THÁNH LỄ
PHONG CHỨC LINH MỤC
DÒNG TÊN
(Gr 1,4-9; 1 Tm 4,12-16; Ga 20,19-23)
1. Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta tụ họp nhau lại đây để tham dự thánh lễ phong chức linh mục cho 9 anh em Dòng Tên. Chúng ta hãy chia vui với Tỉnh Dòng Việt Nam, vì năm nay "được mùa". Chắc chắn mọi người trong Dòng Tên ở Việt Nam đều rất vui mừng, và cả những anh em các tỉnh Dòng khác cũng sẽ vui mừng khi biết tin. Ước gì Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và là Niềm Vui trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi tràn ngập trong lòng tất cả chúng ta, và đặc biệt trong lòng những anh em nhận lãnh thừa tác vụ linh mục hôm nay.
2. Chúa Thánh Thần "là quà tặng" mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho cho các Tông Đồ, khi hiện ra cho họ, vào Ngày Thứ Nhất trong Tuần, tức ngày Chúa Phục Sinh.
Chúa Kitô Phục Sinh đã đến cách đột xuất, khiến các Tông đồ bỡ ngỡ, và Người đã cho họ xem tay và cạnh sườn Người: Người là Đức Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh, là Vị Thầy yêu quý mà họ đã đi theo. Người rất yêu thương họ và đã chết vì họ, vì tất cả chúng ta.
3. Sau khi chào hỏi, và các Tông đồ đã vui mừng nhận ra Chúa, bấy giờ Chúa Giêsu mới trao sứ mạng của Người cho họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em.”(Ga 20,21). Sứ vụ tông đồ đích thực của Giáo hội bắt đầu từ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh. Từ sự gặp gỡ đó các Tông đồ mới được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, là “Ân sủng không thể thiếu” cho việc thi hành Sứ vụ. Chúa Thánh Thần là Hơi Thở của Chúa Giêsu Phục sinh, là Thần Khí cần cho Sự Sống của Giáo hội và mỗi Kitô hữu. Chúa Thánh Thần còn là Đấng Thánh Hóa và là “Ơn Tha tội”: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22). Giáo hội chỉ có thể thi hành Sứ mạng Cứu thế của Chúa Giêsu, khi Giáo hội có Chúa Thánh Thần. Quyền bính của Giáo hội phải luôn được thi hành trong “Chúa Thánh Thần”, là Quyền năng và là Tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ trọn vẹn trong biến cố Phục Sinh, trong mầu nhiệm Sự Chết và Sự Sống Lại của Chúa Giêsu.
4. Chức linh mục trong Hội Thánh, tuy đã được Chúa Giêsu thiết lập, khi còn tại thế, trong bữa Tiệc ly, trước khi Người ra đi chịu chết, chỉ thực sự hoàn thành khi Chúa Sống lại, như lời Người báo trước. Chức linh mục sinh ra từ “Mầu nhiệm Vượt qua”, linh mục là “con người vượt qua” cùng với “Đức Kitô Vượt Qua”, rao giảng và cử hành “Mầu nhiệm Vượt qua”, loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa Sống lại, cho tới khi Chúa lại đến. Linh mục là tư tế cử hành Hy tế Thập giá, là ngôn sứ loan báo sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại “Ơn cứu rỗi” cho mọi người.
5. Đó là một ơn gọi đặc biệt bắt nguồn từ Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Giêrêmia:“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi, đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,5). Nhiều người cảm thấy bất xứng trước lời kêu gọi và sứ mạng được trao phó, như tiên tri Giêrêmia đã thưa với Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói.” (Gr 1,6). Nhưng Lời của Thiên Chúa làm cho họ mạnh dạn: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi và giải thoát ngươi… Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: ‘Đây Ta đặt Lời Ta vào miệng ngươi’.” (Gr 1,7-9). Các tân chức thân mến, chắc chắn Thiên Chúa sẽ đặt Lời của Người trên môi miệng của anh em, với điều kiện anh em có tâm hồn khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe và vâng phục thánh ý Người.
6. Tuy anh em là những “người còn trẻ”, nhưng truyền thống của Giáo hội vẫn coi anh em là “những trưởng lão”, những con người vững vàng có khả năng lãnh đạo. Thánh Phaolô khuyên anh em, như đã khuyên Timôthê, môn đệ và cộng sự viên của ngài: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ; trái lại anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch…” (1 Tm 4,12). Thánh Phaolô nhấn mạnh điều mà hiện nay còn thiếu trong Giáo hội, đó là gương sáng. Mặc dù là những con người yếu đuối mỏng dòn, chúng ta hãy cố gắng làm gương cho những người khác.
7. Anh em sẽ lãnh nhận đặc sủng linh mục, khi được Giám mục đặt tay và thánh hiến. Đừng thờ ơ với đặc sủng ấy, trái lại hãy nuôi dưỡng và làm cho sống động. Nếu tha thiết với đặc sủng linh mục, anh em sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh em giảng dạy. Đặc sủng của anh em còn nổi bật dưới một khía cạnh hết sức quan trọng cho thế giới hôm nay, đó là sự “phân định Thần Khí”. Nếu anh em phát huy tối đa đặc sủng ấy, các thành phần khác trong Dân Chúa sẽ được nhờ, xã hội và thế giới sẽ được thông phần, và mọi sự đều nhằm làm vinh danh Thiên Chúa nhiều hơn nữa (Ad Majorem Dei Gloriam).
Học viện Thánh Giuse - Dòng Tên Việt Nam, thứ Năm ngày 21/08/2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét