farodiroma.it, Luigi Ginami, 2019-06-30
Chân trong ruộng bùn. Chuyến đi của linh mục Luigi Ginami, giám đốc Hiệp hội Bác ái Santina, Ý đến Việt Nam, hội chuyên đi giúp những nơi nghèo, Hội mang điện đến cho làng Khe Nhao, giáo xứ Mỹ Hưng, bản người Hmong.
Tôi sống mười ngày như một người Việt Nam, ngủ 5 đêm trên giường tầng, các đêm khác trên chiếc bàn gỗ thay cho giường, dùng hố xí, hít bụi và thấm cái khốn cùng của người nông dân trong cái nóng ẩm vùng nhiệt đới. Tôi rất mệt sau chuyến đi này, tôi viết bài này trên iPad khi ngồi chờ ở sân bay, viết các cảm nghĩ còn còn đọng lại ở làng Khe Nhao với những cánh đồng lúa ngun ngút trải rộng trên các ngọn đồi, cùng với các ước mơ to lớn.
Đây là những điều đáng nói về cuộc sống ở ruộng lúa, để hiểu các cố gắng trong mệt mỏi, làm việc trong các điều kiện khó khăn chung của cuộc sống các vùng đất nghèo mà nhà nước cộng sản không màng đến vì rốt cùng chẳng có gì lôi cuốn họ ở đây.
Chúng tôi đến Khe Nhao sau khi gặp người đứng đầu một cộng đoàn công giáo nhỏ, tôi xin anh đưa đi thăm ruộng và gặp những người làm việc ở đó: “Thuận, anh đưa cha đi thăm ruộng được không? Cha muốn gặp những người làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ngoài đồng!” Anh ngạc nhiên nhìn tôi và nói: “Có thể cha là người nước ngoài đầu tiên đặt chân xuống ruộng của vùng này! Cha muốn đặt chân xuống ruộng Việt Nam thật sao?” Tôi nhìn anh và trả lời: “Cả đời cha chưa bao giờ đặt chân xuống ruộng!” “Không dễ đâu cha Gigi à (biệt danh của cha Luigi Ginami), con sẽ cho cha đôi bốt và cái nón vì mặt trời ở đây không tha cho ai”.
Thuận cho tôi chiếc nón lá như các nông dân khác và đôi bốt cũ. Tôi cám ơn anh: “Thuận, người dân đội nón nhưng không mang bốt, họ đi chân trần vào nước. Cha muốn được như họ.” Thuận cười và nói: “Cha thật đặc biệt nhưng mọi người sẽ tự hào về cha.”
Sau mười phút chúng tôi có mặt trên cánh đồng. Có khoảng 50 nông dân ở đây, trẻ em, thanh niên và người lớn: ở đây không có ‘nhân quyền’, ngay khi bạn có thể làm việc, bạn ra ruộng vì trên thực tế bạn sinh ra ở đây, mẹ bạn cõng bạn trên vai khi làm việc và bây giờ bạn đã 8 tuổi, bạn làm việc như những người khác. Có lẽ thói quen này không hoàn toàn sai, vì ăn, làm việc là lẽ tự nhiên… thì khi đến tuổi sinh con đẻ cái (15-16 tuổi) thì bạn có gia đình và bạn có thể là ông bà nội ngoại khi 30 tuổi! Dưới danh nghĩa là giáo dục, chúng ta đã làm khô cằn con người, đàn ông cũng như đàn bà. Nhưng nếu chúng ta bỏ ra ba mươi năm để được đào tạo, cuối cùng có một ít tiền trong túi và một đứa con trong bụng, ai sống để làm việc này? Khủng hoảng của chúng ta phụ thuộc chính xác vào chuyện này, tạo ra những con người không việc làm, không con cái, thất vọng chán nản, những người xây dựng một quá khứ khô cằn và trống rỗng trong cuộc tìm kiếm liên tục một tương lai trí tuệ và thấy mình ở tuổi 30 bay theo gió… Và cuối cùng khi bạn nhận ra mình đã mất 30 năm sống thì đã quá trễ.
Suy nghĩ này đến từ ruộng lúa đầy bùn trong cơn nóng bức, với mồ hôi mồ kê, với rất nhiều trẻ con, với các thanh niên và người lớn tuổi ở các cánh đồng ngập công việc, nhưng đối với tôi đây là trải nghiệm mang tính nhân văn rất cao. Chiếc xe đạp càng lúc càng đi vào các ngỏ ngách hẹp của đầm lầy, một con trâu đang mệt mỏi gặm cỏ bên lề. Tôi bắt đầu thở mùi ruộng lúa.
Điều đầu tiên làm chết ngạt là hơi nóng toát ra từ các vũng nước ao tù. Dưới sức nóng hừng hực 40 độ, nước tạo một sức nóng như bồn tắm hơi. Áo quần ướt nhễ nhại, một cố gắng làm gì lúc này phải cố gắng gấp đôi bình thường. Và các nông dân ở đây từ 7 giờ sáng đến 7 giờ chiều: họ không biết đọc biết viết, gương mặt ướt đẫm mồi hôi, bạn thấy sự mệt mỏi, mệt mỏi thể xác của một công việc… mệt mỏi! Chúng ta không biết mệt mỏi thể xác tả tơi này, chúng ta cho đó là vô nhân đạo, chúng ta đi tập ‘gym’ để được mệt mỏi tả tơi. Ở đây mệt mỏi là vua!
Tôi xuống xe, một phụ nữ nông dân ngẩng đầu lên nhìn tôi và cười. Tôi cổi đôi dép hai quai ra, tôi đi chân trần, mặt đất rất nóng, tôi chịu không nổi, tôi xắn quần lên đến đầu gối. Thuận đỡ tôi, Mía và Đoan ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi phải cẩn thận, bùn nóng trơn trợt, tôi tôi không muốn té như người phụ nữ té chổng mông trong bùn sông Hồng! Tôi cẩn thận đi từng bước nhỏ. Tôi nhúng chân xuống rộng, các nông dân khác ngẩng lên nhìn. Thuận mời họ đến… Tôi nhúng hai chân xuống ruộng, các con vật nhỏ trong nước nhúc nhích… Trời càng lúc càng nóng hơn, áo quần tôi ướt đẫm. Tôi tự hỏi, họ ở đâu rồi? Những kẻ khốn khổ này có ở đây không? Gương mặt của họ làm tôi xúc động, đó là khuôn mặt của những người biết sự mệt mỏi đổ mồ hôi đáng để cho người khác kính trọng.Thuận bắt đầu nói: “Linh mục Gigi là một linh mục người Ý, cha thành lập Hiệp hội Santina để vinh danh mẹ mình. Cha đã giúp Việt Nam rất nhiều và hôm nay cha ở đây với chúng ta để chia sẻ công việc của các bác”.
Công việc ở ruộng ngừng một lúc. Mọi người đến gần với linh mục nhúng chân trong bùn giống họ. Tôi rất xúc động. Tôi xin nói với quý vị một chuyện, những giây phút chia sẻ này mang lại cho tôi một sức mạnh nội tâm phi thường. Tôi tin chắc, tôi đang có các trải nghiệm đích thực mà tôi đã bỏ quên hoặc đã dứt khoát từ chối. Ngôn ngữ khác biệt. Làm sao tôi có thể nói với họ chuyện gì đây? Trời thì nóng, mồ hôi thì nhễ nhại, áo thì dính sát da, quần ngập nước, nón lá che để cái đầu khỏi bị rách da, tôi không biết nói gì với họ. Im lặng rơi xuống ruộng lúa. Thuận nhìn tôi, chờ tôi nói một cái gì. Một phụ nữ nông dân đứng gần tôi, bà đội nón, mặc chiếc áo lá xanh. Tôi đặt bàn tay mặt của tôi trên vai bà, nhìn bà, rồi tôi nghiêng mình xuống nước…, tôi kéo chân bà ra khỏi bùn, bàn chân nhỏ đầy bùn, nước nhỏ giọt, tôi cố gắng giữ thăng bằng không được té, tôi phải tập trung vào những gì mình làm! Tôi cúi người xuống, đụng vào chân trái của bà và hôn thật mạnh. Tôi đặt chân bà xuống nước. Tôi từ từ đứng thẳng, cả miệng, môi và má tôi đầy bùn, nước dơ bắn lên mặt tôi, lên đôi mắt bà, đôi mắt ngạc nhiên của người phụ nữ ánh lên một niềm kinh ngạc, một niềm vui bừng sáng. Các nông dân khác kêu lên, ồ, ồ!
Với miệng còn lấm bùn, tôi bắt đầu nói, mọi người xích lại nghe: “Để nói chuyện với các bạn, tôi phải rửa miệng, tôi phải lau khỏi miệng tôi sự ngu ngốc của đời tôi, phải thấm nó trong mồ hôi, trong mệt mỏi, trong công việc của đời các bạn! Bây giờ tôi có cái miệng bẩn vì bùn của miền đất này, nhưng tôi có quả tim tinh khiết để nói chuyện.
“Tôi chỉ nói với các bạn một điều, tôi xin cám ơn, cám ơn về tấm gương các bạn cho tôi, cho cả thế giới, các bạn là cột thu lôi của nhân loại, để Chúa không phạt cuộc sống phương Tây ngu ngốc của chúng tôi, Ngài thương xót những đứa trẻ to đầu là chúng tôi, vì Ngài quý trọng sự mệt mỏi, mồ hôi và lòng tốt của các bạn. Cả thế giới phải quay lại trường học ở đây. Mỗi người phương Tây nên đặt chân mình vào cánh đồng để xem lại cuộc sống của mình! Và khởi đi từ đây, thấy chúng ta phi lý đến chừng nào. Tôi yêu mến các bạn! tôi muốn cùng đọc Kinh Lạy Cha với các bạn”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên một linh mục cầu nguyện với giáo dân trong ruộng, các nông dân cởi nón ra và tôi bắt đầu: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần(Yanzacha, vacon vataitan)”. Và dần dần sau các bài hát Việt Nam chúng tôi đọc Kinh Lạy Cha… Cuối cùng tôi ban phép lành cho họ.
“Bây giờ tôi xin chào từng các bạn, tôi sẽ nói chuyện với các bạn trong một giờ, được chứ, nhưng trước hết tôi xin nói một chuyện. Khi tôi đi xe máy với Thuận, anh cho biết làng chưa có điện và đường dây điện gần nhất cách đây ba cây số. Anh hỏi tôi có thể làm gì được không, khoảng chừng 5000 âu kim, tôi chưa nói gì với Thuận, nhưng bây giờ tôi xin hứa với các bạn, chúng tôi sẽ mang điện đến đây, không nhiều lắm nhưng ít nhất, khi các bạn thắp sáng một bóng đèn trong căn lều của mình mỗi tối, các bạn nhớ đến Hiệp hội Santina của chúng tôi trong lời cầu nguyện, và nếu Chúa muốn, chúng ta có thể làm những việc nhỏ như vậy, để những việc nhỏ này mang một tia sáng đến cho nhân loại”.
Mọi người vỗ tay và tôi bắt đầu con đường thập giá của mình với các ruộng lúa. Tôi chào từng người một từ trẻ em đến người lớn, lòng tràn ngập một niềm vui vô biên, một niềm vui mãnh liệt và tràn đầy mà tôi hít thở trong làn gió tươi mát. Tôi đi xe máy về làng và cám ơn Chúa về món quà tôi nhận mà không xứng đáng này.
Luigi Ginami, Hiệp hội bác ái SantinaGiuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: “Nếu bạn té ngã vì lỗi lầm của bạn, hãy đứng lên vì ước mơ của bạn!”
Một tuần làm việc của Đức Ông Luigi Ginami tại Hà Nội
Hiệp hội Bác ái Santina hỗ trợ Con đường Bình Tân
Hiệp hội Bác ái Santina hỗ trợ Con đường Đồng Nanh
Hiệp hội Bác ái Santina hỗ trợ công việc ở Ninh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét