Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31


WHĐ (27.07.2016) – Chiều thứ Ba 26-07-2016, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 đã chính thức khai mạc với Thánh lễ đồng tế do Đức hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục Krakow, chủ tế.

Cơn mưa chiều dần tan, nhường chỗ cho những tia nắng nhẹ, gần 200 ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới trong những chiếc áo mưa đủ màu sắc tuốn về cánh đồng Blonia để tham dự Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới.Những tràng pháo tay vang lên không ngớt đáp lại lời Đức hồng y Dziwisz chào mừng các bạn trẻ bằng nhiều thứ tiếng, trước khi bắt đầu Thánh lễ.

Trên lễ đài, bức ảnh nền rất lớn Lòng Chúa thương xót của Thánh Faustina nêu bật chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giớilần này: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Mở đầu Thánh lễ, Đức hồng y Dziwisz kêu gọi những người trẻ cầu nguyện “cho tất cả các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố gần đây và đặc biệt là vị linh mục cao niên vừa bị sát hại sáng nay khi đang dâng Thánh lễ tại Pháp”;đó là cha Jacques Hamel, 86 tuổi, một linh mục đã nghỉ hưu.“Chúng ta muốn sống trong hòa bình và chúng ta cầu nguyện cho bạo lực và bất công chấm dứt”.

Trong bài giảng, Đức hồng y Stanislaw Dziwisz đặt ra ba câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang ở đâu trongngày hôm nay, vào lúc này của cuộc sống chúng ta? Và chúng ta sẽ đi đâu, sẽ mang theo những gì? Và ngài kêu gọi các bạn trẻ: “Khi trở về đất nước các bạn, về với gia đình và cộng đoàn của các bạn, hãy mang theo tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhở mọi người rằng “phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5,7). Hãy mang theo ngọn lửa đức tin của các bạn và thắp lên những ngọn lửa khác, để trái tim con người sẽ cùng nhịp đập với Trái tim của Chúa Kitô, là “ngọn lửa tình yêu hằng cháy”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức hồng y Stanislaw Dziwisz:

***

Các bạn thân mến!

Lắng nghe cuộc đối thoại của Chúa Giêsu phục sinh với Simon Phêrô trên bờ Biển Galilê, nghe Chúa Giêsu hỏi ba lầnvề tình yêu cùng với câu trả lời, chúng ta hình dung được những khó khăn trong cuộc sống của ngư dân Galilê trướckhi có cuộc trò chuyện này. Chúng ta biết rằng có một ngày ông đã bỏ tất cả – gia đình, thuyền và lưới – để đi theo một vị Thầy lạ thường ở Nazareth. Ông trở thành môn đệ của Ngài. Ông học được cách Ngài nhìn các vấn đề của Thiên Chúa và dân chúng. Ông đã sống với cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, cũng như đã trải qua giây phút yếu đuối và phản bội. Sau đó, ông được sống khoảnh khắc của kinh ngạc và vui mừng khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đã hiệnra với các môn đệ thân cận nhất của Ngài trước khi về trời.

Chúng ta cũng biết đoạn tiếp theo của cuộc trò chuyện này, hay đúng hơn là thử thách của tình yêu mà bài Tin Mừng hôm nay nói đến. Simon Phêrô, được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, đã trở nên chứng nhân dũng cảm của Chúa Giêsu Kitô. Ông trở thành tảng đá của Giáo hội mới sinh ra. Vì thế ông đã trả giá đắt nhất tại thủ đô của đế chế La Mã:chịu đóng đinh như Thầy mình. Phêrô đã đổ máu vì Danh Chúa Giêsu, trở thành hạt giống đức tin làm cho Giáo hội tăng triển, bao trùm cả thế giới.

Hôm nay, Chúa Kitô nói với chúng ta ở Krakow, trên bờ sông Wisła, con sông chảy qua toàn đất nước Ba Lan – từ núiđổ ra biển. Kinh nghiệm của Phêrô có thể trở thành kinh nghiệm của chúng ta và giúp chúng ta suy tư. Chúng ta hãy đặt ra ba câu hỏi để trả lời. Trước hết, chúng ta từ đâu đến? Thứ hai, chúng ta đang ở đâu trong ngày hôm nay, vào lúc này của cuộc sống chúng ta? Và thứ ba, chúng ta sẽ đi đâu và sẽ mang theo những gì?

Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đến từ “mọi quốc gia dưới bầu trời này” (Cv 2,5), giống như những người lũ lượt đến Giêrusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng chúng ta bây giờ đông hơn hơn hai ngàn năm trước rất nhiều, bởi vì chúng ta đã có nhiều thế kỷ được rao giảng Tin Mừng, mà kể từ đó đã đi đến tận cùng thế giới. Chúng ta mang theo kinh nghiệm của chúng ta về các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ khác nhau. Chúng ta cũng mang theo những chứng từ đức tin và sự thánh thiện của những người anh chị em của chúng ta, những môn đệ của Chúa Phục Sinh, của các thế hệ đã qua cũng như các thế hệ hiện tại.

Chúng ta đến từ những nơi trên thế giới mà con người sống trong hòa bình, nơi các gia đình là những cộng đoàn củayêu thương và sự sống, nơi mà người trẻ có thể theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng trong chúng ta cũng có những người trẻ từ các quốc gia mà dân chúng đang phải đau khổ vì chiến tranh và đủ thứ xung đột, nơi mà trẻ em đang chết đói và các Kitô hữu bị bách hại dã man. Trong chúng ta có những người trẻ hành hương đến từ những nơi trên thế giới đang bị cai trị bởi bạo lực và khủng bố mù quáng, nơi mà nhà cầm quyền đoạt quyền trên con người và quốc gia, theonhững ý thức hệ điên rồ.

Trong những ngày này, chúng ta mang đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về việc sống Tin Mừng trong một thế giới nhiều khó khăn. Chúng ta mang đến nỗi sợ hãi và thất vọng của chúng ta, nhưng cả niềm hy vọng và khao khát, ước vọng được sống trong một thế giới đoàn kết, nhân bản hơn và huynh đệ hơn. Chúng ta nhìn nhận những yếu đuối của mình, nhưng cũng tin rằng “chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho chúng ta” (Pl 4,13). Chúng ta có thể đối mặt với những thách đố của thế giới hiện đại, trong đó con người phải lựa chọn giữa đức tin và hoài nghi, thiện và ác, tình yêu và khước từ yêu thương.

Bây giờ, vào lúc này của cuộc sống chúng ta, chúng ta đang ở đâu? Chúng ta ở gần cũng như ở xa đến đây. Nhiều người trong số các bạn đã đi hàng ngàn cây số và tốn kém nhiều trong cuộc hành trình để có mặt ở đây. Chúng ta đang ở Krakow, thủ đô cũ của Ba Lan, đã được ánh sáng đức tin chiếu rọi từ một ngàn năm mươi năm trước. Lịch sử Ba Lanrất khó khăn, nhưng chúng tôi đã luôn cố gắng trung thành với Thiên Chúa và Tin Mừng.

Tất cả chúng ta có mặt ở đây vì Chúa Kitô quy tụ chúng ta. Ngài là ánh sáng của thế gian. Ai theo Ngài sẽ không đi trong bóng tối (Ga 8,12). Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúng ta sẽ đi với ai? (Ga 6,68). Chỉ có Ngài – Chúa Giêsu Kitô – mới có thể đáp ứng những ước vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Chính Ngài là người đã dẫn chúng ta đến đây. Ngài hiện diện giữa chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta như đã đồng hành cùng các môn đệ đi về Emmau. Chúng ta hãy phó thác cho Ngài trong những ngày này các vấn đề của chúng ta, những sợ hãi và hy vọng của chúng ta. Trong những ngày này, Ngài sẽ hỏi chúng ta về tình yêu, như đãhỏi Simon Phêrô. Đừng tránh né trả lời những câu hỏi ấy.

Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng tất cả chúng ta làm thành một cộng đoàn lớn – là Giáohội – vượt qua những ranh giới do con người tạo nên và chia cắt mọi người. Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng máu của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cảm nghiệm Giáo hội phổ quát là một trải nghiệm tuyệt vời của Ngày Giới trẻ Thế giới. Hình ảnh của Giáo hội tùy thuộc vào chúng ta – vào đức tin và sự thánh thiện của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm sao cho Tin Mừng đến với những ai chưa nghe nói về Chúa Kitô hoặc chưa học biết đủ về Ngài.

Ngày mai, Phêrô của thời đại chúng ta – là Đức Thánh Cha Phanxicô – sẽ đến với chúng ta. Ngày hôm sau, chúng ta sẽ chào đón ngài ở ngay chỗ này. Trong những ngày tiếp theo, chúng ta sẽ lắng nghe ngài nói và cùng cầu nguyện vớingài. Sự hiện diện của Đức giáo hoàng tại Ngày Giới trẻ Thế giới còn là một nét đẹp và là đặc điểm của ngày hội đức tin này.

Và câu hỏi thứ ba, câu hỏi cuối cùng: Chúng ta đang đi đâu và chúng ta sẽ mang theo những gì khi rời khỏi đây? Cuộcgặp gỡ của chúng ta sẽ chỉ kéo dài một vài ngày. Một cuộc gặp gỡ sâu đậm, thiêng liêng, và ở một mức độ nào đó, đòi phải có sức khoẻ. Sau đó, chúng ta sẽ trở về nhà mình, về gia đình, trường học, về đại học và nơi làm việc của chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ có những quyết định quan trọng trong những ngày này? Có lẽ chúng ta sẽ đặt ra một số mục tiêu mới trong cuộc sống của chúng ta? Có lẽ chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói rõ ràng của Chúa Giêsu, bảo chúng ta để bỏ lại mọi sự mà theo Ngài?

Chúng ta sẽ đáp lại bằng cái gì? Tốt hơn đừng trả lời trước câu hỏi này. Nhưng hãy chấp nhận một thách đố. Trong những ngày này, chúng ta hãy chia sẻ với nhau điều đáng giá nhất. Hãy chia sẻ niềm tin, kinh nghiệm, hy vọng của chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, mong sao những ngày này sẽ là cơ hội đào luyện tâm tư của các bạn. Hãy nghe những bài giáo lý do các giám mục dạy. Hãy nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Hãy sốt sắng tham dự phụng vụ. Hãy cảmnghiệm tình yêu thương xót của Chúa trong bí tích Hòa giải. Và cũng hãy khám phá Giáo hội Krakow, nền văn hoá phong phú của thành phố này, cũng như tính hiếu khách của người dân Krakow và những người ở các thành phố lân cận, ở đấy chúng ta sẽ tìm được sự thư thái sau một ngày mệt nhọc.

Krakow đang sống với mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót, cũng là nhờ Chị Faustina khiêm tốn và Đức Gioan Phaolô II, những người đã làm cho Giáo hội và thế giới nhạy bén với nét cụ thể này của Thiên Chúa. Khi trở về đất nước các bạn, về với gia đình và cộng đoàn của các bạn, hãy mang theo tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhở mọi người rằng “phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5,7). Hãy mang theo ngọn lửa đức tin củacác bạn và thắp lên những ngọn lửa khác, để trái tim con người sẽ cùng nhịp đập với Trái tim của Chúa Kitô, là “ngọn lửa tình yêu hằng cháy”. Ước gì ngọn lửa yêu thương bao trùm thế giới chúng ta và giải thoát thế giới này khỏi thói ích kỷ, bạo lực và bất công, để nền văn minh của thiện hảo, hòa giải, tình yêu và hòa bình sẽ được củng cố trên trái đất của chúng ta.

Hôm nay tiên tri Isaia nói với chúng ta rằng “đẹp thay bước chân người đem tin vui trên các núi đồi” (Is 52,7). Đức Gioan Phaolô II là một sứ giả như thế – ngài là người khởi xướng Ngày Giới trẻ Thế giới, một người bạn của người trẻ và các gia đình. Và các bạn cũng hãy trở thành những sứ giả như vậy. Hãy đem tin mừng về Chúa Giêsu Kitô đến cho thế giới. Hãy làm chứng rằng Ngài đáng cho chúng ta tín thác số phận của chúng ta. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn cho Chúa Kitô. Hãy rao giảng với niềm xác tín như Phaolô rằng “dù sự chết hay sự sống, [...] dù bất cứ một thụ tạonào, cũng không có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Amen!

Minh Đức chuyển ngữ
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/thanh-le-khai-mac-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-31/8086.57.7.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét