Sinh năm 1928, nhưng năm 1953, khi mới 25 tuổi, thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được thụ phong linh mục. Sau khi du học tại Roma trở về với văn Tiến sĩ Giáo luật, cha Thuận được tấn phong Giám mục lúc chỉ vừa 39 tuổi.
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê đã được tuyên lên bậc Đấng đáng kính vào năm 2017
Một Kitô hữu Việt Nam trong Giáo triều Roma
Sau nhiều biến cố, Đức cha Thuận được phép qua Roma chữa bệnh và ở lại đây tiếp tục làm việc. Tại giáo triều, Ngài được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
Tưởng cũng nên biết, vào Mùa Chay của Đại Năm thánh 2000, Đức tổng Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã được mời giúp linh thao cho Đức Giáo hoàng và cả Giáo triều Roma. Những bài giảng tĩnh tâm này đã được in thành cuốn sách có tên là Chứng nhân Hy vọng.
Sau đó một năm, ngài được tuyển chọn vào Hồng y đoàn, cùng đợt với Đức Hồng y Bergoglio, hiện là Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thế nhưng, do lâm trọng bệnh, ngài đã từ trần tại Roma vào ngày 16-9-2002, hưởng thọ 74 tuổi và được chôn cất tại nghĩa trang Verano.
Ngày 8-6-2012, sau 10 năm qua đời, thi hài của Đức Hồng y đã được cải táng về thánh đường hiệu tòa của Ngài, đó là nhà thờ Santa Maria della Scala, ở trung tâm Roma. Cũng nên biết, các vị được chọn vào Hồng y đoàn sẽ trở thành công dân Roma và có một thánh đường hiệu tòa ngay tại Roma.
Chỉ năm năm sau, ngày 17-9-2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thực hiện các tiến trình phong thánh cho Đức Hồng y, đầu tiên ở cấp giáo phận Roma vào ngày 22-10-2010. Trước tiên, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê thật xứng đáng với danh hiệu Tôi tớ Chúa.
Xác nhận con người có những nhân đức rất cao quý, ngày 4-5-2017, Đức Thánh cha Phanxicô đã tuyên bố là Ngài là Đấng đáng kính. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình phong chân phước và hiển thánh cho ngài, một Kitô hữu người Việt Nam.
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê có nhiều nét cao đẹp, không chỉ là những hương thơm thánh thiện, lòng yêu mến chân thành và thẳm sâu đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria… mà ngài còn là một người khôi hài, dễ hòa đồng, rất yêu mến tha nhân cũng như quê hương đất nước Việt Nam.
Một người có tính khôi hài và luôn hòa đồng
Trong tờ Giới thiệu về con người và sự nghiệp của ngài được in bằng nhiều ngôn ngữ Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và cả tiếng Việt, ở mặt bìa có hàng chữ: “Tính lạc quan, hài hước đã tỏa hương thơm trong đời sống của Ngài” (Good humour was the essence of his life).
“TÍNH LẠC QUAN, HÀI HƯỚC ĐÃ TỎA HƯƠNG THƠM TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGÀI”.
Quả thực, ai đã từng tiếp xúc hay nghe Đức Hồng y Thuận nói chuyện đây đó, khi ngài đến thăm các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đều thấy nơi ngài toát ra nét khôi hài giản dị. Vì thế, những người nghe Đức Hồng y Phanxicô nói thường cười vang thoải mái.
Giảng về 10 “khuyết điểm” của Chúa Giêsu, Ngài nói đến những mục rất dí dỏm: “Chúa là người kém trí nhớ, Chúa Giêsu không biết làm toán, hoặc Chúa không sành lý luận, không biết kinh tế tài chánh…”. Ý Ngài muốn nói đến lòng nhân từ thương xót của Chúa, khi nhắc lại một số dụ ngôn trong Tin Mừng.
Vào nhiều dịp họp mặt đông người, Đức Hồng y Phanxicô thường ngồi chung với mọi thành phần già, trẻ, hoặc khác tôn giáo như các sư, ni cô… Ngài cũng không ngại bá vai, bá cổ hay cầm tay nhảy múa với giới trẻ và thiếu nhi trong những buổi sinh hoạt chung.
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Roma năm 2011.
Một người luôn yêu mến Tổ quốc
Trong các buổi gặp gỡ hay nói chuyện với người Việt đó đây, có cả những người không Công giáo, Đức Hồng y Thuận thường đề cao nét đẹp của quê hương Việt Nam. Khi được trao những trách nhiệm quan trọng tại Giáo triều Roma, ngài thường nhắc đến lòng quý mến của Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đối với Giáo hội cũng như người Việt Nam, đồng thời gửi lời thăm hỏi của Đức Thánh Cha đến người dân Việt khắp nơi trên thế giới, người dân Việt nói riêng tại quê nhà. Không những thế, ngài còn mời gọi người Việt hãy làm những việc tốt cho đất nước và Giáo hội Việt Nam.
Đức Hồng y Phanxicô hay chia sẻ với giới trẻ Việt Nam những lời này: “Các bạn hãy là người Công giáo Việt Nam, hãy yêu mến Tổ quốc Việt Nam và hãy hãnh diện vì là người Việt Nam”.
Một bài thơ của ngài có đoạn:
Con có một Tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quý ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng…
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn…
Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội…
Một con người tỏa sáng niềm hy vọng
Trong mọi hoàn cảnh sống của Đức Hồng y cũng như tại những nơi ngài hiện diện, người ta đều thấy sáng lên niềm tin yêu hy vọng. Chính cuộc sống đầy lạc quan của ngài đã giúp cho nhiều người nhận ra, hay tìm lại niềm vui sống đã mất.
Niềm hy vọng còn được Đức Hồng y viết ra nơi những tác phẩm của ngài. Như chúng ta đã biết, cuốn Chứng nhân hy vọng được ngài viết tại Roma và được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Năm đầu tiên của ngàn năm thứ ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần tĩnh tâm cho giáo triều Roma”.
Vào những năm đầy gian khó của đời mình, Đức Hồng y viết cuốn Đường hy vọng. Sau này trong cuốn Đường hy vọng, dưới ánh sáng lời Chúa và Công đồng Vaticano II, ngài cho rằng Thiên Chúa đã ban cho ngài quãng đời đẹp nhất, chính là thời gian này.
Ngoài những tác phẩm kể trên, Đức Hồng y Thuận còn để lại cuốn Những người lữ hành trên đường hy vọng, Khám phá niềm vui hy vọng. Trong cuốn Niềm vui sống đức tin, ngài viết: “Là một người Việt Nam, tôi phải tự hào vào những người đồng hương và vào chính dân tộc của tôi”.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gọi Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là “Sứ giả của niềm hy vọng”. Huy hiệu Hồng y ngài chọn cũng chính là “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes).
Đây chính là tên gọi của Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay được Công đồng chung Vaticano II ban hành ngày 7-12-1965. Hình ảnh trên huy hiệu này cũng đầy nét Việt Nam như lũy tre làng, biển xanh… nhất là ba ngọn núi biểu tượng cho ba miền Bắc, Trung, Nam.
Cùng với người Kitô hữu trên toàn thế giới, chúng ta được mời gọi thân thưa với Chúa bằng tâm tình của lời kinh: “… Nhờ lời bầu cử của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê và theo thánh ý Chúa, xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu, với niềm hy vọng thấy ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ. Amen”.
Những câu nói ý nghĩa của Đức Hồng y
– “Thất bại lớn nhất của đời người là mất niềm hy vọng”- Đường hy vọng.
– “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Bởi vì Chúa Kitô đã dạy
tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Ki-tô hữu”- Năm chiếc bánh và hai con cá.
– “Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ còn nếu bạn đặt trên đầu nó sẽ là gánh nặng”- Đường hy vọng.
-“Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến. Học đây không phải là vào lớp hay văn chương khoa học. Học là luyện khả năng của con, nghề nghiệp của con cho tinh vi, hiện đại”- Đường hy vọng.
>> Lần theo cuốn sách nổi tiếng của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét