CARITAS VIỆT NAM: HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN 2018
KỶ NIỆM 10 NĂM HOẠT ĐỘNG CARITAS VIỆT NAM
Ngày 23 - 25/10/2018, Caritas Việt Nam tổ chức Hội Nghị Thường Niên 2018 - Kỷ Niệm 10 năm hoạt động của Caritas Việt Nam được tổ chức tại TGM Xuân Lộc, với chủ đề: “LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN”.
Trong dịp tổ chức Hội Nghị Thường Niên (HNTN) năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam hoạt động trở lại. Chính vì vậy, Caritas Việt Nam long trọng được đón tiếp những thành phần khách quý gồm các Đức Cha, các cha nguyên Giám đốc và Giám đốc của 26 Giáo phận, các Ân nhân, các Bề trên các Dòng tu, các Vị khách quốc tế, đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, Marek Zalewski, đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGP Huế, chủ tịch HĐGMVN và các đại biểu của 26 Giáo phận.
Ngày thứ nhất: Hội thảo chủ đề hội nghị: LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN
Lúc 8g00, sau ít phút cầu nguyện thánh hoá đầu ngày và chào đón các đại biểu, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, đã phổ biến chủ đề Hội nghị với đề tài “Liên đới theo Giáo huấn của Giáo hội”. Trước hết, liên đới nằm trong nguyên tắc trường tồn của Học thuyết xã hội Công giáo, và cũng là trọng tâm của Giáo huấn của xã hội Công giáo. Tiếp đến, Cha chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của liên đới. Liên đới là sự tương trợ, và lệ thuộc của con người với nhau trong một tổ chức, một xã hội. Liên đới không làm mất đi tính riêng biệt của mỗi người nhưng nó càng làm tăng giá trị tự do cho sự phát triển chung. Hơn nữa, liên đới còn là một đức tính luân lý. Đó không phải là cảm giác thông cảm mơ hồ hay hời hợt trước những bất hạnh của người khác nhưng phải là sự dấn thân lo cho công ích, tức là lo cho ích lợi của mọi người. Đây là đức tính nằm trong phạm vi của công bằng, của giá trị Tin mừng.
Cha cũng nhấn mạnh về sự liên đới và phát triển chung của nhân loại. Trong thông điệp Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, liên đới bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc, liên đới và hoà bình trên thế giới. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng: mỗi người đều có bổn phận đối với xã hội và cũng là người mắc nợ xã hội.
Sau cùng, Cha Vinh Sơn làm nổi bật mẫu gương của Đức Giêsu Kitô về sự liên đới. Đức Giêsu Nazareth là Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá.”
Buổi chiều, Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh đã trình bày về “Kỹ Năng Lãnh Đạo”. Đối với bất kỳ một tổ chức, hay một nhóm nào đó, đều cần có người lãnh đạo. Bắt đầu bằng một vài khái niệm về lãnh đạo. Lãnh đạo là người dẫn đường, dẫn dắt, và hướng dẫn người khác hay một tổ chức nào đó. Lãnh đạo là kỹ năng thúc đẩy người khác hành động theo hướng đạt được những mục tiêu chung đề ra. Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của cấp dưới để đạt được những kết quả mong đợi. Lãnh đạo là truyền cảm hứng và định hướng cho hành động của cấp dưới. Vai trò của lãnh đạo là khơi dậy tiềm năng của nhân viên, tạo sự kết nối giữa những người có liên quan, thúc đẩy sự thay đổi cá nhân và tổ chức, xác định được tầm nhìn… Sau đó, với câu hỏi lãnh đạo làm nên tầm nhìn hay tầm nhìn làm nên lãnh đạo? Câu trả lời không phải lãnh đạo tạo nên tầm nhìn mà chính “tầm nhìn” của người đứng đầu tổ chức tạo nên sự lãnh đạo, đã cho thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo là cần có tầm nhìn. Việc áp dụng cửa sổ JOHARI cho người lãnh đạo là rất cần thiết. Người lãnh đạo là người biết cởi mở chính mình, người thấu hiểu về mình và người khác, người biết đón nhận những phản hồi, và biết lắng nghe sẽ tạo được niềm tin và xây dựng được mối tương quan tốt. Như thế lãnh đạo mới hiệu quả.
Thái độ và phong cách của người lãnh đạo cũng là yếu tố thiết yếu trong việc điều hành. Một người lãnh đạo cần phải có sự chân thành, hiểu và thông cảm với cấp dưới của mình. Người lãnh đạo cần xây dựng được mối tương quan tốt với cấp dưới và không nên có thái độ “cấp trên.” Chất lượng lãnh đạo phần lớn phụ thuộc vào Trí tuệ cảm xú (EQ) của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo nhận biết được cảm xúc của mình và người khác, hiểu được cảm xúc của mình cũng như của người khác, biết tạo ra cảm xúc, và quản lý cảm xúc của mình và của người khác, thì tạo được sự tthành công trong việc lãnh đạo. Sau cùng là phần trình bày về bốn phong cách lãnh đạo: phong cách lãnh đạo độc đoán, tự do, dân chủ và lãnh đạo theo tình huống. Trong lãnh đạo theo tình huống có bốn kiểu: (1) Hướng dẫn/chỉ đạo (2) Tư vấn/huấn luyện, (3) Động viên, (4) uỷ quyền (hoàn toàn tin tưởng trao quyền). Tuỳ theo khả năng cấp dưới, tuỳ nhân viên mới hay cũ, tuỳ tính cách của mỗi nhân viên mà người lãnh đạo áp dụng phong cách nào cho phù hợp. Ngoài ra người lãnh đạo luôn cần có sự lắng nghe, sẵn sàng nhận phản hồi để có thể điều chỉnh con người của mình và cho việc lãnh đạo tốt hơn.
Tiếp đến là phần trình bày của Ban Phòng Chống Buôn Bán Người (PCBBN) do Nữ tu Jacinta Dương Hoàng Anh Thư. Bắt đầu bằng đoạn video-clip trích đoạn trong phim “Quỳnh Búp Bê”, cho thấy rằng nhạn nhân bị lừa đảo, bị ép làm nô lệ tình dục, bị đánh đập dã man như thế nào.
Trong những năm gần đây, nạn buôn bán người diễn ra rất tinh vi và độc ác. Rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị lừa đảo ép làm nô lệ tình dục. Các bé trai bị ép làm những công việc nặng nhọc hay bị bán cho các chủ tàu đánh cá… Không ít số người bị bắt cóc để lấy nội tạng. Họ có thể bị chết hay bị di chứng nghiêm trọng vì không được chăm sóc y tế.
Chính phủ Việt nam cũng báo động về tình trạng buôn bán người, theo báo chí ghi nhận, hiện nay nạn buôn người xảy ra khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Vì đây là hình thức mang lại lợi nhuận rất lớn cho bọn buôn người. Phần lớn nạn nhân người Việt Nam ban đầu được giới thiệu việc làm ở nước ngoài, hoặc được môi giới hôn nhân, và sau cùng bị lừa đảo sang nước ngoài. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác. Họ bị ép làm nô lệ tình dục, bị cưỡng bức lao động. Đa phần nạn nhân ban đầu do muốn thay đổi số phận, do thiếu thông tin,và cả tin vào các nhà môi giới. Vì vậy mà họ đã bị sa vào tay bọn buôn người. Trước tình trạng báo động như vậy, Caritas Việt Nam kết hợp với Caritas các Giáo phận nỗ lực truyền thông cho các bạn trẻ tinh thần cảnh giác cao độ, để bảo vệ chính mình cũng như những người thân, tránh rơi vào những cạm bẫy của bọn buôn người. Từng bước thành lập nhóm Tình Nguyện Viên để họ cùng chung tay tuyên truyền, gặp gỡ những bạn trẻ, phụ huynh, để giúp họ hiểu biết thêm và tránh rơi vào nạn buôn người.
Sau cùng là phần trình bày của Nữ tu Anna Vũ Thị Kim Hồng, phụ trách Ban Di Dân của Caritas Việt Nam.
Góp phần chia sẻ với những người di dân nghèo tại Việt nam, rất nhiều con em di dân không đủ điều kiện vào các trường công lập, hay hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Vì vậy, Caritas Việt Nam đã giúp đỡ và hỗ trợ cho các em được tiếp cận giáo dục, tạo sân chơi bổ ích, bình đẳng với các trẻ em khác. Việc cộng tác với các trường tư để mở lớp phổ cập, hỗ trợ bữa ăn sáng, thành lập thư viện, dự án giáo dục hè, tập huấn cho các giáo viên… là những hoạt động của Caritas Việt Nam. Trong tương lai, Ban Bác Ái Di Dân – Caritas Việt Nam nhắm tới việc: Mở rộng mô hình thư viện, tiếp tục giúp đỡ trẻ di dân có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ di dân không những được tiếp cận giáo dục mà còn được tiếp cận về mặt đạo đức, nhân bản, tâm linh, kết nối và mở rộng mạng lưới tại các Giáo phận.
Ngoài ra Caritas Việt Nam còn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ có công ăn việclàm ở Nhật. Đây là nỗ lực của Caritas Việt Nam đang dấn thân cho những người di dân nghèo, sánh như giọt nước trong đại dương. Hơn bao giờ hết, người di dân đặc biệt là các con em di dân, những thanh niên đang độ tuổi cống hiến cho gia đình và xã hội rất cần đến sự nâng đỡ, hỗ trợ về mọi mặt để họ được sống đúng với giá trị nhân phẩm của con người.
Phần trình bày của ban di dân đã khép lại ngày Hội thảo chủ đề Hội Nghị vào lúc 17g00.
BTT Caritas Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét