Khi hay tin người mình thương mến là Ladaro bị đau nặng, Đức Giê-su đã nói: “Qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11, 4) Tôi đã chậm lại, lắng nghe, và để lời ấy vang vẳng trong lòng.
Có thật thế không, lạy Chúa! Đối với Ladaro thì thế, còn đối với nhân loại chúng con thì sao? Tôi đã hỏi Chúa như thế, và tra vấn lương tâm mình. Tôi vẫn chưa kịp thấy vinh quang của Người, thì nhà thờ phải đóng cửa, các Thánh Lễ cũng phải ngưng, mọi hoạt động tôn giáo, cầu nguyện đọc kinh trong nhà thờ đều tạm dừng.
Trong những ngày này, khi bao sinh linh cứ lặng mình ra đi, hàng trăm ngàn người đang phải gồng mình chiến đấu với bệnh dịch quái ác ấy, làm thế nào tôi có thể ca tụng tôn vinh Chúa. Lạy Chúa, vinh quang của Ngài ở đâu? Khi hàng ngàn hàng vạn giọt nước mắt lã chã rơi thấm đẫm nền đất hàng giờ vì người thân, bạn hữu cứ lặng lẽ ra đi; khi nỗi sợ hãi bao trùm khắp nơi, lo lắng rình rập khắp chốn, cảnh tình khốn đốn, thế nhân lầm than; khi nhân loại đang rơi vào “trầm cảm”, cứ lê bước nhọc nhằn trong cảnh sầu thương, tang tóc. Hoang mang, hoảng loạn, tuyệt vọng, đau buồn, khổ cực, bất lực, lắng lo, thẫn thờ, cô đơn, tủi hổ, nhục trí cạn lòng…Bao cảm xúc bấy nỗi sầu đang chất đầy trong cõi lòng nhân loại vì cơn bệnh đang hủy hoại quá khủng khiếp.
Làm sao tôi có thể nhận ra vinh quang của Người khi theo chân nhân loại trong cái “thân tàn ma dại” của nó? Các quốc gia vùng lên chống đỡ mà dịch bệnh cứ thờ ơ. Các chiến binh áo trắng gắng mình khống chế tình hình nhưng chính họ lại bị mắc kẹt trong cơn bệnh, hay người thân của họ cũng âm thầm ra đi. Nhiều nơi đang ngày đêm gồng lên cứu vớt nhưng dường như hai chữ “tệ hại” lại càng nhân lên. Nhiều hoạt động thường ngày của nhân loại đang bị băng hoại, tàn phá nặng nề. Nhiều người làm mướn kiếm thuê đâu có chỗ để vất vả để nhọc nhằn. Không thiếu những người một thân oằn mình lo chỗ này chạy chỗ kia kiếm cho ra một bữa cơm qua ngày. Các cô chú gồng gánh một gia đình ở xe xôi khúc, xe chè, xe cam giờ lam lũ chốn nào trong thành phố vắng bóng người. Những kẻ buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, bán vé số giờ làm gì còn đất mưu sinh kiếm sống. Những người nghèo khó, vô gia cư đã khổ nay còn cực hơn nhiều. Trong khi người ta được ở nhà, vẫn có nhiều kẻ phải liều mình chạy xe trên đường cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Cô Vy đã cướp đi những giấc ngủ ngon, những giấc mơ đẹp của bao y bác sĩ, cùng những người tình nguyện dám dấn thân tuyến đầu. Họ cũng phải ngậm ngùi chùi nước mắt, lau dòng lệ vì xa nhà, nhớ con…Vinh quang của Thiên Chúa ở đâu thế? Con người đang lê từng bước, lết từng ly vì cơn bệnh này.
Quá nặng nề, quá ê chề, lạy Chúa!
Trong những ngày tháng khó khăn này, tôi làm được gì khi Thánh Lễ bị ngưng, nhà thờ đóng cửa? Làm thế nào Người được tôn vinh khi tôi không thể cùng anh chị em đọc kinh trong nhà thờ, không thể cùng họ hát lời ngợi khen, không thể cùng họ vang lời ca tụng? Vinh quang của Người ở đâu khi tôi chỉ thấy khổ đau cứ chồng chất, nỗi sợ ngày càng gia tăng, lo lắng không sao đếm nổi? Cơn bệnh tệ bạc này khiến đức tin tôi chuyển lay, hy vọng nơi tôi biến tan dần, tình yêu trong tôi vơi cạn hẳn. Đã có lúc tôi cảm thấy quá rõ điều đó trong lòng mình. Rõ hơn nhiều thứ đức tin “khan hiếm” mà ngày nào tôi tuyên xưng. Rõ hơn ngàn lần niềm hy vọng tỏ tường nơi thập giá tôi từng ghi khắc. Rõ hơn bội phần tình yêu ít ỏi tôi từng cảm thấu từ lâu. Nhưng dường như nhờ tình yêu và ân sủng của Chúa là đủ cho tôi. Tôi chợt nhận ra nhiều điều theo kiểu của một kẻ mạnh tin, một người đầy hy vọng, và một đứa con tràn ngập tình yêu.
Qua cơn bệnh này, Chúa đã gửi đến tôi bao dấu chỉ của thời đại. Nhờ cơn bệnh này, Người đã cho tôi ý nghĩa của khổ đau nơi bản thân và toàn nhân loại. Qua nó, Người đã giúp tôi đối diện với bản thân, với lối sống và cách hành xử của mình. Nhờ nó, Chúa chỉ cho tôi hai chữ “tôn vinh”. Tôi tự vấn, điều làm Thiên Chúa được tôn vinh phải chăng là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Người. (X. Ga 15,8)
Tôi đã chứng kiến biết bao hoa trái nơi những người môn đệ của Chúa trong thời gian qua. Ngay giữa quảng trường thánh Phê-rô rộng lớn, một ông cụ già lom khom lẻ loi một mình Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho toàn thế giới vượt qua cơn đại dịch này. Giờ phút ấy, các tín hữu khắp nơi đồng lòng hiệp thông, bao con tim hòa chung lời nguyện cầu. Hàng tỉ lời cầu nguyện, van xin liên lỉ cho cảnh khổ đau lầm than của thế trần mỗi ngày. Có những người vẫn hi sinh dấn thân đến bên ủi an người bệnh khi sự sống còn ít ỏi, nâng đỡ thân nhân những kẻ gặp nạn, và cùng cầu nguyện với họ. Họ vẫn sẻ chia khó khăn cùng các bác sĩ, âm thầm gửi các thông điệp ủi an để giảm bớt sợ hãi, đẩy lùi lắng lo, khích lệ tinh thần. Họ kêu gọi mọi người chung tay góp chén cơm, bát gạo cho những gia cảnh khó khăn, cho những người khốn khó…Rất nhiều những hoa trái trong đạo ngoài đời đã cất lời minh chứng những tháng ngày qua. Dường như ở nơi ấy, đức tin Công giáo đã lau khô bao giọt nước mắt trần thế. Niềm hy vọng vào Thập Giá vẫn ngày đêm thôi thúc mọi người chung tay đẩy lùi đại dịch. Tình yêu tái sinh bao tâm hồn, xoa dịu sợ hãi, làm dịu lắng lo, thay đổi hận thù, hối thúc cảm thông, lòng đồng chung sức, cứu chữa tâm hồn, trân trọng cuộc sống,…Có lẽ họ là ánh sáng bừng lên từ nơi tăm tối. Chính Thiên Chúa cũng làm cho thứ ánh sáng ấy chiếu soi lòng trí họ để tỏ bày vinh quang của Người (X. 2 Cr 4,6).
Trong những tháng ngày khốn đốn này, nhà thờ bị ngưng, tôi mới hiểu tình hiệp nhất của cộng đoàn trong lời kinh tiếng hát thế nào, tôi mới nhận ra cộng đoàn đã nâng đỡ mình ra sao trong tinh thần hiệp thông. Thánh Lễ bị dừng, tôi mới hiểu lòng khao khát tham dự Thánh Lễ đến đâu, tôi mới thấu rõ ước muốn nghe Lời Chúa, mới cảm ước mong rước Thánh Thể của mình nhường nào. Dịp Lễ Lá này giúp tôi hồi tưởng những ký ức của những cuộc rước ấy. Nó có ý nghĩa gì với tôi? Dường như là dịp cho tôi chuẩn bị tâm thế bước vào Tuần Thánh theo cách rất riêng trong hoàn cảnh đặc biệt này. Không rước lách, cờ lá, chẳng lễ lạc, lời ca hòa vang nhịp nhàng cùng cộng đoàn, tôi sẽ có cách chúc tụng tung hô “Con Vua Đa-Vít” thời Covid theo cách khác. Đó không chỉ là những đoàn rước “hoành tráng” bên ngoài, hay lời ca hát vang xa trên môi miệng mà thôi; nhưng thiếu điều kiện, tôi có cơ hội mở ra tâm tình chúc tụng bên trong của mình. Đó sẽ là mầm sống tốt cho những cống hiến, cho những hoa trái đầy hy vọng trong đời sống của tôi…Cám ơn Chúa vì những hoa trái nơi bản thân và tha nhân.
Với danh nghĩa người môn đệ, tôi đã làm gì Tôi đang làm gì? Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô? (Linh thao số 53)
Tôi vẫn chờ tin dịch bệnh.
Tôi cũng vẫn đợi tin hoa nở trái sinh nơi những người môn đệ để Thiên Chúa được tôn vinh.
Đúng là qua cơn bệnh này, Thiên Chúa được tôn vinh!
Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Người bởi trong hoàn cảnh quá cơ cực này, con không dễ thấy và cảm nhận vinh quang của Người. Amen
Lyeur Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét