Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Các vị hồng y phát biểu nhân dịp kỷ niệm một năm lên ngôi của Đức Phanxicô


Hôm nay, nhân kỷ niệm một năm lên ngôi giáo hoàng của Đức Phanxicô, nhà báo John Allen của tờ Boston Globe có phỏng vấn một số vị Hồng Y. 

Nhà báo này cho rằng trong một năm qua, Đức Phanxicô đã làm cả thế giới chú ý qua tác phong thích làm những điều nhiều người cho là khó có thể xẩy ra: không thích ở trong tông điện, phong thái cá nhân thì hoàn toàn thân mật, lời nói khiến người ta thán phục như câu bất hủ “Tôi là ai mà dám phê phán?” khi nói về người đồng tính. Ngài rất bình dân đối với người Công Giáo bình thường và có lẽ là vị giáo hoàng tiếng tăm nhất trong các giới không phải là Công Giáo, kể cả các giới thế tục nơi người ta quen phê phán giáo hoàng hơn là ca ngợi. 

Rõ ràng, Đức Phanxicô, 77 tuổi, đã thay đổi hẳn cách người ta tường thuật về Đạo Công Giáo. Một cách có chất lượng, ngài đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh bạo hướng tới việc cải cách và tái định hướng Giáo Hội để trở thành một trung tâm chính trị và văn hóa sau nhiều năm bị coi là dật dờ muốn hướng về một chủ trương cứng rắn hơn.

Vì các lý do trên, thước đo ảnh hưởng của ngài vượt quá cả cơ cấu quyền hành của Giáo Hội Công Giáo. Dù thế, nhiều quan sát viên không thể không thắc mắc không hiểu 114 vị Hồng Y từng bầu con người bất quy ước này lên Tòa Phêrô ngày nay nghĩ sao về ngài. 

Đây không hẳn chỉ là quan tâm sử học, vì nó đụng tới vấn đề liệu Đức Phanxicô có thành công hay không trong cố gắng định chế hoá các viễn kiến của ngài. Nếu các cố vấn cao cấp nhất của ngài không hợp tác, cơ may thành công của ngài chắc chắn cần rất nhiều thời gian hơn.

Vì thế trong tháng Hai và tháng Ba này, John Allen đã thưa chuyện với hơn mười vị Hồng Y khắp thế giới về chủ đề trên. Dựa vào một mẫu thăm dò không có tính khoa học, ông có cảm tưởng phản ứng của các vị pha lẫn giữa thoả mãn và ngạc nhiên. Thực vậy, một số vị cho là áp huyết của mình lên cao, nhưng ít vị nào tỏ ý ân hận cả, có lẽ một phần vì một vị giáo hoàng nổi tiếng bao giờ cũng làm cho cuộc sống các vị ra thoải mái hơn. 

Không bao giờ mong chờ một siêu sao

Ít vị Hồng Y nào dự phóng được cung cách đức tân giáo hoàng sẽ nắm được óc tưởng tượng của thế giới, hay nắm được nó cách nhanh chóng đến thế. 

Được hỏi một năm trước đây, ngài có tiên báo được việc đức tân giáo hoàng sẽ nhận được mức ủng hộ vĩ đại như hiện nay, được cả tờ Rolling Stone đăng hình trên trang bìa hay không, Đức HY Daniel DiNardo của Galveston-Houston, Phó Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ, đã trả lời dứt khoát hơn bao giờ hết rằng “Không, không, nhất định không”.

Đức HY Timothy Dolan của New York nói rõ hơn: “Chúng tôi biết chúng tôi đã chọn một người của người nghèo, và chúng tôi cũng biết chúng tôi đã chọn một quản trị viên giỏi. Nhưng chúng tôi không hề nghĩ mình đã chọn một siêu sao nhạc rock”. 

Cảm nghiệm của Đức HY Dolan khá chung với nhiều giáo phẩm khác. Ngài tường trình rằng trong các cuộc phỏng vấn của truyền thông vào hôm nay, các câu hỏi nói chung không còn nhắm vào các linh mục ấu dâm nữa, hoặc về việc trừng phạt các nữ tu hay các cuộc tranh chấp chính trị gây thương tích bên trong Vatican nữa. Thay vào đó, là những tìm hiểu để khen ngợi về đức tân giáo hoàng. 

Các vị Hồng Y cũng cho hay: các chính trị gia và các nhà ngoại giao ít nghiêng về hướng thù nghịch Giáo Hội hơn, vì không ai muốn đứng ở hướng đối nghịch với vị giáo hoàng nổi danh; vả lại, khi họ trà trộn vào đám đông, dù là ở ngoài phạm vi thánh đường, họ đều thấy ai ai cũng hân hoan cả. 

Đức HY DiNardo cho biết: một vị lãnh đạo nổi tiếng của Tin Lành tại Houston gần đây có nói với ngài: “tôi có cảm giác ngài cũng là giáo hoàng của chúng tôi nữa”. Đức HY Dolan nói rằng mỗi lần gặp gỡ các giới chức Do Thái Giáo tại New York, bao giờ ngài cũng nghe họ nói: “chúng tôi mến vị giáo hoàng này!”. 

Các vị Hồng Y, nói chung, không ngạc nhiên chi. Vì những gì Đức Phanxicô làm đều phản ảnh hoài mong của các ngài. 

Thí dụ các ngài đã quen thuộc với tiếng tăm của Đức Phanxicô hồi còn ở Á Căn Đình, trong tư cách một giám mục gần gũi dân nghèo; đây là một đặc điểm chủ yếu trong một Giáo Hội có tới 2/3 trong số 1.2 tỷ giáo dân sống tại các quốc gia đang phát triển. Các ngài cũng biết rằng nói về việc quản trị thực tiễn, Đức HY Jorge Mario Bergoglio vốn là một nhà lãnh đạo thành công. 

Về phương diện trên, Đức HY Sean P. O’Malley của Boston, khi tóm lược tâm tư của các vị HY có về Đức HY Bergoglio lúc vào Cơ Mật Viện, đã cho hay: “Chúng tôi biết ngài là người của tin mừng xã hội, và chúng tôi cũng biết ngài là người dám nghĩ dám làm”. 

Đức HY Peter Turkson của Ghana, người hiện đứng đầu Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình, cho hay ngài từng gặp mặt Đức HY Bergoglio lúc đến thăm Á Căn Đình trước khi ngài được bầu và rất khân phục cách ăn mặc hết sức “khắc khổ” của ngài, và cách sống không một chút lòe loẹt sang trọng. Đức HY cho hay: “Tôi không tiên đoán được các chi tiết việc ngài sẽ làm. Nhưng tôi không thể nói tôi hoàn toàn ngạc nhiên”. 

Không phải chỉ là phong cách

Ngay sau khi Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, người ta đã đặt câu hỏi liệu có phải ảnh hưởng của ngài chỉ có tính phong cách hơn là thực chất hay không. Đức HY Dolan kể lại một câu truyện từ những ngày đầu tiên ấy nhắm trả lời câu hỏi này. Đức HY Dolan cho hay: “Chúng tôi đã sẵn sàng cử hành Thánh Lễ buổi sáng sau ngày ngài được bầu. Lúc ấy, Đức Phanxicô bước vào với chiếc áo alba riêng [áo trắng các linh mục thường mặc cử hành các buổi phụng vụ] và ngài rũ áo tính để mặc” thì các viên chức Vatican vội bao quanh ngài và bắt đầu “lên lớp” cách thức cử hành nghi lễ. Một cách hiền từ nhưng cương quyết, Đức Phanxicô xua họ đi khỏi, vừa xua vừa bảo “Không sao, tôi đã cử hành Thánh Lễ suốt 50 năm qua. Đâu sẽ vào đó cả”. Sứ điệp của ngài, theo Đức HY Dolan, là: “tôi biết việc mình làm”. 

Sau 12 tháng, cái thoáng nhìn cho thấy sự tự tin đó quả có tính tiên tri. Trong những vấn đề khó khăn về chính sách, Đức Phanxicô còn đi xa và đi nhanh hơn các người ủng hộ ngài nhất cũng không dự đoán được. 

Thí dụ, gần đây, Đức Phanxicô đã khiến nhiều người lẩm bẩm khi tạo ra Văn Phòng mới đặc trách Kinh Tế, trao cho Văn Phòng này trọn quyền áp đặt kỷ luật tài chánh và giám sát sự trong sáng và tính khai báo của mọi phòng sở. 

Để điều khiển văn phòng này, ngài đã cử Đức HY George Pell, một người Úc cứng rắn, không những có viễn kiến mà còn có bộ xương sống cứng cáp đủ để đại tu mọi khuôn mẫu làm ăn đã thành cố thủ lâu nay.

Dù việc quản lý tiền bạc không có sức lôi cuốn giới truyền thông bằng việc mời mọc người vô gia cư như Đức Phanxicô từng làm, nhưng khó tưởng tượng có vị giáo hoàng nào lại đưa ra một thách thứ như thế đối với các giáo phẩm “lão thành” thủ cựu. Về phương diện này, Đức HY Pell cho Allen hay: “không ai tiên đoán được là ngài lại đưa ra một cú như thế đối với thế giới. Nhiều người Ý không bao giờ ngờ được rằng ngài lại cải tổ hệ thống tài chánh cả”. 

Không phải người cánh hữu

Đối với nhiều vị Hồng Y, phát hiện thực sự về Đức Phanxicô là ngài không hề là một người bảo thủ về tín lý mà các ngài tưởng mình đã bầu lên. Bên ngoài một số giới nhỏ gồm các đồng hương Á Căn Đình ra, việc hiểu biết xu hướng ý thức hệ của Đức Bergoglio phần lớn dựa vào hai yếu tố trong tiểu sử của ngài. 

Thứ nhất, việc ngài mất “ân sủng” với Dòng Tên trong thập niên 1970 nhân vụ thần học giải phóng, một trào lưu trong Đạo Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh. Trào lưu này tìm cách đặt Giáo Hội về phía người nghèo. Phần lớn vì sợ rằng trào lưu này sẽ thúc đẩy người Công Giáo tới chỗ ủng hộ cuộc nổi loạn có vũ trang, như phong trào du kích Montoneros tại Á Căn Đình chẳng hạn, nên Đức Bergoglio tỏ ra nước đôi.

Thứ hai, Đức HY Bergoglio ở thế công khai kình chống chính phủ phe tả của Á Căn Đình dưới sự lãnh đạo của TT Cristina Kirchner vào năm 2010 khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên của Châu Mỹ La Tinh hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính dù Giáo Hội Công Giáo cực lực phản đối. 

Tuy nhiên trong cương vị giáo hoàng, Đức Phanxicô tỏ ra ôn hòa hơn, vì hồi tháng Chín, trong một cuộc phỏng vấn, ngài cho hay: “tôi chưa bao giờ là người cánh hữu cả”. 

Ngài nhấn mạnh: dù không thay đổi tín lý, ngài chấp nhận một lập trường nhân từ hơn đối với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, và đã mở cửa cho nhiều cuộc tranh luận về các vấn đề như cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn dù không có tuyên bố vô hiệu được phép lãnh các bí tích.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Ý Corriere della Sera và nhật báo Á Căn Đình La Nacion, Đức Phanxicô cũng ngưng ngang không hoàn toàn bác bỏ các cuộc phối hợp dân sự của những cặp đồng tính, vì cho rằng “các trường hợp khác nhau cần được lượng giá trong tính đa dạng của chúng”. 

Đức HY Thomas Collins của Toronto công nhận rằng có những thời điểm trong đó cách dùng từ gần như tùy tiện (casual) và tinh thần cởi mở của Đức Giáo Hoàng đã tạo nên nhiều cuộc đau tim. Đức HY Collins cho hay: “Có những điều khó có thể giải thích”. Đức HY đặc biệt nhắc tới các tựa đề nhân cuộc phỏng vấn hồi tháng Mười của tờ báo cánh tả của Ý: “Thiên Chúa không phải là người Công Giáo”. 

Tuy thế, Đức HY Collins cho hay: khi đọc trọn bản văn của cuộc phỏng vấn, ngài thấy không có gì phải lo âu cả. Ngài bảo: “Đọc trọn bản văn, ông sẽ thấy nó rất hay. Dĩ nhiên, ông phải chịu khó để tìm ra ngữ cảnh chính xác, nhưng ngữ cảnh ấy luôn có đó”. 

Đức HY DiNardo nói rằng tính bất cần thủ tục và thiếu giả đò của Đức Giáo Hoàng lâu rồi thành quen thuộc. Ngài kể một câu truyện về cuộc họp hai ngày giữa các Hồng Y và Đức Giáo Hoàng tại Rôma cuối tháng Mười Một vừa qua. Trong giờ giải lao uống cà phê, ngó quanh, ngài thấy Đức Phanxicô cũng xếp hàng chờ đến lượt mình lãnh tách cà phê giống mọi người khác. Đức HY bảo: “Bạn vừa sốc vừa bối rối, nhưng ngài bảo mọi người đó là điều ngài muốn làm”. Tuy nhiên, theo Đức HY, nhiều vị Hồng Y có óc bảo thủ thấy điều ấy quá đáng. “Có những vị phát biểu: há không khôn ngoan sao khi Đức Giáo Hoàng có đôi chút ưu tiên? Các vị này tiếc nuối các dấu hiệu âu yếm và tôn kính xưa dành cho ngôi vị này”. 

Thế nhưng, Đức HY DiNardo cho hay: phong cách thư thái của Đức Phanxicô không hề có nghĩa ngài nước đôi đối với quyền hành của ngài hay ý muốn sử dụng nó của ngài”. Đức HY nói thêm: “Tôi chưa bao giờ biết có vị giáo hoàng nào nếu thực sự nghĩ mình phải sử dụng quyền tài phán phổ quát mà lại sợ không dám sử dụng. Tuy nhiên, vị giáo hoàng này thì không hề sợ sệt chút nào”

Ít vị muốn quay ngược lại

Dù là đọc được tâm tư bí ẩn đàng sau các phát biểu trên, Allen cho rằng ấn tượng chung cho thấy các vị Hồng Y, dù muốn nghĩ sao thì nghĩ, nhưng nhất định không chịu vặn ngược lại kim đồng hồ.

Như Đức HY Gérald Lacroix, giáo chủ Québec, chẳng hạn, vốn được nhiều người coi như vị giáo phẩm “duy tục” nhất của Bắc Mỹ, cũng phải thừa nhận Đức Phanxicô là một người thu hút (a hit). “Người Québec ai cũng mến ngài”. Đức HY Lacroix cho biết mới đây ngài có cho một tờ báo lớn phỏng vấn. Tờ báo này có thói quen chỉ trích Giáo Hội. Sau cuộc phỏng vấn, chủ bút tờ báo nói với ngài “nếu Đức Giáo Hoàng của Đức HY tiếp tục làm điều ngài đang làm, thì ngài sẽ chiếm được chúng tôi”. Ông ta muốn nói tờ báo sẽ xã luận thuận lợi đối với Giáo Hội. 

Được hỏi xem ngài có chịu đổi cách bước vào thế giới duy tục để lấy sự chính xác hơn về tín lý không, Đức HY trả lời không chút hàm hồ: “Ông đùa dỡn với tôi đó hả?”

Cũng trong chiều hướng trên, Đức HY Vincent Nichols của Westminster, Anh Quốc, cho hay sức lôi cuốn của Đức Phanxicô xem ra đã vươn tới cả các giới trong xã hội xưa nay vẫn thù nghịch nhất đối với Giáo Hội. Ngài bảo: “Đức GH Phanxicô đã xoay chuyển được nhận thức của người ta về Giáo Hội Công Giáo. Ngài làm được điều đó một phần nhờ chính sách cố ý nói bằng hành động, vì khó mà luận lý chống lại hành động được”. 

Bên ngoài Tây Phương, nhiệt tình đối với Đức Phanxicô còn lớn hơn nữa. Như Đức Chibly Langlois chẳng hạn, vốn là một trong 19 tân Hồng Y vừa được Đức Phanxicô tấn phong hồi tháng Hai vừa qua và là vị Hồng Y đầu tiên của Haiti, nước nghèo nhất Châu Mỹ. Đức HY cho Allen hay “Người Haiti là người cần được giúp đỡ, có lẽ vậy, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, họ cần được nghe. Đức GH Phanxicô đang làm cho chúng tôi được nghe biết”. 

Đức HY Turkson của Ghana nói rằng Đức Phanxicô đang rất thành công tại khắp Châu Phi, một phần vì ngài có khả năng diễn dịch quan tâm của Giáo Hội đối với người nghèo thành một ngôn ngữ đầy xúc cảm đồng thanh tương khí với người tầm thường, như khi ngài hỏi một đoàn chủng sinh xem họ có bao giờ khóc cho một người nghéo không. Đức HY cho hay: “Nhiều người Châu Phi cảm nhận đây là một vị giáo hoàng biết quan tâm”. 

Bất chấp hành vi khởi đầu đáng lưu ý trên của Đức Phanxicô, một số vị Hồng Y tin rằng vẫn còn nhiều việc chưa được thực hiện và hào quang chung quanh Đức Phanxicô sẽ được thử nghiệm qua một số vấn đề chính nay mai. Đức HY O’Malley, chẳng hạn, nói rằng Đức Phanxicô biết rõ các tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em nghiêm trọng ra sao đối với Giáo Hội Công Giáo, nhưng nói thêm “tôi không nghĩ ngài đã có kế hoạch đương đầu với chúng ra sao”. 

Tuy nhiên, nói chung, các phê phán rất tích cực. Ngay các vị Hồng Y nhận mình phải “giả vờ không thấy” một số lời nói và một số hành động của Đức Phanxicô, cũng coi sức sống mới do Đức Phanxicô mang tới cho Giáo Hội là ơn phúc Chúa ban. Đức HY Donald Wuerl của Washington D.C. cho hay: “điều ta vốn tin đã được xác nhận, đó là nếu bạn mở cõi lòng mình ra, thì Chúa Thánh Thần sẽ hành động qua bạn. Điều này vẫn đang diễn ra”


Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/122007.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét