“Hãy đón nhận ơn hoà giải vào trong tâm hồn và chia sẻ ơn ấy cho người khác!”
WHĐ (19.08.2014) – Hai sự kiện cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đều diễn ra tại Seoul vào buổi sáng thứ Hai 18-08: gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Toà Tổng giám mục Seoul cũ lúc 9 giờ và cử hành Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, tại Nhà thờ chính toà Myeong-dong ở Seoul lúc 9 giờ 45. Sau đó, Đức Thánh Cha đến Căn cứ không quân Seoul để trở về Roma. Sau nghi lễ tạm biệt tại đây, chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc chở Đức Thánh Cha và phái đoàn cùng đi đã cất cánh lúc 13 giờ.
Gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo
Đứng trước một bức hoạ các vị tử đạo Hàn Quốc, trọng tâm của chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha chào từng người một, trong đó có Giám mục Anh giáo của giáo phận Seoul, Chủ tịch Giáo hội Luther và lãnh đạo các Giáo hội Trưởng lão. Các vị lãnh đạo Phật giáo và đại diện của các cộng đồng Kitô giáo khác cũng có mặt, cùng với Đức Tổng giám mục Chính thống giáo. Đức Tổng giám mục Chính thống giáo đã tặng Đức Thánh Cha một cây thánh giá Byzantine. Đức Thánh Cha rất hài lòng về món quà này; ngài nói sẽ dùng để ban phép lành cuối lễ (và ngài đã làm như vậy).
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha và được cha John Che-chon Chong S.J.- Tân giám tỉnh Dòng Tên Hàn Quốc, phiên dịch.
Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn cảm ơn anh em vì lòng quý mến mà anh em đã đến đây để gặp tôi. Cuộc đời là một hành trình, một cuộc hành trình dài, nhưng là cuộc hành trình mà chúng ta không được đi một mình. Chúng ta phải cùn gđi với anh chị em mình, trước mặt Thiên Chúa. Vì thế tôi cảm ơn anh em đã cùng đi với nhau trước mặt Thiên Chúa. Đó là điều Chúa đã nói với Abraham. Chúng ta là anh em, chúng ta hãy nhìn nhận nhau là anh em và cùng đi với nhau. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Và xin anh em cũng cầu nguyện cho tôi nữa. Cảm ơn anh em rất nhiều!”
Các quan sát viên về tôn giáo cho rằng mối quan hệ giữa các tín ngưỡng khác nhau tại Hàn Quốc là thân thiện (ít là ở bề ngoài), và hiếm khi xảy ra những căng thẳng như ở những nơi khác trên thế giới.
Điều mà họ không nói, đó là sự thân thiện ấy là kết quả của tinh thần bao dung tôn giáo đáng ca ngợi hay của tình trạng dửng dưng về tôn giáo đang gia tăng. Một cuộc thăm dò mới đây về vấn đề này cho thấy gần một nửa số dân Hàn Quốc không theo bất cứ tín ngưỡng nào.
Tình trạng này giúp ta hiểu được nhiều lời kêu gọi của Đức Thánh Cha dành cho họ: ngài là một khuôn mặt mới trong một không gian đang trống rỗng niềm tin ở Hàn Quốc.
Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải
Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du Hàn Quốc với Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, cử hành tại Nhà thờ chính toà Myeong-dong.
Sau đây là toàn văn bài giảng trong Thánh Lễ:
Anh chị em thân mến,
Chuyến viếng thăm Hàn Quốc của tôi sắp kết thúc, tôi tạ ơn Chúa vì nhiều ơn lành Người đã ban cho đất nước thân yêu này, và đặc biệt cho Giáo hội tại Hàn Quốc. Trong những ơn lành ấy, tôi đặc biệt quý trọng những trải nghiệm tất cả chúng ta đã có trong những ngày mới đây về sự hiện diện của rất nhiều người trẻ hành hương từ khắp châu Á. Lòng yêu mến Chúa Giêsu và sự hăng say của họ trong việc mở rộng Vương quốc của Người đã là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta.
Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là Thánh lễ xin ơn hoà bình và hoà giải này. Lời cầu xin này có một âm vang đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên. Đầu tiên và trước hết, Thánh Lễ hôm nay là lời nguyện xin ơn hòa giải trong gia đình Hàn Quốc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng khi hai hoặc ba người cùng cầu xin điều gì (x.Mt 18,19-20) thì lời cầu xin ấy sẽ có sức mạnh. Vậy khi cả một dân tộc dâng lời nguyện xin chân thành lên trời cao thì lời cầu xin ấy càng thêm mạnh mẽ biết bao!
Bài đọc thứ nhất trình bày lời hứa của Thiên Chúa sẽ khôi phục dân bị phân tán vì tai hoạ và chia rẽ, cho họ được hiệp nhất và thịnh vượng. Đối với chúng ta, cũng như với dân Israel, đây là một lời hứa đầy hy vọng: lời hứa ấy hướng tới một tương lai mà Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta ngay từ bây giờ. Nhưng lời hứa này lại gắn liền với một lệnh truyền: phải trở về cùng Chúa và hết lòng tuân theo luật Ngài (x Dnl 30,2-3). Ơn hòa giải, hiệp nhất và bình an của Thiên Chúa gắn liền với ơn hoán cải, là sự đổi mới tâm hồn, có thể làm đổi thay cuộc sống và lịch sửcủa chúng ta, như những cá nhân và như một dân tộc.
Trong Thánh lễ này, tất nhiên chúng ta nghe lời hứa ấy trong bối cảnh của kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, kinh nghiệm về chia rẽ và xung đột kéo dài đã hơn sáu mươi năm. Nhưng lời mời gọi hoán cải tha thiết của Thiên Chúa cũng thách đố những người theo Chúa Kitô tại Hàn Quốc xem lại mình đã góp phần xây dựng một xã hội thực sự công bằng và nhân đạo ra sao. Lời ấy thách đố mỗi người trong anh chị em suy nghĩ về mức độ mà anh chị em, như những cá nhân và cộng đoàn, bày tỏ mối quan tâm theo tinh thần Phúc Âm đối với những người kém may mắn, những người bị gạt ra bên lề, những người không có công ăn việc làm và những người không được chia sẻ sự thịnh vượng chung của nhiều người khác. Và nó thách đố anh chị em, vừa là Kitô hữu và cũng là người Hàn Quốc, quyết từ khước một não trạng dựa trên ngờ vực, đối đầu và cạnh tranh, và thay vào đó hình thành một nền văn hóa xây dựng trên giáo huấn Phúc Âm và các giá trị truyền thống cao quý nhất của dân tộc Triều Tiên.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Phêrô hỏi Chúa: “Nếu người anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho người ấy bao nhiêu lần? Có phải bảy lần không?” Chúa trả lời: “Thầy bảo con: không phải bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Những lời này đi ngay vào trọng tâm của sứ điệp hoà giải và bình an của Chúa Giêsu. Vâng lệnh Chúa truyền, hằng ngày chúng ta xin Cha trên trời tha tội cho chúng ta, “như chúng con cũng tha cho những người xúc phạm đến chúng con”. Nếu chúng ta không sẵn sàng làm điều này, làm sao chúng ta có thể cầu xin ơn hoà bình và hoà giải một cách trung thực?
Chúa Giêsu đòi chúng ta tin rằng tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi dạy chúng ta tha thứ cho anh em mình không ngần ngại, Người đòi buộc chúng ta thực hiện một điều thật quyết liệt, nhưng Người cũng ban ơn cho chúng ta để làm điều đó. Nhìn theo góc độ con người, điều dường như không thể làm được, không thực tế và thậm chí có khi phản cảm, thì Người đã khiến cho điều ấy có thể làm được và trở nên hiệu quả nhờ quyền năng vô biên của thập giá của Người. Thập giá Đức Kitô tỏ lộ quyền năng của Thiên Chúa có thể hàn gắn mọi chia rẽ, chữa lành mọi vết thương, và tái lập những mối dây liên kết ban đầu của tình huynh đệ.
Vậy, đây là sứ điệp mà tôi để lại cho anh chị em khi tôi kết thúc chuyến viếng thăm Hàn Quốc: Anh chị em hãy tín thác vào quyền năng của thập giá Chúa Kitô! Hãy đón nhận ơn hoà giải vào trong tâm hồn và chia sẻ ơn ấy cho người khác! Xin anh chị em hãy làm chứng một cách thuyết phục về sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô trong gia đình, trong cộng đoàn của anh chị em và ở mọi lĩnh vực đời sống quốc gia. Tôi tin tưởng rằng, trong tình thân hữu và hợp tác với các Kitô hữu khác, với những người theo các tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn Quốc, anh chị em sẽ là men của Nước Thiên Chúa nơi đất nước này. Và lời nguyện xin bình an và hoà giải của chúng ta sẽ bay lên cùng Thiên Chúa từ những quả tim thanh khiết hơn bao giờ hết, và chúng ta sẽ được Chúa ban cho điều thiện hảo quý giá mà tất cả chúng ta đều ước mong.
Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để có những cơ hội mới cho đối thoại, gặp gỡ và vượt qua những khác biệt, để luôn có sự quảng đại trợ giúp nhân đạo cho những ai túng thiếu, và để ngày càng có sự nhìn nhận rằng mọi người Triều Tiên đều là anh chị em với nhau, thuộc về một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất và cùng nói một ngôn ngữ.
Trước khi rời Hàn Quốc, tôi muốn cảm ơn Tổng thống Park Geun-hye, giới chức chính quyền dân sự và Giáo hội, và tất cả những ai góp phần làm nên chuyến viếng thăm này. Đặc biệt tôi muốn gửi lời ca ngợi đối với các linh mục Hàn Quốc, hằng ngày lao động phục vụ Tin Mừng và xây dựng Dân Chúa trong đức tin, cậy, mến. Tôi xin anh em, là những sứ giả của Chúa Kitô và là những thừa tác viên của tình yêu giao hoà của Người (2 Cr 5,18-20),hãy tiếp tục dựng xây những chiếc cầu nối kính trọng, tin tưởng và cộng tác hoà hợp trong các giáo xứ của anh em, giữa anh em, và với giám mục của anh em. Tấm gương yêu mến Chúa không so đo tính toán của anh em, lòng trung tín và dấn thân trong sứ vụ, cũng như lòng bác ái quan tâm đến người nghèo, góp phần rất lớn vào côngcuộc hoà giải và hòa bình tại đất nước này.
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Người và lắng nghe lời Người. Người hứa xây dựng chúng ta trên miền đất còn an bình và thịnh vượng hơn tổ tiên chúng ta được hưởng. Mong sao những người theo Chúa Kitô tại Hàn Quốc biết chuẩn bị cho buổi bình minh của ngày mới, khi đất nước của buổi sáng yên bình này vui hưởng phúc lành an hoà dồi dào của Thiên Chúa! Amen.
Trong phần Lời nguyện chung, Đức Thánh Cha đã thêm một lời cầu bằng tiếng Ý, cầu cho Đức hồng y Fernando Filoni, “người không thể ở đây với chúng ta vì được sai đến với những người dân Iraq đang gánh chịu đau khổ, để trợ giúp các anh chị em của chúng ta bị bách hại và tước đoạt mọi thứ, cũng như tất cả những người thuộc các tôn giáo thiểu số đang chịu đau khổ ở quốc gia này. Xin Chúa ở gần bên Đức hồng y trong sứ vụ của ngài”.
Kết thúc Thánh Lễ, Đức hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giám mục Seoul, dâng lời cám ơn Đức Thánh Cha “tận đáy lòng” về cuộc viếng thăm của ngài: “Đức Thánh Cha đã tỏ cho người trẻ thấy rằng Ngài là vị mục tử tốt lành, đồng hành với họ và đi bên cạnh họ”. Đức hồng y cũng cám ơn “Đức Thánh Cha đã tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo của chúng con là Paul Yun Ji-Chung và 123 người bạn.” Vì thế, ngài nhấn mạnh thêm rằng “từ nay chúng con thấy mình càng có trách nhiệm hơn đối với công cuộc loan báo Tin Mừng ở Hàn Quốc”.
Vũ Bình
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/ngay-thu-nam-chuyen-tong-du-han-quoc-cua-duc-thanh-cha-phanxico/6253.57.7.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét