Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Gia đình làm sạch môi sinh tâm hồn

Lời mở
Nhân kỷ niệm một năm công bố Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung”, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc khủng khoảng môi trường trên quan điểm đạo đức. Thật vậy, cho đến khi Thông điệp này ra mắt một năm trước đây, ngày 18.6.2015, thì cuộc đối thoại về môi trường chỉ đóng khung trong những ngôn từ về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Nhưng bây giờ thì ngôn ngữ của niềm Tin đã chính thức nhập cuộc. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đặc biệt, các tín hữu Kitô nhận thấy rằng, các nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa là thành phần đức Tin của họ” (Laudato Si’ số 64).
Vâng, khi quan tâm đến việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung” là Trái Đất của chúng ta, Đức Giáo hoàng đã nói đến Thánh Phanxicô Assisi, là người khẳng định: “Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên vạn vật và môi trường sống, mà không mở lòng ra trong thái độ kinh ngạc và chiêm ngưỡng; nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ thân tình và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của một sở hữu chủ, chỉ biết tiêu thụ và bóc lột tài nguyên” (Laudato Si’ số 5). Hơn nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn kêu gọi mọi người theo đuổi một nền sinh thái toàn diện, biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi một tầm nhìn, là nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh lẫn nhân văn. Trong đó, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” là rất quan trọng.
“Làm sạch môi sinh tâm hồn”
“Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là chúng ta làm sạch từ bên trong ra bên ngoài, từ nội tâm ra ngoại giới. Nhưng thực ra, cái bên ngoài mới khiến chúng ta đặt vấn đề về cái bên trong. Ai trong chúng ta cũng nhớ đoạn Tin Mừng nói về việc các người Pharisêu chất vấn Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5). Theo tập tục của Do Thái, người ta phải rửa tay trước khi ăn, đó là vấn đề sạch dơ theo nghĩa thiêng liêng. Chúa Giêsu và các môn đệ khi đi rao giảng, đã tiếp xúc với những người ngoại giáo, nên bị xem là ô uế, thì lại càng phải rửa tay, càng phải làm nghi thức thanh tẩy. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời một câu đầy ấn tượng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15.21-23).
Hóa ra là, những hành động bên ngoài xuất phát từ những suy nghĩ ở bên trong; những tâm tư ẩn sâu bên trong con người lại được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, lời nói và hành động. Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng Khôn Ngoan đã nhìn thấu tâm can con người khi bảo rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Ngài coi trọng những ý định ở trong lòng con người, đó là nguồn gốc của những hành động bên ngoài. Cho nên, thế giới nội tâm rất quan trọng, nó làm nên chính con người chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm sạch môi sinh bên trong thì môi sinh bên ngoài mới sạch sẽ. Thật vậy, cái chết của linh hồn thì đáng sợ hơn cái chết của thân xác, sự sống của linh hồn mới đáng quý hơn sự sống của thân xác; bệnh tật thể lý đưa tới cái chết của thân xác, nhưng chưa đáng sợ bằng bệnh tật của tâm hồn, tức là tội lỗi, sẽ đưa con người tới cái chết đời đời.
“Hoán cải về môi sinh”
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rõ ràng rằng Laudato Si’, từ nay sẽ được đưa vào nội dung giáo huấn xã hội của Giáo hội” (Laudato Si’ số 15). Theo đó, Thông điệp này là hình thức giáo huấn ở mức cao nhất của thẩm quyền Giáo hội, chỉ sau Phúc Âm và các Công đồng. Bởi lẽ, theo Đức Thánh Cha: “Vấn đề không phải là về môi trường nhưng thường là vấn đề đạo đức”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy “Hoán cải về môi sinh” để bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hãy yêu quý “Mẹ Thiên Nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Vì thế, chúng ta hãy “Làm sạch môi sinh tâm hồn” bằng những hành động thiết thực sau đây:
Lắng nghe tiếng Chúa
Người Kitô hữu “Làm sạch môi sinh tâm hồn” cần phải có hành động bên ngoài, mà hành động đầu tiên và căn bản nhất là cầu nguyện, để lắng nghe tiếng Chúa. Chẳng hạn, chúng ta đến nhà thờ để hiệp dâng Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta dành một khoảng lặng để ngồi bên Chúa, ít là 15 phút hay nửa tiếng mỗi ngày, để gặp gỡ và tâm sự với Chúa. Bởi vì, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là lúc chúng ta không chỉ nạp năng lượng tinh thần mà còn để Thần Khí Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta.
Theo tiếng lương tâm
Môi sinh tâm hồn còn liên quan đến vấn đề lương tâm. Chính nó đem đến sự sống hay cái chết của linh hồn. Lương tâm được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, cử chỉ và lời nói trong đời sống hằng ngày. Vì thế, “Làm sạch môi sinh tâm hồn” là chúng ta hành động theo tiếng lương tâm mách bảo, như: làm lành lánh dữ, thực thi bác ái, giúp đỡ người thiếu thốn, bênh vực kẻ cô thế… Nếu chúng ta nói “Làm sạch môi sinh tâm hồn” mà chúng ta không thi hành những việc bên ngoài, theo tiếng nói của lương tâm, thì cũng vô ích mà thôi! Bởi lẽ, con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác: thân xác là cái bên ngoài, và tâm hồn là cái bên trong.
Gia đình “Làm sạch môi sinh tâm hồn”
Gia đình “Làm sạch môi sinh tâm hồn” chính là tích cực cổ vũ và bồi đắp cho nền “Văn minh tình thương và Văn hóa sự sống”.
“Văn minh tình thương”
Trong “thế giới” của Laudato Si’ không có chỗ cho thói ích kỷ hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta” (Laudato Si’ số 91). Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy "xóa bỏ sự thờ ơ, vô cảm, đánh mất cảm xúc…" (x. Misericordiae Vultus số 15). Một xã hội vô cảm là một xã hội đang giẫy chết! Một cuộc sống vô cảm là một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt. Nhà văn Nga đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương". Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, như cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại "căn bệnh vô cảm", phải sống có tình thương, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi phải quý trọng “phẩm giá lớn lao của người nghèo” (Laudato Si’ số 158).
Chuyện kể rằng: Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, thì đứa con trai 4 tuổi của anh nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe. Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết.
Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi, các ngón tay con đâu rồi?”. Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên chiếc xe, đá liên tục vào nó nhiều lần. Anh chợt nhận ra, vết xước trên hông xe chính là dòng chữ: “Bố ơi, con yêu Bố!”. Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…
Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn Yêu Thương để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ. Đồ vật được sản xuất để sử dụng và con người được dựng nên để Yêu Thương. Vấn nạn của một phần thế giới hôm nay chính là: Con người bị sử dụng, còn đồ vật thì được Yêu Thương!
“Văn hóa sự sống”
Thông điệp Laudato Si’ chỉ ra nguyên nhân gây thảm họa môi trường chính là hậu quả của cách sống “Văn hóa đào thải và loại trừ” (Laudato Si’ số 22). Nghĩa là mọi thứ đều có thể trở thành rác thải vì người ta đặt lợi nhuận như kinh tế, chính trị của phe nhóm làm nền tảng hành xử. Điều đó cho ta hiểu được tệ nạn phá thai liên kết với thảm họa môi trường như thế nào, vì cách hành xử với vạn vật biến thành cách hành xử với chính con người. Người ta xem mạng sống của người khác như là rác thải khi không phục vụ cho lợi ích của họ: “Việc buôn bán hay sử dụng các bộ phần cơ thể của người nghèo, hoặc việc ‘quăng’ đi các em bé, chỉ vì không đáp ứng đươc các mong muốn của cha mẹ chúng. Đấy là cách suy nghĩ ‘sử dụng và quăng đi’, tạo quá nhiều rác thải, gây ra do khao khát vô độ, tiêu thụ nhiều hơn cái con người cần thiết” (Laudato Si’ số 123).
Trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) số 92, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Hãy cổ vũ và xây dựng nền văn hóa sự sống để chống lại nền văn hóa sự chết”. Văn hoá sự chết là nền văn hoá trong đó người ta cổ vũ tất cả những gì đi ngược với giá trị sự sống. Nền văn hoá này làm cho nhiều người chỉ nghĩ đến vật chất để chiếm hữu càng ngày càng nhiều, đến dục vọng để thoả mãn càng ngày càng cao, khiến cho sự sống toàn diện của con người bị nguy hiểm và tổn thương do các tệ nạn nghiện ngập khác, như: thuốc lá, rượu bia, ma tuý, cờ bạc. Từ thái độ sống buông thả theo dục vọng, con người tiến đến việc sử dụng các phương pháp ngừa thai bất chính, phá thai, giết người, buôn bán hàng giả, hàng độc hại, làm thương tổn đến sự sống thể lý của chính mình và người khác.
Thế nên, để loại trừ “Văn hóa sự chết”, “Văn hóa đào thải”, các gia đình Công giáo chúng ta phải tích cực cổ vũ và xây dựng nền “Văn hóa sự sống”. Cổ vũ nền “Văn hoá sự sống” bằng những hành động cụ thể và thiết thực trong đời sống hằng ngày, như cố gắng “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”, vì sự sống là tất cả những gì có giá trị tích cực được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài chỉ muốn chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Lời kết
“Làm sạch môi sinh tâm hồn” bắt đầu từ bên trong, vì bên trong tỏ lộ ra bên ngoài. Nếu mỗi cá nhân giữ sạch sẽ, thì môi trường gia đình ấy sẽ sạch. Nếu mỗi gia đình đều sạch, thì cả quốc gia sẽ sạch. Nếu mỗi quốc gia đều sạch, thì cả thế giới được sạch. Đúng như lời Đức Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Linh mục James Martin, S.J. - biên tập viên tự do của tạp chí America - đã tóm tắt Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài viết Mười điểm “rút ra” từ Laudato Si’Trong đó, ngài viết: Chúng ta có thể thức tỉnh tâm hồn mình và hướng tới việc “Hoán cải về môi sinh”. Nhờ đó, chúng ta thấy được sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và mọi sinh vật, để sẵn sàng lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo” (Laudato Si’ số 49).
Xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, cất khỏi chúng con trái tim chai cứng và ban tặng cho chúng con trái tim mềm mại của Chúa, trái tim biết yêu thương, để chúng con biết thổn thức, biết “chạnh lòng thương” trước những hoàn cảnh đáng thương, trước những mảnh đời bất hạnh, để chúng con mau mắn ra tay trợ giúp họ; nhất là, xin cho chúng con biết yêu thương tất cả những người thân yêu trong gia đình chúng con, không loại trừ một ai; bởi vì “Tình thương bắt đầu từ trong gia đình” (Charity begins at home). Amen.
Giuse Nguyễn Văn Quýnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét