Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Truy tìm cây đàn harmonium làm tại Việt Nam

Nghệ sĩ organ Trần Văn Luân (người chơi organ ở Nhà thờ Chính toà Hà Nội) mở nắp kiểm tra cây đàn harmonium. Trải qua thời gian, cây đàn vẫn còn khá tốt, chất lượng âm thanh không hề giảm. Ảnh: ĐL

Khi phong trào organ điện tử chưa lên ngôi thì cây đàn harmonium được sử dụng rất phổ biến trong các nhà thờ Việt Nam. Harmonium còn có tên gọi là phong cầm vì người đàn phải dùng chân đạp hai pedal bơm hơi. Phần lớn harmonium trong các nhà thờ nước ta là đàn nhập khẩu. Ít ai biết đã có một nghệ nhân Việt chế tạo ra cây harmonium rất chất lượng, hơn hẳn đàn ngoại vì nó được “đo ni đóng giày” phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta.

Rời nhà thờ Lớn sau thánh lễ thứ Tư lễ Tro tại Hà Nội, tôi cùng đi với Nghệ sĩ organ Trần Văn Luân đến xem cây đàn harmonium quý hiếm do nghệ nhân Công giáo Trịnh Diện chế tạo.

Nghệ nhân Trịnh Diện đã qua đời cách đây vài năm cho nên những cây harmonium của ông ngày càng trở nên hiếm hoi. Cây đàn mà chúng tôi được xem và đánh thử này hiện nằm trong bộ sưu tập của ông Đặng Đức Thực, chủ khách sạn Garden Queen tại 65 Hàng Bạc, Hà Nội.

Cây đàn do Đức Hồng y Trịnh Văn Căn đặt làm

Những cây đàn harmonium Trịnh Diện hẳn đang nằm rải rác ở đâu đó trên gác đàn nhiều nhà thờ. Ít ai biết và cũng không thể thống kê được. Thế nhưng, hiện chúng tôi biết rõ có hai cây harmonium chắc chắn là đàn của ông Trịnh Diện. Cây thứ nhất được lưu giữ tại quê nhà của ông ở thôn Mỹ Đức, huyện Đông Quan, Thái Bình. Cây thứ hai chính là cây đàn do ông Đặng Đức Thực sở hữu.

Cây đàn thứ hai này do chính Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đặt ông Trịnh Diện làm vào năm 1970. Đàn đã từng được giao cho Nhạc sĩ Trần Văn Luân sử dụng trong nhà thờ Lớn Hà Nội để huấn luyện nhiều thế hệ học viên.

Trong những học viên đã được trải nghiệm qua cây đàn này, có thể kể đến gồm một vị giám mục, 25 linh mục, 15 nữ tu và nhiều người đệm đàn nhà thờ thuộc các giáo xứ và chủng viện.

Chuyện kể rằng, khi vào học ở Tiểu Chủng viện Thánh Tôma Mỹ Đức (Thái Bình), cậu Trịnh Diện được tiếp xúc lần đầu tiên với những cây harmonium Kasriel của Pháp. Những giờ học đàn hiếm hoi không thỏa mãn trí tò mò, tưởng tượng của cậu. Từ đó cậu Diện luôn mong có dịp tháo đàn ra “xem bên trong có gì”.

Ơn gọi chưa đủ, cậu rời Chủng viện Thái Bình, chuyển lên Hà Nội để tiếp tục việc học vào khoảng năm 1950. Một lần tình cờ đọc mục quảng cáo bán cây đàn harmonium của Ý trên báo, cậu tìm đến địa chỉ người đăng là Nhạc sĩ Trần Văn Bính (thân sinh của nghệ sĩ organ Trần Văn Luân, Giáo sư của Chủng viện Gioan, Hà Nội).

Thay vì hỏi mua đàn, cậu Diện đã thú thật với ông giáo Bính về ước mong tìm hiểu cấu trúc của cây harmonium để mày mò sửa chữa khi cần. Chẳng hiểu nguyên nhân nào đã khiến ông giáo Bính chấp nhận dễ dàng cho cậu lưu trú trong nhà mình để trọ học và… tháo đàn tìm hiểu, tự học.

Cây đàn harmonium này do ông Trịnh Diện chế tạo, một thời đã được nhiều tu sĩ sử dụng.

Không qua trường lớp nào cả

Cơ duyên để ông Trịnh Diện bước vào nghề sửa đàn, sản xuất những phụ tùng thay thế cho đàn là như vậy, không qua trường lớp nào cả. Dần dần ông nhận thấy đàn harmonium ngoại có khuyết điểm là chỉ sau vài năm sử dụng, lam mau bị gãy, phím dễ bị bong và một số cơ phận khác bị biến dạng do thay đổi nhiệt độ và độ ẩm khá nhiều ở miền Bắc.

Thế là ông Diện bắt đầu tìm cách với mơ ước chế tạo một cây đàn harmonium bằng nguyên vật liệu có sẵn trong nước. Điểm độc đáo của cây harmonium của ông Trịnh Diện là được chế tạo hoàn toàn bằng nguyên vật liệu trong nước, từ các bộ phận đến thân đàn bằng tre, nứa, gỗ đến phím đàn bằng ngà.

Chính nhờ điều này mà đàn của ông đã khống chế được các khó khăn về nhiệt độ môi trường của xứ nhiệt đới. Một điều thú vị khác là bàn phím của đàn có thể được tháo rời dễ dàng và di chuyển qua lại trên các nấc, đáp ứng nhu cầu chuyển giọng (transposing), rất thuận tiện cho việc tập hát và biểu diễn, ứng tấu.


   CÁI HAY CỦA ĐÀN HARMONIUM TRỊNH DIỆN Ở CHỖ: CHẤT LƯỢNG ÂM THANH     CHẲNG KÉM GÌ ĐÀN NƯỚC NGOÀI VÌ HỆ THỐNG LAM CỦA ÔNG LÀM RẤT ĐẢM BẢO    THANH ÂM. HÌNH THỨC THÌ ĐẢM BẢO ĐỘ BỀN HƠN ĐÀN NGOẠI, KHÔNG BỊ CONG    VÊNH DO BIẾN ĐỔI THỜI TIẾT.  

Nghệ sĩ organ TRẦN VĂN LUÂN   

Từ năm 1962, ông Trịnh Diện đã bắt đầu sản xuất hơn 10 chiếc harmonium để phổ biến ở Hà Nội và một số giáo phận miền Bắc như Thái Bình, Bắc Ninh, Bùi Chu.

Những người sử dụng thời ấy đều công nhận: Độ bền tương đối đảm bảo so với hàng ngoại, âm thanh đạt mức khá cao, ít bị gãy, đảm bảo hòa âm vang tốt, linh kiện trong nước phù hợp với khí hậu nên dễ mua, dễ kiếm, hòm hơi rất tốt, âm thanh đạt tiêu chuẩn, nếu vỏ đàn được cấu tạo với kỹ thuật cao thì khi nghe ta khó phân biệt hàng nội với hàng ngoại…

“Qua sự kiểm tra và tiếp xúc với số đàn ông Diện xuất vào trong này (Vinh, Thanh Hóa) đã 30 năm, tôi xin công nhận đàn của ông có chất lượng tốt tương đương với hàng ngoại” – bút tích của thầy Giuse Maria Trần Minh Cẩn, Đại chủng viện Vinh Thanh, viết xác nhận cho ông Diện vào năm 1991.

Ngày 1-8-1989, Đức Hồng y Trịnh Văn Căn đã đến thăm xưởng sản xuất lam đàn và vỏ đàn tại cơ sở của ông Diện ở Đông Quan, Thái Bình. Trước đó Đức Hồng y đã từng mua ở Pháp mang về Hà Nội khoảng 50 bộ lam đàn harmonium giao cho ông Diện và một vài cơ sở khác đóng thùng đàn để tiết kiệm theo kiểu “ruột ngoại, vỏ nội”. Nhưng đa số đàn của các cơ sở khác đều bị thời tiết làm cong vênh, hư hỏng, chỉ riêng những cây đàn của ông Diện thì vẫn hoạt động tốt.

Ngày 26-9-1991, Đức Giám mục Thái Bình lúc bấy giờ là Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã có bút phê: “Đàn của ông Trịnh Diện qua sử dụng trong địa phận được công nhận là tốt nên khuyến khích hàng nội”.

Harmonium do ông Trịnh Diện sản xuất cũng được dùng tại nhà thờ Lớn Hà Nội trong một thời gian dài. Linh mục Đỗ Tông, cha chính địa phận, đã xác nhận: “Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã sử dụng đàn phong cầm của ông Trịnh Diện, chứng nhận là tốt” (Hà Nội, 5-9-1991).

Đức Hồng y Trịnh Văn Căn về thăm xưởng làm đàn của ông Trịnh Diện năm 1989. Ảnh: TƯ LIỆU

Không có người kế nghiệp

Bên cạnh việc sản xuất các phụ tùng, các thanh lam cho đàn harmonium, ông Diện còn đam mê việc cải tiến nhạc cụ dân tộc. Ngày 8-7- 1964, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa lúc bấy giờ, đã ký tặng giấy khen cấp bộ, công nhận ông Trịnh Diện “cải tiến và hoàn thành đàn sáo bấm phím; làm được Ác-mô-ni-om bằng nguyên liệu trong nước, biểu lộ tinh thần dám nghĩ, dám làm”.

Trước đây, khi có dự kiến sửa chữa cây đàn đại phong cầm (pipe organ) ở nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhạc sĩ Trần Văn Luân đã đề nghị giao cho nghệ nhân Trịnh Diện thực hiện. Tiếc là vì nhiều lý do, dự án này bị đình trệ dẫn đến việc từng bộ phận bị hư hỏng nặng hoặc thất lạc.

Đáng buồn là không có ai trong và ngoài gia đình nghệ nhân Trịnh Diện kế thừa và phát triển nghề làm đàn của ông. Hậu duệ của ông hiện nay chuyển sang nghề dập phụ tùng cho các công ty sản xuất giày trong vùng. Sự xuất hiện ồ ạt của đàn organ điện tử cộng với tâm lý ưa chuộng cái mới, cái lạ đã khai tử nhanh chóng nghề làm harmonium của gia đình ông cũng như nhiều cơ sở sửa chữa đàn khác của đất Bắc. Không có cầu dĩ nhiên chẳng có cung.

Có thể nhiều người cho rằng harmonium là loại nhạc cụ lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng chúng ta nghĩ sao nếu biết rằng trong chuyến lưu diễn của chương trình Music of Joy lần thứ 5 tại Việt Nam, từ ngày 4 đến 17-7-2016, các nghệ sĩ Úc đã sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống độc đáo của thổ dân Úc, Ấn Độ kết hợp với cả harmonium. Như vậy, cây đàn tự nó không lỗi thời nhưng vấn đề ở suy nghĩ và cách dùng bảo thủ của con người.

Tiếng phong cầm đầy đặn, hút hồn
Mặc dù đã quen với âm thanh của nhiều loại đàn organ điện tử thuộc các thế hệ khác nhau, từ những năm 1970 với Acetone, Farfisa đến thời kỳ âm nhạc điện toán như của Yamaha, Roland, Korg, tôi vẫn bị hút hồn bởi tiếng đàn đầy đặn, thánh thiện
khi ngồi vào chiếc đàn tre-nứa-gỗ này của nghệ nhân Trịnh Diện.
Ngồi vào ghế đàn, càng chơi, càng nghe, tôi càng hiểu hơn tại sao Giáo hội thừa nhận đàn pipe organ (đại phong cầm) hay đàn harmonium (phong cầm) là loại nhạc cụ dễ giúp con người cầu nguyện, bởi nó làm tăng vẻ rực rỡ, cao sang đặc biệt cho các nghi thức phụng vụ, làm cho người tham dự rung cảm vì sức mạnh và sự dịu dàng của âm hưởng vang lên từ các loại đàn này. Cây đàn nhà thờ quý hiếm như vậy lại phải lưu lạc để “trú thân” trong nhà ông Đặng Đức Thực, một Phật tử!
Sao số phận của cây đàn giống một cuộc hôn nhân khác tôn giáo đến thế.


TS NGUYỄN BÁCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét