hành phụng vụ được ghi hình từ trước. Đây là linh mục của chúng tôi, tại giáo xứ của chúng tôi, và ngài đang dâng Thánh Lễ này cùng lúc chúng tôi đang theo dõi ngài. Chúng tôi đã nhìn theo và cầu nguyện cùng với ngài trong mọi phần của Thánh Lễ mà ngài cử hành.
Một ý nghĩ sâu sắc đánh động tôi là vào lúc truyền phép. Nhiều người đã nói về việc “Rước lễ thiêng liêng”, khi bạn không thể đi Lễ. Đây là một thực hành truyền thống nhằm diễn tả ao ước được kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể khi không thể rước lễ thực sự. Đây là một thói quen rất tốt nhằm nuôi dưỡng suốt cuộc đời của chúng ta - không chỉ trong thời gian đại dịch vi-rút Corona này. Việc bày tỏ nỗi khát khao sâu xa được kết hiệp với Chúa Giêsu yêu dấu sẽ đưa chúng ta đến gần Người hơn về mặt thiêng liêng, ngay cả khi chúng ta không thể đón nhận Người trong Bí tích Thánh Thể.
Nhưng lúc truyền phép, tôi thấy mình đang làm điều có lẽ được gọi là một “Hiến lễ thiêng liêng”. Tôi đã bày tỏ trong lòng tôi mong muốn kết hợp cuộc sống của tôi với hiến lễ của Đức Kitô đã được hiện tại hóa trong mỗi Thánh Lễ. Đây là một chân lý căn bản về Bí tích Thánh Thể. Khi tham dự phụng vụ Thánh Thể, chúng ta được mời gọi kết hợp tất cả các công việc, niềm vui và đau khổ của chúng ta - toàn bộ đời sống của chúng ta - với lễ dâng của Đức Kitô cho Chúa Cha (x. GLHTCG, số 1368). Chúng ta dâng hiến chính mình trong sự kết hợp với lễ dâng toàn hiến của Đức Kitô, tặng phẩm tình yêu hiến tế hoàn hảo dành cho Chúa Cha. Và chúng ta mong muốn Chúa Giêsu biến đổi trái tim của chúng ta, và sống tình yêu hiến tế của Ngài trong chúng ta hơn bao giờ hết. Đó là những gì chúng ta nên làm mỗi khi tham dự Thánh lễ.
Nhưng vào Chủ nhật này, tôi thực sự không tham dự Thánh lễ. Tôi chỉ xem một Thánh lễ cử hành riêng trên màn hình. Nhưng tôi vẫn thấy mình muốn hiệp nhất tâm hồn mình hết mức có thể với lễ dâng vào thời khắc thiêng liêng nhất trong phụng vụ: “Này là Mình Thầy…Này là chén Máu Thầy”. Tôi cảm thấy như Đanien, tách biệt khỏi Đền Thờ và các việc phụng vụ, nhưng cố gắng hết sức để cầu nguyện với Thiên Chúa trong tinh thần và nhịp điệu của phụng vụ. Mặc dù tôi xa cách nhà thờ giáo xứ hàng dặm và không thể tham dự vào chính Thánh Lễ, nhưng tâm hồn tôi vẫn phần nào kết nối thiêng liêng với những gì đã xảy ra, ngay tại thời điểm đó, tại giờ cầu nguyện đó, tại giờ hiến dâng đó.
Không ai biết chắc chắn khi nào Thánh Lễ công khai sẽ được cử hành. Nhưng trong lúc này, chúng tôi, như Đanien, nên cố gắng làm tốt nhất trong hoàn cảnh rất khó khăn này. Chúng tôi dâng nỗi buồn không thể đón rước Chúa trong những ngày này. Chúng tôi có thể dâng những nỗi buồn đó để cầu cho tất cả những người đang chiến đấu với COVID-19 và vô số người có đời sống xã hội, kinh tế và tinh thần bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bi đát trong tuần qua. Và chúng tôi tin tưởng rằng, Chúa nhìn thấy tâm hồn của chúng tôi, một tâm hồn khát mong Ngài hơn bao giờ hết. Cho dù chúng ta có gặp thử thách nào đi nữa trong thời gian này, Thiên Chúa vẫn luôn đem đến cho chúng ta những điều tốt đẹp từ chính những thử thách ấy.
Hướng Dương chuyển ngữ từ origin.ncregister.comNguồn: Truyền thông HĐGMVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét