Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những trải nghiệm thời thơ ấu có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, tính cách của trẻ khi trưởng thành…
Dưới đây là 7 loại trải nghiệm có ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của trẻ.
1. Bị đánh đòn
Hầu hết chúng ta đều từng bị đánh đòn theo cách này hay cách khác và chúng ta hoàn toàn không thích thú gì việc này cả.
Các chuyên gia của trường đại học Missouri phát hiện rằng kỷ luật bằng cách đánh đòn có hại đối với trẻ em. Hiếm cha mẹ nào cầm roi đánh con lại giữ được trạng thái bình tĩnh. Thái độ giận dữ của chúng ta và sự đau đớn về thể xác sẽ là những điều lưu lại trong tâm trí trẻ em lâu dài nhất.
Ngoài ra, những lời mắng nhiếc, chỉ trích hay dùng bạo lực để ngăn chặn hành vi xấu ở trẻ em sẽ tạo nên những con người bất an, lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, thậm chí gây ra một loạt bệnh tật cho chúng khi trưởng thành. Các bé gái sẽ dễ bị rối loạn cảm xúc, và bé trai có xu hướng trở nên hung hãn.
2. Sự hỗ trợ của cha mẹ
Trẻ em sẽ phát triển những phẩm chất ưu tú ở những môi trường được quan tâm và hỗ trợ. Các chuyên gia nói rằng những đứa trẻ nhận được nhiều sự yêu thương và hỗ trợ về mặt tinh thần từ cha mẹ thường có kết quả học tập tốt hơn hẳn. Hơn nữa, chúng cũng sẽ trở thành con người hòa ái và lương thiện, biết cảm thông với người khác và rộng lượng.
3. Sự gắn bó
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ có sự gắn bó chặt chẽ với cha mẹ sẽ dễ có kết quả học tập học tập tốt, trở thành những người trưởng thành với khả năng thích nghi, kỹ năng xã hội và tâm lý vững vàng.
Tỷ lệ mắc nghiện ở trẻ em có sự gắn kết tốt với cha mẹ cũng thấp hơn hẳn so với những đứa trẻ khác. Tiến sĩ Magdalena Battles khuyên rằng hãy trở nên gắn bó hơn với con cái bằng cách ngủ chung với chúng thường xuyên hơn, chăm sóc chúng… như vậy sẽ giúp trẻ phát triển các tố chất cá nhân và trở nên hòa đồng với xã hội.
(Ảnh: makchic.com)
4. Sự chăm sóc thái quá
Tuy nhiên, sự chăm sóc tỉ mỉ và thái quá của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại và phụ thuộc. Nếu cha mẹ cứ luôn sợ hãi rằng con sẽ làm hỏng, làm sai và chạy theo con để làm mọi việc cho chúng thì vô hình trung cha mẹ đang tước đoạt đi cơ hội học tập và trở nên tự lập của con.
Những sự kiện và cuộc sống quanh trẻ thì đơn giản nhưng lại rất có giá trị để chúng học cách xử lý vấn đề, cách chịu trách nhiệm, sự kiên trì và khả năng độc lập. Hãy hướng dẫn, hỗ trợ con cái, khuyến khích chúng tự làm mọi việc. Để chúng chịu một chút rủi ro, đổ vỡ một vài thứ thì chúng sẽ có thể hình thành tư duy giải quyết vấn đề, phát triển khả năng tự xoay sở.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy một người được bao bọc thái quá khi còn nhỏ thì lớn lên sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm và một số chứng rối loạn tâm lý khác.
5. Bị lạm dụng
Một chương trình nghiên cứu về những bất lợi thời thơ ấu (Adverse Childhood Study – ACS) đã được thực hiện bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tiến sĩ Vincent Filetti, trưởng khoa Y tế Dự phòng tại San Diego nói rằng ông không thể hiểu được tại sao 50% bệnh nhân béo phì của ông là người đã từng bỏ học. Cùng với CDC, ông đã có hành trình 25 năm đi tìm câu trả lời. Và cuối cùng, ông đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc: Tất cả những người đã từng bỏ học đều có cân nặng và tình trạng sức khỏe tốt khi mới sinh ra. Nhưng sau đó, họ đã bị lạm dụng tình dục hoặc bị các loại ngược đãi khác; việc ăn uống sẽ làm dịu đi sự lo lắng của họ và cuối cùng dẫn đến tình trạng ăn uống mất kiểm soát.
(Ảnh minh họa: khatawat.ae)
6. Sự ổn định của gia đình
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ly hôn ảnh hưởng nhiều nhất tới con trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thì đến khi trưởng thành luôn đòi hỏi những mối quan hệ xã hội hoàn hảo với các tiêu chuẩn đạo đức cao, lòng trung thành và lòng trắc ẩn ở đối phương. Mặc dù đây là những phẩm chất cần thiết nhưng sự đòi hỏi hà khắc dễ gây ra chứng hoang tưởng, dễ bị tổn thương và sự đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội.
7. Những hình mẫu
Trẻ em học hỏi nhiều từ những hình mẫu thời thơ ấu và từ đó hình thành nên cách cư xử khi trưởng thành. Những mẫu hình tiêu cực hay tích cực đều sẽ khiến trẻ có những hành động tiêu cực hay tích cực.
Ông bà, cha mẹ chính là những hình mẫu của trẻ. Vì vậy, để có thể tác động tích cực lên con trẻ thì chính những người thân trong gia đình cần tu dưỡng phẩm chất đạo đức và cách hành xử tốt đẹp.
Thiên Cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét