Có lẽ tình yêu luôn là huyền nhiệm của phận người, nhất là trong tình yêu đôi lứa. Tình yêu tuy rất chung mà lại rất riêng. Chẳng vậy, nhân loại tốn bao giấy mực để viết về nó, để giãi bày kinh nghiệm của chính mình. Với tâm hồn trong sáng và sâu lắng, nhà thơ Puskin đã lý giải huyền nhiệm tình yêu trong bài thơVô tình. Nơi khổ thơ đầu, tác giả phác họa bức tranh tình yêu của anh và em:
Vô tình anh gặp em
Rồi vô tình thương nhớ
Đời vô tình nghiệt ngã
Nên chúng mình yêu nhau.
Cuộc gặp gỡ giữa anh và em thật tự nhiên, tự do tới mức vô tình, chẳng hề sắp đặt, tính toán. Tình yêu là thế. Hai con tim gặp nhau và rung động. Cái rung động đầu tiên ấy không mất đi ngay sau cuộc gặp gỡ, mà nó tiếp tục vang lên tiếng nói của mình. Tình yêu chớm nở, rồi lớn lên “vô tình thương nhớ.” Thương nhớ cũngvô tình, thật khó hiểu mà chân thành biết bao!
Kinh nghiệm của tác giả thật gần với kinh nghiệm của Pascal: con tim có lý lẽ riêng của nó. Vâng, tình yêu tuy tự do tới mức vô tình đấy, nhưng nó luôn có lý lẽ riêng. Đó là một lý lẽ rất người: để tình yêu có thể nảy sinh, hai người cần gặp nhau, con tim rung động và thương nhớ. Vậy mà, ngày nay nhiều người dựa vào tự do mà đánh mất cái lẽ tự nhiên của tình yêu: họ yêu mà không gặp gỡ, con tim họ rung động trong ảo tưởng của tính vị kỷ.
Anh và em không chỉ sống cho riêng mình, mà là sống trong đời. Điểm đặc biệt là: cảnh ở câu ba đời vô tình nghiệt ngã và ở câu bốn chúng mình yêu nhau đối nghịch nhau mà lại được tác giả liên kết với nhau như nguyên nhân với kết quả nên. Cặp nghịch lý nghiệt ngã – yêu nhau được liên kết bằng nên làm cho chúng mình vừa không đối nghịch với đời, vừa ở trong đời, và có thể nói là biết ơn đời nữa. Đời nghiệt ngã một cách vô tình không còn là rào cản của chúng mình nữa, mà trở nên một lực thúc đẩy chúng mình yêu nhau. Đây quả là một tình yêu cao thượng và đầy bản lãnh.
Câu nói lửa thử vàng, gian nan thử sức thật thích hợp nơi kinh nghiệm của tác giả. Tác giả rất thật lòng và khiêm tốn khi nhìn nhận đời vô tình nghiệt ngã, một thực tại mà không phải ai cũng có thể chấp nhận, đón nhận. Cách thế anh và em đối diện với những vô tình, nghiệt ngã, nghiệt ngã cách vô tình của đời không phải là thụ động, không phải là hòa tan, cũng không chỉ là vượt lên, mà là đón nhận thực tại nơi thâm sâu của nó và biến đổi ý nghĩa. Trong nghiệt ngã vô tình của đời, tình yêu vẫn thành tựu. Đây quả là một tình yêu trong trắng vô ngần.
Trong hai câu thơ sau, có một nét tinh tế đến mức dễ dàng bị vô tình bỏ quên. Trong cặp song đối đời – chúng mình, người ta dễ có xu hướng tách chúng mình ra khỏi đời, mà kì thực chúng mình ở trong đời và khi nói tới đời là nói tới chúng mình. Đời vô tình nghiệt ngã, cũng chính là chúng mình vô tình nghiệt ngã, hay cũng chính là mình vô tình nghiệt ngã. Đây là một sự nhận thức về bản thân thật vô cùng sâu sắc. Không có nhận thức này, người ta sẽ không biết nhận trách nhiệm, sẽ không biết tha thứ, cũng như sẽ không sống trong huyền nhiệm yêu nhau.
Chỉ thoáng qua một chút như thế, độc giả phần nào nhận thấy một tâm hồn Puskin phong phú khôn lường như chính huyền nhiệm tình yêu vậy. Vô tình trong kinh nghiệm của tác giả có thể sánh ví như tự do trong kinh nghiệm nhân sinh. Nó vừa giúp gặp, vừa để thương nhớ, mà cũng là nguyên nhân của nghiệt ngã. Ý nghĩa của vô tình tùy thuộc vào cách thế của anh, của em, của chúng mình trong đời.
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết S.J.
Cầu nguyện cho tình yêu đôi lứa
Nguồn: http://dongten.net/noidung/39918
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét