Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Chuyên đề "Gìn giữ và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta"


WGPSG – “Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống trong ngôi nhà chung. Xin cho chúng con biết giữ gìn và bảo vệ trái đất để lưu truyền cho thế hệ tương lai”, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã có lời cầu nguyện như thế vào cuối buổi thuyết trình thứ 4 của Tuần lễ giáo lý 2016 tại TGP Sài Gòn. Bài thuyết trình có chủ đề: "Gìn giữ và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta" do Lm. Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SDB và tiến sĩ Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà - Khoa Môi Trường của Đại Học TN&MT - trình bày vào tối thứ Sáu 22.7.2016, từ 18g30 đến 21g00 trong hội trường GB Phạm Minh Mẫn.

Khi nói về biến đổi khí hậu (BĐKH), tiến sĩ Hà định nghĩa: “BĐKH là hiện tượng thay đổi thời tiết do các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người ngoài sự thay đổi khí hậu của tự nhiên”.

Qua video clip về biến đổi khí hậu năm 2015, tiến sĩ cho thấy BĐKH là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, sức khỏe, tài nguyên nước và nông nghiệp. Các biểu hiện của BĐKH: nóng lên toàn cầu, nước biển dâng lên, thiên tai xảy ra liên tiếp. Sự xâm thực của nước biển khiến sản lượng lương thực và lượng nước ngọt giảm mạnh.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của BĐKH là hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng này xẩy ra trong một ngôi nhà lồng bằng kính - hấp thụ nhiệt lượng khi mặt trời chiếu vào và không thoát ra được nên nhà kính mỗi lúc một nóng lên. Điều này có lợi cho nông dân trồng cây bên trong để cây có thể đâm chồi, ra hoa và kết trái sớm hơn. Tuy nhiên, sẽ là tai họa khi cả lớp khí quyển của trái đất trở thành một nhà kính (vì các loại khí CO2, N2O, CFCs, CH4… và hơi nước) hấp thụ nhiều nhiệt vào, rồi giữ lại mà ít tỏa nhiệt ra, khiến cho địa cầu mỗi ngày một nóng lên. Đó là hậu quả của: Phá rừng, rác thải, chăn nuôi, khí thải giao thông, nhà máy...

Để giảm thiểu tình trạng này, bản thân mỗi người nên tham gia tích cực vào các hoạt động làm giảm nhẹ BĐKH: Tự bảo vệ mình trước những thiên tai; Tăng sức chống chịu và giảm tổn thương cho các vùng nghèo, phụ nữ và trẻ em; Trang bị các kỹ năng cần thiết như bơi lội, tập thể dục; Tránh tác hại của các tia nắng ban ngày; Không trú mưa dưới cây to, tránh các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt...

Tiếp lời tiến sĩ Hà, Lm. Vinh Sơn giới thiệu thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô. Thông điệp gồm 6 chương:

Chương I - Những gì đang xảy ra cho nhà chúng ta: Thông điệp cho thấy có “một thứ nợ về môi sinh”, nợ của các nước giầu đối với những nước nghèo trên thế giới.

Chương II - Tin Mừng về sự sáng tạo: Trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người.

Chương III - Nguồn gốc nhân bản của sự khủng hoảng sinh thái: Kỹ thuật cải tiến các điều kiện sống, tuy nhiên kỹ thuật mang lại một sự thống trị lớn lao trên toàn thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác đưa tới sự phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người cùng các dân tộc yếu thế hơn.

Chương IV - Sinh thái học toàn diện: Thiên Chúa là chủ, con người sống hài hòa với nhau, không thể gây khốn khổ cho người nghèo.

Chương V - Một vài đường hướng và hoạt động: Cần có các cuộc đối thoại.

Chương VI - Giáo dục và linh đạo sinh thái: Giáo dục sự quan hệ giữa con người, môi trường thiên nhiên và Thiên Chúa; Ý nghĩa sâu xa của nhân bản học; Xác tín mọi điều trên trái đất liên hệ mật thiết với nhau.

Về tổng quát, câu hỏi trọng tâm của thông điệp là "Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?" Thông điệp không chỉ liên quan riêng đến môi trường mà còn khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?

Tiếp nối phần thuyết trình của cha Vinh Sơn, tiến sĩ Vân Hà nói về chuyên đề "Ô nhiễm rác rưởi và văn hóa thải bỏ". Con người đang làm cho ngôi nhà chung bị ô nhiễm trầm trọng: ô nhiễm đất, ô nhiễm biển... Để phân hủy: Hộp xốp cần 1 triệu năm, Chai nước cần 500 năm, nhôm cần 200 năm...

Tiến sĩ đề nghị nên tìm cách áp dụng mô thức tuần hoàn, tái chế:

- Thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm, mua sắm và du lịch. Khi mua thực phẩm hay mua sắm, hãy cân nhắc: sản phẩm đã được sản xuất như thế nào, ở đâu, đến được nơi này bằng cách nào, cần mua bao nhiêu để khỏi dư thừa. Lời khuyên khi tiêu dùng: Nên tận dụng không gian để trồng rau sạch trong vườn/nhà; nên mua sản phẩm địa phương; nên dùng hết thực phẩm để tránh dư thừa; tìm cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm hoặc tái sử dụng…

- Bảo vệ môi trường qua việc trồng cây, xử lý nước và rác. Cần tạo mảng xanh trong nhà càng nhiều càng tốt. Tiết kiệm nước bằng cách cho nước vào chậu để rửa tay, rửa mặt thay vì chỉ vặn vòi nước; tắt vòi nước khi đang đánh răng; tận dụng nước mưa trong sinh hoạt. Hạn chế phát sinh rác thải, hạn chế sử dụng túi ny lông; tham gia phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình, ở các siêu thị, các trung tâm thương mại, các công sở… hạn chế sự ô nhiễm môi trường do rác.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ban ngày nên mở các cửa sổ để sử dụng ánh sáng tự nhiên và cũng giúp cho phòng ở thông thoáng hơn. Đối với các thiết bị điện như tivi, điều hòa, nếu để ở trạng thái chờ, vẫn tốn điện, nên khi dùng xong các thiết bị điện hãy rút hẳn phích điện ra khỏi ổ điện. Điều hòa nhiệt độ là thiết bị gia đình tiêu tốn nhiều điện năng nhất, nếu dùng điều hòa nên để nhiệt độ khoảng 26ºC hoặc cao hơn. Sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống ví dụ như sử dụng máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời, sử dụng bếp năng lượng mặt trời để đun nấu.

- Thay đổi hành vi giao thông: Tăng cường đi bộ hoặc đi xe đạp; Hãy đi bộ khi quãng đường không xa; Hạn chế đi lại bằng các phương tiện xe gắn máy là góp phần hạn chế sử dụng xăng giúp giảm thiểu tác động của BĐKH; Nên tích cực sử dụng hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; Lựa chọn tuyến đường ngắn, cùng nhau đi, hoặc đưa con đi học; Khi xe dừng đèn đỏ quá 20 giây, hãy tắt máy…

Tiến sĩ Hà kết luận: “Sinh thái toàn diện không tách rời công ích. Chúng ta hãy chấp nhận toàn thế giới như là một món quà của Thiên Chúa để chăm sóc và gìn giữ. Hãy giúp mọi người thay đổi con tim, thay đổi hành vi. Hãy cùng chung tay gìn giữ ngôi nhà chung cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Đề tài "Gìn giữ và bảo vệ và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta" kết thúc; các tham dự viên ra về lòng vẫn còn suy tư về những gì cần phải làm để cứu lấy môi trường đang bị phá hủy một cách trầm trọng hiện nay.

Bài: Tocngank1 & Ảnh: Minh Thể
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160725/35612

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét