Ngày 14-6-2019 vừa qua, trên trang conggiao.info xuất hiện bài viết có tựa đề là “Đừng đi tu để hưởng thụ” của tác giả Giuse Phạm Đình Ngọc S.J, và cách đây hơn một năm ngày 10-1-2018 trên trang của giáo phận Lạng Sơn cũng có đăng bài tựa là “Hiến thân hay tiến thân” của tác giả Anmai CSsR. Cả hai bài đều gợi cho chúng ta suy nghĩ và nhận định về vấn đề này là liệu có ai đó đi tu chỉ để tiến thân và để tìm một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ không.
Trên thực tế ta có thể thấy không ít người bề ngoài mang danh nghĩa “dâng mình cho Chúa”nhưng thực chất là muốn bước vào đời tu để thỏa mãn danh vọng. Cũng có người lúc đầu thì có ý ngay lành, nhưng sau vì sự cuốn hút và hấp dẫn của những ưu đãi trong đời tu hành, đã đánh mất lý tưởng ban đầu, sa đà vào cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ.
Mở đầu bài viết của mình, tác giả Anmai đã chia sẻ như sau:
“Giữa cái xã hội phát triển tột bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội quả là điều rất tốt cho mọi người nhưng chính cái sự phát triển đấy đôi khi vô tình lại trở nên rào cản, trở nên cái khó cho đời tu ngày nay.
“Cũng như đồng tiền, vấn đề hiến thân trong đời sống tu trì cũng có hai mặt. Nếu không khéo ta sẽ nhầm lẫn với cái mục đích cũng như ý nghĩa tinh tuyền cao đẹp của nó.“
Do ảnh hưởng của xã hội để rồi bất cứ một vấn đề nào đó trong xã hội cũng bị tác động, cũng bị biến dạng theo. Con người sống trong xã hội chắc chắn là nhân tố chịu tác động một cách trực tiếp của nền văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế của xã hội mà mình đang sống.
“Với nét đặc thù riêng biệt, hiếm có của Việt Nam trong nhiều biến động xã hội đã gây không ít tác động nơi con người. Chỉ tạm xét vấn đề hiến thân trong đời sống ơn gọi thôi thì ta sẽ thấy nó có một tác động hết sức là kinh khủng”. [1]
Thông thường, để phân định được đâu là đi tu để được tiến thân và đi tu vì muốn hiến thân, ta có thể căn cứ vào ý hướng của tu sinh hay chủng sinh. Ý hướng xấu, không ngay lành và ý hướng tốt, ngay lành. Người ta cũng nói đến động cơ nào đã thúc đẩy người này người kia đi vào con đường tu hành.
LM Tôma Vũ Quang Trung S.J, trong bài thuyết trình tại Đại hội tu sĩ toàn quốc lần II năm 2008 với đề tài “Nhận định ơn gọi tu trì” đã liệt kê ra 10 động lực vô thức thường hay tiềm ẩn dưới những giá trị tốt đẹp của bình diện ý thức, trong đó nổi bật 3 động lực sau: [2]
* Ước muốn phát triển bản thân
Một bạn trẻ có thể được thôi thúc bước vào đời tu như một con đường tiến thân mở ra một bảo đảm tương lai cho bản thân. Lúc ấy, đời tu như một môi trường thuận lợi để phát triển các tài năng cá nhân. Việc phục vụ trở nên một cơ hội phô trương cái tôi trước mặt mọi người. Đặc biệt, trong bối cảnh hôm nay của Giáo hội Việt Nam, nhiều bạn trẻ gõ cửa các nhà dòng, tu hội là để có cơ hội học hành tốt hơn, thậm chí chỉ là để được đi ra nước ngoài. Khi mục tiêu này trở thành đích nhắm của ơn gọi, người ta sẵn sàng chấp nhận uốn mình vào kỷ luật đời tu trong thời gian huấn luyện để ráng “nín thở qua sông”. Qua tới bờ bên kia, họ trồi lên khỏi mặt nước và tiếp tục con đường của riêng mình!
* Thoát khỏi cảnh nghèo
Ơn gọi tại Việt Nam hôm nay đa số phát xuất từ những gia đình nghèo ở miền quê. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc theo đuổi ơn gọi của ứng sinh. Kinh nghiệm thiếu thốn về đời sống vật chất khi còn ở gia đình có thể biến việc theo đuổi ơn gọi như một bù trừ nhằm thoát khỏi cảnh nghèo đói. Đời tu được xem như bảo đảm chắc chắn về đời sống vật chất và sự an toàn cho tương lai. Khi có được những điều mình tìm kiếm, đời tu cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa!
* Tìm kiếm sự kính trọng, danh dự
Đời tu có thể bị biến tướng thành một cuộc tìm kiếm ngấm ngầm hư danh của thế gian nơi những thành công của các công việc tông đồ. Lời khen, tiếng chê của người khác dễ gây ảnh hưởng trên quyết định chọn lựa của ứng sinh trong sứ mạng phục vụ. Đặc biệt, yếu tố danh dự gia đình dễ gây ảnh hưởng lớn đến quyết định theo đuổi ơn gọi của ứng sinh, làm cho ứng sinh mất đi thái độ tự do nội tâm cần thiết trong việc nhận định, tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.
Xét như vậy thì không phải tất cả những ai mang danh tu sĩ linh mục đều dấn thân theo ơn gọi đúng như ý Chúa. Họ có thể đi tu theo ý riêng của mình hay theo sự thúc đẩy của người khác. Ngược lại, có những người chấp nhận đời tu như một dấn thân thực sự, họ không coi việc tu hành như một nghề nghiệp để kiếm tiền hay an thân hưởng lợi. Họ chấp nhận sống nghèo vì Tin Mừng và sẵn sàng hiến thân hi sinh vì Chúa, vì Hội thánh, vì nhân loại.
Chúng ta có thể lấy tấm gương của ĐTC Phan-xi-cô để soi rọi vào đời sống tận hiến của những ai đã và đang theo Chúa. [3]
* Sống nghèo khó, yêu thương và quan tâm người nghèo
ĐTC Phan-xi-cô khi còn là Tổng Giám mục ở Buenos Aires, ngài không sử dụng xe hơi riêng, cũng không có tài xế riêng. Ngài sử dụng phương tiện giao thông công cộng, métro hoặc xe bus. Ngài từ chối ở trong ngôi biệt thự xinh đẹp của Tòa Tổng Giám mục, và đến ở trong căn hộ hai phòng nhỏ trên lầu 3 của Nhà Chung giáo phận. Khi lên ngôi, ngài không đến ở căn phòng dành cho giáo hoàng nhưng ở tại nhà khách thánh Matta, căn phòng số 201 dành cho khách trọ, phòng ăn chung, cùng ngồi chung với mọi người.
Một buổi sáng tháng Chín, trong một thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta, ngài đã công kích việc tôn thờ tiền bạc và tỏ ra rất phiền muộn. Ngài nói rằng, dính bén tiền bạc thì sẽ xa cách Thiên Chúa. “Tiền bạc làm cho tinh thần trở thành bệnh tật, làm đức tin trở thành tàn tật”. Ngài còn nói thêm rằng, tình yêu tiền bạc khiến các linh mục và giám mục phạm tội. Và nếu lòng tham nổi lên, thì “tinh thần hư hỏng, có nguy cơ coi tôn giáo như một nguồn thu lợi”.
Khi còn là vị Tổng Giám mục, ngài đi ra phố như một linh mục, và xác tín sâu xa rằng, việc gặp gỡ người nghèo giúp tìm được sự phong phú thiêng liêng, bởi vì nơi người nghèo, người ta nhận ra tính thật thà và đơn sơ cách đặc biệt trong mối tương quan với Chúa. Ngài biết các khu ngoại ô cũng là thế giới của bạo lực, ở đó sự tàn ác vẫn treo lơ lửng. Vì bênh vực người nghèo chống lại những bất công và các thế lực đen tối, ngài cũng nhận được những lời đe dọa. Nhưng ngài vẫn khẳng khái: “Tôi sẽ không rời bỏ đường phố”.
Ngài luôn đến các giáo xứ, nhất là các giáo xứ vùng ngoại ô để thăm viếng những gia đình nghèo khổ. Ngài luôn nhắc các linh mục: “Giáo hội không phải được thành lập để kiểm soát người dân, nhưng để đồng hành với họ bất cứ nơi nào họ hiện diện”.
Sau khi được bầu, ngài đã chọn danh hiệu là thánh Phanxicô Assisi, và giải thích như sau: “Vì tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”.
Trong chuyến tông du Đại hội Giới trẻ tại Rio de Janerio, ĐTC Phanxicô đã đến thăm khu dân nghèo Varginha. Ngài đã xuống khỏi xe để đi bộ dưới trời mưa trên những con đường lầy lội trong khu ổ chuột. Như một ông cha xứ, ngài vào thăm một gia đình trong căn nhà lụp xụp, cùng cầu nguyện và trao đổi với họ, chúc lành và ôm hôn tất cả những đứa con trong gia đình. Sau đó, từ khán đài nhỏ, ngài nói: “Tôi muốn gõ cửa từng nhà chào thăm anh chị em…”.
* Mục tử nhân lành, khiêm hạ
ĐTC Phanxicô đã từng khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngay từ những tháng đầu tiên, ngài đã diễn tả sứ vụ của mình: “Tôi thấy rõ rằng điều mà Giáo hội cần nhất lúc này là khả năng chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, sự gần gũi, sự thân thiện. Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến sau một cuộc chiến… Chúng ta phải chữa những vết thương đã, sau đó mới trao đổi về những gì còn lại…”.
Ngài muốn một Giáo hội không để mình bị “đóng khung trong những luật lệ nhỏ mọn”, không bám víu “một cách quá đáng vào sự an toàn của giáo lý”, không biến tôn giáo thành một ý thức hệ, nhưng chỉ tập trung vào lời loan báo nền tảng: “Đức Giêsu Kitô đã cứu độ bạn!”.
Từ đó, ngài gợi lên hình một Giáo hội là mẹ và là mục tử: “Tôi có một điểm giáo lý chắc chắn, đó là Thiên Chúa trong cuộc sống của từng người. Ngay cả trong cuộc sống của một con người đã trở thành bi thảm, bị các nết xấu làm băng hoại… thì Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc sống của họ. Người ta có thể và phải tìm kiếm Ngài trong mọi cuộc đời con người”. Sứ điệp này đã được mọi người reo vang và đem lòng cảm mến: cảm mến cách ngài nói, cách ngài xuất hiện, cách ngài sống.
Có người thú nhận: “Tôi đã tách rời khỏi Giáo hội, và bây giờ ĐTC Phanxicô đã đưa tôi trở lại với Giáo hội”. Hoặc ông Marco Tarquinio, tổng biên tập tờ báo Avvenir trích lời một độc giả: “Đã từ lâu người ấy không cầu nguyện, nhưng bây giờ mỗi ngày đều cầu nguyện cho ĐTC Phanxico. Giáo hoàng đã đốt nóng con tim người tín hữu, đụng chạm tới những người dè dặt, và tiếp xúc được với những người ở xa nhất”.
* Sống chân thành, đơn sơ và giản dị
Điều giúp ngài gần gũi với đại chúng là sự chân thành, nhất là khi ngài đề cập cả đến những thiếu sót của Giáo hoàng: “Ngay cả Giáo hoàng cũng đi xưng tội 2 tuần 1 lần, vì Giáo hoàng cũng là một tội nhân…”. Các Giáo hoàng khác cũng nói tương tự như thế, nhưng mang kiểu cách thánh thiêng, còn cách nói của ĐTC Phanxicô làm phá vỡ hết mọi bệ tượng.
Ngài chân thành nhưng cũng thẳng thắn tố cáo những tham nhũng trong Giáo hội, không ngại nói tới những giáo sĩ sống bất xứng với sứ vụ của mình, và chạy theo những của cải trần gian. Ngài đã than phiền: “Tôi đau buồn khi chứng kiến một linh mục hay tu sĩ đi chiếc xe hơi đời mới… Nếu con yêu thích chiếc xe hơi đẹp đẽ thì hãy nghĩ đến tất cả những đứa trẻ đang chết đói”. Đôi khi ngài gay gắt: “Điều làm tất cả chúng ta ghê tởm là thấy giữa chúng ta có những linh mục không chân chính hay nữ tu không chân chính”.
Sống giản dị, thanh đạm mà vui, chứ không phải với khuôn mặt u buồn. Ngài cho thấy không có thánh thiện trong sự buồn thảm. Buồn là có điều gì đó không ổn rồi. Ở Assisi, ngài nói với các đan sĩ Clara rằng, đời sống chiêm niệm phải dẫn tới niềm vui, tới con người, tới nụ cười”.
Khi đến tham dự một nghi lễ long trọng, ngài cũng giống như các Giám mục khác, tự mang theo mũ và các vật dụng khác. Khi giảng, ngài không ngồi trên ngai Giáo hoàng, nhưng đứng nói giống như một cha xứ. Kiểu sống bình dân và giản dị của ngài đã làm đảo lộn cả truyền thống, loại bỏ tính cách phong kiến của giáo triều đã kết tụ bao nhiêu thế kỷ. Có lần ngài đã nói với Eugenio Scalfari, người sáng lập tờ La Repubblica rằng: “Các người đứng đầu trong Giáo hội nhiều khi cũng có tính tự yêu mình quá đáng, lại được triều thần tung hô và phỉnh nịnh, triều đình là bệnh phong của Giáo hoàng”.
* * * * * * *
“Lâu lâu, người sống trong nhà tu cũng cần duyệt xét lại xem là mình đang hiến thân hay tiến thân. Nếu như tiến thân thì hoàn toàn sai mục đích và tôn chỉ của đời tu.“
Trong bất kỳ xã hội nào người ta vẫn mong, vẫn chờ những ánh sáng le lói của một cuộc đời từ bỏ giữa ngàn ngàn cuộc đời bon chen, giành giật. Quý lắm khi trong hội dòng, trong cộng đoàn tu trì có những con người hiến thân thật sự chứ không phải chỉ núp bóng trong nhà tu để mà tiến thân./. [1]
Aug. Trần Cao Khải
- - - - - - - - - -
[1] Bài “Hiến thân hay tiến thân”, nguồn: giaophanlangson.org ngày 1-10-2018
[2] Nguồn dongten.net ngày 16-4-2013
[3] LM Thái Nguyên, bài “Hình ảnh linh mục hôm nay theo nhãn quan của ĐTC Phan-xi-cô”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét