Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Giám mục Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân

2020.08.04 - Hiroshima Bomba atomica -armi - Nucleare
Bom nguyên tử Hiroshima  (©lukszczepanski - stock.adobe.com)

“Con đường dẫn đến hòa bình thực sự đòi hỏi thế giới phải xóa bỏ vũ khí hạt nhân”, phát biểu của một giám mục Mỹ và một tổng giám mục Nhật Bản trong hội nghị trước dịp kỷ niệm 75 năm vụ đánh bom nguyên tử cuối Thế chiến II.

Trong buổi hội thảo trực tuyến hôm 3/8, Đức Giám mục David J. Malloy của Rockford, bang Illinois và Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami ở Nagasaki, Nhật Bản, đã nhắc lại những lời kêu gọi từ lâu của các giám mục của cả hai quốc gia.

Đức TGM Takami nói: “Chừng nào ý tưởng cho rằng vũ khí là cần thiết cho việc hòa giải vẫn còn tồn tại, thì sẽ khó có thể giảm số lượng vũ khí hạt nhân, chứ đừng nói đến việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân.”

Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, về lời kêu gọi thế giới ghi nhớ nghĩa vụ đạo đức của mình trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới, Đức cha Malloy nói rằng: tất cả các quốc gia phải “tìm cách giải trừ vũ khí đa phương và hoàn toàn dựa trên một cam kết và niềm tin chung”.

Các giám mục bày tỏ lo ngại rằng thế giới đã phớt lờ sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân như đã từng xảy ra vào năm 1945 tại Hiroshima ngày 6 tháng 8 và Nagasaki ba ngày sau đó.

Đức Tổng Giám mục Takami, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, đã mở đầu bài phát biểu bằng việc nêu ra kinh nghiệm cá nhân như là người sống sót sau vụ đánh bom ở Nagasaki. Lúc đó ngài đang ở trong bụng mẹ.

“Tôi đã không chứng kiến ​​những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra ngay sau vụ đánh bom. Nhưng bà ngoại tôi bị bỏng khắp người và chết một cách đau đớn một tuần sau đó mà không được chăm sóc y tế”, Đức tổng giám mục nói. Hai người dì của ngài bị chết mà không tìm thấy xác. Một người dì khác của ngài, là nữ tu, đang làm việc ngoài trời lúc bom nổ. “Bà đã bị bỏng và đau đớn trong 12 ngày trước khi chết”, ngài kể.

Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giám mục Alexis Mitsuru Shirahama ở thành phố Hiroshima, hôm 7/7, đã thành lập Quỹ Thế giới phi hạt nhân, phối hợp với ba tổ chức vì hòa bình, để hỗ trợ những người làm việc hướng tới việc thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, được đa số các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phê chuẩn năm 2017. Tòa Thánh trở thành một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn thỏa thuận. (CNS 3/8/2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét