fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2019-04-19
Cha mẹ để mặc kệ hay can thiệp ngay tức khắc? Giải pháp sẽ trung dung; cha mẹ can thiệp để giúp các con tìm ra giải pháp. Dưới đây là một số phản xạ nên có để có được hòa bình sau khi cãi nhau: lắng nghe, phạt nếu cần thiết và giúp trẻ con tự tìm một thỏa hiệp chính đáng.
Lên giọng nặng nề, lời qua tiếng lại như mưa, những cú giáng như đe dọa muốn đánh… Và rồi chúng lại gây nữa! Một cách máy móc, cha mẹ nào cũng kêu lên: “Ngừng, đừng cãi nhau nữa!”, và vì câu này chẳng có hiệu quả gì trên mối bất hòa anhh em, để can thiệp, chúng ta cố gắng làm quan tòa: “Đứa nào bắt đầu trước?”, nhưng khi mọi đứa đều cho mình là con cừu ngây thơ nhất, vô tội nhất thì chúng ta lại không thèm nghe chúng: “Ai về phòng nấy!” Hai người hiếu chiến bỏ đi, bị hụt hẫng vì không được hiểu và lòng thì còn đầy bực tức với người kia. Trái tim nặng trĩu và bầu khí nặng nề. Vậy có một cách nào đó để khôi phục mối quan hệ anh chị em này không? Bà Florence Prémont, cố vấn hôn nhân và gia đình ở Văn phòng Ephata đưa ra các yếu tố để trả lời.
Các cuộc cãi nhau xác nhận có sự tồn tại của một mối quan hệ
Tranh chấp giữa anh chị em là chuyện bình thường, thậm chí còn là lành mạnh. Nó chứng tỏ có một ràng buộc, một gắn bó, có một mối quan hệ giữa anh chị em. Như trong trường hợp của các cặp vợ chồng, hoàn toàn dửng dưng thờ ơ còn đáng lo ngại hơn. Theo bà Florence Prémont, “muốn áp đặt lên người khác, muốn bày tỏ mong ước, muốn hơn thua hay cảm thấy ghen tị, tất cả đều thuộc về bản chất con người”. Nhưng phải làm gì khi căng thẳng bùng ra?
Lắng nghe
Theo bà Florence Prémont, điều quan trọng là cha mẹ “dành thì giờ để nghe chuyện gì đã xảy ra giữa các con”. Cha mẹ tách riêng từng đứa ra để nghe, sau đó nói với đứa này trước sự hiện diện của đứa kia. Để giúp chúng diễn tả nhưng cũng để giúp chúng nhận thức được cảm xúc của người kia. Bằng cách lắng nghe nhau, chúng sẽ tìm ra giải pháp.
Nên phạt chứ không nên trừng phạt
Sau khi nghe riêng và nghe chung, điều cần thiết là tìm từ ngữ hoặc cử chỉ để hòa giải, để mỗi bên khi ra về lòng nhẹ nhõm và bình an. Vì cãi vã là bắt đầu mối quan hệ. Chúng ta phải tìm một mẹo để mối dây liên kết này được khôi phục. Trong chiều hướng này, bà Prémont phân biệt phạt và trừng phạt. Trừng phạt sẽ gạt người phạm tội qua một bên, phạt là giúp người phạm lỗi hàn gắn lại những gì mình đã “phá vỡ”. Phạt, là giúp hai bên khôi phục lại mối quan hệ, bằng cử chỉ hoặc bằng lời nói. Trong trường hợp này, thay vì bị loại, người phạm tội được khôi phục lại những gì mình có thể. Nó không bị khép kín vào tình huống thất bại, nhưng có thể mở ra một nhận thức tích cực.
Bà Florence Prémont đưa ra một số lời khuyên để làm thuận lợi cho việc hòa giải này: tạo một nơi như một ốc đảo bình an để đứa trẻ biết ở đây sự hòa hợp có thể bắt đầu trong tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối yên tâm. Đây có thể là chiếc ghế sofa, một căn phòng nào đó trong nhà, ngồi ở cầu thang… Và để đánh dấu giây phút hòa giải này, chúng ta có thể làm trước khi đọc kinh tối, trước khi đi ngủ hoặc trước bữa ăn. Mỗi người đặt quy tắc riêng của mình vào đúng chỗ.
Khuyến khích trẻ tự tìm giải pháp
Cha mẹ không nhất thiết phải là quan tòa. Một mặt, không phải lúc nào cha mẹ cũng có mặt khi cuộc cãi vã giữa các con bắt đầu, cha mẹ cũng không biết đầu đuôi, mặt khác, có thể làm nảy sinh cảm giác ghen tị hoặc bất công nơi trẻ con nếu cha mẹ xử không đúng. Trẻ con hoàn toàn có khả năng, nếu cha mẹ khuyên chúng nên biết lắng nghe, nên tìm một thỏa hiệp. Bà Florence Prémont khuyên nên thẳng thắn: “Cha mẹ đã không ở đó khi các con bắt đầu cãi nhau, nhưng các con biết chuyện gì đã xảy ra và cha mẹ chắc chắn các con sẽ tìm được cách để hòa giải.”
Câu trả lời thường rõ ràng cho người lớn! Và với trẻ con cũng vậy nếu chúng ta giúp chúng góp ý với nhau. Adele Faber và Elaine Mazlish, các tác giả người Mỹ của quyển sách Ghen tương và kình nhau giữa anh chị em – Làm thế nào để khắc phục mâu thuẫn giữa con cái bạn (Jalousies et rivalités entre frères et soeurs, nxb. Stock), đưa ra ví dụ sau: hai đứa bé muốn chơi chung nhưng không cùng chơi một chuyện. Chúng ta có thể nói: “Cha mẹ tin tưởng ở các con, cha mẹ nghĩ các con tìm được giải pháp thích hợp nhất cho cả hai.” Tác giả xin sau đó cha mẹ rời phòng. Thường thường chỉ trong vòng một phút, chúng tìm ra được giải pháp: trước hết mình chơi một trò chơi, sau đó mình trao đổi với nhau.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Ba lời khuyên để giúp trẻ em được hạnh phúc nhất có thể
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét