Zhen Xiaojun, tổng giám đốc Công ty Thực Phẩm Luan City Shengtang,
giải thích quy trình làm giấm.
Ảnh: ucanews.com
Trong một quốc gia đạo đức kinh doanh gần như không còn nữa, một công ty của người Công giáo ở tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc, đang nỗ lực tạo ra sự khác biệt dựa trên đức tin.
Năm 1999, Zhen Ting’an thành lập Công ty Thực Phẩm Luan City Shengtang sản xuất các sản phẩm giấm đen. “Shengtang” có nghĩa là Giáo hội, và ông đã dùng từ này đặt tên cho công ty nhằm bày tỏ đức tin của mình.
“Là công ty thực phẩm, chúng ta cần cho ra các sản phẩm trung thực và đáng tin cậy”, Zhen thuộc giáo phận Changzhi, phát biểu.
“Chúng tôi hy vọng trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng giống như nhà thờ Nantiangong bên cạnh được xây dựng cách đây một thế kỷ”, ông nói.
“Chúng tôi mong muốn Đạo Công giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá công ty của chúng tôi”.
Hầu hết trong số 49 nhân viên của ông là người Công giáo.
Zhen xuất thân từ một gia đình Công giáo từ nhiều thế hệ nên ông truyền bá đức tin trong công ty là chuyện đương nhiên.
Trung Quốc đại lục không có ngày nghỉ lễ theo tôn giáo nhưng Zhen cho nhân viên nghỉ làm để mừng các ngày lễ lớn như Phục sinh và Giáng sinh. Ông còn khuyến khích nhân viên chia sẻ các câu chuyện về đức tin của họ trong nhóm WeChat của công ty.
Chuyển tải đức tin và kinh doanh
Trước khi thành lập công ty như hiện nay, Zhen cùng gia đình mở một nhà xưởng nhỏ năm 1992. 7 năm sau họ thành lập công ty và vào năm 2009 Zhen chuyển quyền quản lý công ty cho con trai là Zhen Xiaojun, 35 tuổi.
“Khi bố tôi mở nhà xưởng gia đình, không ai thực sự biết cách quản lý công ty như thế nào cả”, Xiaojun, đang học chương trình quản lý sau đại học của Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết.
“Họ chỉ biết dựa vào ơn Chúa, và một điều kỳ diệu xảy ra năm 1999”, anh kể.
Đây là câu chuyện mà cả hai cha con đều thích kể lại.
Ông bố kể lại vào năm 1999 men vốn là thành phần quan trọng trong quá trình lên men giấm vốn rất khó mua.
“Năm đó, Chen Guilu, trưởng nhóm của chúng tôi và là một người Công giáo đạo đức, đến nói với tôi rằng chúng tôi sẽ hết men trong vài ngày tới. Vì thế tôi gọi điện cho tất cả các nhà cung cấp và tất cả đều trả lời là họ hết hàng”, Zhen kể.
“Đến một ngày khi chúng tôi chuẩn bị ngừng sản xuất, có một người lạ mặt đẩy một xe đầy men đến gần chúng tôi khi chúng tôi bước ra từ nhà máy và hỏi chúng tôi có muốn mua men không. Giá còn rẻ hơn giá thị trường nữa. Chen Guilu đứng bên cạnh tôi thì thầm: ‘Chúa thực sự đang giúp chúng ta!’”.
Khi công ty gặp những lúc khó khăn, Zhen lấy sức mạnh từ đức tin của mình.
“Khi tôi cảm thấy tuyệt vọng, tôi thường cầu nguyện cùng Chúa và đọc Kinh Thánh để lấy sức mạnh”, ông nói.
Nhưng ngay cả khi bán được hàng, cũng có những thách thức.
“Khi công việc làm ăn phát đạt và bận rộn, thì dễ dàng quên cầu nguyện và trông cậy vào Chúa”, Xiaojun nói.
Ông còn cho biết thêm ông cảm thấy may mắn khi ở trong một môi trường rất đạo đức như trong công ty và ông tin rằng ông sẽ không bao giờ mất đức tin.
Văn hoá kinh doanh mâu thuẫn với đức tin
Các giá trị Khổng giáo và quan điểm về lãnh đạo tốt không còn được ngưỡng mộ trong nghề kinh doanh trên hầu hết đất nước Trung Quốc hiện nay. Quan điểm như thế thường dẫn đến các giá trị Công giáo xung đột với văn hoá thương mại và quan liêu hiện nay.
Cha Joseph ở Thiểm Tây nói không phải tất cả các thương gia trong tỉnh trong đó có người Công giáo bị ảnh hưởng. “Vì con người hiện nay sống vì tiền, đánh giá mọi thứ dựa trên đồng tiền”.
“Ảnh hưởng xấu như thế phổ biến trên cả nước và người Công giáo cũng không tránh khỏi”, vị linh mục nói.
Trong những ngày đầu mở công ty, Zhen thường cảm thấy bị kẹt trong văn hoá vô thần của Trung Quốc hiện đại và sự ảnh hưởng của nó lên giới thương mại. Nhưng ông không hề lẩn tránh những thách thức ông gặp phải.
“Vì tôi là lãnh đạo giáo dân trong giáo xứ, tôi phải làm gương cho người khác. Tôi quyết định thể hiện đức tin của mình trước mặt các đối tác kinh doanh. Đa số họ hiểu được và còn tôn trọng tôn giáo của tôi”, ông kể.
Khi quan chức và khách hàng đến thăm nhà máy, Zhen và con trai là Xiaojun còn dẫn họ đi tham quan và giới thiệu về nhà thờ bên cạnh.
Xiaojun cho biết các nhà doanh nghiệp Công giáo trong vùng đề nghị giúp đỡ lẫn nhau khi biết rõ nhau.
“Đa số các nhà doanh nghiệp Công giáo mà chúng tôi biết cũng sốt sắng sống đức tin. Họ thường xuyên đi lễ, thường quyên góp tiền khi nhà thờ cần. Trong những năm gần đây, họ còn bắt đầu học Kinh Thánh để canh tân bản thân”, ông cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét