Tuổi thơ hẳn là điều gì đó đẹp lắm, đến nỗi ai cũng ít nhất một lần muốn có “một vé đi về tuổi thơ”. Tuổi thơ chất chứa những giây phút sống tròn trịa, hết mình bởi những tràng cười bất tận hay những tiếng khóc nấc lên như không có hồi kết. Trẻ con không giấu cảm xúc, chúng thể hiện tất cả những gì mình có, vui buồn, thương ghét và đó là điều hết sức chân thật giữa một thế giới hỗn độn xô bồ. Tuổi thơ đẹp là thế, đáng trân trọng là thế nhưng vẫn còn điều gì đó khiến tôi suy nghĩ, băn khoăn và thao thức về hai chữ “tuổi thơ” với những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Câu chuyện bắt đầu từ một lớp kỹ năng sống với 20 học sinh. Tôi lần lượt hỏi các em về ước mơ trong tương lai. Hơn một nửa trong số đó trả lời “con không biết” hoặc “con không có”. Câu trả lời như nhau thôi, nhưng trong đầu tôi lại xuất hiện muôn vàn suy nghĩ về thế hệ măng non hiện tại. So với thời trước kia, bây giờ các em được đi học nhiều hơn, cả ngày trên trường, chiều về lại đến với các lớp học thêm, nào các môn ở lớp, Anh văn, nào đàn nhạc hoặc các môn năng khiếu khác. Về tới nhà, sau bữa cơm tối các em vào bàn học để giải quyết việc bài vở, nhiều em không có ngày nghỉ cuối tuần. Nhìn ra, có vẻ các em còn bận rộn hơn cả người lớn trong việc chuẩn bị hành trang cho mai sau. Nhưng đáng buồn thay, khi được hỏi về ước mơ của chính mình thì nhiều em chẳng biết mình sẽ làm gì trong tương lai hoặc ít nhất là hiện tại em muốn gì.
Đến đây, tôi cũng muốn đề cập một chút đến các câu trả lời mà tôi nhận được. Có em muốn trở thành một bác sĩ, một kỹ sư, một ca sĩ nổi tiếng, một giáo viên, một nhà kinh doanh giỏi hoặc một phi hành gia… Thật tuyệt, những ước mơ này thật đẹp. Và không có em nào ước mơ làm một người nội trợ giỏi, một thiện nguyện viên, một nhân viên bảo vệ môi trường… Phải chăng vì mấy nghề đó thiếu sức hút về sự thành công và vị thế xã hội?
Nhiều em trong số đó đang sống cho ước mơ và lý tưởng của cha mẹ hơn là của chính các em. Vì yêu thương, cha mẹ có thể dành cho con cái mọi thứ; nhưng cũng vì yêu thương mà cha mẹ vô tình lấy đi của con cái nhiều quyền cơ bản. Một trong những quyền đó là được sống với đúng độ tuổi của các em để được ước mơ và sống cho ước mơ đó. Như một thành quả của sự phát triển của xã hội loài người, các em được tiếp xúc với thế giới hiện đại cách đa dạng và phong phú, được chăm lo về mọi mặt. Nhưng có vẻ các em vẫn thiếu điều gì đó lớn lắm, và cần thiết lắm. Tôi nhận ra các em đang thiếu một tuổi thơ đúng nghĩa để được vui đùa, để được tự khơi lên trong các em điều các em mong muốn trở thành.
Thật vậy, có một sự chênh lệch không nhỏ giữa kiến thức các em học trên sách vở với kiến thức thực tế mà các em cần phải có. Nhiều em có xu hướng muốn nhận hơn là muốn cho đi dù chỉ là một một chiếc kẹo nhỏ trong một túi kẹo lớn. Lời chào, lời cám ơn và xin lỗi hình như vẫn chưa là một thói quen của các em và có chăng cũng là điều gì lạ lẫm lắm. Sự vội vàng và xô bồ của cuộc sống này có lẽ cũng ảnh hưởng đến hành vi của các bậc cha mẹ trên con cái của họ. Giữa một thành phố nhộn nhịp, ở các cổng trường, có mấy bậc phụ huynh gửi đến bác bảo vệ một lời chào đưa con đi học, hoặc nhắc nhở con mình phải lễ phép với người lớn bằng sự chào hỏi. Tôi tự hỏi không chào hỏi nhau vì quá vội vàng hay vì nghề nghiệp tạo nên khoảng cách trong cả việc giao tiếp? Đó chỉ là một trong nhiều tình huống liên quan đến việc giáo dục nhân bản cho trẻ em.
Các em có thể là một học sinh giỏi về kiến thức chuyên môn trong sách vở với những điểm số, bằng khen, thành tích đáng nể, nhưng nếu để những thứ đó sang một bên, các em có thể gọi là “trưởng thành” theo lứa tuổi của chúng? Hơn ai hết, ở một khía cạnh nào đó, các bậc cha mẹ cần trang bị cho các em học cách đặt thành tích học tập sang một bên, để bàn tay các em có thể nắm được bàn tay của những người nghèo và bất hạnh hơn các em. Các em không chỉ cần được trau dồi kiến thức về các con số và văn chương, nhưng còn cần được trao vào tay những câu chuyện về cuộc sống này để chúng thấy rằng xung quanh chúng còn có quá nhiều điều cần sự sẻ chia và cần sự cộng tác của các em.
Các em được ba mẹ mặc cho những bộ cánh thật đẹp, những chiếc đầm thật xinh để tô điểm cho vẻ đẹp của tuổi thơ, nhưng có lẽ sẽ còn đẹp hơn nữa nếu các em được mặc lên mình những kiến thức về giáo dục nhân bản và các kỹ năng sống cần thiết, để dù ở môi trường khắc nghiệt tới đâu và gặp khó khăn như thế nào các em vẫn tỏa sáng bởi những nét đẹp từ bên trong mà cha mẹ đã chuẩn bị thật kỹ cho các em.
Các bậc cha mẹ cũng cần trao cho con cái mình cơ hội để chúng thấy rằng chúng có một vai trò thật lớn trong cuộc sống này. Thay vì smartphone, các em cũng cần được dạy để chia sẻ công việc nhà hay các giúp đỡ một ai đó. Bởi khi các em được chạm tay vào công việc, trái tim các em sẽ được mở rộng hơn để hiểu sự lao nhọc và vất vả mà hàng ngày cha mẹ đang trải qua để nuôi dưỡng chúng. Các em cũng cần được lắng nghe và chia sẻ ở độ tuổi này hơn bao giờ hết. Chúng cần được giải thích việc tại sao nó đánh nhau trên lớp, hay việc cãi cọ với bạn bè. Nói đúng hơn, con cái quyền được chạy đến với tình thương của cha mẹ khi chúng cần được giúp đỡ.
Hãy trả cho trẻ em những gì thuộc về chúng! Để chúng được vấp ngã và tự đứng lên, để chúng được ước mơ và sống cho ước mơ đó. Để chúng được chạm tới nắng và gió, được chơi với cát và bụi. Và cuối cùng, để chúng thấy được rằng chúng đang được cha mẹ trang bị cho những hành trang cần thiết trước khi bước chân vào cuộc đời dù tươi đẹp nhưng cũng đầy chông gai này. Yêu thương không hẳn là đáp ứng mọi nhu cầu nhưng yêu thương còn được viết nên bởi những bài học về sự từ chối, tự do và được tôn trọng những quyền cơ bản. Nếu chúng ta coi trẻ em là các thiên thần thì đừng lấy đi đôi cánh của chúng, vì các em cần đôi cánh để bay lên và tung cánh giữa bầu trời rộng lớn bao la này.
Laterano
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét