Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Đức Phanxicô: ngoại giao bằng cầu nguyện và đối thoại

Công hàm không chữ ký (nota verbale) của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi cho tất cả các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh cho thấy ý nghĩa sáng kiến cổ vũ hòa bình của Đức Phanxicô. Chính qua thuyết phục, đối thoại và cầu nguyện mà Đức Phanxicô hy vọng có thể ảnh hưởng tới các tranh chấp vũ trang hiện nay, đem chúng tới kết thúc. Trong khi ấy, cảnh giới quốc tế luôn mỗi ngày một đáng lo ngại hơn.

Trong số các khai triển gần đây ta thấy có việc người cực đoan Hồi Giáo chiếm giữ Benghazi nhằm thiết lập một nước Hồi giáo sĩ trị (caliphate). Tại Iraq, nhà cửa của các Kitô hữu tại Mosul bị ghi chữ “N” (tắt cho Nazarene). Hầu như mọi Kitô hữu đã bị cưỡng bức phải trốn chạy vì bị đe dọa giết chết. Tình hình hiện nay hết sức nóng bỏng tại Trung Đông nói chung và tại Israel/Palestine nói riêng, và buổi cầu nguyện cho hòa bình do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập tại Vatican nay dường như chỉ còn là một ký ức mờ nhạt. Mọi người đều đồng ý rằng các nhóm thiểu số Kitô Giáo là các nhóm bị bách hại nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Với viễn ảnh đáng lo ngại ấy, liệu nền ngoại giao bằng cầu nguyện và đối thoại có đủ không? Đức GH Phanxicô dựa vào sức thu hút của bản thân ngài. Ngài là một trong các ứng viên của Giải Nobel Hòa Bình, và ngài thực sự có cơ hội đoạt được giải này. So với Đức Gioan Phaolô II, người cũng từng là ứng viên của giải, Đức GH Phanxicô lôi cuốn được một đồng thuận rộng lớn hơn nơi các giới thế tục. Đức Gioan Phaolô II rất nổi tiếng và được nhiều người mến mộ, nhưng ngài khiến các chính phủ run tay run chân mỗi lần ngài nói tới nhân quyền. Đức Phanxicô sử dụng một phương thức có tính hòa giải hơn và chắc chắn được thế giới thế tục thích hơn.

Đàng sau phương thức hòa giải trên, là nhu cầu cần một dấn thân ngoại giao mạnh mẽ. Các sứ thần Tòa Thánh hiện đang làm việc một cách không biết mệt. Các ngài đều là các giám mục, và vai trò kép của các ngài trong tư cách vừa là chủ chăn vừa là nhà ngoại giao giúp các ngài có được nhiều tầm nhìn thông suốt mà các nhà ngoại giao khác không có được. Các ngài biết các linh mục ngay tại các lãnh thổ của họ, nhờ thế các ngài nắm vững tình thế các Giáo Hội địa phương. Nhưng các ngài còn có được các thông tin đầu tay, đến từ các linh mục, các nhà truyền giáo và các tín hữu, và thông tin loại này được chia sẻ với Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi tóm tắt các chi tiết này trong các phúc trình của mình.

Phương cách sử dụng các mẩu thông tin này là điều chủ yếu. Hiện nay, chính sách ngoại giao của Vatican xem ra là chính sách “chờ và xem”. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh, nhằm trước nhất vào việc thiết lập đối thoại và hợp tác bán chính thức với các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, như thấy rõ trong buổi ngài gặp họ lần đầu trong tư cách đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa Thánh. “Chúng ta vốn đã biết nhau rồi (ngài từng phục vụ lâu năm tại phân bộ thứ hai của Phủ Quốc Vụ Khanh), nên chúng ta hãy giúp nhau một tay”. Đó là sứ điệp chính yếu của Đức HY Parolin. Xem ra sứ điệp ấy muốn cho thấy hoạt động ngoại giao của ngài đặt căn bản trên tính bán chính thức như thế.

Công hàm không chữ ký là một trong các sáng kiến khác gần đây nhất. Đức TGM Dominique Mamberti, “Bộ Trưởng Ngoại Giao” của Vatican, trong một chương trình phát tuyến của Đài Phát Thanh Vatican, có cho hay công hàm này bao gồm mọi lời kêu gọi hòa bình của Đức GH Phanxicô. Một sáng kiến tương tự cũng đã được đưa ra vào hôm trước Ngày Cầu Nguyện Và Ăn Chay Cho Syria, được Đức Phanxicô triệu tập ngày 7 tháng 9, năm 2013. Trong buổi gặp gỡ tất cả các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, Đức TGM Mamberti nhắc tới mọi lời kêu gọi hòa bình của Đức Giáo Hoàng và xin “đối thoại và hòa giải”.

Đức GH Phanxicô vẫn còn đang kêu gọi cùng một thứ đối thoại và hòa giải đó. Trong khi ấy, nhiều hoạt động lớn tại chỗ của nhiều cơ quan bác ái Kitô Giáo và các định chế Vatican vẫn tiếp diễn.

Tình huống người tị nạn tại Iraq quả là hãi hùng, và để trợ giúp họ, Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương đã gửi ngay 50,000 dollars cho những nhu cầu tức khắc; Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum gửi 400,000 dollars cho cùng một mục đích và đang đóng một vai trò lớn lao tại chỗ; còn tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Có Nhu Cầu đã gửi 100,000 euro, vẫn đang quyên góp tiền bạc cho các Kitô hữu bị bách hại, và kêu gọi một ngày cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 6 tháng 8, Lễ Hiển Dung.

Cam kết của Tòa Thánh còn có thể được định lượng nhiều hơn nữa. Ngày 27 tháng 5 năm 2013, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh LHQ tại Genève, đã giải thích rõ “các dịch vụ hiện nay đối với gia đình nhân loại do Giáo Hội Công Giáo thực thi mà không cần phân biệt tôn giáo hay sắc tộc”.

Đây là một số dữ kiện: trong lãnh vực giáo dục, hiện có 70,544 trường mẫu giáo Công Giáo trông nom 6,478,627 học sinh; 92,847 trường tiểu học với 31,151,170 học sinh; và 43,591 trường trung học với 17,793,559 học sinh. Giáo Hội cũng giáo dục 2,304,171 học sinh trung học và 3,338,455 sinh viên đại học. Các cơ quan bác ái và các trung tâm chăm sóc y tế trên khắp thế giới của Giáo Hội, không kể các bệnh viện và bệnh xá, còn bao gồm 18,179 phòng phát thuốc, 547 nhà săn sóc người phong cùi, 17,223 nhà cho người cao niên, hay người mang bệnh kinh niên hoặc khuyết tật, 9,882 viện mồ côi, 11,379 trung tâm săn sóc trẻ sơ sinh, 15,327 văn phòng huấn đạo hôn nhân, 34,331 trung tâm phục hồi xã hội, và 9,391 định chế bác ái thuộc các loại khác. Ngoài ra, Đức TGM Tomasi cho hay, “nên thêm các dịch vụ trợ giúp thực hiện tại các trại tị nạn và đối với những người rời cư trong nước, cũng như sự giúp đỡ có tính liên đới đối với những người bị bứng gốc”.

Đó là hệ thống các mũi nhọn của Tòa Thánh trên thế giới. Các mũi nhọn này cần được trợ giúp hơn nữa, ngoài các lời kêu gọi hòa bình. Chúng cần một nền ngoại giao hữu hình và rõ ràng, đủ thẩm quyền để tác động lên các cuộc thương thảo.

Cam kết hoà bình của các vị giáo hoàng là một sự kiện đã được chứng minh đầy đủ. Đức Piô IX đã tích cực vận động cho một nền văn hóa hòa bình, một nền văn hóa từng đẩy mạnh cuộc đối thoại đại kết. Đức Lêô XIII, vị kế nhiệm Đức Piô IX, đã mang nền văn hóa hòa bình tới hội nghị giải trừ binh bị tại The Hague năm 1889. Trong chính hội nghị này, một số trong 26 nước tham dự đã thừa nhận vai trò của Đức Giáo Hoàng như là người trung gian trong các tranh chấp nhờ “tư cách người cha chung” của ngài. Đức Bênêđíctô XV đưa ra kế hoạch hòa bình của ngài trong Thời Thế Chiến I, trong khi, cho tới nay, các lời kêu gọi hòa bình của Đức Piô XII, thời Thế Chiến II, đã thành sự kiện lịch sử: sứ điệp truyền thanh của ngài vốn được Đức Cha Mario Toso, tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, mô tả như là “một tiểu thông điệp xã hội”.

Ngay như lời kêu gọi hòa bình của Đức Gioan Phaolô II nay cũng đã trở thành một phần của lịch sử, cũng như ngày ăn chay và cầu nguyện công bố hôm Thứ Tư Lễ Tro năm 2003 mong tránh được Chiến Tranh Vùng Vịnh. Dịp này, các cố gắng của Đức Gioan Phaolô II không thành công, không như các cố gắng của Đức Gioan XXIII trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn tại Cuba: kỹ năng ngoại giao của “Vị Giáo Hoàng Nhân Hậu”, âm vang lời nói của ngài, đã tránh được cuộc chiến tranh thế giới có thể đã diễn ra.

Sau kinh nghiệm trên, Đức Gioan XXIII đã ban hành thông điệp “Pacem in Terris” (bình an dưới thế), được coi như sách hướng dẫn thực sự cho các cam kết ngoại giao của Tòa Thánh. Được soạn thảo quanh 4 trụ cột và dựa vào luật tự nhiên cũng như tính phụ đới (subsidiarity), thông điệp này nẩy sinh ra một phương pháp dẫn tới thần học khởi đi từ các dấu chỉ của thời đại. Phương pháp này đã được Công Đồng Vatican II áp dụng để ban hành các văn kiện của mình.

Song song với việc làm tại chỗ, giữ vững lập trường là điều quan trọng hơn cả trên diễn đàn thế giới. Cho tới nay, Tòa Thánh đã gây được tác động. Đến nỗi năm 1986, trong các văn kiện của Liên Hiệp Quốc về phát triển, người ta đã nhắc tới “việc phát triển nhân bản toàn diện”, một chủ đề chính trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, một giáo huấn vốn bắt nguồn từ Tin Mừng và hướng về ích chung.

Giáo Hội đem sự thật tới cho thế giới, nhưng bằng cách luôn đối thoại với thế giới. Nhờ dựa vào nguyên tắc này, Tòa Thánh đã gây được tác động ngoại giao đáng kể. Đức Hồng Y Paul Poupard, trong tư cách đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng, đã vượt qua Bức Màn Sắt để nói chuyện về văn hóa, nhờ thế đã phá vỡ khối cộng sản qua các cuộc thảo luận về tư tưởng. Cũng trong thập niên 1980 này, Đức Hồng Y Roger Etchegaray bay tới Cuba, lúc đó rất khép kín, để khởi diễn một cuộc đối thoại với Fidel Castro. Nhờ thế, cuộc tông du đầu tiên, đầy tính lịch sử, của một vị giáo hoàng tới “la isla” (đảo) vào năm 1998 đã diễn ra (Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Cuba). Bộ giáng sinh mà Fidel Castro tặng Đức HY Etchegaray vẫn còn được trưng bày tại phòng ăn của ngài. Về phần mình, lãnh tụ tối cao (lídermáximo) vẫn giữ trên giá sách của mình các cuốn sách Đức Bênêđíctô XVI gửi tặng ông sau khi hai người dùng càphê với nhau trong chuyến tông du tới Cuba năm 2012 (chính Castro yêu cầu có những cuốn sách nói về Thiên Chúa).

Nền ngoại giao của Tòa Thánh có sức mạnh tối hậu nhờ các lý tưởng của nó. Mục tiêu của nó là ích chung. Đối tượng của nó là con người nhân bản. Tòa Thánh không đánh việc đói ăn, Tòa Thánh bênh vực người đói ăn.

Ta nên lưu ý tới nguyên tắc trên, vì nó là lý do tại sao hệ thống tại chỗ trên đây cần được bổ túc bằng một hành động ngoại giao mạnh mẽ.

Hành động ngoại giao nói trên làm sao có thể được hỗ trợ bởi một Phủ Quốc Vụ Khanh xem ra đang bị cho ra rìa mỗi ngày một hơn bên trong Giáo Triều? Đức Hồng Y Parolin đã được bổ nhiệm làm thành viên của Hội Đồng Hồng Y có nhiệm vụ cố vấn Đức Phanxicô về việc cải tổ Giáo Triều, dù chưa có văn kiện nào làm cho việc bổ nhiệm này thành chính thức. Nhưng thẩm quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh đôi khi bị lu mờ vì các quyết định của Đức Giáo Hoàng. Trong khi ấy, những ngôi sao đang lên, đầy kinh bang tế thế và không hề nhút nhát, đang thấy khuôn dung mình mỗi ngày mỗi được nâng cao, như khuôn dung của Đức HY George Pell, Chủ Tịch Văn Phòng Kinh Tế, chẳng hạn.

Trong khi ấy, cung cách cung cấp tài trợ rất có thể bị thay đổi. Trước đây, mọi sự đều được thực hiện qua Viện Các Công Trình Tôn Giáo (IOR, thực tế là ngân hàng Vatican), một cơ quan bảo đảm quyền tự chủ của Tòa Thánh và việc chuyển giao tiền bạc cách an toàn. Điều gì sẽ xẩy ra khi cuộc cải tổ IOR hoàn tất và nó trở thành một cơ quan tư vấn không hơn không kém? Làm thế nào các nhà truyền giáo nhận được tài trợ khi làm việc tại các nước có hệ thống ngân hàng yếu kém?

Đó không thể là những vấn đề phụ thuộc đối với Đức Phanxicô, dù ngài đang tập chú vào nhiều chuyện khác và đang biến việc cầu nguyện thành khí cụ ngoại giao. Nhưng lời cầu nguyện cũng có sức mạnh thuyết phục. Và sức mạnh này chỉ có thể phát sinh từ một đức tin được lý trí soi sáng. Giáo Hội có thể cung hiến sự thật trên diễn đàn công cộng. Dựa vào sự thật này, Tòa Thánh hành động trong các cuộc thương thảo về hòa bình, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhân quyền, thậm chí nêu lên các cuộc thảo luận giữa các chính phủ. Khi các nguyên tắc đã rõ ràng, thì việc thảo luận chắc chắn sẽ xẩy ra. Và thảo luận luôn là căn bản của hòa bình.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129175.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét