Nếu là người công giáo sùng đạo, bạn sẽ ngạc nhiên với tựa đề bài viết. Ngạc nhiên vì tại sao người ta lại khó tin vào Thiên Chúa đến thế. Tuy nhiên, giữa niềm tin và vô tín luôn có những cuộc tranh luận liên lỉ từ cổ chí kim. Có khi điều ấy xảy ra trong chính mỗi người tín hữu. Khi ấy, ước gì biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở nên điểm tựa vững chắc cho những ai tìm kiếm đức tin. Bởi theo Đức Bênêđictô XVI: “Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bẩy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.” (Bài giảng 19-10-2006).
Tình cờ tôi trò chuyện với một bạn trẻ người Ba Lan. Tôi nghĩ đất nước và con người Ba Lan nổi tiếng là sùng đạo và biết bao vị thánh đã phát xuất từ vùng đất này. Bạn trẻ tôi trò chuyện lại là một trường hợp khác. Anh ấy quả quyết là: “Tôi không tin vào Thiên Chúa!” Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn tôn trọng niềm tin của bạn ấy và vẫn tiếp nối câu chuyện. Lý do bạn ấy đưa ra là: Thiên Chúa hoàn toàn không hợp lý so với suy luận của con người. Hoặc, ít là những giải thích về Thiên Chúa, đối với bạn ấy, thì không hợp lý chút nào. Chẳng hạn, tôi không thể đụng chạm Thiên Chúa, nên tôi không tin. Hoặc, nếu Thiên Chúa tốt lành, tại sao lại có đau khổ và chết chóc?, v.v.
Thực tế, đây là lý do nhiều người vô thần hoặc những ai đang gặp khủng hoảng về đức tin thường đưa ra. Họ không thể giải thích nổi thực tại Thiên Chúa là gì! Phải chăng chỉ tin vào một Đấng vô hình, có thể giải quyết mọi sự? Thiên Chúa là ai? Không có Thiên Chúa, có lẽ cuộc sống sẽ tốt hơn. Để minh chứng cho những khó khăn ấy, bạn này đưa cho tôi một quyển sách mà tác giả là người theo chủ nghĩa vô thần hiện sinh: Friedrich Nietzsche (1844-1900). Bố Nietzsche là mục sư Tin Lành. Là người có cá tính mạnh mẽ, Nietzsche coi Kitô giáo là chân lý của những người yếu đuối. Với ông, luân lý của kẻ mạnh mới là luân lý của con người. Theo đó, ông muốn giúp con người thoát khỏi kìm hãm của sức mạnh thần liêng. Ông khẳng định rằng Thiên Chúa phải chết. Đúng hơn, mỗi người phải tiêu diệt vị thần của người yếu để xây dựng thần của người mạnh cũng là hình ảnh siêu nhân nơi chính mình.
Ngoài ra, bạn ấy còn trích dẫn những nhà vô thần nổi tiếng để cho thấy xác tín của mình là có lý. Chẳng hạn, Arthur Schopenhauer, Jean-Paul Sartre hay Karl Marx, v.v. Chắc tôi không đủ tầm để đi vào những suy tư cao siêu của những vị triết gia này ở đây. Tuy nhiên suốt dòng lịch sử, một thực tế là người ta vẫn băn khoăn về Thiên Chúa. Câu hỏi ấy có lẽ càng vang dội hơn vào thời tuổi trẻ của mỗi người. Tạ ơn Thiên Chúa vì có nhiều bạn trẻ đón nhận niềm tin ấy một cách say mê. Họ thực sự để Thiên Chúa chiếm lấy con tim. Họ lắng nghe những giải thích về Thiên Chúa từ Kinh Thánh và từ Giáo Hội. Họ để Thiên Chúa mặc khải chính Ngài trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, người tín hữu hy vọng có được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Thiện chí của anh bạn trên đây rất lớn. Anh ấy muốn đi tìm câu trả lời cho riêng mình về Thiên Chúa. Anh ấy sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Công Giáo. Chính anh ấy cũng được lãnh nhận Bí Tích Rửa tội. Tiếc là khi lớn lên, anh không tin vào Thiên Chúa nữa. Lý trí mách bảo cho anh ấy rằng Thiên Chúa không hợp lý chút nào; do đó đối với anh ấy, không đáng để tin vào Thiên Chúa! Anh ấy đáng thương hơn đáng trách, phải không bạn?
Thật hời hợt nếu chúng ta phê phán thái độ niềm tin của người thanh niên này! Bởi thực tế, chúng ta thấy Đức Tin luôn là một quà tặng; và con người hoàn toàn có tự do để đón nhận ân huệ này. Bởi đó, Giáo Hội nhắc chúng ta rằng: “Đức tin là nhân đức giúp ta nhận Thiên Chúa có thật, nhận biết sự thật của Người và tự gắn bó bản thân với Người”. Có lần thánh Augustinô tâm sự rằng: “Lạy Chúa, khi Chúa tạo dựng thì Ngài đâu có cần hỏi ý kiến của con, nhưng khi cứu độ thì Ngài cần con cộng tác.” Nghĩa là, Thiên Chúa đòi chúng ta tin yêu nơi Ngài. Tuy nhiên trong thế giới hôm nay, nhận biết Thiên Chúa vô hình thường là một thách đố lớn đối với tâm trí con người, nhất là với người trẻ, khiến cho không ít người đã thoái lui.
Lời phủ nhận tin vào Thiên Chúa của bạn ấy cứ theo tôi hoài. Làm sao để giới thiệu Thiên Chúa cho người khác? Làm sao để thuyết phục người khác, nhất là những người tài giỏi? Làm sao tôi vừa thấy Thiên Chúa thật hợp lý, vừa tin yêu Thiên Chúa? Mầu nhiệm của Thiên Chúa làm sao con người có thể lý luận và hiểu thấu được? Trong lĩnh vực đức tin, hợp lý là gì, bất hợp lý có thể cho người ta tin được không? Hoặc tôi hiểu thế nào về phát biểu này: “Bản chất của đức tin là đón nhận một chân lý mà trí tuệ mình không đạt tới được; đức tin ấy phải nhất thiết dựa vào chứng từ.” (Chân phước John Henry Newman). Danh sách câu hỏi ấy cứ dài vô tận, mà ít nhiều chúng ta gặp phải!
Trước hết, tôi cầu nguyện cho bạn ấy có được cuộc sống bình an. Mong bạn ấy tiếp tục khắc khoải về Thiên Chúa. Bên cạnh đó, ước gì bạn ấy tìm đến những nguồn chứng minh khác để thấy Thiên Chúa hợp lý hơn. Chẳng hạn trong Thánh Kinh, chúng ta thấy chính Thiên Chúa mặc khải, ngỏ lời với con người. Chính triết gia Søren Kierkegaard[1] gọi đó là bức thư tình Thiên Chúa muốn gửi cho con người. Bạn này có thể đọc những sách của nhiều tác giả hữu thần, hoặc những sách của những nhà khoa học như Albert Einstein, Isaac Newton. Trong đó, mỗi tác giả dẫn ra những bằng chứng để chúng ta tin vào Thiên Chúa.
Ước gì khi tìm kiếm Thiên Chúa, người bạn trên đây và mỗi người được nhiều hồng ân để thấy Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ mình. Mong sao Thiên Chúa có cách để bạn ấy dám tin yêu nơi Ngài. Được như thế, chúng ta hy vọng bạn ấy cũng được sự sống đời đời. Bởi, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Một trong những tư tưởng chủ đạo của Kierkegaard là về bước nhảy của Đức Tin (a leap of faith). Ông viết: “Nếu tôi có khả năng thấu hiểu Chúa Trời một cách khách quan, tôi sẽ không tin. Nhưng vì chính tôi không thể có khả năng đó, nên tôi phải tin. Nếu tôi muốn bảo toàn đức tin của mình, tôi phải thường xuyên chú ý níu giữ tình trạng không rõ ràng khách quan để có thể mãi ở sâu bảy vạn dặm dưới đáy nước mà giữ gìn đức tin.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét