HỘI ĐỒNG TOÀ THÁNH VỀ GIA ĐÌNH
|
CARITAS QUỐC TẾ
|
Vatican, ngày 24 tháng Hai, 2014
Kính gửi Quý vị Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Gia đình và các Ủy ban Caritas Quốc gia
Đề mục: Góp phần chuẩn bị Khóa họp Ngoại lệ Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình
Chư huynh quý mến,
Chúng tôi cùng ngỏ lời với chư huynh hôm nay, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Gia đình và Cơ quan Caritas Quốc tế, đang khi diễn tiến ở cấp các giáo hội địa phương tương ứng, công cuộc chuẩn bị Khóa họp Ngoại lệ THĐGM về Gia đình do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập, từ ngày 5 đến ngày 19 tháng Mười năm nay.
Chúng tôi coi sáng kiến này của Đức Thánh Cha mang tính cách tiên tri một cách diệu kỳ, và nhan đề của tài liệu dự bị,“Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hóa”, cho thấy tầm quan trọng của trách vụ chúng ta phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng này của Giáo hội.
Đây là lời mời gọi toàn thể Giáo hội và hết mọi người nam nữ thiện chí hãy nhìn xem gia đình như ý muốn của Đấng Tạo Hóa, hãy tái khẳng định vị trí hàng đầu của gia đình, hãy đương đầu bằng lòng dũng cảm và sự cương quyết trước những thách đố đối với gia đình, vào thời kỳ lịch sử hiện đại được ghi dấu bởi sự khủng hoảng xã hội, tinh thần và luân lý đang đe dọa một định chế sinh tử và thiết yếu đối với tương lai Giáo hội và xã hội.
Trong đường hướng mục vụ, tài liệu dự bị này làm nổi bật lên một số thách đố gia đình ngày nay đang phải đương đầu, với những vấn đề rất đáng phân tích và tìm hiểu. Những giải đáp tìm ra được sẽ cho phép tái khẳng định, chúng tôi tin chắc như thế, rằng gia đình là trọng tâm của đời sống Kitô và đời sống xã hội.
THĐGM vừa qua đã chú tâm đến công cuộc “Tân Phúc-Âm-hóa” và Đức Thánh Cha cũng vừa công bố Tông huấn“Niềm Vui Phúc Âm”, mời gọi mọi phần tử trong Giáo hội tích cực tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng và phải thực hiện việc đó trong niềm vui !
Thế mà, những người nghèo lại là những người được đặc quyền đón nhận Tin Mừng cứu độ. Vì: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó. Người đã sai tôi đi chữa lành những ai bị tan nát cõi lòng, để công bố cho những ai bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4, 18).
Thế giới ngày nay vẫn đang còn những người nghèo khó mặc dù những tiến bộ đã đạt được trong hầu như mọi lãnh vực của đời sống. Quả thực, hàng triệu người vẫn còn sống trong cảnh khốn cùng và chỉ thấy đau khổ và bị bóc lột: chiến tranh vẫn đè nặng lên đầu lên cổ dân chúng và gây nên những tổn thất về sinh mạng vì những lý do chính trị, ý thức hệ hoặc kinh tế; sự xâm phạm mạng sống con người, từ lúc tượng thai đến lúc kết thúc tự nhiên, vẫn không ngừng xảy ra; tương quan mất quân bình với thiên nhiên và sự khai thác quá đáng nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn luôn khiến ta phải xót xa hay sự khủng hoảng kinh tế nhận chìm biết bao con người vào cảnh tuyệt vọng đến mức khiến sự sống của họ và của gia đình họ phải lâm nguy như ta thấy hằng ngày với những nạn nhân phải chết trên đường di cư, v..v..
Thậm chí có cả “cái nghèo hạng nhất của các dân tộc” mà theo Mẹ Têrêsa, là sự không biết Đức Kitô!
Đức Thánh Cha Phanxicô, chỉ vài ngày sau khi đắc cử, đã cho chúng ta biết rằng ngài đã nghe thấy một lời kêu gọi thúc bách “Đừng quên những người nghèo!” hằng thôi thúc chúng ta mỗi ngày phải dấn thân thay đổi đời sống những anh em nghèo khó nhất, và điều đó chúng ta thấy dường như chính là một trong những sứ điệp được loan đi qua Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Khóa họp THĐGM mà vị Giám mục Roma chủ trì trong tình yêu mến của tất cả các giáo hội, vừa được triệu tập với chủ đề gia đình, chắc chắn là một trong những thời điểm mạnh mẽ của giáo triều ngài. Do quyết định của ngài, ngài dường như nói với Giáo hội rằng: việc loan báo Tin Mừng ngày nay không thể nào quan niệm được nếu không có một sự chú tâm và một sự ân cần mục vụ được đổi mới đối với gia đình, và đặc biệt những gia đình lâm cảnh nghèo khó dưới mọi hình thức.
Công cuộc chuẩn bị khóa họp THĐGM sắp tới mang lại cơ hội cho tất cả mọi sức lực sinh động của Giáo hội trên khắp hoàn cầu, để nghiêng mình xuống những dạng thức nghèo khổ ghê gớm nhất còn đang đè nặng trên hàng triệu gia đình trên thế giới. Chẳng hạn như nạn đói (nhưng không phải chỉ như chúng ta vừa gợi lên ở trên kia), sự ô nhục giáng xuống luôn luôn gần một tỷ người, trong khi có quá đủ lương thực cho tất cả mọi người, như mới đây Đức Thánh Cha vừa nhắc nhở khi ngài dành tất cả sự ủng hộ của ngài cho cuộc chiến chống lại nạn đói và cho quyền được có lương thực được Caritas Quốc tế phát động ngày 10 tháng Mười Hai năm ngoái.
Việc xem xét những dạng thức nghèo khổ đang làm biến dạng và đe dọa gia đình ngày nay trong những bối cảnh rất khác nhau và tại những nơi truyền giáo, phải được đề cập đến trong chương trình nghị sự của THĐGM, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị này. Việc này sẽ có thể hướng dẫn toàn thể Giáo hội, và cũng đã đến thời điểm phải diễn tả lại một cách mới mẻ và / hoặc tư duy lại, giữa bao nhiêu điều khác, sự hiện diện và vai trò của Giáo hội trong bối cảnh xã hội hiện thời. Việc này cũng có thể truyền một động lực mới cho việc thực thi đức ái nhờ Giáo hội và trong Giáo hội, mang lại cho việc thực thi đó một nội dung mục vụ cụ thể, tổ chức việc thực thi đó ở mọi cấp bậc của đời sống Giáo hội và thực sự làm nên từ đó một trong những “trụ cột của công cuộc Phúc-Âm-hóa” như Đức Bênêđictô XVI đã nhắc nhở khibế mạc Khóa họp THĐGM về Tân Phúc-Âm-hóa.
Chư huynh đáng kính,
Như chư huynh hẳn đã cảm nhận thấy điều này, mục đích của thư này là mời gọi chư huynh ghi chủ đề “Gia đình và nạn nghèo khó” vào số các vấn đề cần suy tư tìm hiểu của các cộng đoàn trong giáo phận của chư huynh, để góp phần chuẩn bị cho THĐGM sắp tới.
Đây là một chủ đề phức tạp. Một trong những chìa khóa để đề cập đến vấn đề này là khởi đi từ vai trò của gia đình như một nơi thích hợp và từ nạn nghèo khó như một yếu tố phá hoại sự ổn định, bên cạnh bao yếu tố (phá hoại) khác. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội, mang tính tất yếu, tối cần thiết cho sự tồn tục của xã hội. Gia đình là nơi truyền đạt các giá trị, nơi tập sự đời sống văn hóa và xã hội, và nơi để trẻ hội nhập vào xã hội và Giáo hội. Sự lành mạnh của một xã hội tùy thuộc vào sự lành mạnh của gia đình và khả năng gia đình đóng góp cho phúc lợi chung. Khi gia đình đau yếu, xã hội cũng yếu đau, và khi xã hội yếu đau, gia đình sẽ bị tác hại. Gia đình tuyệt đối là môi trường cho quá trình xã hội hóa tình liên đới. Trẻ chứng kiến cha mẹ chia sẻ, hiến tặng và quan tâm đến những người khác sẽ có thể lại tạo ra những giá trị như thế. Chúng ta đã được xem thấy cách đây mười năm trong lúc xảy ra thảm họa sóng thần, các trẻ em đã bị xúc động thế nào trước những biến cố ấy, đã mủi lòng ra sao trước sự đau khổ và đã diễn tả thế nào lòng trắc ẩn của chúng theo cách của chúng.
Trong một thế giới dửng dưng và vô tâm đối với tha nhân, gia đình phải góp phần giáo dục cho trẻ về tình liên đới. Cần phải nâng cao vai trò sư phạm của gia đình để cho tất cả mọi thành viên gia đình, nhất là trẻ em, luôn nhớ rằng: không ai có quyền hưởng thụ hạnh phúc một mình, và trái lại, phải nhớ rằng “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35b).
Hiện tượng nghèo khó như ta thấy ở hầu khắp mọi nơi thể hiện qua ít nhiều dấu chỉ, chẳng hạn: những cá nhân hay tập thể sống trong cảnh lẻ loi cô lập, sự mất niềm hy vọng, cảm giác bất lực hoặc bị loại trừ, sự thất học và thiếu hiểu biết của trẻ em, nạn thất nghiệp, sự sống hỗn tạp và nơi ở tuềnh toàng, sự bấp bênh và sự thiếu thốn những cái tối thiểu, không được chăm sóc y tế, cuộc sống không có ngày mai, bị khai thác bóc lột cả về mặt tình dục, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em, hoặc là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc hoặc phân biệt đối xử, v.v...
Tất cả những điều đó khiến cho sự nghèo khó trở thành một cái vòng lẩn quẩn đôi khi do nguyên nhân kinh tế, nhưng lại có những hệ quả về mặt xã hội, tâm lý và văn hóa không tương xứng với nhân phẩm là trọng tâm của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Hội Thánh.
Sự nghèo khó chắc chắn khiến cho tế bào gia đình trở nên mong manh và là mối đe dọa cho chính sự tồn tại của gia đình. Nâng đỡ và củng cố các gia đình để làm cho các gia đình khó bị tổn thương hơn trước những tấn công về mặt đạo đức, tinh thần, xã hội, văn hóa và kinh tế, đề cao vai trò của các bậc cha mẹ và giúp cho họ thực thi trách nhiệm kể cả trong lãnh vực kinh tế, vốn cũng thuộc những thách đố mục vụ đối với Giáo hội hôm qua và cả ngày nay nữa.
Hơn nữa, chăm sóc mục vụ những gia đình đang lâm cảnh nghèo khó cùng cực là một sự khẩn trương về mục vụ quan trọng vốn thách đố trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo mục vụ của chúng ta, đặc biệt trong những nước ở phía Nam, tại đó sự yếu nhược mong manh về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa khiến cho nhiều gia đình dễ bị các giáo phái tấn công. Một số giáo phái hứa hẹn cho họ một thiên đàng dưới đất này! Những giáo phái khác lại giam hãm những người nghèo trong một thứ mặc cảm tội lỗi, bằng cách làm cho họ tin rằng: sở dĩ họ nghèo khổ là vì lỗi của họ, coi đó là hình phạt của Thiên Chúa!
Cũng nên nhận biết rằng các gia đình lâm cảnh nghèo khó rất thường là những nạn nhân theo lối nhìn tiêu cực gắn vào họ, kể cả qua và trong những cộng đoàn đức tin.
Khóa họp THĐGM khi còn đang ở trong giai đoạn chuẩn bị hay khi đang tiến hành hội nghị cũng đều là thời điểm của hoán cải. Đừng bao giờ quên rằng Chúa chúng ta đã đồng hóa mình với những người nghèo khó vì Ngài đã phán dạy rằng: “Mỗi khi chúng con làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây, chính là các con làm cho Ta vậy” (Mt 25, 40). Hay lời Ngài phán: “ Sao-lô, Sao-lô, sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9, 4).
Kitô hữu cần phải luôn ghi nhớ trong tâm trí mình sự kiện chính Thiên Chúa đã đích thân nhập thể và nhập thế trong một gia đình, hơn nữa, một gia đình nghèo khó! Dửng dưng đối với người nghèo chính là dửng dưng đối với chính Thiên Chúa!
Nhiều giáo hội địa phương đã dành cho gia đình một ưu tiên về mục vụ từ nhiều năm nay. THĐGM sắp tới chẳng phải cũng là dịp tính sổ, không phải chỉ liên quan đến những tiến bộ đã hoàn thành, nhưng cũng còn để nhắm tới một khởi đầu mới ư?
Ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và tại một số nước châu Á, chẳng hạn như Philippines, kinh nghiệm những cộng đoàn Kitô cơ bản được diễn tả lại một cách mới mẻ như là môi trường phát triển và Phúc-Âm-hóa từ gia đình và qua gia đình. Những cộng đoàn này tự đòi hỏi và luôn luôn là môi trường có đặc ân để sống tình huynh đệ và tình liên đới theo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy chúng ta hành động để bảo vệ phẩm giá và căn tính của gia đình cũng như bảo vệ gia đình chống lại những mối đe dọa ý thức hệ và những nguy cơ khác, bằng cách khẳng định những giá trị luân lý, tinh thần, văn hóa, nhân bản, tự nhiên vốn thiết lập nên gia đình, bằng cách tố cáo và hành động chống lại những hiểm họa đang đè nặng trên gia đình, trong đó có nạn nghèo khó dưới mọi hình thức.
Trong giai đoạn chuẩn bị và nhân dịp Khóa họp THĐGM sắp tới, cần phải:
– Tổ chức và tăng cường đời sống cộng đoàn giáo hội cơ bản để trở về hay tiếp tục cùng nhau tiến tới trong sự cầu nguyện và chia sẻ như các Kitô hữu đầu tiên đã làm.
– Tăng cường mối liên kết giữa mục vụ gia đình và mục vụ xã hội để các gia đình cực kỳ nghèo khổ được đón nhận và nâng đỡ nhờ những sáng kiến thăng tiến con người trong tinh thần liên đới.
– Thúc đẩy hành động xã hội mang tính tập thể trong các giáo phận của chúng ta để đem lại sự trợ giúp cho các gia đình cần được trợ giúp.
– Tổ chức những môi trường phù hợp cho các gia đình rất nghèo hay tuyệt đối nghèo khổ để giúp họ phát triển những tiềm năng nơi họ mà cuộc sống ngoài lề xã hội đã khiến cho không thể nảy nở được.
– Kêu gọi công quyền và đề nghị những giải pháp thích đáng nhằm tạo thuận lợi cho các gia đình có thể thỏa mãn những nhu cầu cơ bản.
– Đặc biệt quan tâm đến những trẻ là con cái những gia đình nghèo khó để chúng được đến trường hoặc những cơ sở giáo dục ở mọi trình độ.
– Đừng bỏ quên những người cao niên vốn phải được đối xử với sự kính nể và lòng nhân đạo, cũng như sự khôn ngoan và hiểu biết của họ cần phải được trân trọng.
– Tổ chức tiếp nhận trong sự tôn trọng nhân phẩm, những phụ nữ và thiếu nữ, nhất là các chị em là nạn nhân của sự bóc lột và nạn buôn người, mà đôi khi thường bị phó mặc cho số phận và phải tự nuôi con một mình.
Chúng tôi hy vọng lời kêu gọi của chúng tôi sẽ được chư huynh tiếp nhận và những ý kiến này sẽ hữu ích cho chư huynh trong việc chuẩn bị cho các tín hữu và các tác nhân cho công cuộc Phúc-Âm-hóa cho THĐGM sắp tới.
Với sự cam đoan hết lòng tận tụy của chúng tôi trong Chúa và Đức Mẹ.
+ Giám mục Vincenzo Paglia
Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình
|
+ Hồng y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga
Chủ tịch Caritas Quốc tế
|
Hội đồng Toà Thánh về Gia đình & Caritas Quốc tế
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/thu-gui-cac-chu-tich-uy-ban-giam-muc-ve-gia-dinh-va-cac-uy-ban-caritas-quoc-gia/5856.115.3.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét