WHĐ (15.08.2017) – Theo bản tin ngày 12-08-2017 của Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Paul Tschang In‑Nam, Tổng giám mục hiệu toà Amanzia –hiện đang là Sứ thần Toà Thánh tại Thái Lan và Campuchia, kiêm Khâm sứ Toà Thánh tại Lào– làm Sứ Thần Toà Thánh ở Myanmar.
Trước đó, vào ngày 10-03-2017, Quốc hội Myanmar đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với bảy quốc gia, trong đó có Vatican.
Đức hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon; Đức Tổng giám mục Paul Tschang In‑Nam, khi ấy là Khâm sứ Toà Thánh tại Myanmar; và cha Maurice Nyunt Wai, thư ký Hội đồng Giám mục Myanmar, là những nhân vật chính trong thỏa thuận “lịch sử” này.
Quốc hội nước Cộng hoà Myanmar đã nhất trí phê chuẩn đề nghị của Vatican muốn thiết lập quan hệ ngoại giao: thông tin này được Đài truyền hình quốc gia Myanmar phát đi từ ngày 10-03, và ngày hôm sau được đăng tải trên báo Mirror, tờ báo chính thức của chính phủ.
Đề nghị của Vatican đã được chính Đức Tổng giám mục Paul Tschang In‑Nam trình cho bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Quốc gia kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar, vào ngày 08 tháng Hai 2017.
Theo hướng dẫn của Đức hồng y Charles Bo, hồng y tiên khởi của Myanmar, Đức Tổng giám mục Paul Tschang In‑Nam đã chính thức gặp bà Aung San Suu Kyi tại điện Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính của Myanmar. Cha Maurice Nyunt Wai cũng có mặt tại cuộc gặp gỡ này.
Bà Aung San Suu Kyi đã được Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến hai lần tại Vatican, vào ngày 28-10-2013 và 04-05-2017. Cuộc gặp gỡ lần thứ nhất nhấn mạnh đến “sự hài hoà lớn lao” giữa Đức giáo hoàng và “nhân vật mang tính biểu tượng này tại châu Á”. Từ đó, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã lên nắm quyền. Và cuộc gặp gỡlần thứ hai đã đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương giữa Vatican và Myanmar.
Là biểu tượng của quyền con người và dân chủ, bà Aung San Suu Kyi đã được trao giải Nobel Hoà bình vào năm 1991 –một giải thưởng mà mãi 21 năm sau bà mới có thể đến nhận– và giải Sakharov của Nghị viện châu Âu vào năm 2013.
Việc bổ nhiệm Sứ thần Toà Thánh chứng tỏ hai quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và theo nhận định của các quan sát viên tại Roma, có vẻ đây là một bước trong việc chuẩn bị chuyến tông du của Đức giáo hoàng đến Myanmar, tuy nhiên Toà Thánh đã không xác nhận hoặc phủ nhận giai đoạn chuẩn bị này.
Theo hãng tin UCANews, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhận được lời mời của Tổng thống Htin Kyaw –một nhà dân chủ thân cận với bà Aung San Suu Kyi, làm Tổng thống từ ngày 30 tháng 3 năm 2016– và của các giám mục Myanmar, nhân dịp kỷ niệm 500 đạo Công giáo đến với Myanmar (năm 2014), và có thể Đức giáo hoàng sẽ viếng thăm quốc gia này vào tuần cuối cùng của tháng Mười Một. Nếu thế, đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng đến Myanmar.
(Zenit)
Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét