Trong Thánh lễ Truyền chức linh mục, lời Mẹ Hội Thánh căn dặn các tiến chức: “Con hãy nhận lấy lễ vật của Dân Thánh. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa”.
Qua đó và nhờ đó, mọi người có thể nhận ra khuôn mặt và tình yêu của Đấng Phục Sinh được tỏa sáng trong cử hành phụng vụ và trong cuộc đời của Tân Linh mục. Đó là lúc họ đang sống lời khẳng định của Thánh Gioan Maria Vianney: “Một mục tử nhân lành là kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa nhân từ có thể ban cho một giáo xứ và là một trong những ân huệ cao quý nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa”. Đó là tất cả ý nghĩa và vẻ đẹp thực của đời linh mục.
Hẳn nhiên, không trừ một ai, từ linh mục đến giáo dân ai cũng mong các ngài là những linh mục như lòng Chúa muốn cũng như giáo dân mong đợi. Vị linh mục mà Chúa muốn mà giáo dân mong đợi chính là vị linh mục sống và mặc lấy tâm tình, cuộc đời, sứ mạng của Đức Kitô, để trở thành một Kitô khác chứ không phải khác Đức Kitô.
Trong thực tế và nhất là trong thời đại ngày hôm nay, nền kinh tế thị trường phát triển đến chóng mặt, cũng như đời sống thay đổi đến chóng vánh, đã làm cho đời sống con người bị ảnh hưởng và đổi thay. Đời linh mục, đời tận hiến ngày hôm nay cũng không tránh khỏi cơn lốc của đồng tiền, của quyền lực, của danh vọng để rồi nơi linh mục không còn lung linh hình ảnh của một Đức Kitô nữa, mà dường như nơi vị linh mục đó khác Kitô rất nhiều.
Quanh ta, vẫn có đó và còn đó nhiều gương sáng của đời sống mục tử nhân lành, nhưng cũng không thiếu những hình ảnh làm cho người giáo dân chùn bước trong đời sống đức tin. Dẫu sao giáo dân cũng là con người, họ nhìn vào đời sống các mục tử như là hình ảnh của một Đức Kitô đang ở gần họ. Thế nhưng, đáng tiếc thay có những linh mục ở rất gần và thật gần nhưng xem ra lại là quá xa.
Nhiều người chứ không phải là ít đã rơi vào cảnh ngộ “bé cái lầm” khi nâng đỡ đời sống tu trì. Họ rất tốt bụng và có cái nhìn thánh thiêng là giúp cho Giáo Hội, giúp cho những người tu trì có phương tiện sống và làm việc tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn. Thế nhưng, dường như họ đều “té ngửa” sau khi được vén bức màn của sự thật.
Vừa qua, khi tham dự Thánh lễ tạ ơn tất niên cuối năm của một mái ấm. Mọi người đều tạ ơn Chúa vì sau một năm hoạt động, tất cả thu chi còn tồn ngót nghét 4 tỷ. Một vị linh mục bảo: “Làm từ thiện không bao giờ lỗ!”
Vâng! Làm từ thiện theo như cách cha nói đó không bao giờ lỗ nhưng coi chừng. Có khi nhìn lại mất cả chì lẫn chài chứ không phải là lỗ. Bởi lẽ, khi được người đời ca tụng tán dương, liệu rằng ta có chân nhận rằng đó là ơn Chúa hay do tài khéo léo của ta. Hay có khi bên dưới của một hồ nước phẳng lặng của một đời sống mục vụ và phục vụ cao đẹp đó lại là một làn sóng ngầm của chia rẽ đau thương.
Cũng có những người kịp nhận ra những điều không hay đó và họ đã lui vào hậu trường sống lặng lẽ dẫu rằng trước đó họ là một Mạnh Thường Quân đắc lực. Họ cảm thấy buồn khi sự hy sinh của họ vô tình làm tăng thêm phần xáo trộn.
Cũng thế! Một giáo dân đã hết tình và hết mình để lo việc chung cho giáo phận, nhưng khi cha mình chết, muốn xin một Thánh lễ đồng tế để thêm lời cầu nguyện cho cha mình nhưng không được phép vì Luật đã ban! Ngược lại, chỉ là một Thánh lễ cử hành nghi thức rửa tội cho một giáo dân hay một Thánh lễ cầu nguyện cho một giáo dân qua đời thì có hàng trăm linh mục và hàng chục giám mục.
Thật ra, trăm hay chục cũng là bình thường, nhưng đôi khi chính những hình ảnh đó đã làm tổn thương những người nghèo, những người cô thế cô thân. Những người nghèo họ tự nhủ: “Giá mà cha đến nhà nghèo để dâng Lễ thì hay biết mấy!”; “Giá mà Lễ của một người bán vé số mà đông cha như vậy!”; “Giá mà người nghèo được hành xử như thế!” và rồi biết bao nhiêu chữ “giá mà” gợi lên trong tâm khảm người giáo dân.
Có thể các đấng các bậc cũng vô tình chứ không hữu ý khi làm điều này điều kia “trái tai gai mắt”, đã làm mất đi hình ảnh lung linh trong tâm khảm của tín hữu; nhưng rồi, những lần vô ý đó đã để lại cho họ sự đánh giá sai về linh mục. Hay có những phương tiện, vật dụng của đời tu nó không phù hợp khi nhà tu sử dụng để rồi những người nghèo họ nhận định không đúng về đời tu; trong khi đó, nhà tu biện luận phần phải về mình mà quên đi căn tính của nhà tu phải như vậy. Và điều đắng lòng chính là, có những trường hợp trước khi đỗ “cụ” thì gia đình bình thường nhỏ bé, nhưng sau khi đỗ “cụ” gia đình lại thay đổi hơn xưa. Kèm theo đó là cung cách hành xử “cha chú” của các “cụ” để rồi giáo dân ngày càng chán ngán.
Nạn quan liêu cũng như hành xử như “một đấng có uy quyền” là vấn nạn muôn đời không thay đổi. Thay vì hiền lành và khiêm nhường, và nhất là, có lòng xót thương dành cho người tín hữu như Đức Thánh Cha Phanxicô hằng mong ước nơi các giáo sĩ, thì lại cư xử theo kiểu giáo sĩ trị. Và đau hơn hết, là cung cách hành xử của linh mục luôn luôn đúng và không bao giờ sai!!! Nhiều lãnh vực như khoa học kỹ thuật, xây dựng... linh mục không hề được đào tạo nhưng luôn cho mình là đúng để rồi cứ làm sai...
Tiếc thay, một số linh mục sống như thế nào đó, để rồi người giáo dân định nghĩa đời tu ngày hôm nay như một cái nghề! Tệ hơn nữa, là những lời dèm pha chỉ trích nặng lời dành cho những người sống không đúng đời tu. Kể cũng tội! Khi linh mục không nhận ra căn tính của mình, thì dễ bị sa ngã, vì lẽ con người mỏng dòn và yếu đuối.
Thật vậy! Đời linh mục vẫn là đời của những con người mỏng dòn và yếu đuối. Tất cả đều như Thánh Phaolô tông đồ nói với cộng đoàn Côrintô rằng: “Sức mạnh ấy, kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong bình sành, lọ đất (bình sành là thân xác yếu đuối, dòn mỏng của con người). Ngõ hầu quyền lực siêu vời kia thực rõ là của Thiên Chúa chứ không phải xuất phát tự chúng tôi” (2Cr 4,7).
Chính vì thế, để cho đời của linh mục lung linh và đặc biệt trở thành một Kitô khác cần phải nhào nắn, cần phải chỉnh trang mỗi ngày, sao cho phù hợp với nhân cách của đời tu, và đi theo sát Đức Kitô hơn. Bất cứ ai dù là linh mục, giám mục và ngay cả giáo dân cũng cần phải tôi luyện hành trình đời mình, bởi lẽ con người luôn mang trong mình phận người mỏng manh. Có khi mình chỉ thấy cái rác nơi con mắt người khác mà mình quên đi cái đà to đùng đang nằm trong con mắt mình.
Trên và trong con đường lữ thứ trần gian đi về nhà Cha, giáo dân cần lắm một linh mục thánh thiện, và linh mục cũng cần lắm một đời tu chân chính. Để được như vậy, giáo dân và linh mục cần phải nghe nhau, đón nhận nhau, sửa chỉnh nhau để ngày mỗi ngày trở nên chân chính hơn, để linh mục trở thành một Kitô khác chứ không phải khác Đức Kitô. Muốn như thế, chỉ trong và với sự kết hợp mật thiết với Chúa và bước theo Chúa trên con đường mà Chúa đi, thì linh mục mới là một Kitô khác. Trong tâm tình đó, mỗi người Kitô hữu lại thêm lời cầu nguyện để ngày qua ngày, Giáo Hội có thêm nhiều mục tử chân chính như lòng Chúa mong ước.
Người Giồng Trôm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét