Huỳnh Ngọc Trảng
WHĐ (10.8.2020) – 1.Tôi xa quê từ năm lên mười, khi lên thị xã học lớp Đệ thất (lớp VI bây giờ), lại nữa từ đó, khoảng 1964– 1965, làng quê tôi chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt nên chẳng mấy khi về thăm quê, sống với mẹ được vài ngày. Thời cuộc đẩy đưa tôi là kẻ tha phương cho đến giờ và dường như, cái gắn bó da diết với mẹ ở tôi là những bài hát ru tôi được nghe mẹ hát ru cháu nội từ thời thơ ấu và những ngày về thăm mẹ hiếm hoi. Không biết bằng cách nào những bài hát ấy nằm sâu trong ký ức và có dịp nó lại hiện ra...
Khoảng năm 1997, khi thực hiện việc điều tra điền dã khu vực Cù lao Phố (Biên Hòa), một hôm tôi được nghe bà lão hát cho ghi âm bài hát ru mà tôi đã nghe mẹ hát hồi nhỏ.
Điều này khiến tôi xác tín rằng bà lão nghệ nhân nọ là hậu duệ của cô gái xứ Quảng cuồng nhiệt theo tiếng gọi Nam tiến vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định thời xưa đó. Cảm nhận về lịch sử và cội nguồn văn hóa Trung bộ vào buổi đầu của vùng đất mới phương Nam mà tôi có được một cách chắc chắn như vậy có thể căn cứ trên các dữ liệu lịch sử–văn hóa khác, nhưng câu hát ru của mẹ trong ký ức là điểm xuất phát tiên khởi, tạo ra một dự phóng quan trọng (1).
Rồi năm 2000, tôi đến Dinh Cô (Long Hải, Bà Rịa–Vũng Tàu) để tìm hiểu về tập tục tín ngưỡng và lễ hội ở đây. Khi nghe các bậc bô lão kể về thần tích của vị nữ thần (cô tên là Lê Thị Hồng Thủy, theo cha từ Phan Rang vào Gia Định buôn bán. Giữa đường thuyền bị bão, cô rơi xuống biển chết, xác trôi vào Hòn Hang, được dân chúng an táng và cô hiển linh thành phúc thần bảo hộ cộng đồng ngư dân trong vùng) tôi hồi tưởng về những ngày biển động dữ dội ở làng quê duyên hải vốn đầy ắp trong ký ức thời thơ ấu của mình... Và câu hát ru xa xưa lại hiện về:
Hồi ấy, câu hát ru và tiếng rì rầm của sóng biển cùng len vào tâm khảm, nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu nỗi đau của những người đàn bà bồng con chờ chồng hóa thành đá vọng phu đứng nhìn vọi ra khơi xa như thế nào và tại sao mặt nước mênh mông kia đã trở thành biển thiêng vì trong sóng nước ấy đã chất chứa những vong hồn bạc mệnh bao gồm những ngư dân cần cù lẫn những chinh phu theo lệnh vua ra canh giữ hải đảo và đã hóa thành đối tượng được thế nhân tôn kính gọi là “cô hồn thủy đạo Trường Sa”!
2. Nói chung, gia đình thuộc thế hệ chúng tôi hồi những năm 1950 là thuộc kiểu gia đình truyền thống, phổ biến là nếp nhà “nam ngoại nữ nội”. Do đó, người mẹ là nguồn cung cấp những tri thức chủ yếu cho con cái. Không phải vô cớ, từ xưa thế nhân vẫn đổ lỗi cho mẹ, rằng: “Con hư tại mẹ” hoặc “Con dại cái mang”! Cứ như rằng việc dạy dỗ con cái hết thảy đều dồn hết vào hai vai mẹ. Mặc dù, quan điểm quan phương của chế độ phụ quyền lại thường trích dẫn thánh hiền, rằng: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” (kinh Thi), theo đó, công lao của cha mẹ đối với con cái gom vào chín điều khó nhọc, gọi là “cửu tự cù lao”: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), xúc (cho bú), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (đoái tưởng, lo toan đến), phục (săn sóc dạy bảo) và phúc (bảo vệ). Nghĩ xem: Chín việc ấy việc gì mà mẹ không làm!
Ngành xã hội học xác định xã hội hóa là nền tảng quan trọng trong loài người chúng ta. Đó là một quá trình tương tác xã hội kéo dài suốt đời, qua đó cá nhân phát triển khả năng con người và học hỏi các mẫu văn hóa của mình. Chính nhờ sự hiểu biết xã hội mỗi cá nhân mới có được khả năng tồn tại và mặt khác, kinh nghiệm xã hội tạo ra nền tảng nhân cách. Nhân cách bao gồm việc chúng ta suy nghĩ ra sao về thế giới và về bản thân mình, chúng ta phản ứng cảm xúc ra sao với các tình huống khác nhau và với người khác, và chúng ta và hành động như thế nào trong đời sống hằng ngày. Nói cách khác, nhân cách là hệ thống tư duy, cảm xúc và hành vi có tổ chức.
Xã hội hóa diễn ra trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ đời sống, song tập trung vào thời thơ ấu và gia đình là bối cảnh đầu tiên của xã hội hóa: có tầm quan trọng chủ yếu trong việc định dạng ban đầu thái độ và hành vi đứa trẻ. Trong những năm đầu tiên đối với hầu hết cá nhân, gia đình là thế giới xã hội. Điều này chỉ ra vai trò, ảnh hưởng của mẹ là đặc biệt quan trọng và những bài hát ru của mẹ không chỉ mở ra cho con những tri thức mà còn gieo trồng những mầm mống xúc cảm dạt dào tình thương cùng những mỹ cảm định hướng cho hành vi.
Cho đến giờ, dù đã từng đọc đi đọc lại kho tàng ca dao từ các sưu tập bề thế, song mỗi khi va đập với đời tôi vẫn cứ như mãi băn khoăn về nghĩa lý nội dung của không ít bài hát ru mà mẹ tôi thường hát.
Không chỉ những bài hát ru chỉ ra những chuẩn tắc ứng xử, triết lý sống như vậy đeo đuổi lâu dài mà còn lắm những tra vấn không dễ dứt khoát, cứ như câu hỏi treo lửng lơ mãi trong dòng chảy của thời gian.
Thế đấy, không ít lúc chúng ta phải chọn lựa cái ít xấu hơn trong hai cái xấu vì trên đời hiếm khi có sẵn cái tốt và cái xấu rạch ròi để chọn lựa. Đó là bài học quan trọng.
3. Gia đình là tập thể cơ bản ban đầu đối với hầu hết mọi người. Kinh nghiệm xã hội ngày càng tăng tiến diễn ra bên trong gia đình, hình thành nhân cách của chúng ta dù sau này chúng ta có thay đổi nhiều đến đâu đi nữa. Mặt khác, kinh nghiệm xã hội không chỉ quan trọng đối với sự hình thành nhân cách mà còn đối với sự tiếp nối xã hội. Một xã hội có đời sống kéo dài về phía trước lẫn phía sau trong thời gian, vượt quá tuổi thọ của một cá nhân bất kỳ nào. Một xã hội phải dạy những điều gì đó về cách sống quá khứ và hiện tại cho các thành viên mới. Quá trình phức tạp đó kéo dài suốt đời của việc xã hội hóa, từ một thế hệ này đến thế hệ khác (3).
Gia đình là một tế bào của xã hội, ở đó đầu tiên chúng ta hiểu những gì mà nền văn hóa của mình cho đó là thái độ và hành vi thích hợp, những gì nên làm và phải theo đuổi, những gì nên tránh và phải đoạn trừ... Rõ ràng, những gì gia đình dạy dỗ con cái tất cả đều không chủ ý, song gia đình là nguyên nhân tạo nên quá trình truyền dẫn văn hóa, qua đó các giá trị, các chuẩn mực được dạy cho các thành viên mới của xã hội và kết hợp vào ý thức của chính cá nhân mình. Chính sự truyền dạy có tính chất tự nhiên mà có, không hoàn toàn chủ ý nên cái kết quả đạt được được cho là thiên bẩm. Lời tục: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Thực ra phần lớn những gì chúng ta cho là bẩm sinh đều là sản phẩm của văn hóa, kết hợp vào nhân cách chúng ta thông qua xã hội hóa, trước hết là sự gia truyền và công lao lớn là của cha mẹ – đặc biệt phổ biến mẹ là phần nhiều và hát ru là con đường dẫn êm ả và hiệu quả khôn cùng.
Khó mà hình dung rằng có một tộc người nào đó trên hành tinh này mà không có hát ru. Hát ru ở xứ ta là thể loại dân ca đặc biệt mà các loại dân ca khác không bao gồm được. Hát ru thu tóm hầu hết những ca từ của nhiều thể loại dân ca khác, cộng vào đó là các đoạn lục bát của truyện thơ nôm, thậm chí là thơ ca bác học. Nó làm nhiệm vụ “bảo tàng” và rồi chúng trở thành vốn liếng để dùng, để tái tạo những ca từ mới cho các hoạt động hò hát dân gian đa dạng khác. Chính vì vậy, hát ru là một đại tập thành những tri thức, những thông điệp về mọi thứ, mọi việc, mọi lĩnh vực. Do đó, hát ru là một kênh dẫn truyền di sản hóa đặc biệt phong phú.
Trong quá khứ, khi truyền thống truyền khẩu chiếm ưu thế thì kiến thức là tài sản riêng của lớp người lớn tuổi. Họ đã thu lượm những kiến thức cơ bản rồi truyền lại cho lớp trẻ bằng những cách thích hợp, với một liều lượng cụ thể và bằng một ngôn ngữ giàu biểu tượng với âm điệu đầy cảm xúc. Hát ru cũng được truyền đạt qua con đường gia truyền như thế qua bà nội/ngoại hay mẹ/cô/dì... Ấy vậy, những biến đổi xã hội đã và đang diễn ra đã kéo theo những đổi thay trong cơ cấu gia đình truyền thống.
Không như nề nếp cũ trong xã hội nông nghiệp, gia đình giờ đây không còn là trung tâm chủ yếu hay đầu tiên thực hiện chức năng truyền thụ kỹ năng, mưu sinh, tích lũy tri thức và giáo dục đạo đức, cách ứng xử cho con cái mà một số lĩnh vực khác biệt trong đời sống đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc xã hội hóa cá nhân (trường học, bè bạn cùng lứa, phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận...). Quy mô gia đình hiện đại chủ yếu là gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái) mối quan hệ của trẻ đối với ông bà, cô chú, các thành viên thân tộc lớp trên nói chung, bị cách biệt hay tần số giao tiếp ít ỏi hơn. Người mẹ có được quyền bình đẳng trong xã hội đã dành thì giờ cho công việc ở sở làm. Con cái – ngay cả lứa tuổi chưa lập gia đình riêng – cũng đã sớm có ý thức tự quản, tự lập và xu hướng rời bỏ quê nhà để đến những trung tâm đô thị xa nhà để lập nghiệp càng lúc càng nhiều... Tất thảy các lý do đã làm cho các thế hệ trong gia đình càng lúc càng tách biệt nhau. Mô hình gia đình truyền thống bị phá vỡ. Cơ chế “gia truyền” bị đứt gãy... văn hóa gia đình, hát ru – nguồn văn hóa mẹ – đứng trước những thách thức mà đến nay chưa ai tìm được phương thức cứu chữa hiệu quả. Hiển nhiên, sẽ là điều bất hạnh nếu hát ru mất đi, nhưng làm sao để duy trì nó lại là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Chú thích:
(1) Xem Cù lao Phố: Phố xưa bến cũ còn đó một tấm lòng.– Trong Cù lao Phố – Lịch sử và văn hóa. NXB Đồng Nai, 1998
(2) Xem Biển thiêng ơi... Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số 12, năm 2000.
(3) Thuật ngữ văn hóa và xã hội sử dụng theo cách khác nhau, nhưng nghĩa chính xác của chúng không khác biệt nhiều. Văn hóa là cách sống có điểm chung của nhiều người. Xã hội là một nhóm người tác động lẫn nhau trong một giới hạn địa lý hay chính trị và có cùng một văn hóa. Hiển nhiên, không có xã hội hay văn hóa nào tồn tại nếu thiếu vắng một trong hai.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 99 (tháng 3 & 4 năm 2017)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/me-hat-ru-va-van-hoa-gia-dinh-40422
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét