Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Đức giáo hoàng Phanxicô gửi sứ điệp cho Hội ngộ liên tôn tại Nhật Bản

Đức giáo hoàng Phanxicô với các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi ngày 20-09-2016

WHĐ (05.08.2017) – Tất cả các tôn giáo phải “cùng nhau cầu nguyện và hoạt động cho hòa bình”, bằng cách xây dựng lại “sự hài hòa của nhiều nơi trên thế giới đã bị chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố tàn phá”. Đức giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi thúc đẩy ở mọi nơi “những mối tương quan đúng đắn” và “tình liên đới huynh đệ”, trong một sứ điệp gửi cho Thiền sư Koei Morikawa của tông phái Phật giáo Thiên Thai, nhân cuộc Hội ngộ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình lần thứ 30 khai mạc vào thứ Năm 03-08-2017 trên núi Hiei ở Kyoto, Nhật Bản.

Đặc sứ của Đức giáo hoàng là Đức hồng y Gioan Thang Hán, nguyên giám mục Hong Kong. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Giuse Chennoth, Sứ thần Tòa Thánh tại Nhật Bản; Đức giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, và Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, phụ tá Thư ký.

Mở đầu Sứ điệp, Đức giáo hoàng viết: “Tôi vui mừng gửi lời chào thân ái đến ngài và quý đại diện các truyền thống tôn giáo tham dự cuộc hội ngộ”, và Đức giáo hoàng đặc biệt bày tỏ “sự gần gũi thiêng liêng” của ngài, cũng như hiệp thông với mọi người “cầu nguyện cho tinh thần hoà bình và hoà hợp tiếp tục nở hoa ở nhiều nơi trên thế giới đang bị chiến tranh tàn phá”.

Đức giáo hoàng nhấn mạnh: “Cuộc hội ngộ liên tôn thường niên này góp phần đáng kể vào việc xây dựng tinh thần đối thoại và tình bằng hữu, giúp cho các tín hữu của các tôn giáo trên thế giới hợp tác với nhau để mở ra những con đường mới cho hoà bình trong gia đình nhân loại của chúng ta”. Ngài khẳng định: Chính lời cầu nguyện sẽ “truyền cảm hứng cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta dấn thân xây dựng hoà bình, vì cầu nguyện giúp cho sự tương kính của chúng ta đối với nhau trong tư cách là những con người thêm sâu sắc, củng cố các mối tương quan yêu thương giữa chúng ta, và thúc đẩy những cố gắng nhằm thăng tiến các mối tương quan đúng đắn và tình liên đới huynh đệ”.

Đức giáo hoàng cũng nhận định rằng “trong thế giới ngày nay, mang đậm dấu ấn bạo lực, khủng bố và những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta -, thì chứng từ của lời cầu nguyện và mối quan tâm chung này là một thông điệp quan trọng gửi đến mọi người nam và nữ thành tâm thiện chí”. Đức giáo hoàng viết tiếp, thật vậy, là những người có niềm tin “chúng ta tin rằng có thể đạt đến nền hoà bình vững bền, vì chúng ta biết rằng không gì là không thể nếu chúng ta khấn nguyện cùng Thiên Chúa”. Đây là tư tưởng mà Đức giáo hoàng đã trình bày trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình diễn ra tại Assisi, 20-09-2016.

Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình –tổ chức lần đầu tiên tại Assisi vào ngày 27 tháng Mười 1986– là nguồn cảm hứng cho một nhóm Phật tử Nhật đề xuất ý tưởng tiến hành một buổi cầu nguyện liên tôn tại Nhật Bản. Thiền sư EtaiYamada tám mươi tuổi, vị lãnh đạo tông phái Phật giáo Thiên Thai đã rất ấn tượng với cuộc hội ngộ ở Assisi nên một năm sau –tháng Tám năm 1987– đã tổ chức một buổi cầu nguyện liên tôn cũng với tinh thần đó. Buổi cầu nguyện này diễn ra trên núi Hiei, một linh địa của Phật giáo, với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các tôn giáo ở xứ sở Mặt trời mọc. Ngày được chọn là ngày 06 tháng Tám, để nhắc nhớ vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945.

(Vatican Radio)

Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét