Phỏng vấn Đức Cha Jan Franciszek Watroba, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan
Hồi đầu tháng 2 năm 2014 các Giám Mục Ba Lan đã về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngày thứ tư 5-2-2014 các vị đã tham dự buổi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến chung tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Chào các Giám Mục Ba Lan Đức Thánh Cha đã xin các vị chuyển lời chào thăm của ngài tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ của Giáo Hội Ba Lan. Ngài nói: ”Tôi bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của tôi cho anh em và những người mà Chúa đã tín thác cho sự chăm sóc của anh em. Xin anh em cũng cều nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh em và cho Giáo Hội Ba Lan.” Đề tài chính được các Giám Mục Ba Lan đề cập tới trong các ngày viếng thăm tại Roma là tình hình của các gia đình.
Nhận xét về cuộc gặp gỡ của các Giám Mục Ba Lan với Đức Thánh Cha Phanxicô Đức Cha Piotr Libera, Giám Mục Plock, cho biết đó đã là một cuộc gặp gỡ rất đơn sơ và rất huynh đệ. Mở đầu cuộc gặp gỡ Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Cracovia đã trình bầy tình hình của Giáo Hội Ba Lan, tình hình của các Giáo Tỉnh. Sau đó Đức Thánh Cha đã ngỏ lời và mời chúng tôi đặt câu hỏi. Và chúng tôi đã bắt đầu đưa ra một loạt các câu hỏi và các suy tư, bắt đầu với tình hình của các gia đình ngày nay, rồi tới các vấn đề của số sinh giảm sút và các kiểu khủng hoảng khác nhau trong gia đình. Chúng tôi cũng đã đề cập tới vấn đề rất quan trọng là việc tái truyền giảng Tin Mừng. Liên quan tới vấn đề này tôi đã đưa ra một câu hỏi, đó là: ”Làm thế nào để để cho mục vụ gia đình của chúng tôi trong các Giáo Hội địa phương mang tính cách rao truyền giáo lý Tin Mừng hơn? Bởi vì việc rao truyền giáo lý Tin Mừng gặp khó khăn. Các linh mục cao niên không quen với kiểu giảng rao truyền Tin Mừng này. Đôi khi họ hơi khép kín. Cũng có thể nói rằng các vị hơi sợ hãi sự mới mẻ này một chút, liên quan tới đề tài tập rao truyền giáo lý Tin Mừng”. Đức Thánh Cha đã trả lời một cách đơn sơ rằng cần phải bắt đầu từ các chủng viện: các chủng sinh phải tập có tinh thần truyền giáo. Rồi Đức Thánh Cha chuyển sang đề tài giảng: phải giảng như thế nào, ngày nay phải giảng dậy ra sao. Ngài nói rằng các bài giảng không nên dài qúa. Đức Giám Mục tổng tuyên úy quân đội Ba Lan thì trình bầy tình hình khó khăn của các binh sĩ Ba Lan từ Afghanistan trở về quê hương, rất thường khi họ mang theo biết bao nhiêu vết thương nội tâm. Và ngài hỏi Đức Thánh Cha làm sao có thể giúp đỡ họ. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác mục vụ cho các quân nhân gặp khó khăn trong việc hội nhập xã hội và thành lập một gia đình tốt. Sau cùng chúng tôi đã một lần nữa mời Đức Thánh Cha viếng thăm Ba Lan và chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.
Đức Cha Wojciech Polak, Giám Mục phụ tá giáo phận Gniezno và là Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, thuộc nhóm cuối cùng về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, thì cho biết các Giám Mục rất hài lòng về chuyến viếng thăm và gặp gỡ Đức Thánh Cha và sống tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Các vị đã sống kinh nghiệm tình yêu thương hiền phụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các lời khích lệ của ngài đã trao ban can đảm và hướng dẫn cho tương lai. Giáo Hội tại Ba lan đang phải sống các thách đố của thế giới ngày nay, nhất là các thách đố liên quan tới sự sống con người, việc bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, cũng như việc bảo vệ gia đình. Đó là tất cả các vấn đề mục vụ quan trọng đối với xã hội. Các Giám Mục đã được củng cố bởi các lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha cũng như bởi các cuộc gặp gỡ với các Bộ và cơ quan khác nhau của Trung Ương Tòa Thánh. Sự tiếp đón nồng hậu cũng khích lệ chúng tôi đề ra chương trình cho các dự án mục vụ củng cố Giáo Hội Ba Lan trong tình hiệp thông với Giáo Hội Roma và Giáo Hội hoàn vũ.
Ba Lan rộng gần 314 ngàn cây số vuông, có 38,6 triệu dân, gần 97% là gốc Ba Lan, số còn lại gồm các nhóm nhỏ gốc Đức, Ucraina, Bielorussia và Do thái. Đại đa số dân Ba lan theo Công Giáo nhưng chỉ có 46% đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, khoảng 30-40% trong các thành phố, và 70-80% tại vùng quê. Giáo Hội chính thống có khoảng nửa triệu tín hữu, trong khi tín hữu tin lành được khoảng 100 ngàn, tín đồ Chứng nhân Giêhôva hơn 125 ngàn. Tín hữu do thái hồi năm 1939 được 3 triệu nhưng đã bị Đức Quốc Xã truy lùng và tiêu diệt trong cuộc diệt chủng Shoah. Những người sống sót di cư sang Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, và Israel.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Jan Franciszek Watroba, Giám Mục Rzeszow, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, về các tấn kích chống lại gia đình. Bài phỏng vấn do Stefano Leszczynski thuộc chương trình tiếng Ba Lan đài Vaticăng, thực hiện.
Hỏi: Thưa Đức Cha Watroba, đâu là thái độ của tín hữu Ba Lan đối với gia đình ngày nay?
Đáp: Đa số người Ba Lan tuyên bố mình tin Thiên Chúa và là thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người trẻ hiểu ra rằng đối với họ gia đình là một nơi họ có thể học sống làm người, học biết các giá trị kitô, là nơi họ có thể cảm thấy an ninh. Vì thế thật là lạ lại có một sự tấn kích nhằm phá hủy gia đình. Mới đây có vài hiệp hội đã thăng tiến ý thức hệ giống trong các trường học. Họ muốn thay đổi định nghĩa về gia đình, phả hủy căn tính của người nam và người nữ. Vấn đề rất nghiệm trọng, cũng bởi vì Bộ Giáo Dục Ba Lan đã không lên tiếng chống lại các việc này. Có một vấn đề khác đó là số người trẻ chung sống không lấy nhau gia tăng. Trong trường hợp họ có con với nhau, thì con cái họ không được giáo dục trong đức tin kitô.
Hỏi: Tình hình tục hóa nặng nề mà Đức Cha đã miêu tả và nó ảnh hưởng trên các gia đình Ba Lan, có giá trị đối với những người Ba Lan sống tại hải ngoại không thưa Đức Cha?
Đáp: Có rất nhiều gia đình Ba Lan sống cảnh di cư vì nhiều lý do, nhất là vì công ăn việc làm. Có biết bao nhiêu trẻ em chỉ nhìn thấy cha mẹ trong các dịp lễ. Như thế tiến trình giáo dục nhiều khi bị đảo lộn bởi sự cô đơn của các trẻ em, chỉ sống với cha hay với mẹ, hoặc với ông bà nội ngoại trong các trường hợp đặc biệt. Các liên hệ gia đình đôi khi bị bẻ gẫy, và tiến trình giáo dục tôn giáo bị để trong tay các thầy cô hay các linh mục.
Hỏi: Đây là một tình cảnh rất khó khăn của gia đình bên Ba Lan, nhưng một ít cũng là tình cảnh trong các nước khác của Âu châu. Nhưng cũng có các khía cạnh tích cực có thể nêu bật trong công tác mục vụ cho các gia đình tại Ba Lan, có đúng thế không thưa Đức Cha?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Có các ánh sáng cho phép nhìn tương lai với sự lạc quan, mặc dù có những điều tiêu cực như đã kể trên đây. Hiện nay chúng tôi có một trong các hệ thống mục vụ gia đình tốt nhất. Trong Hội Đồng Giám Mục có một trung tâm với vị giám đốc phối hợp tất cả các sáng kiến thăng tiến sự sống.
Trong tất cả mọi giáo phận đều có các trung tâm, nơi các người trẻ đính hôn có thể chuẩn bị lãnh bí tích Hôn Phối. Chúng tôi nhận thấy hơn 90% các bạn trẻ đã đinh hôn tham dự các khóa giáo lý tiền hôn nhân. Các trung tâm mục vụ gia đình cũng trợ giúp các cặp hôn nhân gặp khủng hoảng và thăng tiến một kiểu sống kitô trong gia đình. Có một lý do làm cho chúng tôi vui sướng nữa, đó là nhận thấy sự gia tăng liên tục của các phong trào Công Giáo, nơi giáo dân được mời gọi cống hiến một chứng tá tươi vui của cuộc sống kitô trong gia đình.
Hỏi: Thưa Đức Cha, các giáo phận Ba Lan đang chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình như thế nào?
Đáp: Đây là điều rất mới mẻ. Bên ba Lan chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sáng kiến giúp làm cho giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới gia đình hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Nhiều giáo dân đã trả lời cho cuộc thăm dò ý kiến. Ho đã trả lời các câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra liên quan tới lý do của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa đặc biệt về gia đình. Họ đã trình bầy quan điểm của họ và đã thảo luận với các linh mục để có thể hiểu căn tính giáo dân của họ một cách tốt đẹp hơn trong Giáo Hội. (RG 6-2-2014)
Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/122001.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét