1.
Rất nhiều lần, khi bước lên bàn thờ dâng lễ, tôi hân hoan coi mình là người được Hội Thánh thay quyền Chúa trao ban chức thánh để dâng thánh lễ.
2.
Cũng rất nhiều lần, Ðức Mẹ Maria lại âm thầm khuyên tôi hãy bắt chước Mẹ, coi mình là của lễ.
Hiểu ý Mẹ, tôi đã cùng với Mẹ, nói với Chúa rằng : “Này con đến, để xin được là của lễ”.
3.
Chúa thương trả lời tôi. Chúa cho tôi cảm thấy thế nào là của lễ, mà Chúa muốn.
Với một cách nhẹ nhàng, mà mạnh mẽ, Chúa Giêsu đưa tôi vào cuộc thương khó của Chúa. Chúa dâng mình làm của lễ dâng trên thánh giá.
4.
Của lễ đó đầy tình yêu, đầy hy sinh, đầy đau đớn. Của lễ đó là của lễ đền tạ, để cứu các linh hồn.
5.
Vì tôi xin được là của lễ, nên Chúa chia sẻ cho tôi của lễ là chính Chúa trên thập giá.
Tôi cảm nhận được tình yêu của Chúa, đớn đau của Chúa. Tình yêu đó, đớn đau đó vượt xa mọi công thức.
6.
Thánh lễ có những nghi thức, như những lời truyền phép, những cử chỉ giơ tay, nếu tôi chỉ bám vào những nghi thức đó, thì sẽ rất xa nội dung của lễ đền tạ, mà Chúa Giêsu đã dâng trên thánh giá.
7.
Khi tôi cảm nhận được tình yêu và sự đau đớn của Chúa, lúc Chúa là của lễ đền tạ, tôi mới thực sự thấy mình ra khác. Tình yêu của của lễ là rất mạnh. Ðau đớn của của lễ là rất sâu.
8.
Từ đó, tôi mới hiểu cái giá phải trả để cứu các linh hồn. Ðể cứu các linh hồn, Chúa Giêsu đã là của lễ như thế đó.
9.
Cũng từ đó, tôi mới hiểu Chúa muốn tôi là của lễ không chỉ trên thánh lễ bàn thờ, mà phải là của lễ mọi lúc, khắp nơi trong thánh lễ cuộc đời.
Ở bàn giấy, trên giường ngủ, tôi vẫn là của lễ. Nghĩa là vẫn có những đớn đau và tình yêu để dâng mình làm của lễ đền tạ cho mình và cho người khác.
10.
Những ngày này, khi đồng bào khắp nơi đang phải sống trong hoàn cảnh nguy hiểm do dịch bệnh Covid-19, tôi tự nhiên nghĩ tới nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đang tự nguyện xin được là của lễ, để cứu người khác.
11.
Tôi tin cũng sẽ có nhiều của lễ, như cha Phanxicô X. Trương Bửu Diệp trước đây. Ngài dám chết thay cho đoàn chiên của ngài.
12.
Tôi tin cũng sẽ có những của lễ như Ðức Mẹ đứng bên Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ xưa trên thánh giá.
13.
Lúc này hơn lúc nào hết, tôi ít nghĩ tới mình phài làm gì, nhưng tôi đang nghĩ mình phải là gì ? Mình phải là của lễ, như Chúa muốn. Xác định như thế sẽ giúp tôi biết tập trung vào đời sống nội tâm.
14.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã nêu gương đó. Thánh nữ đã là của lễ trong tu viện, và như thế thánh nữ đã trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo.
15.
Lịch sử Hội Thánh cho thấy, để cứu một tình hình nguy hiểm, Chúa đòi phải có những của lễ đền tạ. Thế mà nhiều khi, Hội Thánh địa phương lại cứ ồn ào với những nghi thức bên ngoài. Thành ra, tình hình đã thê thảm càng thêm thê thảm.
16.
Ðể là của lễ đền tạ, Ðức Mẹ khuyên tôi cũng hãy xin vâng, khi cảm thấy mình như không được Chúa an ủi, nhất là khi không nhận được sự an ủi của những người khác, thế mà vẫn một mực lo ủi an họ.
17.
Ðược là của lễ đền tạ, đó là một vinh dự lớn. Rất nhiều người được ơn đó hơn tôi. Tôi xin Ðức Mẹ thương giúp tôi, vì tôi là đứa con yếu đuối, mọn hèn.
18.
Các của lễ đền tạ sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển đức tin và cứu rỗi các linh hồn.
Với nhận định đó, tôi vui mừng nhận thấy tại Việt Nam hôm nay đang xuất hiện nhiều của lễ đền tạ được Chúa đào tạo.
19.
Tôi nhấn mạnh “được Chúa đào tạo”. Bởi vì nếu không có Chúa đào tạo, thì vô số người tự xưng mình là của lễ đền tạ, sẽ chẳng có giá trị cứu rỗi, mà còn phá sự cứu rỗi nữa. Sẽ có những của lễ đền tạ giả.
20.
Do vậy, chúng ta cần phải rất khiêm nhường, để được Chúa đào tạo nên của lễ thực sự đẹp ý Chúa. Xin hãy nhờ Ðức Mẹ.
21.
“Lạy Chúa, của lễ con dâng lên Chúa là tấm lòng tan nát, khiêm cung. Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Thánh Vịnh 51,19).
ĐGM Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét