Truyện kể rõ ràng: Sau khi thụ phong Linh Mục, cha Phan-xi-cô Thuận đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, vừa để tạ ơn, vừa để xin Mẹ che chở chúc lành đời phục vụ. Ngày ra về, cha cứ nghe âm vang trong lòng: dường như Đức Mẹ nhủ mình ráng can đảm, vì bao thử thách đang chờ đợi trước mắt. Phải chăng có chút gì giống ngày xưa tiên tri Si-mê-on tiên báo về đau khổ Mẹ sẽ chịu vì người con yêu dấu (lễ dâng Chúa vào đền thờ). Nhưng cha Thuận cứ tin tưởng. Mọi sự có Chúa lo !
Về nước, làm giám đốc chủng viện, rồi vinh thăng Giám mục Nha Trang lúc mới 39 tuổi đời. Công tác mục vụ nào cũng thành công. Chuyện xã hội nào cũng vuông tròn. Trăm người đều mến thương, kính phục và hãnh diện. Mẹ ơi, lời tiên tri ‘ngầm’ của Mẹ không ứng nghiệm tí nào cả mất rồi !
Nhưng…Cái nhưng tai quái ! Biến cố 1975 ập tới. Dù tâm tư vị giám mục trẻ có phần nào nao núng, nhưng tòa thánh Vatican lại cất nhắc ngài lên chức Tổng giám mục phó Saigon với quyền kế vị ! Vinh dự lớn lao…Bao người mừng chúc…Tương lai như mở ra tươi sáng!
Và rồi chuyện phải đến đã đến: ngài sống đời lao tù suốt 13 năm ròng rã. Mẹ ơi, con nhận ra điều mẹ tiên báo ngày xưa rồi ! Mẹ ở bên con luôn nhé ! Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thời điểm đã tới với Phan-xi-cô Nguyễn văn Thuận. Đây là lúc phải vận dụng hết năng lực nội tâm, dựa tuyệt đối vào ơn Chúa, ngài đã hình thành và chia sẻ với giáo dân một LINH ĐẠO tuyệt vời để sống và thực hành đức tin trong mọi hoàn cảnh.
Một Linh Đạo siêu việt
Mãn tù, ngài được đi nước ngoài chữa bệnh, rồi nhận lệnh cấm không được về lại Viêt Nam nữa. Thế là ngài được vị giáo hoàng đương thời đón trong vòng tay trìu mến. Rồi được mời giảng tĩnh tâm mùa chay cho giáo triều Rô Ma, rồi Chúa quan phòng tạo dịp cho ngài tiếp tục phục vụ giáo hội trong chức vụ chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình…Và qua những ngày suy tư về đời sống và ơn gọi phục vụ, ngài đã giúp hình thành những trang sách hướng dẫn giáo dân sống đạo theo đúng tinh thần Phúc Âm.
Thật ra, từ ngày coi chủng viện Huế cho tới phút lìa đời, Hồng Y Thuận luôn đem khẩu hiệu ‘VUI MỪNG và HY VỌNG ‘ ra để sống và chia sẻ với mọi thành phần dân Chúa. Nhờ thế ngài can đảm kiên trì ngay cả những tháng năm dài đằng đẵng trong tù. Cái nền tảng vững vàng của nền Linh Đạo này chính là Đức Ái: Kính mến Chúa và yêu thương mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Ngày phải vào nhà thương cho bác sĩ cắt đi 2 kí rưỡu bướu độc trong người (phải tạm để lại 4 kí rưỡi), ngài vẫn nói thản nhiên: ”Chúa sẽ giúp tôi luôn vui mừng và hy vọng, vì tôi mãi sống trong Đức Ái của Người”. Thành ra, cả đời, ngài chưa bao giờ thốt lên một lời cay đắng hận thù.
Vào năm 1997, khi tập sách ’5 chiếc bánh và 2 con cá’ của ngài được ra mắt, ngài nói rõ mục đích viết ra chỉ là để giúp các bạn trẻ nhận ra sứ điệp tình thương, tha thứ và hòa giải. Chính tâm trạng này mới thực sự tạo cho hồn trí chúng ta niềm vui chân thật và bình an của chính Chúa.
Cái tiêu đề HY VỌNG mới thực sự cho mọi người thấy cốt lõi đời thiêng liêng của ngài. Cho nên tập sách căn bản ‘Đường Hy vọng’ đã được in sách qua 10 ngôn ngữ. Rồi phụ thêm là tập ‘Đường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa’ được in sách qua 2 thứ tiếng, giống như tập kế là ‘Những người lữ hành trên đường Hy vọng’.
Linh đạo này dĩ nhiên đòi chúng ta kết hợp liên lỉ với Chúa qua sự cầu nguyện. Có cầu nguyện mới có niềm vui và hy vọng. Có cầu nguyện chúng ta mới biết chia sẻ những gì tốt đẹp nhất cho tha nhân. Cầu nguyện vì thế phải là nền tảng của việc tông đồ (phúc âm hóa). Nguồn sinh lực giúp ta sống đời cầu nguyện mạnh nhất là Bí Tich Thánh thể. Việc này đẩy đưa tới lối Linh Đạo Hiệp thông: đến với mọi người, mong quy tụ tất cả thành gia đình con Chúa. Ai cũng phải nhập cuộc và chịu khó tham gia vào vườn nho của Chúa.
Để lo cho tha nhân, chính cộng đoàn chúng ta phải yêu thương đoàn kết trước. Phại học cách từ bỏ cái tôi cố hữu. Cần nhìn anh em chị em như hiện thân của chính Chúa Ky tô. Cần những gương sáng và lời khích lệ chân tình, để mong cùng nhau xây dựng hội thánh và nước Chúa ở trần gian.
Ánh sáng và muối men
(Ông bà cố nói không mong ngài làm Giám Mục hay Hồng Y, nhưng muốn ngài luôn là Linh mục tốt của Chúa)
Ai cũng phải biết đi từ gia đình mà chia sẻ Chúa cho mọi người ngoài xã hội, cộng đồng. Hồng Y Thuận tóm tắt lối sống tâm linh này như sau:
---Tiêu cực: Không nên sống cục bộ / Tiêu cực bi quan / Cá nhân chủ nghĩa / Lười biếng tránh né / Theo chuẩn mực thé tục / Chỉ chờ phép lạ / Tùy hứng vô định / Thiếu trách nhiệm/ Bè phái chia rẽ…
(Vì từ lối sống này, sẽ tạo nên thái độ kiêu căng / Bối rối / Thiển cận / Đa nghi / Ôm đồm / Xu thời / Luộm thuộm / Hám danh / Thích mưu mô.)
---Tích cực: Khiêm tốn / Tin ơn Chúa / Biết trao đổi đối thoại / Cẩn thận / Can đảm / Yêu thương / Mong phục vụ / Tha thứ / Thích hòa giải / Ưa cầu nguyện…
(Hồng Y Thuận bảo lối sống tích cực này sẽ thành ‘Thập Đại Thắng’.)
Từ những lời chỉ dẫn về Linh Đạo cao quý này, Hồng Y Thuận đã được nhiều người chú ý đến đời sống đạo cá nhân của ngài qua các đặc điểm như sau: Luôn hòa nhã vui cười / Sống giản dị khiêm tốn / Nghiêm khắc với mình và công việc / Hướng đi tâm linh vững vàng/ Lòng bác ái trổi vượt.
Con người của Chúa
Tinh thần của Hồng Y Thuận đã được cả thế giới biết, nhất là trong dịp ngài lãnh chức Hồng Y vào năm 2001. Trong dịp này, ngài đã thành thật trả lời báo chí phỏng vấn: ”Tôi kiên trì được trong hơn 13 năm tù là nhờ luôn thấy Chúa ‘ở tù’ với tôi. Tôi ráng dâng thánh lễ mỗi ngày với chút bánh khô, kèm vài giọt rượu pha một giọt nước trong lòng bàn tay, để mong có sức mạnh trong lòng”.
Cuộc đời lạ thường của ngài nhắc nhở mọi tín hữu chúng ta phải sống và tuyên xưng Tin Mừng cho thế giới, ở bất cứ hoàn cảnh nào. Dĩ nhiên đây là hoa quả của lòng trung thánh với Chúa Ky tô. Trong tù, ngài biến trại tập trung trở thành giáo phận, với nhà thờ chánh tòa là con tim sốt mến của mình, biến bàn tay gầy gò của mình thành bàn thờ tế lễ mỗi ngày, biến túi áo nhỏ bé của mình thành nhà tạm, và biến phòng giam chật hẹp tăm tối thành tòa đấng cao sang.
Chúng ta hãnh diện, bây giờ là năm 2018, ngài đã được tôn lên bậc ‘Đấng đáng kính’, chờ ngày lên bậc chân phước, rồi hiển thánh. Tuy nhiên, trong tâm tư các tín hữu Việt Nam, ngài đã quả thật đáng được gọi là thánh. Không ai chối cãi về những nhân đức anh hùng của ngài, mà nền tảng là lòng yêu thương không biên giới. Bà con xa gần đều nhắc tới mẩu truyện ngài nói với anh lính canh tù: “Ngay cả khi các anh muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn luôn yêu thương các anh, bởi vì Chúa của tôi dạy tôi như thế”.
Hôm nay nhắc tới Hồng Y khả kính của chúng ta, chúng ta không chỉ dừng ở chỗ hãnh diện về ngài, nhưng quan trọng nhất là việc noi gương ngài đã sống ra sao. Cùng cầu nguyện với ngài cho hòa bình thế giới, cho dân tộc và giáo hội Việt Nam. Mong sao thấy Hội thánh sớm cho phép toàn thế giới được tôn kính ngài trên bàn thờ.
LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét