WGPSG -- “Tri ân để nhìn về hiện tại và hướng đến tương lai”, là ý nghĩa và mục đích “Ngày tri ân các Salêdiêng đã đến Việt Nam” do Tỉnh dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Phụ tỉnh Mongolia (Tỉnh dòng), tổ chức vào sáng thứ Bảy, ngày 20.10.2018 tại Học viện Thần học Salêdiêng Don Rinaldi - Xuân Hiệp, Thủ Đức.
Đến tham dự, ngoài cha Germain Lagger (cha Bùi Như Lạc), sư huynh Cesarre Bullo (thầy Hoàng Gia Bảo) -là hai vị truyền giáo Salêdiêng đã sinh sống tại Việt Nam trước năm 1975- còn có cha Giám tỉnh Giuse Nguyễn Văn Quang, cha phó Giám tỉnh Giuse Nguyễn Văn Am, cha Phêrô Ngô Bá Công - Trưởng ban Truyền giáo Tỉnh dòng, trên 100 quý cha, quý thầy Salêdiêng và trên 200 cựu học viên Don Bosco miền Nam (CHV).
Lúc 08g30, sau nghi thức chào đón và giới thiệu chương trình họp mặt, sư huynh Cesarre Bullo bày tỏ niềm hãnh diện của mình khi đã đến truyền giáo tại Việt Nam 13 năm (1962-1975), và ngày nay thành quả truyền giáo Salêdiêng Việt Nam rất lớn mạnh, xứng tầm với các nước khác trên thế giới. Ngài nhắn nhủ: “Là cựu học viên, anh em hãy tiếp tục cộng tác với quý cha, quý thầy Salêdiêng vào công cuộc giáo dục và đào tạo giới trẻ”.
Bên cạnh đó, cha Germain Lagger cũng chia sẻ những cảm xúc của mình khi trở lại Việt Nam.
Hoa quả truyền giáo Salêdiêng Việt Nam
Các nhà truyền giáo Salêdiêng đã đến Việt nam
Nối tiếp, cha Trưởng ban Truyền giáo Tỉnh dòng phát biểu: “Là những người con của Don Bosco, đã từ lâu và có thể nói cả cuộc đời muốn nói lên lòng biết ơn đối với 44 nhà truyền giáo Salêdiêng đã đến Việt Nam, giúp biết bao thế hệ trẻ lớn lên và trưởng thành, trong số đó có chúng ta. Ngày biết ơn nhằm hun nóng lại lòng của những người con đã từ lâu lãng quên các ngài! là dịp còn có thể gặp lại các bề trên xưa để ôn lại ký ức cũ”. Ngài tổng hợp 44 nhà truyền giáo Salêdiêng qua các giai đoạn lịch sử:
* Giai đoạn 1942 đến 1954 có 05 vị gồm:
- Thời kỳ khởi đầu (1940÷1952) có 02 vị
- Thời kỳ chính thức (03.10.1952÷1954) có 03 vị
Trong đó có Đầy Tớ Chúa Andrej Maicen (cha Quang), người Nam Tư (1952÷1976).
* Giai đoạn từ 1954 đến 1975 có 39 vị:
Nhìn về hiện tại
Qua đó, ngài trình bày đôi nét về tình hình phát triển và trưởng thành của Salêdiêng Việt Nam từ năm 1975 đến nay, và đó là hoa quả truyền giáo Salêdiêng Việt Nam mà các vị truyền giáo Salêdiêng đã vun trồng. Ngài bộc bạch:
Vì bối cảnh xã hội, từ năm 1975, quý cha và sư huynh ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam, số tu sĩ Salêdiêng Việt Nam cũng giảm. Nhưng được hưởng nhờ nền giáo dục của các nhà truyền giáo Salêdiêng theo tinh thần của Thánh Don Bosco, dòng Salêdiêng Việt Nam không ngừng phát triển về lượng cũng như về chất và các công cuộc. Hiện nay, dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có trên 300 tu sĩ đang làm việc tại nhiều giáo phận: Sài Gòn, Hà Nội, Bùi Chu, Thanh Hoá, Vinh, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Xuân Lộc, Bà Rịa, Sài Gòn, Vĩnh Long, Long Xuyên… ở nhiều lãnh vực như: Đặc trách 34 giáo xứ cùng 30 giáo điểm, 21 cộng thể, 14 cộng đoàn và 4 trường kỹ thuật… Trụ sở chính của Tỉnh dòng tại Học viện Thần học Salêdiêng Don Rinaldi - Xuân Hiệp, Thủ Đức. Từ năm 1975 đến nay có 4 vị Giám tỉnh với trên 300 tu sĩ, ngoài ra còn có gần 100 tu sĩ đang đi truyền giáo tại 32 quốc gia trên thế giới.
Hướng đến tương lai
Kết luận, cha Phêrô nhắc nhớ: “Các nhà truyền giáo, mỗi người mỗi cách đã trồng đoàn sủng Don Bosco trên quê hương Việt Nam. Chúng ta mãi khắc sâu đoàn sủng Salêdiêng truyền giáo, và cầu nguyện nhiều cho các ngài, cũng như những anh em Salêdiêng Việt Nam đang truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới, để tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và giáo dục người trẻ, đặc biệt những người trẻ bị bỏ rơi, bất hạnh, nghèo túng…”.
Riêng với anh em CHV Don Bosco, nhắc lại sứ vụ truyền giáo Salêdiêng là loan báo Tin Mừng cho thanh thiếu niên ở mọi nước, mọi dân tộc, ngài mời gọi anh em hãy cộng tác với hội dòng, luôn quan tâm đến việc đồng hành và giáo dục người trẻ, mang tinh thần Salêdiêng Don Bosco vào trong gia đình, với mọi người chung quanh và trong môi trường làm việc.
Đấng Tôi Tớ Chúa Andrej Maicen
Đối với Đấng Tôi Tớ Chúa Andrej Maicen, cha Gioan Nguyên Văn Ty -nguyên Giám tỉnh tiên khởi dòng Salêdiêng Việt Nam- cho biết, ngài có nhiều kỷ niệm về cha Andrej Maicen. Đấng Tôi Tớ Chúa Andrej Maicen là người Salêdiêng đầu tiên được chính thức sai đến Việt Nam (ngày 03.10.1952) để thành lập hội dòng và ngài cũng chính là nhà truyền giáo Salêdiêng sau cùng rời khỏi Việt Nam (30.7.1976). Ngài luôn quan tâm, theo dõi, vun trồng mầm mống ơn gọi, và thế hệ linh mục, tu sĩ người Việt Nam đầu tiên đều được ngài vun trồng. Cha Gioan nhấn mạnh: “Noi gương các ngài, chúng ta hãy quan tâm đào tạo anh em Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có chiều sâu, đặc biệt là đào tạo ơn gọi”.
Đồng thời, cha Gioan cũng nhắc đến Đức cha Paul Seitz Kim, thuộc Hội Thừa Sai Paris sang Hà Nội. Đức cha là người thành lập Gia đình Têrêsa ở Hà Nội, để tiếp nhận các thanh thiếu niên nghèo, vô gia cư và thất lạc gia đình, sau đó mời gọi, tạo điều kiện và giao lại cho các tu sĩ Salêdiêng quản lý. Năm 1954, ngài đón nhận Gia đình Têrêsa vào Kontum trước khi về Thủ Đức và Gò Vấp. Đó chính là cái nôi đầu tiên hình thành dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam ngày nay.
Chương trình được nối tiếp với các sinh hoạt và chứng từ của anh em trong nước cũng như hải ngoại về các lãnh vực bác ái, mở trường dạy nấu ăn, chăm sóc trẻ em bị khuyết tật… thật xúc động và nhiều ý nghĩa thiết thực.
Cuối cùng, anh Giuse Nguyễn Đức Lễ -Hội trưởng Hội CHV Don Bosco Việt Nam- đã phát động quỹ truyền giáo của anh em CHV.
Thánh lễ Tạ ơn
Sau giờ giải lao, lúc 10g15, cha Giám tỉnh Giuse Nguyễn Văn Quang chủ sự Thánh lễ Tạ ơn tại nhà thờ Xuân Hiệp. Đồng tế với ngài có quý cha Salêdiêng thuộc vùng phía Nam.
Trước Thánh lễ, di ảnh Đầy Tớ Chúa Andrej Maicen được rước từ cuối thánh đường lên cung thánh cùng với đoàn đồng tế. Nghi thức dâng hương trước di ảnh ngài diễn ra thật trang nghiêm cùng với những lời tưởng nhớ các nhà truyền giáo Salêdiêng thật xúc động.
Chia sẻ Tin Mừng, cha Giám tỉnh nhắc lại bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Cũng vậy, bản chất của Dòng Don Bosco cũng là truyền giáo. Ngài diễn giảng: “Người Salêdiêng thuộc về mọi thành phần của Salêdiêng. Vì thế, công cuộc truyền giáo không thuộc về của riêng ai! Giáo dục giới trẻ và truyền giáo là sứ vụ của chúng ta. Chúng ta hãy truyền giáo bằng giáo dục và giáo dục khi truyền giáo. Người truyền giáo phải có trái tim mục tử của Chúa Giêsu và tâm hồn truyền giáo là cõi lòng, sống hết lòng, hết tình với người trẻ, đặc biệt với người trẻ bị bỏ rơi”.
Sau bài giảng là nghi thức của một số anh em CHV miền Nam.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g45, mọi người cùng tham dự bữa cơm gia đình, hàn huyên tâm sự với quý cha, quý sư huynh và các hội viên.
Bài & Ảnh: Văn ChiếnNguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20181021/44328
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét