Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

7 Căn Bệnh Xã Hội Mỗi Kitô Hữu Được Mời Gọi Để Chữa Lành

Nhiều người cho rằng xã hội ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Từ những cuộc hôn nhân truyền thống, nay con người chuyển sang những hình thức hợp đồng dân sự (trường hợp của hôn nhân đồng tính chẳng hạn), từ vấn đề bảo vệ sự sống sang quyền được phá thai, và từ tự do ngôn luận đến sự chỉ trích công khai, và thậm chí là bỏ tù. Đành rằng con người không ngừng biến chuyển, nhưng liệu người ta có thể biến xã hội này ra dửng dưng như vậy chỉ trong vài năm chăng ?
Tuy thế, với mỗi Kitô hữu – hãy hy vọng – chúng ta vẫn còn thì giờ ! Nếu suy xét về 7 căn bệnh của xã hội hiện nay, ta có thể rắc gieo hạt mầm yêu thương nơi thế giới quanh ta. Dưới đây, chúng tôi gọi tên từng căn bệnh ấy, đồng thời, chỉ ra những trích đoạn Kinh Thánh như phương dược chữa trị.

1.    “Rộng Lượng Cách Bủn Xỉn”

1

Khi ta đang đi trên phố, hễ có ai đó đến xin vài xu, ta dễ dàng trao tặng; nếu có người cần trợ giúp hay một phụ nữ lớn tuổi nhờ dẫn qua đường, ta sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu cũng chuyện như thế diễn ra nhưng trong thinh lặng, không ở nơi công cộng, không ai nói đến, liệu ta có sẵn sàng hành động theo cùng một cách thức trên đây? Ta trao tặng một cách thiên tư như thể để giải khuây, song chẳng hề lưu tâm đến chính người đang thực sự cần giúp đỡ. Cho vay mượn, nhưng ta chẳng thấy được điều gì xa hơn việc mình vừa làm. Hành động của ta chỉ dừng lại nơi chính khoảnh khắc đó mà thôi. Có thể nói rằng xã hội ngày nay tằn tiện trong việc sẻ chia, hoặc có thể nói xã hội này “rộng lượng một cách bủn xỉn”, bởi vì khi trao tặng, ta lại không làm theo cách lẽ ra ta phải làm. Phải chăng ta đã lắng nghe Lời Chúa nói: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện!” (2Cr 9, 6-8)

2. “Chủ Nghĩa Cá Nhân Hòa Đồng”

2Chúng ta là những hữu thể mang tính xã hội. Ngay cả khi ước mong điều đó chẳng là sự thật thì ta vẫn cần đến những cá thể khác hầu được sinh tồn. Chỉ cần nghĩ đến sự phổ biến của “mạng xã hội” – tự nhiên, ta bị lôi cuốn vào những cách kết nối như thế. Sự “hiện hữu mang tính xã hội” này đòi hỏi những hành động cụ thể từ mỗi người vốn là những thành viên đơn lẻ trong một tập thể con người (xã hội). Nhưng thực tế, chúng ta dành bao nhiêu sự quan tâm cho những thành viên khác trong xã hội này ? Chỉ cần nhìn vào các mối tương quan hiện tại giữa những người hàng xóm hoặc giữa các bạn học sinh, sinh viên với nhau, ta có thể thấy rằng con người dần trở nên xa lạ với nhau hơn. Thực vậy, chúng ta đang sống trong tình trạng của chủ nghĩa cá nhân nhưng được che phủ bằng một lớp mặt nạ. Thử quan sát và ta sẽ thấy : trên một chiếc xe buýt của 20 năm về trước, mọi người nói chuyện với nhau ngay cả khi không biết nhau từ trước, rốt cuộc họ làm cho chuyến đi trở nên thú vị hơn nhiều. Còn ngày nay, ta thấy một khung cảnh hoàn toàn khác biệt : từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người lớn, tất cả đều dán mắt vào màn hình điện thoại ; tai họ gắn liền với head-phone ; và tâm trí họ chỉ dành cho chính họ mà thôi. Nhưng Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta (những gì chúng ta cần biết qua trực giác) : “Ai không chăm sóc cho người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin.” (1Tm 5,8)

3. “Sâu Sắc Một Cách Hời Hợt ”

3Việc bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho các mục đích chính trị, xã hội đã trở nên mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây. Rõ ràng lá cờ tự do được nâng cao. Nhưng khi nghĩ về nó, liệu bạn có thực sự liều mình bảo vệ cho một mục đích chung, hay chỉ là đi tìm hạnh phúc cho riêng mình ? Có lẽ ta nghĩ rằng sự thúc đẩy hầu khẳng định “quyền lợi” của mình khiến ta yêu mến con người hơn và trở nên người nhân ái hơn. Lại một lần nữa, ta đã chẳng nhận ra rằng phần lớn người ta chỉ muốn thỏa mãn quyền lợi của riêng họ mà thôi. Con người muốn bám víu vào thứ gì đó sâu xa hơn như quyền được tự do quyết định chẳng hạn. Tuy thế, điều này chỉ tổn làm cho khoảng cách giữa họ thêm phần nới rộng và nó đẩy họ rơi vào sự nông cạn dù cho có diện mạo siêu việt bên ngoài. Sự chiều sâu đích thực của con người chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy con tim chúng ta. Ta cứ đi tìm điều được gọi là sâu sắc ở những nơi khác như Nhân Điện, Yoga, hay Thái Cực Quyền, nhưng trong Chúa, ta có thể tìm thấy tất cả. Thánh Âu-tinh đã phải thốt lên :“Lạy Chúa ! Chúa tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.” (Tự Thú, 1.1) Hãy đặt để niềm tín thác sâu xa của người con trong Thiên Chúa. Tâm hồn ta kiếm tìm Ngài, và chỉ nơi Ngài, ta mới đạt đến sự tròn hảo nơi chính mình. “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.” (Tv 34,5)

4. “Hạnh Phúc Thất Vọng”

4 (1)Mỗi khi một thành tựu mới của “sự tiến bộ” được luật pháp thông qua, chẳng hạn như quyền được ly hôn hay phá thai, xã hội (may mắn thay không phải tất cả) như cảm thấy vui mừng phấn khởi. Chẳng mấy chốc, đám đông đã tuôn ra khắp các nẻo đường để ăn mừng chiến thắng của họ. Nhưng chỉ vài ngày sau, niềm khao khát vốn chưa được khỏa lấp lại trở về với tâm hồn họ. Vấn đề là, khi một điều luật được thông qua, một ý thích chợt nảy ra được phê chuẩn, hoặc một khao khát được thỏa mãn, tất cả đều không đem lại cho con người niềm hạnh phúc lâu bền. Người Kitô hữu chúng ta biết rõ hạnh phúc chỉ tồn tại khi cuộc sống con người đặt nền trên điều gì đó vô hạn. Liệu có thể có thứ gì lớn hơn Thiên Chúa chăng ? Không ! Đó là lý do tại sao nếu cuộc sống của chúng ta đặt nền tảng trên những thứ vật chất, ngay cả trên những mục đích và “sự tiến bộ” xã hội, thì chúng ta vẫn là người vô vọng. “Thật thế, cây vả không còn đơm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ô-liu, đợi hoài không thấy, ruộng đất chẳng đem lại gì ăn. Bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, ngó vào chuồng, bò bê hết sạch. Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hoan hỷ vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Đức Chúa là Chúa Thượng làm, làm cho tôi mạnh sức, cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.” (Kb 3, 17-19)

5. “Lạc Quan Vô Định”

5Nhiều người vẫn hô hào: “Tiến lên, chúng ta có thể làm được!” Cụm từ này chất chứa một sức mạnh truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần. Nhưng với tất cả những gì đã được kể đến như sự thờ ơ, chủ nghĩa cá nhân, việc tìm kiếm sự hài lòng cá nhân, …, tôi không chắc rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy lạc quan. Tôi cho rằng nhiều người vẫn đang trải qua một đời sống vật vờ, không có phương hướng. Họ che đậy sự lạc quan giả tạo bằng những khẩu hiệu và những biểu ngữ xinh đẹp, quyến rũ để lẩn trốn thực tại. Loại lạc quan như thế thì thực là chóng qua. Như băng tuyết tan chảy dưới ánh nắng mặt trời, những thúc đẩy mang tính biểu ngữ ấy cũng sẽ biến tan mau. Ta thường sống theo những mục tiêu ngắn hạn. “Tôi sẽ được thăng chức”, “tôi sẽ lên ‘level’ trong ‘game’ này”, “bây giờ, tôi sẽ hoàn thành chương trình Tiến sĩ.” Và điều gì tiếp theo đó? Ta lại tìm kiếm một mục tiêu mới để nó thôi thúc ta tiếp tục sống. Ta sẽ tránh được những lo toan như thế một khi tin tưởng vào Thiên Chúa và chân nhận rằng Ngài chân thực, và Giáo hội của Ngài cũng chân thực. Đó là khi Đức Cậy Trông, như sách Giáo Lý nói rõ, tỏ lộ cho ta : “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mạnh của chúng ta. ‘Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.’ (Dt 10, 23)” (Trích Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1817).

6. “Tự Do Nô Dịch”

6Tội lỗi không biến con người thành nô lệ được chăng ? Thật rõ ràng trong Kinh Thánh : Ghen ghét sản sinh ghét ghen, chiến tranh lại tạo ra nhiều chiến tranh hơn, sự nô dịch làm ra nhiều sự nô dịch hơn, v.v. Không phải mọi sự ta muốn đều có thể giải phóng ta. Chỉ cần nhìn vào dòng người trên những con phố, ta thấy ngay hầu hết họ bước đi với chiếc điện thoại trên tay. Đó là một sự nghiện ngập, một sự nô dịch. Khi mà cái tôi đang sử dụng quay đầu chống lại tôi và khi nó xuất hiện, tôi bị nó sở hữu, đó là sự nô dịch mà ta đang nói đến. Ta không nói đến nạn buôn bán người theo nghĩa đen, bởi vì ngày nay ta có những hình thức nô dịch khác. Nếu mạng Internet, công nghệ, tiền bạc, hoặc chủ nghĩa tiêu dùng biến ta thành kẻ lệ thuộc thì ta đã là nô lệ của chúng rồi. Đây là thứ nô lệ mà thậm chí ngày nay nó được bảo vệ công khai : “Tôi có quyền…”, “Tôi muốn muốn điều này, điều kia”… Tôi có quyền lạm dụng mọi thứ và mọi người trong mức độ tôi sử dụng hay biến những thứ, những con người đó thành công cụ của tôi sao ? Tôi có quyền đánh mất tự do của mình trước những lạc thú, trước những điều “tôi muốn”, hay bất cứ thứ gì tôi ưa thích sao ? Hãy nghĩ về điều đó … Có lẽ đã đến lúc ta phải để Chúa Giêsu chữa lành và ban cho ta sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Muôn loài “có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21)

7. “Dửng Dưng Bận Tâm”

7 (1)Ta chú ý đến mọi thứ, và do đó chúng ta bị mọi thứ làm cho phân tâm. Ta quan tâm đến chuyện một trang trại ở Úc bị cháy, một tên sát nhân ở Nhật đã tẩu thoát, một chiếc xe mới được trình làng ở Áo. Cùng với công nghệ, việc giao tiếp trở nên phổ biến hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thực sự lo lắng về những chuyện ấy hay đó đơn giản chỉ là một thứ nghiện ngập điều “mới lạ” ? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên gì nếu câu trả lời là đáp án số 2, đơn giản chỉ là một thứ nghiện ngập. Việc hàng ngàn Kitô hữu đang chết dần ở Trung Đông ; sự thiếu hụt lương thực trầm trọng ở Châu Phi ; rồi chuyện Giáo hội đang bị đem ra tòa đời xét xử chỉ vì bảo vệ lập trường của mình…, những tin tức đó thì sao… liệu chúng có thu hút sự quan tâm lo lắng của ta không ? Chúng ta theo dõi những tin thuận với sự tò mò của mình hơn hay điều thực sự đáng chúng ta chú ý đến ? Trong khi các phương tiện truyền thông cho ta thấy “mặt tối” của cuộc sống, thì các vấn đề thực tế vốn đòi hỏi sự đáp trả của ta lại không có cách nào được vén mở. Ta sẽ mãi mãi dửng dưng, mãi mãi ơ hờ nếu chỉ biết quan tâm đến chính mình và đến những sở thích của riêng mình mà thôi. Khi quay cái nhìn qua anh chị em mình với tình yêu mến, đó là khi một cuộc sống mới sẽ bắt đầu. Thánh Gioan nói : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3, 18) Và trong một đoạn thánh thư của thánh Phaolô, chúng ta đọc thấy : “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô (…) Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đai gia đình Đức tin.” (Gl 6, 2-10
Tác giả: Thầy Edgar Henríquez Carrasco, LC, Tây Ban Nha, viết cho website Catholic-Link.com
Chuyển ngữ: Đminh Phan Quỳnh, SJ
Theo bản Anh ngữ do Maria Isabel Giraldo chuyển dịch từ bản Tây Ban Nha của tác giả.
Đăng lại từ: https://dongten.net/2018/10/18/7-can-benh-xa-hoi-moi-kito-huu-duoc-moi-goi-de-chua-lanh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét